Cuộc thương khó Đức Giêsu theo thánh Luca
Chủ nhật - 13/04/2025 22:27
47
Phụng vụ Tuần Thánh cho chúng ta cơ hội để lắng nghe bốn trình thuật về cuộc Thương Khó của Đức Giêsu. Chúa Nhật Lễ Lá Năm A thì theo Tin Mừng Thánh Mátthêu, Năm B theo Tin Mừng Thánh Máccô, Năm C theo Tin Mừng Thánh Luca, và Thứ Sáu Tuần Thánh là theo Tin Mừng Thánh Gioan. Bốn góc nhìn, bốn tường thuật khác nhau của bốn thánh sử đã mang đến một trình thuật độc đáo, trọn vẹn về cuộc Thương Khó. Sự khác biệt giữa bốn bản văn này đôi khi chúng ta ít quan tâm. Vì vậy, hôm nay xin được phép trình bày một nét độc đáo trong Tin Mừng của Thánh Luca.
Cuộc Thương Khó của Đức Giêsu thường ở lại trong ký ức của người Kitô hữu mỗi khi đi Đàng Thánh Giá hoặc khi chúng ta nhớ lại. Con nhớ năm 2004, sau khi xem bộ phim Cuộc Thương Khó của Đức Kitô của đạo diễn Mel Gibson. Dĩ nhiên, nhà đạo diễn này không thể trình bày Đức Giêsu như các tác giả Tin Mừng được. Niềm đam mê nghệ thuật hoàn toàn khác với kinh nghiệm lòng tin. Mặc dù các sự kiện trong phim dựa vào nội dung của Tin Mừng, Mel Gibson đã dàn dựng cuốn phim để lên án mọi thứ bạo lực – từ lời nói tới hành vi của con người. Còn Thánh Luca, một trong bốn thánh sử, trình bày cuộc Thương Khó với mong muốn độc giả mọi thời vượt lên trên mọi cảm xúc con người trước một bi kịch lịch sử của nhân loại. Để làm gì? Để sống niềm xác tín mạnh mẽ về tình yêu xót thương của Chúa dành cho nhân loại.
Tuy giống các Tin Mừng khác, nhưng Thánh Luca đề cập nhiều hơn đến những chuyển động của Đức Giêsu sau khi đi ra núi Ô-liu. Tin Mừng Luca, chương 22, câu 39: Sau khi đi ra núi Ô-liu, Đức Giêsu bị bắt, rồi bị đưa đến nhà thượng tế Caipha, rồi bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng Do Thái, rồi đối mặt với Philatô, rồi đi trình diện vua Hêrôđê, rồi bị vua trả về dinh Philatô trước khi lên núi Sọ chịu đóng đinh. Và có những chi tiết trong cuộc Thương Khó mà chỉ có Thánh Luca mới kể lại:
Diễn từ sau bữa Tiệc Ly, nhắc nhở các môn đệ cung cách sống phục vụ.
Một thiên thần an ủi Đức Giêsu trong cuộc Thương Khó.
Mồ hôi như những giọt máu rơi xuống đất.
Đức Giêsu chữa lành tai bị đứt của anh đầy tớ vị thượng tế.
Ba lần Philatô tuyên bố Đức Giêsu vô tội.
Đức Giêsu trước mặt vua Hêrôđê.
Đức Giêsu đối thoại với các phụ nữ thành Giêrusalem.
Ba lời của Đức Giêsu trên thập giá:
“Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm.”
Lời ngỏ với tên gian phi: “Tôi bảo thật anh, hôm nay anh sẽ được ở với Tôi trên thiên đàng.”
Và lời cuối cùng với Chúa Cha: “Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha.”
Đám đông đấm ngực ăn năn thống hối sau khi Đức Giêsu chết.
Cuối cùng, các phụ nữ chuẩn bị dầu và thuốc thơm sau khi Đức Giêsu được mai táng.
Đó là những điểm chỉ có Luca mới kể lại. Bám sát mạch truyện của Thánh Máccô và Thánh Mátthêu, Luca kể lại cuộc Thương Khó của Đức Giêsu theo một cách thức riêng: nghe, truyền đạt cẩn thận, tra cứu đầu đuôi mọi sự, rồi tuần tự viết ra – như cách Luca đã trình bày ngay từ chương 1, câu 1 đến câu 3.
Cuộc Thương Khó bắt đầu bằng một âm mưu chống lại Đức Giêsu. Trình thuật như sau: Tại Giêrusalem, các thượng tế, kinh sư và kỳ mục không thể làm gì được trước một Đức Giêsu vô tội, nhưng vẫn quyết tâm kết án. Âm mưu giết Đức Giêsu vào dịp lễ Vượt Qua – một trong những ngày lễ lớn nhất của Do Thái giáo. Vào thời điểm đó, số người hành hương đến Giêrusalem có thể lên đến hàng ngàn, cho nên nhà cầm quyền – cả tôn giáo lẫn chính trị – đều rất lo ngại có nguy cơ nổi loạn. Vì vậy, sự kiện nộp Đức Giêsu phải diễn ra ở một nơi mà Luca gọi là “không có đám đông.” Luca cũng đề cập đến Satan – tiếng Hy Lạp là Satanas, tức là “kẻ thù” – một hình tượng gắn liền với sự thống trị, sức mạnh hủy diệt và sự gian tà độc ác. Chi tiết này cho phép chúng ta hiểu: cuộc Thương Khó bắt đầu như một cuộc chiến giữa Đức Giêsu và sự dữ, mà Juda đã tự biến mình thành đồng phạm của Satan (Luca chương 22, câu 1-3).
Khi đến ngày lễ Bánh Không Men – ngày phải sát tế chiên Vượt Qua – Đức Giêsu sai ông Phêrô và ông Gioan đi và dặn: “Các anh hãy đi dọn cho chúng ta ăn lễ Vượt Qua.” Chỉ có Tin Mừng Luca nêu rõ tên Phêrô và Gioan khi Đức Giêsu sai các ông đi chuẩn bị lễ Vượt Qua. Phải nói, họ là hai trong các môn đệ đầu tiên và thân tín của Đức Giêsu. Người dặn dò hai ông: “Khi vào thành, sẽ gặp một người mang vò nước. Ra đón, rồi người ấy sẽ đưa về nhà. Chủ nhà sẽ chỉ cho một căn phòng lớn ở trên lầu, và hai ông hãy chuẩn bị bữa ăn ở đó.” Hai ông ra đi và thấy mọi sự đều như Đức Giêsu đã nói. Theo Thánh Luca, bằng niềm tin và vâng phục Lời Chúa, hai ông sẽ là những người lãnh đạo tương lai của Giáo Hội, được sai đi như những người cử hành lễ Vượt Qua của Đức Giêsu.
Và khi giờ đã đến, Đức Giêsu vào bàn cùng với các tông đồ. Không như các Tin Mừng khác, Thánh Luca diễn tả bữa ăn này như một bản di chúc, truyền đạt những lời báo trước tương lai của Giáo Hội – thừa kế Đức Giêsu. Có thể nói, Người đã trình bày một bữa tiệc Phục Sinh, vì Luca đề cập đến hai chén rượu, chứ không phải chỉ một chén như trong Tin Mừng Máccô hay Mátthêu. Trong truyền thống Do Thái giáo, bữa ăn – tức là bữa tối lễ Vượt Qua – sẽ bắt đầu bằng chén rượu chúc tụng đầu tiên và sẽ kết thúc bằng chén thứ tư với thánh ca Halleluia – thánh ca ngợi khen. Dù Thánh Luca không lập lại chính xác nghi thức bữa ăn này, nhưng đã gợi lên vài chi tiết để liên kết ơn Thiên Chúa cứu thoát Israel ra khỏi Ai Cập với ơn giải thoát mới – do chính Đức Giêsu tự hiến tế trên thập giá để lập nên một giao ước mới, khai mở triều đại mới.
Sau đó, Đức Giêsu còn cho các môn đệ biết: “Này, bàn tay kẻ nộp Thầy đang cùng đặt trên bàn với Thầy.” Các tông đồ bắt đầu bàn tán với nhau, xem ai trong nhóm lại là kẻ toan làm chuyện ấy. Các ông còn cãi nhau sôi nổi, xem ai trong nhóm được coi là người lớn nhất. Thánh Luca quả đã tinh tế cho độc giả biết một thực tại đau lòng: Trong khi Thầy Giêsu báo trước cái chết, thì các trò – những người môn đệ đã cùng chia sẻ bữa ăn với Thầy – vẫn cứ mãi mê cãi nhau sôi nổi về vị trí lớn nhỏ trong nhóm. Theo Đức Giêsu biết ai sẽ phản bội, nhưng không nêu tên. Sự im lặng này tất nhiên là một cách để không trao nộp kẻ có tội cho các tông đồ. Nhờ đó, Juda vẫn có được một không gian tự do để suy nghĩ và hành động.
Các tông đồ thắc mắc: “Ai sẽ là người phản bội?” Và dường như mọi người đều muốn khoe khoang về lòng trung thành của mình. Như vậy, ai sẽ là người vĩ đại nhất, là người lớn nhất? Điều này khiến Đức Giêsu phải lên tiếng: “Ai lớn nhất trong anh em thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ.” Có thể nói, sự phản bội của một người lại liên quan đến tham vọng của tất cả mọi người trong nhóm 12 này. Luca đặt tình tiết này vào câu chuyện như để nhấn mạnh đặc tính khiêm nhường cần phải có trong Giáo Hội Chúa Kitô. Giáo Hội sẽ không được phép dựa vào các tiêu chuẩn thế gian để thống trị và biểu dương quyền lực. Và giống như Đức Giêsu sống giữa anh em như một người phục vụ, thì đến lượt các môn đệ, các tông đồ, hay chính chúng ta ngày hôm nay cũng được mời gọi sống phục vụ nhau như thế.
Cuộc Thương Khó của Đức Giêsu chính là thách đố cho các môn đệ khi muốn bước theo Thầy vào Nước Thiên Chúa. Hình ảnh ông Phêrô đại diện cho tất cả các môn đệ khi đứng trước thách thức của Satan: Mỗi người sẽ phải lựa chọn đào tẩu hay trung thành khi đối mặt với đau khổ và cái chết. Thánh Luca cho biết Đức Giêsu vẫn tin tưởng Phêrô dù ông chối Thầy, và qua kinh nghiệm vấp ngã, Đức Giêsu yêu cầu ông củng cố đức tin cho anh em mình trong mọi thử thách, với trọn vẹn trách nhiệm đối với anh em, đối với đàn chiên của Chúa.
Đức Giêsu nói tiếp: “Khi Thầy sai anh em ra đi không túi tiền, không bao bị, không giày dép, anh em có thiếu thốn gì không?” Các ông đáp: “Dạ thưa, không.” Người mới bảo các ông: “Nhưng bây giờ, ai có túi tiền hãy mang theo, ai có bao bị cũng vậy. Còn ai chưa có gươm thì bán áo đi mà mua. Vì Thầy bảo cho anh em hay, cần phải ứng nghiệm nơi bản thân Thầy lời Kinh Thánh đã chép: ‘Người bị liệt vào hàng phạm pháp.’ Thật vậy, những gì đã chép về Thầy sắp được hoàn tất.” Các môn đệ liền nói: “Lạy Chúa, đã có hai thanh gươm đây rồi.” Người bảo họ: “Đủ rồi.”
Những lời này khiến chúng ta ngạc nhiên, vì Đức Giêsu bảo các môn đệ chuẩn bị túi tiền, bao bị và đi mua gươm. Điều này xem ra trái ngược với mọi điều Người đã dạy bảo trước đó. Vậy, Người – Đấng Giêsu chịu oan khiên, bị liệt vào hàng phạm pháp – sẽ dùng bạo lực đáp trả bạo lực chăng? Có thể hiểu rằng, theo Thánh Luca, việc để các tông đồ mua lấy thanh gươm phản ánh thời điểm mà các ngài buộc phải trang bị đức tin, cậy, mến trước những cuộc bách hại dữ dội. Các ngài phải đối mặt với sự dữ khi làm chứng cho Đức Giêsu. Nói cách khác, không gì ngăn cản bạo lực xảy ra với các ngài như đã xảy ra với Đức Giêsu. Cho nên, các ngài sẽ phải chiến đấu với “thanh gươm thần thiêng” – là sức mạnh của Chúa, là lòng tin và hy vọng.
Sau đó, Đức Giêsu ra núi Ô-liu cùng với các môn đệ. Nhưng Thánh Luca không nói rõ là vườn Ghếtsêmani, cũng không kể tên Phêrô, Giacôbê và Gioan như trong Tin Mừng Mátthêu chương 26 hay Tin Mừng Máccô chương 14. Đức Giêsu ở một mình, tách biệt một quãng chừng bằng ném một hòn đá, để cầu nguyện và nhắc các môn đệ: “Hãy cầu nguyện để khỏi sa vào cám dỗ.” Việc cám dỗ này được hiểu là việc chối bỏ Thầy. Dù lòng đang xao xuyến bồi hồi, Đức Giêsu quỳ xuống cầu xin: “Đừng cho ý con thể hiện, mà là ý của Cha.” Thánh Luca đã khẳng định mối liên kết thần thiêng giữa Chúa Con với Chúa Cha trong sứ mạng cứu độ loài người. Vì vậy, trong phút khắc nổi đau, khi mồ hôi Đức Giêsu nhỏ xuống như những giọt máu, Thánh Luca liền nói đến sự hiện diện của thiên sứ đến tăng thêm sức mạnh cho Người.
Sau khi cầu nguyện, Đức Giêsu thấy các môn đệ đang ngủ vì buồn phiền. Các ông vẫn chưa nắm bắt được bi kịch sắp xảy ra, nên Đức Giêsu lên tiếng hỏi: “Tại sao lại ngủ vậy?” Mà thử hỏi, có vị thầy nào kiên nhẫn hơn Đức Giêsu không? Và trong khi Người còn đang nói, thì một đám đông xuất hiện, và kẻ dẫn đầu tên là Juda – một người trong nhóm 12. Giờ đây, Đức Giêsu phải đối mặt với một đám đông thù nghịch do Juda dẫn đầu. Phải nói, tư thế này trái ngược với hình ảnh của một môn đệ. Người môn đệ là người phải luôn luôn đi theo sau, đứng ở vị trí cuối cùng và trở thành người phục vụ anh em mình. Và rồi, nụ hôn của Juda – thay vì tượng trưng cho sự tôn kính đối với Thầy – lại trở thành dấu hiệu của sự phản bội.
Đối với Juda và đám đông, các môn đệ cố gắng bảo vệ Thầy Giêsu, chờ lệnh Thầy để ra tay bằng gươm giáo. Luca không nêu rõ danh tính người đã chém đứt tai phải của người đầy tớ vị thượng tế, nhưng cho biết Đức Giêsu từ chối sử dụng bạo lực. Đức Giêsu biểu lộ uy quyền trước hết qua việc chữa lành người đầy tớ đó, dành tình thương cho kẻ thù, đồng thời cho đám đông bạo tàn thấy họ đang sống dưới quyền lực tối tăm.
Đức Giêsu bị dẫn từ núi Ô-liu đến nhà vị thượng tế để chịu thẩm vấn. Tại đây, Phêrô chối Thầy ba lần, và Luca là thánh sử duy nhất đề cập đến cái nhìn của Đức Giêsu với Phêrô – không phải là cái nhìn khiển trách, buộc tội, cũng không phải là cái nhìn thương xót tha thứ, nhưng là để cho Phêrô nhận ra Đức Giêsu là ngôn sứ, là Thầy và là Chúa của ông. Bên cạnh đó, Luca là người duy nhất đề cập đến việc Đức Giêsu bị điệu ra trước Thượng Hội Đồng. Toàn bộ cuộc thẩm vấn của Thượng Hội Đồng Do Thái được thu gọn trong hai câu hỏi liên quan đến danh tính Đức Giêsu:
“Ông có phải là Đấng Mêsia không?”
“Ông là Con Thiên Chúa sao?”
Bị đóng khung bởi hai câu hỏi này, Đức Giêsu khẳng định: “Từ nay, Con Người sẽ ngự bên hữu Thiên Chúa toàn năng.” Danh tính Đức Giêsu đã được tỏ bày rõ ràng. Toàn thể hội đồng liền điệu Đức Giêsu đến Philatô. Nhưng ông này tuyên bố ba lần rằng Đức Giêsu vô tội, dù ông đã đẩy vụ xét xử này cho cả vua Hêrôđê. Sau cùng, trước đám đông la hét dữ dội, Philatô thả Baraba, rồi trao nộp Đức Giêsu theo ý họ muốn.
Có hai tên gian phi cũng bị điệu đi hành quyết với Người. Và trên đường Thập Giá, dân chúng đi theo Người đông lắm. Trong số đó, có nhiều phụ nữ vừa đấm ngực vừa than khóc Người. Đức Giêsu quay lại, nói về phía các bà: “Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương Tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu.” Đây là lời cuối cùng Đức Giêsu nói với Giêrusalem ngang qua những người phụ nữ. Đây không phải là lời trách móc, nhưng là lời giúp cho giới lãnh đạo Do Thái giáo nhận thức được sự cứng lòng của họ.
Rồi khi đến nơi gọi là Núi Sọ, Đức Giêsu bị đóng đinh vào Thập Giá, bước vào cơn đau cuối cùng này. Thánh Luca cho biết Đức Giêsu không hề kêu vang: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” như đã thuật trong Tin Mừng Máccô chương 15. Ngược lại, Thánh Luca nhấn mạnh đến sự hiện diện của Thiên Chúa trong lời khẩn nài của Đức Giêsu. Đức Giêsu nói: “Lạy Cha, xin hãy tha thứ cho họ,” và cuối cùng: “Lạy Cha, con phó thác linh hồn con trong tay Cha.” Trong suốt cuộc Thương Khó, Đức Giêsu chứng tỏ lòng thương xót hải hà của Thiên Chúa đối với tội nhân. Dù Đức Giêsu bị loài người kết tội, Đức Giêsu không rên xiết kêu cầu cho thân phận mình, mà cho những người đã hành quyết mình.
Thánh Luca còn nhấn mạnh sự thiếu hiểu biết của bao nhiêu người đã đẩy Đức Giêsu đến thập giá, rồi lại còn chế diễu, cười nhạo rằng: “Đã cứu người khác thì cứu lấy mình đi, nếu thật là Đấng Kitô của Thiên Chúa và là người được tuyển chọn.” Lính tráng cũng chế giễu Người. Chúng lại gần Đức Giêsu, đưa giấm cho Người uống và nói: “Nếu ông là vua dân Do Thái thì cứu lấy mình đi.” Rồi cuối cùng, phía trên đầu Người có bản án viết: “Đây là vua người Do Thái.”
Trong mắt các nhà lãnh đạo, các thượng tế và những người danh giá của thành Giêrusalem, Đức Giêsu thành Nadarét không thể là Đấng Mêsia mà người ta đã mong đợi. Bị kết án với danh nghĩa là “vua dân Do Thái,” Vua Giêsu là nạn nhân trong phiên tòa bất công, tàn nhẫn này. Đức Giêsu là một vị vua không vương miện, không lãnh thổ, một vị vua không gươm giáo, không binh lính. Cả Philatô lẫn Hêrôđê đều không công nhận Đức Giêsu là vua dân Do Thái, đã tuyên bố Đức Giêsu vô tội, nhưng vẫn kết án. Vì lý do này, Đức Giêsu được chào đón tại Giêrusalem như một vị vua ở chương 19 của Thánh Luca, nhưng không ai hiểu được sự thật về một vị vua chỉ muốn thiết lập công lý và bênh đỡ quyền lợi cho kẻ nghèo hèn, yếu thế, bị loại trừ. Chính trong sự im lặng chịu nhục nhằn mà Đức Giêsu tỏ mình là Con Thiên Chúa và là Đấng Mêsia đích thực. Chính từ thập giá, trong cuộc Thương Khó, triều đại công lý, triều đại Nước Thiên Chúa đã được thiết lập.