Cách giải quyết những khó khăn trong gia đình

Thứ bảy - 28/12/2019 10:02  2688
CHÚA NHẬT LỄ THÁNH GIA THẤT NĂM A
Hc 3, 3-7.14-17; Cl 3, 12-21; Mt 2,13-15.19-23

download 8Chúng ta vừa mừng đại lễ Giáng Sinh, Chúa Giêsu Kitô đã giáng sinh trong một gia đình cụ thể: có cha có mẹ là thánh Giuse và mẹ Maria. Vì thế, trong bầu khí vui tươi của lễ Giáng Sinh, chúng ta cùng nhau suy nghĩ về đời sống gia đình. Mầu nhiệm Giáng Sinh sẽ giúp chúng ta hiểu biết sâu xa hơn về thực tại đời sống gia đình qua mẫu gương Thánh Gia thất.

Các bài đọc thánh lễ hôm nay soi sáng cho chúng ta biết cách giải quyết những khó khăn thử thách mà các gia đình đang gặp phải, trong đó có những khó khăn giữa cha mẹ và con cái. Đặc biệt là đối với giới trẻ trong năm mục vụ: Đồng hành với người trẻ hướng đến sự trưởng thành toàn diện.

1. Những khó khăn trong gia đình giữa cha mẹ và con cái

Thưa các bạn trẻ, những khó khăn trong mối quan hệ giữa các bạn và cha mẹ thường xẩy ra khi các bạn bắt đầu bước vào tuổi trưởng thành. Suốt thời thơ ấu chúng ta sống trong vòng tay nâng niu của cha mẹ, chúng ta nghĩ và làm theo cha mẹ. Nhưng khi bắt đầu khôn lớn, các bạn có những lối nghĩ khác, những quyết định khác và những hành động khác với ý muốn của cha mẹ. Lúc đó, cha mẹ cảm thấy đứa con như buột khỏi tầm tay của mình, và phản ứng tự nhiên của các bậc cha mẹ là giận dữ, la mắng và áp đặt lên con cái.

Còn chính các bạn thì lại cảm thấy cha mẹ chẳng hiểu cho mình chút nào, các bạn cho rằng cha mẹ độc tài, chẳng chịu thông cảm và nâng đỡ cho những suy nghĩ và chọn lựa riêng của các bạn. Và các bạn trẻ thường trở nên căng thẳng, thất vọng, chán trường. Các bạn thường tỏ thái độ chống đối cha mẹ bằng cách làm ngược lại ý muốn của cha mẹ, để chứng tỏ rằng mình có thể sống độc lập được. Nhưng vì chưa đủ kinh nghiệm sống, chưa đủ hiểu biết để đánh giá đúng những điều tốt điều xấu trong một xã hội vô cùng đa dạng và phức tạp, cho nên nhiều bạn trẻ đã sa ngã vào những tệ nạn xã hội, làm huỷ hoại cuộc đời mình và làm tan nát hạnh phúc gia đình.

2. Nguyên nhân của những khó khăn giữa cha mẹ và con cái

Nếu đó là một thực tế, thì đâu là những nguyên nhân của những khó khăn trong mối tương quan giữa cha mẹ và con cái?

Trước hết chúng ta cần nhìn nhận rằng giữa cha mẹ và con cái có những khác biệt. Con cái không chỉ khác cha mẹ về tuổi tác, tính tình, là những khác biệt tự nhiên hình thành nên từng cá thể, mà còn khác về quan niệm sống, và về những chọn lựa cơ bản như nghề nghiệp, người bạn đời… Nhất là trong nền kinh tế thị trường và xu hướng toàn cầu hoá hiện nay đang làm thay đổi những quan niệm nền tảng về một gia đình hạnh phúc. Sự khác biệt đó chính là nguyên nhân gây ra những mâu thuẫn, những căng thẳng trong mối quan hệ giữa cha mẹ với các bạn trẻ.

Thứ đến, truyền thống người Việt Nam chúng ta rất coi trọng đạo hiếu trong gia đình. Cũng như bài đọc 1 hôm nay nhắc đến bổn phận hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ. Nhưng chữ “hiếu” và “đức vâng lời” thường bị hiểu sai lệch cách nào đó, khiến chúng ta lầm tưởng rằng con cái không bao giờ được quyền nói năng, suy nghĩ, làm việc, và lựa chọn khác với ý muốn của cha mẹ. Thực ra, tinh thần đạo hiếu không buộc con cái phải vâng lời cha mẹ một cách vô điều kiện như thế, nhưng đạo hiếu là một mối quan hệ hai chiều: phụ từ - tử hiếu, cha mẹ nhân từ, con cái hiếu thảo, và được thực hành với sự “chính danh”, cha mẹ sống đúng với vai trò trách nhiệm làm cha làm mẹ của mình, và con cái sống đúng với danh phận làm con trong gia đình.

Cuối cùng, mối quan hệ giữa con cái và cha mẹ là một mối quan hệ vừa độc lập, vừa phụ thuộc. Thánh Phaolô trong thư Côlôxê đã khuyên chúng ta về mối tương quan đó: “kẻ làm con phải vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp ý Chúa. Những bậc cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng” (Cl 3, 20-21). Chính trong lời khuyên này đã cho chúng ta thấy nguyên nhân gây ra những khó khăn giữa cha mẹ với con cái: một đàng có thể do cha mẹ chưa thông cảm, tìm hiểu, và tôn trọng những khác biệt của con cái để hướng dẫn cho con cái có được những lựa chọn đúng đắn, dẫn đến việc làm cho con cái bực tức, ngã lòng. Đàng khác, có thể do con cái cũng chưa biết nhận ra tình thương, sự lo lắng của cha mẹ khi đưa ra những lời chỉ bảo dành cho mình, chưa biết bàn hỏi và vâng lời cha mẹ trong những điều chính đáng.

3. Cách giải quyết những khó khăn theo gương Thánh Gia Thất

Bài Tin mừng hôm nay thuật lại chuyện Thánh gia gặp phải một khó khăn thử thách: thánh Giuse phải đưa Đức Mẹ và Hài Nhi Giêsu trốn sang Ai-cập tị nạn, cho đến khi vua Hê-rô-đê băng hà thì mới trở về quê hương Na-da-rét, cùng với biết bao thăng trầm của cuộc sống gia đình. Trước những khó khăn đó, Thánh Giuse luôn là người im lặng lắng nghe lời Chúa và mau mắn thi hành theo thánh ý Chúa. Còn Mẹ Maria thì: “hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng”(Lc 2, 51), nghĩa là Mẹ luôn lắng nghe, suy nghĩ để tìm ra thánh ý Chúa, và để thưa lên tiếng “xin vâng” trong mọi hoàn cảnh biến cố của gia đình Na-da-rét.

Còn gia đình chúng ta ngày nay, chúng ta làm gì để nhận ra thánh ý Chúa qua những khó khăn thử thách xẩy đến cho gia đình mình? Và chúng ta phải làm sao để xây dựng một gia đình hạnh phúc thực sự? Thánh Gia dù là một gia đình thánh thiện và tràn đầy ơn Chúa, nhưng cũng không tránh khỏi những khó khăn thử thách. Vì thế, chúng ta đừng ngạc nhiên khi gia đình mình gặp những khó khăn thử thách, và cũng đừng ngã lòng khi cho rằng Chúa không thương gia đình mình. Điều mà các gia đình nên học nơi Thánh Gia là cách giải quyết những khó khăn đó theo thánh ý Chúa, như Thánh Giuse và Mẹ Maria luôn lắng nghe Lời Chúa dạy và sống thánh ý Chúa.

Chúng ta hãy nghe lại lời khuyên của thánh Phaolô Tông đồ trong bài đọc 2 hôm nay: “trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái, đó là mối dây liên kết tuyệt hảo”(Cl 3,14). Và lời cầu chúc của ngài: “Nguyện cho bình an của Chúa Kitô làm chủ trong lòng anh em, và nguyện cho lời Chúa Kitô cư ngụ dồi dào trong lòng anh em”(c.15-16). Như thế thì trọng tâm của tình bác ái trong gia đình là sự hiện diện của Chúa Kitô trong tâm hồn mỗi thành phần trong gia đình, và do đó liên kết mọi thành phần trong gia đình lại với nhau.

Chúng ta đang mừng màu nhiệm Giáng Sinh: Con Thiên Chúa nhập thể làm người và ở giữa chúng ta. Mầu nhiệm nhập thể chỉ mang lại ý nghĩa và hạnh phúc đích thực cho cuộc đời chúng ta khi Đức Kitô được sinh ra và lớn lên nơi chúng ta, nghĩa là chúng ta hãy mang lấy những tâm tình của Đức Kitô, để cho Đức Kitô suy nghĩ nơi trí óc chúng ta, hành động nơi con người chúng ta, và yêu thương nơi trái tim đang đập phập phồng trong nồng ngực chúng ta, để như lời thánh Phaolô khuyên: “chúng ta có làm gì nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Đức Kitô”(c.17). Riêng đối với các bạn trẻ, chính nhờ việc sống gắn bó với Chúa Kitô và được Ngài hướng dẫn cuộc đời các bạn như thế, các bạn sẽ có một lý tưởng sống vững vàng, có những suy nghĩ và lựa chọn đúng đắn, làm vui lòng cha mẹ và mang lại hạnh phúc cho gia đình các bạn.

Giờ đây, xin mời chúng ta dành một phút thinh lặng để cầu nguyện cho gia đình chúng ta và cho các gia đình trên thế giới: Lạy Chúa, trong ngày lễ kính Thánh Gia thất hôm nay, xin cho tất cả mọi gia đình hiểu rằng điều quan trọng không phải là một gia đình không có thử thách, nhưng quan trọng là từng gia đình luôn được Chúa hiện diện, luôn biết lắng nghe và tôn trọng lẫn nhau, để cùng nhau giải quyết những khó khăn, nhờ việc cầu nguyện và suy niệm Lời Chúa trong gia đình. Xin cho chúng con luôn biết đặt Chúa làm trọng tâm đời sống gia đình, để có thể vượt qua những khó khăn thử thách xẩy ra cách này hay cách khác. Xin gìn giữ tất cả các gia đình trên thế giới trong tình yêu của Chúa. Amen.

Tác giả: Lm Gioan B. Vũ Quốc Đạt - Nhóm suy niệm BC

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập326
  • Máy chủ tìm kiếm15
  • Khách viếng thăm311
  • Hôm nay52,983
  • Tháng hiện tại914,687
  • Tổng lượt truy cập78,918,138
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây