Ân sủng của Chúa lớn hơn tội của chúng ta
Thứ hai - 14/04/2025 04:25
53
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan
Bấy giờ, Đức Giêsu đến núi Ô-liu. Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ. Lúc đó, các kinh sư và người Pharisêu dẫn đến trước mặt Đức Giêsu một người phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa, rồi nói với Người: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Môsê truyền chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” Họ nói thế nhằm thử Người, để có cớ tố cáo Người. Nhưng Đức Giêsu cúi xuống, lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Đức Giêsu và người phụ nữ đứng ở giữa. Người ngẩng lên và nói: “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?” Người đàn bà đáp: “Thưa ông, không có ai cả.” Đức Giêsu nói: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu. Thôi, chị cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa.”
Chúng ta đang ở trong tuần thánh
Tuần Thánh là thời gian chúng ta cử hành những mầu nhiệm trọng đại nhất trong lịch sử cứu độ. Chính vì thế mà những ngày này, chúng ta dành ra ít phút để hồi tâm, thanh luyện tâm hồn của mình. Anh chị em được nghe lời Kinh Thánh nói với chúng ta rằng: “Hãy rũ bỏ mọi gánh nặng, mọi xiềng xích đang trói buộc chúng ta.” Gánh nặng, xiềng xích đó là gì? Thưa, đó là tội lỗi, là những đam mê, dục vọng – bao nhiêu thứ đang ràng buộc chúng ta, bao nhiêu sức nặng kéo chúng ta xuống. Chúng ta cần xin Chúa giải thoát để chúng ta có thể vươn lên một tầm cao hơn.
Trong những ngày này, chắc chắn chúng ta sám hối. Nhưng sám hối không chỉ có nghĩa là chúng ta buồn vì mình đã phạm tội, làm một điều xấu rồi cảm thấy hối hận. Hãy cẩn thận! Tên cướp, tên trộm khi bị bắt, nó cũng buồn, cũng ân hận chứ. Nhưng nó buồn, nó ân hận và tự nhủ: “Mình dại quá, sao để người ta bắt như vậy?” Nó ân hận, nó buồn, rồi nó tính kế lần sau sẽ khôn hơn, tiếp tục làm. Cái buồn, cái ân hận của chúng ta không phải như vậy. Chúng ta quyết tâm thay đổi đời sống của mình, xoay chiều đời sống để sống một cuộc đời mới trong Chúa Giêsu.
Chúng ta tập trung suy ngẫm về niềm hy vọng của người Kitô hữu. Điều này phù hợp với chủ đề của Năm Thánh năm nay: “Niềm hy vọng của người Kitô hữu.”
Hôm nay chúng ta ý thức mình tội lỗi. Dù tội lỗi của chúng ta có đầy tràn đến đâu, nặng nề đến đâu chăng nữa, thì ân sủng Chúa còn nhiều hơn nữa. Ân sủng Chúa lớn hơn tội lỗi của chúng ta.
Chúng ta suy ngẫm về thân phận tội lỗi của mình, nhưng đồng thời hy vọng vào ơn cứu chuộc của Chúa. Anh chị em sẽ lắng nghe lại đoạn Tin Mừng về người đàn bà ngoại tình, để chúng ta bắt gặp mình trong đó. Hoặc là thấy mình có tội – tội nặng – và trông cậy vào lòng thương xót của Chúa. Hoặc là nghĩ mình không có tội, thì chính Chúa sẽ nhắc nhở chúng ta: “Ai vô tội thì ném đá đi.” Chúng ta sẽ thấy rằng mình có tội. Giờ đây, mời anh chị em đứng để lắng nghe Tin Mừng.
Thánh Phaolô nói với chúng ta: “Ở đâu tội lỗi lan tràn, thì ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội.”Chúng ta thấy lời của Thánh Phaolô thật lạ lùng: tội lỗi đầy tràn, mà ân sủng còn hơn nữa. Thánh Gioan cũng nói: “Thiên Chúa lớn hơn tội lỗi của chúng ta.” Cho nên, trước hết, chúng ta nhìn vào thực trạng tội lỗi của mình. Mình có tội, nhưng có khi mình không thấy. Tội lỗi không chỉ lan tràn trong con người cá nhân của chúng ta, mà còn khắp mặt đất. Thực trạng tội lỗi ngày nay, người ta ngại nói tới tội lắm. Lát nữa, tôi sẽ nói thêm một chút về điều đó.
Thực trạng tội lỗi, trước hết, là thái độ của con người: bạo gan lắm, thưa anh chị em, liều lắm, dám vượt qua lằn ranh đỏ. Ngày nay, anh chị em nghe nhiều chứ? Ví dụ như chiến tranh giữa Ukraine và Nga. Nga tuyên bố: “Hễ châu Âu mà đưa quân tới đó, vượt qua lằn ranh đỏ, thì chỉ có sống chết thôi.” Liều lắm, một sống một chết. Hay như Trung Quốc, cứ nói tới vấn đề Đài Loan là lằn ranh đỏ rồi. Nói tới là sống chết. Trong đời sống gia đình cũng vậy. Lằn ranh đỏ là gì? Vợ chồng đôi khi bực lên, nói mấy câu, chửi nhau, cãi nhau – chuyện nhỏ, ăn nhậu một tí, đánh bài một tí, tha được. Nhưng có một lằn ranh đỏ cấm vượt qua: đó là ngoại tình. Ngoại tình một cái là không nói chuyện nữa, dứt khoát là “toang” luôn. Đúng không?
Con người chúng ta đối với Chúa cũng vậy. Chúng ta đã vượt qua lằn ranh đỏ. Anh chị em đọc trong Sách Sáng Thế Ký, Chúa cho con người làm mọi thứ, giao trái đất cho con người canh tác. Mọi trái cây, ăn trái nào cũng được, tự do hết mọi cái. Nhưng có một điều: cây biết thiện biết ác – cấm không được ăn. Lằn ranh đỏ đấy! Nhưng ông Adam và bà Eva vượt qua, dám ăn. Và khi ăn rồi, bao nhiêu sự đổ vỡ xảy ra. Vượt qua lằn ranh đỏ là gì? Là chuyện biết thiện biết ác, chuyện quyết định một điều là tốt hay xấu – đó là chuyện của Chúa. Chỉ Chúa mới có quyền quyết định: cái này tốt, cái này xấu, cái này được phép, cái này không được phép. Chúng ta không có quyền.
Một điều tốt hay xấu, tự nó là tốt hay xấu, chứ không tùy thuộc ý thích của chúng ta. Ví dụ, tự lương tâm chúng ta, ai cũng biết ăn cắp là điều xấu. Không phải mình thích cho nó tốt thì nó tốt, thích cho nó xấu thì nó xấu. Không phải vậy. Có một tiêu chuẩn khách quan: tự nó, việc ấy là tốt; tự nó, việc ấy là xấu. Nhưng bây giờ, anh chị em thấy không, người ta định nghĩa lại khác. Cái điều người ta thích thì người ta cho là tốt, cái điều người ta không thích thì cho là xấu. Tệ hơn nữa, người ta quyết định cái tốt, cái xấu, cái thiện, cái ác, cái được phép, cái không được phép theo tiêu chuẩn số đông. Nhiều người đồng ý như vậy, thì nó đúng. Người ta quyết định theo số đông.
Về điều này, anh chị em thấy ở các nước trên thế giới, người ta đang theo tiêu chuẩn đó. Có nhiều quốc gia quyết định cho phép điều này điều kia, bởi vì dư luận đồng ý, dân chúng đồng ý. Quốc hội, chính quyền quyết định cho phép làm điều này, làm điều kia, vì số đông yêu cầu như thế. Năm ngoái, Đức Tổng Giám mục Pierre d’Ornellas, Tổng Giám mục địa phận Rennes bên Pháp, ngài là trưởng ban đạo đức sinh học của Hội đồng Giám mục Pháp, ghé thăm tôi. Ngài có kể thế này: vì ngài là trưởng ban về đạo đức sinh học, nên lúc bấy giờ, trong bối cảnh nước Pháp đang quyết định về vấn đề thụ thai nhân tạo – được phép hay không được phép – chính Tổng thống Macron đã đến gặp ngài để trao đổi. Tổng thống Macron nói với Đức Tổng Giám mục Pierre d’Ornellas: “Sau khi nghe quan điểm của Giáo hội, tôi thấy Giáo hội có lý. Giáo hội có lý. Nhưng chúng tôi phải theo tiêu chuẩn của số đông. Bởi vì dân chúng bầu chúng tôi, chúng tôi được trả lương, chúng tôi phải quyết định theo số đông.” Ông biết mình không có lý, nhưng vẫn quyết định theo số đông.
Vấn đề là như thế. Vượt qua lằn ranh đỏ để quyết định một điều là được phép hay không được phép theo số đông, chứ không phải tự nó là tốt hay xấu. Chúng ta đã vượt qua lằn ranh đỏ rồi. Và vì thế, bây giờ anh chị em thấy tiêu chuẩn luân lý lộn xộn hết, loạn xạ ngầu hết. Bao nhiêu chuyện: người ta đòi công nhận hôn nhân đồng tính – rất nhiều người ủng hộ, và rất nhiều nước đã hợp pháp hóa chuyện đó rồi. Ly dị hợp pháp hóa hết tất cả. Ăn cắp, bớt xén của công, hối lộ, tham nhũng – ta coi chuyện bình thường, bởi ai cũng làm như vậy. “Tôi không làm thì người khác cũng làm.” Nói dối, nói xấu – chuyện bình thường, bởi ai cũng làm thì tôi cũng làm. Xúc phạm nhau trên mạng xã hội – coi chuyện bình thường, không còn coi là xấu, là tội nữa. Các tệ nạn xã hội lan tràn hết, và rất nhiều người đã mặc nhiên công nhận nó. Chúng ta đã vượt qua lằn ranh đỏ rồi.
Sau khi ông Adam và bà Eva ăn trái cấm, Kinh Thánh kể lại: còn cái cây sự sống ở giữa vườn. Thiên Chúa sợ hai ông bà sẽ ăn cái cây sự sống đó, thì nguy hiểm lắm. Nên Ngài quyết định đuổi ra khỏi vườn Ê-đen và đặt các thiên thần cầm gươm canh giữ, không cho Adam và Eva vào lại. Adam và Eva không hái được cây sự sống đó. Nhưng chúng ta, con cháu của họ, đã vượt qua lằn ranh đỏ để hái cây sự sống. Đó là gì? Đó là quyền quyết định về sự sống. Sự sống là linh thánh, là thiêng liêng, là ân huệ Chúa ban. Nhưng bây giờ, người ta đòi quyền quyết định về sự sống, làm mất đi tính chất thánh thiêng.
Sự sống là linh thánh, nhưng người ta coi như đồ vật, như đối tượng của kỹ thuật. Trong phòng thí nghiệm, muốn làm gì thì làm – vượt qua lằn ranh đỏ. Cho nên, anh chị em thấy bây giờ là gì? Giết người, chiến tranh, giết người có tổ chức. Trong những va chạm hàng ngày, dễ giết người lắm. Rồi phá thai, thụ thai trong ống nghiệm – con người chúng ta làm mất đi nhân vị. Sự kết hợp giữa vợ chồng là thiêng thánh, nhưng người ta coi mầm sống như đồ vật, muốn làm gì thì làm trong phòng thí nghiệm. Rồi mang thai hộ, rồi mạng sống con người – anh chị em nghe nói chứ? Trợ tử, hay chết êm dịu. Một người ốm đau, bệnh tật, đau khổ quá, không chịu nổi, người ta áp dụng phương pháp kỹ thuật để “giảm đau” – gọi là thương xót – nhưng thực sự là tìm cách giết chết người đó sớm hơn. Thay vì an ủi, trợ giúp, thì lại khiến họ chết sớm hơn.
Bao nhiêu chuyện đó vượt qua lằn ranh đỏ. Và vì thế, bây giờ anh chị em thấy chiến tranh tràn ngập, chém giết khắp nơi. Đó là hai phạm vi bất khả xâm phạm: quyền của Chúa – quyền định đoạt tốt hay xấu, quyền quyết định sự sống. Nhưng chúng ta đã vượt qua. Vượt qua lằn ranh đỏ là “toang” hết. Câu chuyện lụt Đại Hồng Thủy trong Cựu Ước là gì? Là câu chuyện cho thấy hậu quả của tội lỗi: vỡ toang hết rồi. Cả nhân loại rơi vào tội lỗi, cả thế gian bị nhấn chìm trong tội lỗi. Chúng ta hỏi: “Tại sao tôi mất hạnh phúc? Tại sao tôi mất bình an?” Truy nguyên ra, tìm xem căn cội của nó là gì? Thưa, đó là tội – tội của tôi, hoặc tội của người này, người kia.
Bây giờ, người ta phạm tội, giết người không tiếc tay. Anh chị em mới đọc báo chứ? Ở ngoài Quảng Nam, Đà Nẵng gì đó, một bà mẹ giết mấy đứa con chỉ vì ham tiền. Giết hai đứa con nhỏ, đứa thứ ba lớn hơn một chút, may mà nó biết nên thoát được, chứ tính giết luôn cả nó. Người mẹ giết ba đứa con để lấy tiền – vượt qua lằn ranh đỏ rồi! Chuyện nặng, chuyện nhẹ đầy dẫy trong cuộc sống của chúng ta. Và chúng ta dần dần có nguy cơ mất ý thức về tội lỗi. Không còn ý thức mình là kẻ có tội nữa, vì tội quá nhiều.
Cái áo của chúng ta bị nhuốm màu rồi. Anh chị em mặc áo trắng, khi mới may, nó trắng tinh. Chẳng may dính chút bụi thôi, mình cảm thấy khó chịu, nhận ra ngay. Nhưng mặc chừng một hai tháng, nó ngả màu, bẩn rồi, mình không thấy bẩn nữa. Từ từ quen đi. Áo hôi, lúc đầu thấy hôi thật, nhưng mặc một hai ngày, quen dần, vẫn thấy thơm. Chúng ta cũng vậy. Vừa nghe bài Tin Mừng về người đàn bà ngoại tình, Chúa bảo: “Ai trong các ngươi vô tội thì ném đá trước đi.” Lúc đầu, từ từ, người lớn tuổi dần dần bỏ về hết. Ngày nay, nếu Chúa nói: “Ai vô tội thì ném đá trước đi,” sẽ có nhiều người không về, vẫn đứng lại. Nhiều người ngày nay không ý thức mình có tội, cứ “phang” nhau, ném đá nhau trên mạng, ném cho chết thì thôi. Đâu biết mình có tội? Đáng lẽ họ phải nghe lời Chúa: “Ai cảm thấy mình vô tội thì ném đi.” Nhưng cứ ném, không thấy mình có tội, vẫn tự hào mình giỏi, mình là thầy, mình là người phán xét.
Thực trạng tội lỗi là như vậy. Nhưng chúng ta không thất vọng. “Ở đâu tội lỗi đầy tràn, ân sủng Chúa còn chứa chan hơn.” Là những Kitô hữu, chúng ta đặt niềm hy vọng nơi Chúa, tin tưởng nơi Ngài. Ngay từ khi con người mới phạm tội – Adam và Eva phạm tội – Chúa đã hứa rồi. Ngay từ đầu lịch sử nhân loại, Chúa nói: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy. Dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.” Thiên Chúa không để con người rơi vào thất vọng. Dù vượt qua lằn ranh đỏ, nhưng Chúa quyết định cứu con người. Ở nơi Thiên Chúa, chỉ có tình yêu thương và tha thứ.
Trong Tin Mừng, Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa đầy lòng nhân hậu, rộng lượng thương xót và tha thứ. Đây là một chân lý hết sức đặc biệt. Thiên Chúa là Đấng tha thứ và chỉ biết tha mà thôi. Tuần trước, anh chị em nghe câu chuyện người cha nhân hậu. Đứa con thứ hoang đàng bỏ nhà ra đi, cuỗm hết tiền bạc, của cải của cha – phần của nó – rồi ăn chơi phóng đãng. Cuối cùng, rơi vào cảnh đau khổ, đói khát. Khi nó về, nó chỉ nhìn vào thân phận đau khổ của mình. Nó tính xin lỗi cha và xin làm kẻ nô lệ trong nhà cha thôi. Đứa con chỉ thấy sự khốn cùng của mình. Nhưng người cha thì khác. Người cha không nhìn thấy cái đó. Người cha chỉ biết: “Đây là con của ta.” Và người cha quyết định tha thứ hết tất cả.
Anh chị em nghĩ sao? Hỏi anh chị em nhé: Chúa có chờ chúng ta xin lỗi rồi mới tha không? Khi chúng ta làm lỗi với nhau – vợ chồng, cha mẹ, anh em – tôi xin lỗi ông, tôi xin lỗi bà, tôi đã làm sai, xin lỗi, tôi tha. Chúa có chờ chúng ta xin lỗi rồi mới tha không? Chúng ta đi xưng tội, xin lỗi Chúa, Chúa mới tha – có phải vậy không? Không! Nếu Thiên Chúa chờ chúng ta xin lỗi rồi mới tha, thì Chúa cũng như chúng ta thôi, không hơn chúng ta đâu. Chúng ta chưa xin lỗi, Chúa đã tha rồi. Cái người con thứ, nó chưa về, đang đi, Chúa đã tha rồi. Người cha đã tha rồi. Cho nên khi nó về, người cha nói: “Mau lấy áo mới ra đây, lấy nhẫn ra đây, lấy giày ra đây để cho con ta.” Hỏi anh chị em nhé: nó đi, mang hết rồi, ở đâu mà còn áo mới? Bố nó mới may chứ gì! Bố nó tin rằng một ngày nào đó nó sẽ về, nên may áo để sẵn, sắm giày, sắm nhẫn hết rồi. Nhất là con bê – không phải con bê béo đâu, bản dịch chính xác là “con bê đang được vỗ béo.” Vì bố biết con sẽ về, cứ nuôi sẵn con bê đi. Ngày nào nó về thì có sẵn để giết, ăn mừng con của mình. Người cha đã tha từ khi nó đi, và ngày nào cũng đứng ngoài cửa, ngoài ngõ để chờ nó. Nó ở đằng xa, người cha mới nhìn thấy.
Anh chị em cũng thế, Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta ngay từ khi chúng ta phạm tội. Chúa tha hết tất cả. Câu chuyện trên thánh giá: Chúa bị đóng đinh, hai bên có hai tên cướp – tên cướp lành, tên cướp dữ. Tên cướp kia, giờ phút cuối cùng, nhận ra lỗi lầm của mình. Nó xin với Chúa. Chúa tha cho nó. Nó mắng tên kia: “Tại sao lại nói như thế? Chúng ta phạm như thế này, bị xử như thế này là đích đáng. Còn ông này, ông có làm gì đâu?” Rồi nó quay sang nói với Chúa Giêsu: “Lạy Ngài, khi nào Ngài về nước Ngài, xin Ngài nhớ đến con.” Chúa đâu có bảo chờ đâu. Ngài phán ngay: “Hôm nay, ngươi sẽ được lên thiên đàng với Ta.” Ngay lập tức, không trì hoãn gì hết. Có người bảo: “Thằng cướp này giỏi! Cả đời ăn cướp, tới giờ phút cuối cùng trên thánh giá, còn ‘cướp’ luôn nước thiên đàng.” Nó “cướp” rất nhanh: “Khi nào về thiên đàng, cho con lên với!” – xong ngay thôi. Giỏi! Chúa tha là tha như vậy.
Chúng ta cần tha hết, tha dứt khoát luôn. Chúng ta thấy tình thương của Chúa đối với chúng ta nhân từ vô cùng. Thánh Gioan nói: “Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Ngài mà chúng ta được sống.” Anh chị em nghe câu này: “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Ngài đã yêu thương chúng ta trước.” Ngài yêu trước, và sai Con của Ngài đến làm của lễ đền tội cho chúng ta. Thánh Phaolô nói: “Thiên Chúa yêu thương chúng ta khi chúng ta còn đang là tội nhân.” Đang có tội, Thiên Chúa đã yêu thương, đã tha thứ, và sai Con Một của Ngài đến để đền tội cho chúng ta.
Cho nên, chúng ta không bao giờ được thất vọng. Chúng ta tin vào tình yêu. Thánh Gioan nói: “Chúng tôi đã thấy tình yêu và chúng tôi tin vào tình yêu ấy.” Mỗi lần anh chị em buồn chán, thất vọng, nghi ngờ, hãy nhìn lên thánh giá: “Chúng tôi đã thấy tình yêu và chúng tôi tin vào tình yêu đó.” Đừng bao giờ thất vọng. Tội lỗi chúng ta dù nhiều mấy chăng nữa, Chúa là Cha nhân từ, tha thứ cho chúng ta. Có một cái tội phạm đến đức trông cậy: đó là nghi ngờ lòng thương xót của Chúa – không biết mình có được tha hay không. Đó là tội đấy! Nơi Chúa chỉ có tình yêu thương và tha thứ.
Thiên Chúa không bao giờ kết án. Chúng ta nhớ: không bao giờ kết án. Chúng ta hay nói: “Chúng ta phạm tội, sống thất nhân thất đức, làm mất lòng Chúa. Rồi mai mốt Chúa phạt chúng ta xuống hỏa ngục.” Chúng ta hay nói vậy. Xin hỏi anh chị em: Thiên Chúa có làm ra cái hỏa ngục sẵn đó để chờ nhốt chúng ta vào không? Hỏa ngục do ai làm ra? Do mình! Thiên Chúa không làm nên hỏa ngục. Thiên Chúa không giống như chúng ta, kiểu làm ra cái lò lửa sẵn, thằng nào ác ôn thì vất vào đó. Không! Thiên Chúa không làm ra hỏa ngục. Thiên Chúa chỉ làm ra thiên đàng, chỉ làm nên hạnh phúc, chỉ tạo dựng nên ánh sáng. Còn bóng tối, đêm đen, hỏa ngục là do chúng ta làm. Khi chúng ta rời xa Chúa, thì đó là hỏa ngục.
Chúng ta cứ hình dung thế này: Một em bé, khi thấy mẹ đi chợ về, nó nhớ mẹ, thấy mẹ về thì chạy ra ôm. Nhưng khốn nỗi, nó ở nhà nghịch bùn, nghịch đất, bẩn quá. Khi thấy mẹ về, nó vội vàng chạy đến với mẹ. Mẹ bảo: “Con dơ quá đó!” Nhưng nó nhìn thấy mẹ, muốn ôm mẹ. Mẹ là niềm vui, hạnh phúc của nó. Nó muốn ôm, nhưng không ôm được vì nó dơ quá. Khi nó dơ quá và không được ôm mẹ, nó buồn, nó khóc. Đó là cái sự đau khổ của nó.
Chúng ta cứ hình dung: cả cuộc đời chúng ta, có thể có tội – thậm chí tội trọng – làm mất lòng Chúa. Chúng ta quyết định rời xa Chúa, tách rời khỏi Ngài. Nhưng khi chết, con mắt tinh thần chúng ta mở ra, đối diện với Thiên Chúa là ánh sáng. Lúc đó, chúng ta cảm nhận thực sự: Thiên Chúa là hạnh phúc, là ánh sáng, là tình yêu. Chúng ta thèm muốn, khao khát chạy đến với Chúa – hạnh phúc đời mình. Chúng ta muốn ôm Chúa – hạnh phúc, đáng yêu, đáng mến – nhưng không ôm được, vì mình dơ quá. Mình đã chọn con đường khác. Càng khao khát bao nhiêu thì càng đau khổ bấy nhiêu. Và cái sự khao khát đó là vĩnh viễn, đời đời. Cho nên hỏa ngục là đời đời – bởi vì mình nhìn thấy hạnh phúc mà không tiến lại được. Tự mình đã xây cái hàng rào, không thể tiến được nữa, đã tách rời ra rồi. Hỏa ngục là do mình làm ra. Mình thấy sự thiện, thấy hạnh phúc, thấy tình yêu, muốn tiến tới mà không tiến được, vì mình đã chọn đứng ở bên này. Đó là sự đau khổ.
Hạnh phúc càng vô biên bao nhiêu, thì đó là hỏa ngục. Đối với Chúa, Ngài không làm ra hỏa ngục. Mình làm ra và tự chọn nó thôi. Nơi Chúa chỉ có tình yêu, chỉ có sự tha thứ. Cho nên chúng ta chọn Chúa và tránh xa tội lỗi. Nhưng anh chị em hãy đề phòng các chiến thuật, những mánh lới, những lừa đảo của Satan. Satan khôn vô cùng. Nó lừa được Adam và Eva, thì ngày nay nó cũng lừa như vậy, và nó khôn hơn chúng ta. Hãy nhớ như thế nhé! Satan khôn hơn chúng ta, nó có nhiều mánh lắm.
Thứ nhất, Satan tạo ảo tưởng rằng mình không có tội, ảo tưởng mình đạo đức. Ví dụ: “Tôi ngày nào cũng đi lễ, đạo đức thế còn gì nữa? Đứng đây giảng cho anh chị em, đạo đức thế còn gì nữa mà có tội đâu?” Rồi mình làm được vài việc đạo đức, tham dự thánh lễ, vào các đoàn thể: “Ô, không có tội đâu!” Nó làm cho chúng ta ảo tưởng mình đạo đức, không nhận ra tội của mình. Càng lớn, càng khó nhận ra tội của mình. Chúng ta nghĩ mình không có tội. Nhưng nếu đặt mình trong ánh sáng của Chúa, chúng ta sẽ thấy tội vô vàn.
Ví dụ, hôm nay, buổi tối, anh chị em ngồi trong nhà thờ. Anh chị em có thấy không khí trong nhà thờ này trong lành không? Không thấy bụi bặm gì hết. Nhà thờ này tốt thật, không bị ô nhiễm, không thấy khói gì hết. Nhưng sáng mai, khi ánh nắng chiếu vào, ánh sáng mặt trời chiếu vào, chúng ta sẽ thấy: “Trời đất ơi, bao nhiêu là bụi bặm!” Phải không? Ánh sáng thường không thấy đâu, nhưng ánh sáng cực mạnh của mặt trời thì thấy. Chúng ta tự xét mình, có khi không thấy mình có tội. Nhưng nếu đối diện với ánh sáng của Chúa, sẽ thấy con người chúng ta có biết bao lỗi lầm.
Chiến thuật thứ nhất của Satan: nó bảo mình không có tội. Nhưng thực ra, có nhiều tội, có khi trầm trọng. Chiến thuật thứ hai: trước khi phạm tội, nó đánh lừa chúng ta: “Không sao đâu.” Nó đánh lừa Eva: “Ăn đi! Chúa chỉ sợ khi hai ông bà ăn vào sẽ tinh khôn thôi, chứ đâu có chết chóc gì đâu.” Eva nghe bùi tai, ăn. Chúng ta cũng dễ bị như vậy. Ảo tưởng, đánh lừa: “Không sao đâu, làm tí không sao, phạm cái kia tí không sao.” Khi nghe thấy bùi tai, chúng ta liều. Anh chị em, chúng ta dễ bị liều lắm. “Không sao, một tí không sao.” Cho nên, liều làm một lần, rồi sẽ làm hai lần, ba lần. Quả thật, chúng ta dễ liều lắm.
Nhất là đối với chúng ta, những người Công giáo, chúng ta ảo tưởng rằng khi phạm tội xong, mình đi xưng tội, được Chúa tha. Cho nên liều! Người ta bảo rằng những người bên lương biết quý trọng sự sống hơn người Công giáo. Không biết có thống kê thế nào, tôi không rõ. Nhưng có người nói: “Người Công giáo này phạm tội phá thai nhiều lắm.” Có thể thật. Bởi vì cứ nghĩ rằng phạm xong, đi xưng tội là hết. Liều lắm! Người ta, khi phạm tội, không biết mình có được tha hay không, nên không dám liều. Còn mình liều. Ma quỷ bảo: “Không sao đâu!” Đó là ảo tưởng.
Chiến thuật khác nữa: sau khi phạm tội, nó làm ta khó nhận ra mình có tội. Satan lừa chúng ta, đưa ra muôn vàn lý do để biện minh: “Tôi làm cái đó là bởi vì thế này. Tôi nói câu kia là vì thế kia. Tại vì cái này, tại vì cái kia.” Biện minh cho hành vi của mình, thấy mình không có tội. Càng ngày càng lún sâu trong tội lỗi, khó trỗi dậy lắm. Khi nhận thấy mình nhiều tội, khó trỗi dậy, thì sinh ra tội thất vọng – thất vọng vì cuộc đời mình, buông luôn. Hoặc Satan gieo vào đầu óc chúng ta tư tưởng: “Tội của mày nặng lắm, không tha nổi đâu. Chúa không tha đâu.” Khi xưng tội xong, về nhà, bình an được một ít. Ngày hôm sau, ma quỷ lại bảo: “Tội mày chưa được tha. Tội mày nặng lắm.”
Chiến thuật của ma quỷ, của Satan, thưa anh chị em, là như vậy. Dù đã xưng tội rồi, lương tâm vẫn áy náy, sinh ra tội nghi ngờ lòng thương xót của Chúa. Chúng ta phải nhận ra chiến thuật của Satan. Chúng ta dễ bị mắc lắm. Nó luôn tìm cách quấy nhiễu chúng ta. Cho nên, chúng ta đặt mình trong ánh sáng của Chúa để thấy mình có tội. Khi đã phạm tội, chúng ta khiêm tốn nhìn nhận thân phận tội lỗi của mình, xin Chúa thương xót, tha thứ, và chân thành, thật thà đi xưng tội, chạy đến với lòng thương xót của Chúa.
Khi nói tới sám hối: thứ nhất là dứt khoát từ bỏ tội lỗi – nhưng đó mới là một phần thôi. Phần thứ hai là hướng tới tương lai, làm lại một cuộc đời mới. Tôi vừa nói lúc ban đầu: tên cướp, khi ăn cướp xong, bị bắt, ân hận. Nhưng nó nghĩ: “Bị bắt lần này thôi, lần sau khôn hơn, ăn cắp khôn hơn.” Còn đối với chúng ta, khi buồn đau vì tội lỗi của mình, chúng ta quyết tâm: “Từ nay thay đổi đời sống.” Và đừng đánh mất niềm hy vọng của mình.
Niềm hy vọng của chúng ta là gì? Chúng ta xác định lại con đường của mình. Chúng ta được tạo dựng để làm con cái của Thiên Chúa. Chúa dành cho chúng ta niềm hy vọng lớn lao trên trời: được làm con cái của Thiên Chúa, được tham dự vào sự sống đời đời của Ngài, sự sống thần linh, được sống lại về phần xác. Đó là niềm hy vọng của chúng ta. Chúng ta dứt bỏ tội lỗi để hướng về niềm hy vọng đó. Chúng ta được tạo dựng cho một cùng đích cao cả, một tương lai cao đẹp như thế. Đừng bao giờ để mất niềm hy vọng này.
Adam và Eva ngày xưa cũng được cái hạnh phúc đó, nhưng để mất. Chiều chiều, Thiên Chúa đến, đi bách bộ trong vườn Ê-đen với Adam và Eva – sự thân tình, ngọt ngào, tình nghĩa cha con, nói chuyện như vậy. Cao quý như thế, nhưng họ coi thường. Cuối cùng, ăn quả táo. Quên mất niềm hy vọng cao cả của mình, chỉ dán mắt vào một quả táo thôi. Kinh Thánh nói rõ: quả táo đó Eva nhìn lên thấy đẹp, ăn vào thì ngon, và mong ước được nên khôn. Nhưng bị đánh lừa. Eva ăn vào, mắt mở ra liền.
Thế anh chị em, chúng ta sống ở đời này, ai cũng mong muốn có tiền, giàu có, sung sướng, thoải mái, thân xác được thỏa mãn, quyền cao chức trọng, thống trị mọi người. Tự nhiên mình tham thích chuyện đó. Nhưng anh chị em nhớ: chúng ta được tạo dựng không phải vì những mục tiêu tầm thường như vậy. Tất cả những điều đó không xứng với phẩm giá con người của chúng ta. Lẽ dĩ nhiên, chúng ta mang dục vọng con người, do bản năng lệch lạc vì tội lỗi, dễ ham muốn điều này điều kia. Nhưng tất cả những điều đó không xứng đáng với con người. Chúng ta được tạo dựng cho một mục đích cao cả hơn. Hạnh phúc con người không phải chỉ có bấy nhiêu. Đôi khi chúng ta quên. Cho nên, đừng chạy theo những niềm hy vọng nhỏ bé như thế.
Chúng ta có nghe câu chuyện “thả mồi bắt bóng” không? Có một con chó sói đi trong rừng, ngoạm được con mồi, thích lắm. Nó chạy đi kiếm chỗ dừng lại để ăn. Trên đường đi, nó thấy con suối, đứng trên cầu, ngó xuống dưới. Nó thấy dưới nước cũng có một con mồi, to hơn cái mồi đang ngoạm. Nó tiếc quá. Cái mồi trong miệng thì nhỏ, còn cái mồi dưới kia to hơn. Thế là nó ham cái mồi dưới kia, thả cái mồi trong miệng ra để bắt cái mồi dưới nước. Khi thả cái mồi trong miệng ra, thì đồng thời cái mồi dưới nước cũng biến mất. Nói “thả mồi bắt bóng” là như thế. Cái thực mình đang có, không nắm cho vững, lại ham muốn cái bóng, cái ảo ảnh, cái ảo tưởng. Chúng ta có hạnh phúc là hạnh phúc nước trời, có tình yêu thương của Chúa, được sống trong Giáo hội, bao nhiêu ân sủng Chúa ban. Không biết giữ lấy, chạy theo những cái bóng, thả mồi bắt bóng, thì sẽ mất hết.
Cho nên, hãy trân trọng. Thánh Phaolô nói: “Hãy giữ vững niềm hy vọng anh chị em đang có trong tay, đừng để mất nó.” Chúa nói với người đàn bà ngoại tình: “Con hãy về đi và từ nay đừng phạm tội nữa. Hãy sống một cuộc đời mới.” Tác giả Thư Do Thái nói: “Anh chị em hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho chúng ta, đôi mắt đăm đăm nhìn lên Đức Giêsu – Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin của chúng ta.” Chúng ta sám hối không phải chỉ là hối hận, như tôi nói, mà là sự xoay chuyển cuộc đời, đổi hướng cuộc đời. Đang đi hướng này, bây giờ xoay chuyển lại hướng khác. Sám hối là đổi đời như thế – đổi đời để nhìn lên Chúa Giêsu.
Không phải chỉ nhìn lên thôi đâu. Tác giả Thư Do Thái nói: “Mắt chúng ta đăm đăm nhìn vào Chúa Giêsu.” Phải nhìn cho kỹ, đừng rời hướng đi đó, đừng rời con mắt của mình, luôn luôn nhìn vào Chúa. Đừng bằng lòng với vài việc đạo đức: đọc kinh, đi lễ, lần hạt, lần hạt lòng thương xót, đi đàng thánh giá. Những công việc đạo đức rất tốt, nhưng đừng nghĩ rằng như vậy là mình đã hài lòng. Không! Chúng ta phải làm sao, trong dịp tĩnh tâm này, trong đời sống của mình, mở mắt ra để bắt gặp con mắt của Chúa – con mắt của Chúa nhìn chúng ta. Mở lòng ra để trái tim mình gặp được tình yêu của Chúa. Tình yêu của Chúa chạm đến trái tim mình và thay đổi cuộc sống của mình.
Đừng bao giờ rời con mắt khỏi Chúa. Muốn được như thế, anh chị em phải siêng năng đọc Lời Chúa, siêng năng chầu Thánh Thể. Hàng ngày, chúng ta làm các công việc bổn phận của mình, nhưng làm bởi vì có Chúa ở với chúng ta, nhờ Lời Chúa soi sáng. Phải nhìn vào Chúa. Nếu không, chúng ta dễ bỏ cuộc lắm.
Chúng ta cũng biết câu chuyện này: trong rừng vắng, có một đàn chó sói đang chạy. Bỗng nhiên, một con chó sói tách khỏi đàn, phóng đi. Những con chó sói khác thấy nó chạy thì cũng chạy theo. Con này đuổi theo một con nai ở tuốt đằng kia. Nó nhìn thấy con nai, chạy một quãng đường xa. Rồi bắt đầu có những con mệt, bỏ cuộc – một con, hai con, năm con, bảy con. Cuối cùng, chỉ còn một con chạy thôi. Nó bắt được con nai. Con chó sói đó là con nào? Là con chó sói đầu tiên – mắt nó đã thấy con nai, và nó quyết đuổi bằng được để bắt.
Đời sống Kitô hữu của chúng ta cũng thế. Nếu không đăm đăm nhìn lên Chúa Giêsu, không thấy được ánh sáng của cuộc đời mình, không thấy được niềm hy vọng trung cuộc của cuộc đời, mà cứ làm theo thói quen, cuối cùng chúng ta sẽ bỏ cuộc. Mắt mình phải thấy – đắm đăm thấy trong đức tin Chúa Giêsu, thấy tình yêu của Chúa, thấy cùng đích cuộc đời mình như thế nào. Thấy thật thì sẽ chạy tới cuối cùng, không bỏ cuộc.
Chúng ta cầu nguyện xin Chúa ban cho chúng ta ý thức về thân phận tội lỗi của mình. Chúng ta sám hối, xin Chúa thanh tẩy. Và nhất là xin Chúa ban cho chúng ta lòng yêu mến để bước theo Chúa, trung kiên với Chúa, kiên trì chạy cho tới cùng. Đừng đánh mất niềm hy vọng mà Chúa đã ban cho chúng ta.