Bài học hiện sinh giữa sa mạc cuộc đời

Thứ hai - 27/02/2023 22:22  383
images 2Có một câu chuyện thuật về cuộc sống của ba bệnh nhân ở chung trong một căn phòng: Một linh mục, một anh cán bộ và một bác nông dân nghèo. Vì sống trong thời kỳ bao cấp nên xã hội có rất nhiều nhiễu nhương. Biết trong phòng bệnh có vị cán bộ đang chữa trị nên những tên môi giới thường lủi tới để tra hỏi công quỹ nhà nước và tìm những chứng nhận đất đai kèm theo những lời nói không hay dành cho vị cán bộ dù cho người này đang “thập tử nhất sinh”. Vị linh mục, tuy bị liệt, nhưng vẫn cố gượng mong mỏi lúc nào đó tên trộm quay lại phía mình để nhìn cho bằng được khuôn mặt của người vừa mắng chửi anh cán bộ. Khi đã thấy, vị linh mục thấy thật sợ hãi vì khuôn mặt của người đó không có răng nanh và không dữ tợn như mình đang nghĩ, nhưng bình thường như bao người.

Có lẽ một cách nào đó, đây là cách tả quỷ tuyệt vời nhất. Con quỷ ấy không có răng nanh, không có gì khác thường hết. Nó ở mọi nơi mọi chỗ với dáng vẻ bình thường như mọi người xung quanh. Tuy nhiên, quỷ có tài lừa dối con người một cách tinh vi, tráo trợn. Nếu không cảnh giác, ta không thể nhận ra. Cuộc đời có những việc khởi đi từ những chuyện không có gì xấu, không có gì ghê gớm, nhưng với sự tinh vi khi ta lựa chọn nẻo lối quỷ đề nghị thì lựa chọn đấy sẽ dẫn ta tới hố sâu tội lỗi.

Trở lại cơn cám dỗ của Adam và Eva trong vườn địa đàng. Thiên Chúa sáng tạo con người giống hình ảnh Thiên Chúa nghĩa là con người được dựng nên để sống với Chúa. Sống với Thiên Chúa nghĩa là vận mạng của con người ở trong tay Ngài. Nơi cây biết lành biết dữ, con rắn cám dỗ bà Eva và cám dỗ cả Adam nữa. Con rắn đưa ra một việc và một hậu quả rất bình thường để dụ dỗ Eva ăn trái cấm: “Không, các ngươi không chết đâu! Nhưng Thiên Chúa biết rằng ngày nào các ngươi ăn trái ấy, mắt các ngươi sẽ mở ra, và các ngươi sẽ biết thiện ác như thần thánh” (St 3,5). Đó là một đường lối để thành toàn cuộc đời theo cách tự thân, không còn muốn lắng nghe và thực hiện điều Chúa muốn. Ấy là sự lừa dối tinh vi của Satan mà Eva và Adam không thể vượt qua. Một lối sống không cho ai, không với ai và không vì ai; đó là nguy cơ lớn nhất của đời người. Hơn nữa, hậu quả của lối sống ấy là ta đã đánh mất hình ảnh Thiên Chúa nơi mình để sống với Chúa ngang qua cách sống với nhau và để nhìn ra nhau như hình ảnh của Ngài.

Bài Tin Mừng cũng cho ta thấy một sự lừa dối rất tinh vi của Satan qua ba cơn cám dỗ dành cho Chúa Giêsu[1]. Đầu tiên, khi biết Chúa Giêsu nhịn đói 40 ngày, nó yêu cầu Chúa truyền hòn đá thành tấm bánh để ăn.[2] Đây là cơn cám dỗ đầu tiên, là chuyện bình thường nếu không muốn nói là một cách bày tỏ lòng nhân. Ngay cả những chuyện hiện sinh của đời người như ăn, uống, mặc… cũng là bước khởi đầu để dẫn con người đi vào con đường của Satan. Nếu ta hiểu con người không phải sống để ăn mà là ăn để sống, để làm sáng lên hình ảnh của Chúa, ăn để làm điều gì cho ai, ăn để sống một cuộc đời xứng đáng và tốt đẹp như Chúa muốn thì đó là ta thực thi mệnh lệnh của Thần Khí. Trái lại, nếu ta ăn theo kiểu ta bỏ tiền ra ta muốn ăn gì ta ăn, không phạm gì tới ai thì ta rơi vào cái bẫy nói không với tha nhân. Đó là mầm mống của thái độ ích kỷ khởi đi từ việc đánh mất hình ảnh của Chúa
trong con người của mình.
 
Cám dỗ thứ hai chính là tính đòi hỏi người khác phục vụ cho những đam mê sở thích của mình. Đó chính là con đường ma qủy gieo vào lòng người: “cứ gieo mình xuống đi…. và mọi sự sẽ có các thiên sứ lo liệu…”. Sống trụy lạc, thác loạn là hệ quả của lối sống này. Mọi việc con người làm hôm nay đều phải trả lẽ trước mặt Chúa trong ngày sau nơi toà phán xét chí công của Thiên Chúa.[3]

Ma qủy luôn cám dỗ con người “coi trời bằng vung”, sống theo ý riêng, tệ hại nhất chính là nuông chiều những đam mê sở thích của mình. Ma quỷ luôn làm cho con người cảm thấy thoả thích trong những vinh hoa phú qúy trần gian. Con người vì kiêu căng muốn hưởng thụ tất cả nên dễ dàng bỏ Chúa, bỏ lề luật để tôn thờ bò mộng, lợn vàng là danh, lợi, thú trần gian. Vì tôn thờ những tạo vật thấp hèn nên con người cũng có lối hành xử đê tiện và thấp hèn. Đây chính là cám dỗ thứ ba, cám dỗ của tự tự mãn, kiêu căng nơi con người.[4]

Con người không ít khi dùng những cơn sóng dục vọng, tiền bạc, quyền bính để xô đổ bức tường thành của tiếng lương tâm Chúa đặt để trong tâm hồn. Chúa Giêsu đã chiến thắng ba cám dỗ đó trên nền tảng căn tính của con người. Con người là hình ảnh Thiên Chúa và vượt xa muôn loài thụ tạo nên chẳng có vật gì đáng cho con người phải bán rẻ lương tâm để tôn thờ. Ngài đã hạ mình để học lấy ngôn ngữ của con người, nên một Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta, để sống cùng hầu giúp chúng ta ngộ ra rằng: Con người chỉ yêu được Chúa khi hiểu và sống được ngôn ngữ của Ngài, ngôn ngữ của Thần khí. Chỉ khi con người thoát ra khỏi sự ràng buộc khỏi những tham sân si nơi bản ngã, con người mới sống an bình.
 
Nếu người cha người mẹ nào nói với con mình kiểu: “con học đi, sau này con làm giám đốc, con sẽ sung sướng hơn người ta”.  Đó là một cách dạy dỗ không biết giúp đỡ ai, không biết nhìn đến những cảnh đời đau khổ, không biết lưu tâm đến bao em thơ mất cha lìa mẹ còn quạnh hiu trong nước mắt lạnh khô, không nhìn đến những mảnh đời cuốn xô còn chìm sâu trong giá lạnh, không màng chi những mảnh đời đang vật vã từng ngày bên bãi rác kiếm tìm từng bao nilon. Cách dạy dỗ như vậy sẽ khiến con cái chỉ biết quy về  mình, đánh mất sự cao quý của nhân vị. Thiết nghĩ, một việc làm để ấm thân và một việc để giúp cho tha nhân có cách thức không khác nhau, nhưng lại khác ỏ chỗ một đằng rớt vào cám dỗ của satan một đàng đi vào đường nẻo của Thần khí.

Dostoevski từng nói rằng ba cơn cám dỗ là toát lược lịch sử nhân loại. Bao nhiêu cám dỗ, tội lỗi, sa ngã khởi đi từ những chuyện nhỏ như Tin Mừng viết ra. Cái “tài” của quỷ đó là lừa dối qua việc nói ra một nửa sự thật bằng một thứ ngôn ngữ hiện sinh. Khởi đầu của những điều ấy sẽ đưa con người đến một thái độ từ bỏ phẩm chất làm người để sống theo điều xấu của Satan.
 
Mỗi khi cám dỗ đến với chúng ta, xin hãy nhớ lại lời Đức Giêsu cảnh báo để thêm sự cẩn trọng, hầu không vì kiêu ngạo mà mắc vào cạm bẫy của satan: “Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ” (Mt 26, 41). Hay Đức Giêsu nói với Phêrô về sự nguy hiểm của chúng: “Simon, Simon ơi, kìa Satan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo” (Lc 22,31). Và khi thánh Phêrô đã cảm nghiệm rõ nguy hiểm của ma quỷ, nên ngài đã cất lên lời khuyên nhủ: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1 Pr 5,8).
 

[1] Chúa Giêsu đã mặc khải cho các môn đệ Người biến cố mà ngay từ lúc bắt đầu cuộc sống công khai Người đã trải qua với một kinh nghiệm thấm thía. Giáo Hội sơ khai đã đón nhận mặc khải ấy về nguồn gốc đích thực của cám dỗ (Satan) như là lời sửa sai quan niệm Cựu ước, vốn cho rằng cám dỗ là do Thiên Chúa: Mt đã phóng đại dữ kiện giản lược mà ông đã thu nhận từ truyền khẩu. Trình thuật của ông có vẻ như là một cấu trúc văn chương, một sáng tác tưởng tượng nhằm khai thác các giá trị thần học tiềm tàng trong biến cố có thực.

Đây là những dấu chỉ cho thấy trình thuật của ông thực là một sáng tác: cuộc đối thoại với Satan, việc đem Chúa Giêsu lên thượng đỉnh Đền thờ, ngọn núi cao từ đó có thể trông thấy “tất cả các nước thiên hạ”, lối trích dẫn nhiều câu trong diễn từ thứ hai của Môisen nói với dân (Đnl 8, 3 ; 6, 16 ; 6, 13). Sáng tác văn chương này đặt cơ sở trên ba cuộc cám dỗ của Israel trong sa mạc:

- Sau khi được ăn manna một thời gian, Israel đòi ăn thịt (Ds 11, 4-34)
- Môisen gõ phiến đá hai lần (Ds 20, 1 -13)
- Giai thoại con bò vàng (Xh 32, 1- 8)
Mátthêu cho thấy Chúa Giêsu tổng lược cả ba kinh nghiệm của dân Isarel và đã chiến thắng vẻ vang trong khi Israel lại vấp ngã. Xin nói qua là sách Đệ nhị luật cũng là sách chỉ nam của cộng đoàn thiên sai là Giáo Hội: các chương đầu của Công vụ sứ đồ ghi lại những bước đầu của Giáo Hội sơ khai, đã cảm hứng theo Đệ nhị luật.

 
[2] “Hãy truyền cho các viên đá này thành bánh”: Cơn đói mà Chúa Giêsu đột nhiên cảm thấy đã là một chi tiết giúp ta giải thích cơn cám dỗ đang bủa vây Người. Tuy nhiên, còn có một chi tiết giàu ý nghĩa hơn trong câu trả lời của Chúa Giêsu trích lại trong Đệ nhị luật 8,3. Văn mạch của Đệ nhị luật 8,3 cho thấy dân Israel nghi ngờ Giavê, thay vì tự hạ và chấp nhận tùy thuộc một mình Ngài:

“Hãy hồi tưởng lại tất cả con đường Giavê Thiên Chúa của người đã dẫn ngươi đi, qua sa mạc, trong 40 năm, với dụng ý là hạ ngươi xuống cùng để thử cho biết ngươi có gì nơi đáy lòng, xem người có giữ các lệnh truyền của Ngài chăng. Ngài đã hạ ngươi xuống, đã để ngươi phải chịu đói; rồi Ngài lại cho ngươi ăn manna ngươi chưa từng biết và cha ông ngươi cũng không hề biết, để dạy cho ngươi hay là người ta không sống nhờ bánh mà thôi, nhưng sống nhờ mọi điều xuất ra từ miệng Giavê ” (Đnl 8,2-3).

Chước cám dỗ mà Israel phải. chịu, đó là cơn đói khát Thiên Chúa cho dân trải qua để thử lòng tín thác của họ. Nhưng dân đã phàn nàn, đã hối tiếc các thức ăn của xứ Ai cập, và càu nhàu đòi lương thực. Chúa Giêsu cũng đang sống trong một tình trạng tương tự như dân Israel. Bị đói, Người có thể nghĩ Thiên Chúa đã bỏ rơi người. Ma quỷ đến dụ dỗ Người nghi ngờ Thiên Chúa và hãy cậy dựa vào chính quyền năng thần thông mà Người vừa mới nhận lúc được thánh hiến làm Đấng Messia. Có thể Chúa Giêsu sẽ dùng quyền đó để mưu cầu tư lợi trái nghịch với thánh ý Thiên Chúa. Khi dụ dỗ Chúa Giêsu nghi ngờ và bất tuân, ma quỷ muốn Người cắt đứt liên lạc với Thiên Chúa. Đáp lời lại, Chúa Giêsu xác quyết Người chẳng muốn dùng các phương thế riêng của mình để được sống, nhưng muốn hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa. Người chỉ cậy dựa vào Thiên Chúa (27,43).

 
[3] “Thành thánh” là một thành ngữ Do thái thông dụng để chỉ Giêrusalem (Mt 27, 53; Kh 11,2). Ma quỷ dụ dỗ dựa vào lại Tv 91, 11: điều đã được hứa cho mọi người đạo đức, càng phải có giá trị hơn đối với Đấng Messia: chắc chắn Thiên Chúa sẽ bảo vệ người. Chúa Giêsu trả lời bằng cách trích dẫn Đnl 6,16 là câu nhắc lại giai thoại Massa (Xh 17, 1- 7). Israel đã dám thử thách Thiên Chúa khi nói: “Có Chúa giữa chúng ta hay không?”. Họ không ngại đòi Thiên Chúa ban cho một dấu chỉ là phép lạ nước đột xuất từ tảng đá. Nếu gieo mình từ thượng đỉnh Đền thờ theo như lời Satan dụ dỗ, là Chúa Giêsu đã buộc Thiên Chúa phải thực hiện một phép lạ. Cuối cơn cám dỗ thứ nhất, Chúa Giêsu đã nép mình dưới sự quan phòng chở che của Thiên Chúa. Ma quỷ dụ dỗ Người lợi dụng sự che chở này, như Israel ngày xưa, bằng cách đòi hỏi Thiên Chúa can thiệp Thành ra xét cho cùng đây là việc áp đặt ý muốn con người trên Thiên Chúa.

Một vài giới bình dân Do thái hình dung Đấng Messia như sẽ khai mào sứ vụ của mình trên chóp đỉnh Đền thờ; nơi đó Người phải loan báo việc giải phóng Israel. Vì thế có lẽ Satan đã gợi ý cho Chúa Giêsu ra mắt dân chúng theo cách phù hợp với quan niệm bình dân này, đi ngược với kế hoạch của Thiên Chúa.

 
[4] “Một ngọn núi cao” từ đó có thể xem thấy “tất cả các nước thiên hạ ” là một điều dị thường. Sở dĩ Mt giữ lại chi tiết kỳ quái này của truyền thống Tin mừng, là vì muốn trung thành với truyền thống bao quanh con người Môisen: Thiên Chúa đã chỉ cho Môisen, đứng trên núi Nêbo, thấy toàn thể Đất hứa (Đnl 31, 1- 4). Tương quan Môisen-Giêsu, mà Mt luôn đề cập đến, còn được nổi bật ở đây. Đất hứa ở đây trở thành lãnh địa tuyệt hảo mà Chúa Giêsu sẽ tiếp nhận lúc Phục sinh mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Ta “: 28,18) như lời hứa của Tv 2,6- 8.

“Họ hầu hạ Người”: Việc các thiên sứ hầu hạ Chúa Giêsu nói lên chân lý này: Chúa Giêsu đã được phong vương ở sông Giođanô. Họ cho thấy Nước Trời đã đến bên loài người vì triều đình thiên quốc đang chầu chực quanh Người Con Yêu Dấu. Tuy nhiên các thiên sứ này chỉ can thiệp sau khi Chúa Giêsu đã vượt thắng cơn cám dỗ. Ở đây hình như Mt tiên báo điều sẽ xảy ra trong cuộc Tử nạn. Là Đấng có thể xin cấp ngay “hơn 12 cơ binh thiên sứ” (26,53) để thoát khỏi khổ hình thập giá, Chúa Giêsu đã muốn hoàn tất Kinh thánh và phó mình cho Chúa Cha. Sau khi Người đã thắng vượt cơn cám dỗ, các thiên sư mới đến hầu hạ Người, và sau khi Người phục sinh, các thiên sứ mới đi báo tin cho các môn đồ (28,2-7).

Tác giả: Đức Hữu

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập228
  • Máy chủ tìm kiếm32
  • Khách viếng thăm196
  • Hôm nay33,758
  • Tháng hiện tại881,067
  • Tổng lượt truy cập69,940,941
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây