CN31 TN: Văn hoá gặp gỡ

Thứ bảy - 02/11/2019 20:51  1405
Chúa Nhật 31 Thường Niên, năm C

images 1Chúng ta đang sống trong những ngay cao điểm của mầu nhiệm hiệp thông khi toàn thể Giáo hội lữ hành mừng kính các Thánh (Giáo hội vinh thắng) và cầu nguyện cho các linh hồn (Giáo hội thanh luyện). Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cũng hướng chúng ta tới sự hiệp thông với Thiên Chúa và với nhau trong Chúa Giêsu Kitô, qua việc khuyến khích chúng ta gặp gỡ Chúa và ra đi gặp gỡ anh chị em mình.

Thiên Chúa đến gặp gỡ ta
Bài đọc I trích sách Khôn ngoan (Kn 11,23 -12) vén mở cho chúng ta thấy dung mạo của một Thiên Chúa “thương xót hết mọi người” và “yêu thương hết mọi loại hiện hữu”. Ngài thương xót, khoan dung đến mức “nhắm mắt làm ngơ không nhìn đến tội lỗi loài người” và “sửa dạy từ từ” để họ có cơ hội ăn năn sám hối trở về mà được sống. Điều này cho thấy Thiên Chúa không muốn có một rào cản nào, Ngài muốn mọi người có thể đến với Ngài, đón nhận tình thương của Ngài. Ngài không muốn loại trừ ai, không muốn ai phải chết, Ngài muốn tất cả được yêu thương và cứu độ.

Điều này cho ta hiểu tại sao Chúa Giêsu lại ngỏ lời với ông Dakêu. Mọi người Do Thái ghét bỏ ông, khinh miệt ông, loại trừ ông, không muốn có bất cứ một mối liên lạc nào với ông, vì không những ông làm nghề thu thuế mà còn là người “đứng đầu những người thu thuế” (Lc 19,2). Ông giàu có, nhưng đó là sự giàu có trên xương máu đồng bào, sự giàu có của một kẻ quay lưng lại với dân tộc và tiếp tay cho đế quốc ngoại bang! Nhưng Chúa Giêsu đã không hành xử như thế, vì Ngài là hiện thân của Chúa Cha, Đấng giàu lòng thương xót, nên “thương xót”, “không nhìn đến tội lỗi”, “sửa dạy từ từ”… Ngài mở cho ông một lối thoát, tạo cho ông một cơ hội. Tin Mừng nói Ngài “ngước nhìn lên” và “gọi” ông: “Này ông Dakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!”. Chúng ta để ý ba động từ: “nhìn lên”, “gọi”, “phải ở lại”! Một Đấng Thánh “nhìn lên” kẻ tội lỗi, mở lời kết nối với anh ta và tự buộc mình đi vào tương giao với anh ta! Quả là một tình yêu khiêm hạ, đi bước trước, cúi mình xuống với tội nhân để nâng họ lên.

Gặp gỡ Thiên Chúa mang đến an vui
Cuộc gặp gỡ kỳ diệu đó đã mang đến cho Dakêu một niềm vui tràn đầy. Tin Mừng kể là ông “vội vàng tụt xuống và vui vẻ tiếp đó người” (Lc 19,6). Niềm vui ấy thúc đẩy ông có những hành động phi thường: bố thí một nửa gia tài và đền gấp bốn những gì thiệt hại mà mình đã gây ra. Đúng là “ơn cứu độ đã đến với nhà này”! Gặp gỡ Chúa Giêsu biến đổi cuộc đời mình, quả thực như vậy. Ở đây chúng ta có thể nhớ tới lời của ĐTC Phanxicô đã từng nói trong tông huấn đầu tay của Ngài: “NIỀM VUI CỦA TIN MỪNG đổ đầy trái tim và cuộc sống của tất cả những ai gặp Chúa Giêsu. Những ai chấp nhận đề nghị cứu độ của Người đều được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn phiền, trống rỗng nội tâm và cô đơn. Với Đức Kitô, niềm vui luôn luôn được tái sinh.” (Evangelii Gaudium, số 1).

Đó là niềm vui của người được yêu thương vô cùng bởi tình yêu Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình yêu, Ngài yêu thương mỗi người chúng ta vô cùng vô tận. Chân lý này là nền tảng của niềm vui sâu xa và tràn đầy. Đây cũng là điều Vị Cha Chung nhấn mạnh trong tông huấn Christus vivit (Chúa Kitô đang sống): “Trước hết, cha muốn nói với chúng con về chân lý đầu tiên: ‘Thiên Chúa yêu con’. Nếu con đã từng nghe rồi, không quan trọng, cha chỉ muốn nhắc con nhớ rằng: Thiên Chúa yêu con. Con đừng bao giờ nghi ngờ điều đó, cho dù bất cứ điều gì xảy ra trong cuộc đời con. Trong bất cứ cảnh huống nào, con cũng được Thiên Chúa yêu thương vô tận” (Christus vivit, số 112).

Gặp gỡ là một nẻo đường truyền giáo
Truyền giáo là gặp gỡ, theo mẫu gương của Chúa Giêsu: ra đi, bắt chuyện, tiếp cận, lan tỏa Tin Mừng, biến đổi thế giới từ bên trong. Chúng ta hiểu tại sao Vị Cha Chung luôn thúc giục con cái mình “đi ra” tới vùng ngoại biên, “hoán cải” mục vụ (đi từ bảo tồn sang truyền giáo), “mở rộng cửa nhà thờ”... Không ra đi thì làm sao gặp gỡ, tiếp xúc, sẻ chia, lan tỏa? Không gặp gỡ thì Giáo hội có nguy cơ trở thành “viện bảo tàng”, “pháo đài”… Ngài nói: “Giáo hội không phải là thành lũy mà là căn lều mở rộng để đón tiếp mọi người. Giáo hội hoặc đi ra ngoài, hoặc không còn là Giáo hội nữa…”[1].

Tuy nhiên, cần ra đi, nhưng không phải ra đi một cách vô hồn mà là ra đi với một trái tim nồng nhiệt và “khao khát các linh hồn”. Giữa một đám đông chen lấn, vây quanh, mà chỉ với một sự tò mò của anh lùn cũng không bị bỏ qua. Trái tim nhạy bén và nhiệt huyết bừng cháy của Ngài đã không lướt qua bất cứ một thiện chí nhỏ bé nào. Ngài đã chủ động, đã “nhìn lên”, đã “gọi”, đã tự buộc mình kết giao với anh ta: “Hôm nay tôi phải ở lại nhà anh!”. Tâm thế của Chúa Giêsu là tâm thế cứu độ, tâm thế truyền giáo, tâm thế khao khát phần rỗi của anh chị em mình: “đến để cứu những gì đã mất”!

Trong cánh đồng truyền giáo bao la hôm nay, chúng ta được mời gọi dấn thân cho sứ vụ. Đó là hành trình gặp gỡ Chúa sâu đậm, cảm nhận niềm vui sâu xa nhờ đón nhận tình yêu Chúa, ra đi gặp gỡ anh chị em và chia sẻ niềm vui tin mừng ấy. Công cuộc truyền giáo sẽ tiến triển biết bao, nếu mỗi gặp gỡ tiếp xúc của chúng ta hằng ngày trở thành một cơ hội loan báo tin mừng. Điều ấy phụ thuộc trước hết vào việc chúng ta “phúc âm hóa” chính mình, bởi vì “là tông đồ không có nghĩa là đeo một huy hiệu trên ve áo, không có nghĩa là giảng thuyết về chân lý, nhưng là sống chân lý, trở thành hiện thân của chân lý, được biến đổi thành Đức Kitô […] là một gương sáng hơn là một bài học. Sứ điệp biến thành sự sống hiện sinh” (Thánh Alberto Hurbato, trích theo Christus vivit, số 175).

[1]G. Trần Đức Anh, Bản tin ĐTC tiếp kiến chung 23/10/2019,  http://vietnamese.rvasia.org

Tác giả: Lm. Đaminh Trần Ngọc Đăng

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập241
  • Máy chủ tìm kiếm22
  • Khách viếng thăm219
  • Hôm nay52,983
  • Tháng hiện tại916,268
  • Tổng lượt truy cập78,919,719
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây