Cầu nguyện, hơi thở của con người
Chủ nhật - 13/04/2025 22:35
32
Con người là một sinh vật mang bản chất tôn giáo. Do đó, nơi sâu thẳm, con người luôn hướng về và khao khát gặp gỡ và kết hợp với một thực tại thiêng liêng vượt khả năng của lý trí. Điều đó được thể hiện cách sống động, phong phú trong cầu nguyện. Nơi đó, với con tim nhạy bén và hướng thượng, con người có thể tiệm cận, sờ chạm và gặp gỡ thực tại đó. Chính vì thế, cầu nguyện là sức mạnh và là một nhu cầu sống còn của con người.
Cầu nguyện có thể hiểu đơn giản là những tâm tình, tâm sự, tâm tư, một cuộc đối thoại, gặp gỡ riêng tư hay cộng đoàn của mỗi người hướng tới một Đấng hay một thực tại nào đó, để chúc tụng, tạ ơn hoặc đơn giản chỉ để trải lòng hoặc nói chuyện, để đặt niềm hy vọng hay để giãi bày những mối ưu tư, những kế hoạch, ước nguyện… Cầu nguyện có thể là một thói quen, một bổn phận, hay đó đơn giản là những giây phút lắng đọng, những phút trầm tư, hoặc những tiếng thở dài khi một người muốn giãi bày những câu chuyện, những tâm tư, tình cảm… nhất là khi không còn gì để bám víu lúc gặp khó khăn, bế tắc, hầu mong được thỏa lòng hoặc ít nhất là tìm được sự an ủi và chút bình an, nhẹ lòng vui sống... Hiểu như thế, chúng ta thấy không chỉ người Ki-tô hữu mới cầu nguyện, nhưng bất cứ ai, theo bất cứ tôn giáo nào và ngay cả những người không theo tôn giáo nào vẫn cầu nguyện, cầu nguyện mỗi ngày. Nhờ cầu nguyện bằng lời, hay đơn giản qua những giây phút thinh lặng, lắng đọng, chìm đắm trong suy tư hay trải lòng trước những thực tại mà lý trí con người không thể nắm bắt được, nhiều người được biến đổi, được bình an, thậm chí có thể đưa ra những quyết định, những sáng kiến thay đổi thế giới, hoặc thay đổi chính mình. Chính vì thế, có ai đó đã từng nói: “cầu nguyện không thay đổi thế giới, nhưng cầu nguyện thay đổi con người và con người thay đổi thế giới”.
Thực tế cho thấy, con người đã cầu nguyện trong mọi thời đại, bởi vì họ không thể ngừng băn khoăn về ý nghĩa cuộc đời mình, một ý nghĩa còn mơ hồ và khó hiểu nếu nó không được đặt trong tương quan với mầu nhiệm Thiên Chúa và trong kế hoạch của Người cho trần gian. Cuộc sống con người như một tấm vải được đan dệt bởi những điều thiện và sự ác, bằng đau khổ không đáng có và bằng niềm vui và vẻ đẹp, mà một cách tự nhiên và không thể cưỡng lại thúc đẩy chúng ta cầu xin Thiên Chúa ban ánh sáng và sức mạnh nội tâm để nâng đỡ chúng ta trong cuộc sống và mặc khải cho chúng ta một niềm hy vọng vượt qua ranh giới của cái chết. Chính vì thế, cầu nguyện trở thành nhịp thở của con người, là hơi thở của người có niềm tin, nên còn hiện hữu, con người còn cần cầu nguyện vì còn hiện hữu, con người còn đau khổ, còn bất toàn và luôn có nơi sâu thẳm tâm hồn khao khát gặp gỡ Thiên Chúa. Bất cứ ai cũng đã, đang hoặc từng cầu nguyện, bởi trước bao mối bận tâm, bao muộn phiền lo lắng, những thứ vượt ngoài tầm với của con người thì những lúc ấy, cầu nguyện chính là giải pháp để con người tìm được nguồn bình an, sự an tĩnh đích thực mà không con người nào, không khoa học nào có thể giải tỏa. Chính vì thế, Đức Giáo hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI đã diễn tả thật ý nghĩa về vai trò của cầu nguyện: “Nếu hai lá phổi cầu nguyện và Lời Chúa không cung cấp đủ dưỡng khí cho đời sống tâm linh, chúng ta có nguy cơ bị chết ngạt giữa đám mây mù của hàng ngàn mối bận tâm thường ngày. Cầu nguyện là hơi thở của linh hồn và cuộc sống”
Trong chiều hướng đó, cầu nguyện là nhu cầu căn bản của mọi người. Con người mang nơi mình bản chất tôn giáo, nên nơi sâu thẳm luôn khao khát một thực tại vượt lý trí. Dó đó, cầu nguyện trở thành nhu cầu không thể thiếu đối với bất cứ ai, không phân biệt thành phần, sắc tộc, màu da, tôn giáo... Do đó, con người có thể cầu nguyện mọi lúc, mọi nơi trong mọi hoàn cảnh dù đó là những lúc vui hay buồn, đau khổ hay sung sướng, hạnh phúc hay khổ đau, thành công hay thất bại… Tuy nhiên, những nơi thánh thiêng và dành riêng cho việc thờ phượng vẫn luôn là nơi thích hợp hơn cả cho việc cầu nguyện, cũng như là nơi để con người dễ gặp gỡ, sờ chạm Đấng mà mình tin tưởng và muốn thân thưa.
Cũng vậy, về đối tượng để cầu nguyện, chúng ta thấy có rất nhiều, tùy thuộc vào văn hóa, tín ngưỡng, ý thức hệ và tôn giáo của mỗi người. Người vô thần thì có thể than thở với chính cái tôi của mình, với khoa học và coi nó như một thực tại cao cả nhất; người theo tôn giáo thì cầu nguyện với những thần linh của tôn giáo, tín ngưỡng mà mình tin, theo…; trong khi đó, người dân thường, đơn sơ có thể cầu nguyện với Ông Trời, hay tổ tiên, thần núi thần sông… Cách riêng với người Công giáo, đối tượng cầu nguyện không phải một thực tại mơ hồ, những là một Thiên Chúa Ngôi vị, một Đấng cụ thể, Đấng vì yêu thương đã sáng tạo và cứu chuộc con người và hằng chờ mong con người đến để gặp gỡ và hiệp thông với Ngài… Nói chung, bất cứ ai cũng cầu nguyện và có thể cầu nguyện với một Đấng hay một thực tại mà họ tin rằng có thể đáp ứng những nhu cầu hay giải tỏa những ước vọng và giải quyết mọi khó khăn hay những trăn trở của kiếp nhân sinh…
Có lẽ cách cầu nguyện mà ai cũng đã, đang và vẫn thường làm là những tâm tình tự phát, những lời bộc bạch tâm tình bên trong, chất chứa những ưu tư của mỗi người hay những lời than thở, những lời nói thầm thĩ với một Đấng hay một thực tại nào đó... Bên cạnh đó, kinh kệ, những công thức cầu nguyện có sẵn nơi các tôn giáo cũng là một cách thế cầu nguyện đơn giản mà ai cũng có thể áp dụng và thực hành. Trong khi đó, cách riêng với người Công giáo thì Thánh Lễ, các giờ Kinh phụng vụ, hay qua việc cử hành các Bí tích là những phương thế cầu nguyện mang tính cộng đoàn, hiệp thông, mà nơi đó toàn thể Giáo hội dâng lên Thiên Chúa những lời chúc tụng, tạ ơn, tạ lỗi và xin ơn của mình. Nhờ đó, người tín hữu có được nguồn sức mạnh thần thiêng, nguồn trợ lực, nguồn bình an giúp người tín hữu sống trọn vẹn kiếp nhân sinh trong niềm vui và sự bình an đích thực cũng như hướng về một thực tại hạnh phúc muôn đời vĩnh cửu trên Thiên Đàng. Cùng với đó, người tín hữu có thể cầu nguyện không chỉ nhờ những lời kinh có sẵ nhưng còn có thể cầu nguyện bằng những hình thức cao hơn và thâm sâu hơn qua trí nguyện, và đặc biệt là chiêm niệm, nơi con người gặp gỡ thân tình và cá vị với Thiên Chúa hằng sống và yêu thương.
Tắt một lời, cầu nguyện là hơi thở của con người nói chung và của người Ki-tô hữu nói riêng. Qua cầu nguyện, tâm hồn con người được mở ra với thế giới thần linh, nơi mà lý trí và sự hiểu biết của con người đôi khi hay nhiều lúc trở nên bất lực và nhận ra sự giới hạn của mình. Cũng vậy, trong cầu nguyện, qua việc gặp gỡ thân tình với Thiên Chúa, con người nhận ra chính mình, cũng như có thể dâng lên Đấng hằng yêu và sẵn sàng lắng nghe mọi tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn cũng như những vui buồn sướng khổ của kiếp người. Nhờ đó, đời sống tâm linh của mỗi người được biến đổi, được tăng triển. Đồng thời, nhờ việc cầu nguyện, con người được tác động để thay đổi lối nhìn, cách suy nghĩ và hành vi, khi tìm được nguồn ủi an, sự bình an đích thực để tiếp tục vui sống, thay đổi những gì có thể thay đổi và tập chấp nhận những gì chẳng thể đổi thay. Nhờ đó, có thể nói qua cầu nguyện, con người có thể được thay đổi, để từ đó hành động để thay đổi thế giới, giúp đời sống và thế giới ngày một tốt đẹp và nhân bản hơn.
Cf. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 27
Cf. Đức Giáo hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI, Thiên Chúa luôn mới, Những suy tư về cuộc sống, tình yêu và tự do, NXB. Đồng Nai, tr. 149
Cf. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô