Họ cần được lắng nghe
Thứ tư - 19/09/2018 23:53
2730
Sau khóa tĩnh tâm năm - cuộc lên núi đầy ý nghĩa trong ân sủng và bình an của Thiên Chúa, chúng tôi được mời gọi xuống núi để sẻ chia nguồn tình yêu bất tận. Đáp lại lời mời gọi, như thường lệ vào mỗi sáng Chúa nhật, chị em chúng tôi đi mục vụ bác ái và lần này, chúng tôi thực hiện chuyến đi tới giáo xứ Hạc Châu.
Thoạt nghe tên giáo xứ Hạc Châu, tôi có cảm giác xa xôi, mới lạ nhưng vì đường đi không quá khó khăn nên chỉ gần 20 phút chạy xe, chúng tôi đã có mặt tại giáo xứ. Theo như lời chia sẻ của cha xứ: “Giáo dân ở đây khá ít, chỉ hơn kém 700 nhân danh. Đa số là đi làm ăn xa, hơn nữa cuộc sống của bà con tương đối ổn định.” Đương nhiên là chúng tôi nhận ra điều đó khi chiếc xe Honda lăn bánh trên mảnh đất xã Xuân Châu. Vì thời gian không cho phép nên chúng tôi chỉ có thể ghé thăm một vài gia đình được giới thiệu trước. Thú thực, đã có lúc chị em chúng tôi phải khựng lại khi biết đó là gia đình mà chị em chúng tôi sẽ vào. Đúng như lời Cha xứ, vấn đề cơm áo gạo tiền không còn là nỗi lo đối với người dân ở dây. Nhưng rồi chính trong lúc mà chúng tôi ngập ngừng không muốn tiếp tục thì tiếng Thầy Chí Thánh vang lên: “Sứ mạng của các con đâu chỉ là đến với những người nghèo khổ, thiếu thốn về vật chất. Còn biết bao người dù sống trong cảnh đầy đủ tiện nghi nhưng họ vẫn nghèo, họ nghèo về tình thương, nghèo về sự chia sẻ - cảm thông, họ cần được lắng nghe.” Đón nhận tiếng lương tâm như một lời nhắc nhở, chúng tôi có thêm nghị lực để tiếp tục chuyến đi. Chúng tôi đã đi và đã gặp: Chúng tôi dừng bước trước một ngôi nhà cấp IV khiêm tốn nằm phía trước cổng nhà thờ. Khi dừng lại trước cánh cổng khép hờ đã han dỉ vì thời gian, lúc này trong tôi bỗng dội lên một cảm xúc khó tả, có lẽ đây là ngôi nhà duy nhất còn sót lại trên mảnh đất này. Đón chúng tôi là bà cụ 102 tuổi, với đôi mắt rạng ngời hạnh phúc và nụ cười thánh thiện khiến tôi phải thốt lên: “Ôi! một con người đầy Chúa”. Dù chẳng biết chúng tôi là ai nhưng nhìn cụ, tôi thấy ánh lên một niền vui không thể che giấu. Chúng tôi được biết cụ ở với người con trai út. Khi nghe nói chúng tôi đến, bác vội vã từ đồng về tiếp chúng tôi với bộ đồ lao động còn vương bùn, và bác nói: “Con đang tranh thủ làm ít cỏ bờ, dạo này mưa nhiều cỏ xanh hơn cả lúa rùi”.
Vốn là người con của núi rừng, trong kí ức của tôi hình ảnh cách đồng lúa chỉ có trên trang sách, nhưng sau hơn 8 năm sống trên mảnh đất phù sa này, tôi đã phần nào cảm nghiệm được sự khó nhọc, lam lũ của những con người sống bằng nghề lúa nước.
Khi hỏi thăm về tình hình sức khỏe của cụ, bác kể cho chúng tôi nghe với giọng trầm buồn: Trước đây sức khỏe của mẹ con rất khá. Năm72 tuổi cụ bị ngã. Gia đình đưa cụ lên trạm y tế xã, các bác sĩ tiến hành bó bột cho cụ nhưng không biết do sơ suất thế nào mà thay vì bó ở đoạn xương bị gẫy, các bác sĩ lại ra sức chăm sóc phần xương không hề bị tổn thương. Kết quả là cụ trở thành phế nhân bất đắc dĩ. - “Vậy là đã hơn 20 năm nay cụ phải đi bằng tư thế ngồi như thế này ạ?”
- “Vâng! nhưng mẹ con không buồn, cụ luôn cố gắng làm những gì có thể để không làm phiền đến con cháu.”
Như hiểu được ánh mắt của bác, cụ cầm lấy tay tôi và nở một nụ cười hết sức đơn sơ như một đứa trẻ vừa được mẹ khen. Khi chúng tôi ra về, cụ lại vô tư ngồi trên chiếc võng ngoài hiên.
Chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình đến với một gia đình khác: Hoàn cảnh gia đình này cũng khá đặc biệt. Cụ ông mới qua đời hơn một tuần. Sau khi xin phép thắp nén hương cho người quá cố, chúng tôi ngồi lại lắng nghe tâm sự của cụ bà cùng với những giọt nước mắt: Con cái đều bận rộn lo cơm áo gạo tiền ở nơi xa, Chúa gọi cụ ông về để lại một mình cụ quanh quẩn trong căn nhà hắt hiu lạnh lẽo… Ngoài hiên, mặt trời đã gần đứng bóng thế mà trước mắt tôi như có vùng mây giăng tím cả bầu trời. Hình ảnh của cụ mà tôi muốn giữ lại: đẹp, đẹp lắm! Nhưng có lẽ phải pha thêm chút gam mầu tím bức tranh đó mới trọn vẹn.
Tạm biệt giáo xứ Hạc Châu, chúng tôi đang dần bỏ lại phía sau cuộc sống của những con người nơi mảnh đất xã Xuân Châu này. Có một điều mà tôi không thể không mang theo đó là hình ảnh của cụ trên chiếc võng với cái nhìn xa xăm tiễn chúng tôi. Tôi tự hỏi, sự hiện diện của chúng tôi với một vài phút đồng hồ ngắn ngủi liệu có thể khỏa lấp được nỗi trống trải cô đơn trong lòng cụ khi nhớ về con cháu? Có lẽ cụ đã phải khó khăn lắm để che dấu cảm xúc của mình. Tôi thương cụ lắm nhưng tôi chẳng giúp được gì cho cụ ngoài lời cầu nguyện. Tôi xin Chúa gìn giữ cụ trong ân nghĩa Ngài. Lạy Chúa! Con đã phần nào hiểu ra sứ mạng của người Nữ tu Mến Thánh Giá. Chúa mời gọi chúng con trở thành cánh tay nối dài để trao ban tình yêu đến cho mọi người qua những công việc bác ái cụ thể. Nhưng cũng có lúc Chúa muốn chúng con sống sứ mạng bằng chính sự hiện diện của chúng con cho dù đơn giản chỉ là “hiện diện để lắng nghe”.
Ôi Giêsu! Con cảm ơn Ngài vì tất cả.
Tác giả: Maria Nguyễn Thanh, LHC