08/08: Thánh Đaminh, con người của Lời
Chủ nhật - 06/08/2017 03:37
4054
Mỗi thánh nhân đều lựa chọn cho mình một đường hướng nên thánh và dấn thân phụng sự Chúa. Thánh Đaminh, bổn mạng đệ nhị của Giáo Phận được biết đến với niềm khát khao mãnh liệt luôn chỉ “Nói với Chúa và nói về Chúa”. Với tinh thần ấy, thánh Đaminh đã trải lòng mình ra cho Lời chiếm hữu và trở nên con người của Lời.
Châm ngôn: “Nói với Chúa và nói về Chúa” sau này trở thành kim chỉ nam hướng dẫn đời sống thiêng liêng cũng như hoạt động cho con cái thánh nhân khắp nơi trên thế giới. Câu nói tuy vắn gọn nhưng hàm chứa hai ý nghĩa. ‘Nói với Chúa’ là gì nếu không phải là cầu nguyện? Sự kết hợp hài hòa từ tâm tình đến hành động bao trùm thánh nhân qua những lần nằm phủ phục hoặc quỳ giang tay trước Thập giá. Tình yêu với Thiên Chúa và tha nhân ở trong từng hơi thở, nhịp đập con tim của thánh Đaminh để rồi trước Đấng uy linh cao cả, con người ấy không còn thấy sự ngăn cách giữa ‘Chúa – tôi’. Nhưng thật tự nhiên, tâm hồn đó thổn thức dâng điều băn khoăn về số phận các tội nhân: “Chúa ơi ! Rồi đây các tội nhân sẽ ra sao?”
Con người của Lời ấy hiểu rằng, đức ái trọn lành phải bao gồm cả hai việc mến Chúa – yêu người. Điều này Chúa Giêsu đã sống và tông đồ Gioan đã thấu cảm hơn ai hết nên đã viết: Nếu ai nói tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối” (Ga 4,20). Thánh Đaminh đã không lừa dối Lời vì quả thực, Ngài luôn đặt đức ái đối với tha nhân làm trọng tâm của đời sống và lời giảng dạy. Đức ái của cha được Chân phước Giorđano Saxonia, người kế vị cha viết lại: “Thánh Đaminh đón nhận mọi người với lòng bác ái bao la và bởi vì thánh nhân yêu mến mọi người nên được mọi người yêu mến”.
Nhờ biết ‘Nói với Chúa’ trước, nên khi cần ‘Nói về Chúa’ cho người khác cha thánh Đaminh thật hăng say, không biết mệt mỏi, cho dù có phải thức suốt đêm để thuyết phục được một người ngoại giáo trở lại cùng Chúa. Thánh Đaminh trở thành tông đồ xuất sắc của Chúa Giêsu, nhờ biết theo gương Thầy không chỉ giảng bằng lời nói suông nhưng kèm theo cả việc làm. Chính vì thế, hành trình giảng thuyết của Cha thánh đã thu được rất nhiều thành quả rực rỡ, những hoa trái thiêng liêng.
Được Lời Chúa hướng dẫn thánh Đaminh trở thành người hùng trong cầu nguyện, giảng thuyết và yêu mến tha nhân. Thánh Đaminh có những trực giác sâu xa về thời cuộc, đồng thời biết kiện toàn và làm cho trực giác của mình thành hình. Hành động dẫn anh em đến các trường đại học và các đô thị lớn “để học hỏi, thuyết giáo và lập tu viện” (HP 64) minh chứng cho khả năng nhìn xa trông rộng. Muốn cho con cái của mình sống ơn gọi một cách sung mãn và chu toàn sứ vụ của Dòng cách tốt đẹp, Cha Đaminh đã gắn liền việc học với tôn chỉ của Dòng. Việc làm này được đánh động bởi khi tranh luận với người chủ quán Cha nhận thấy, sở dĩ họ đi theo Lạc thuyết cũng chỉ vì thiếu hiểu biết mà ra.
Dù đã cách xa chúng ta 8 thế kỷ, nhưng nhân đức của Cha vẫn ảnh hưởng sâu đậm trên con cái. Đức Giáo hoàng Cờ-lê-men-tê XIV đã nói: “Ngay từ ngày thành lập, Dòng Đaminh đã như một cánh đồng rất tốt, hằng nảy sinh cho Giáo hội những người trổi vượt về giáo lý và sự thánh thiện”. Khi còn sống, Cha Đaminh đã muốn anh em ra đi và đến với những người đang rơi vào cảnh khốn cùng về thể lý cũng như tinh thần, giúp họ nhận thấy được sức đỡ nâng từ trái tim Thiên Chúa. Điều này giải thích cho chúng ta hiểu lý do tại sao có lần Cha muốn bán mình làm nô lệ để giúp người khác.
Đành rằng sự thánh thiện là hiệu quả do sự đáp lại ơn Chúa của mỗi vị Thánh, nhưng khi nhìn lại lịch sử của Dòng với số lượng đông đảo các thánh, người ta không thể không công nhận có sự ảnh hưởng lớn lao từ Đấng sáng lập. Chúa Giêsu đã từng nói:“Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì họ biết họ là ai. Ở bụi gai, làm gì có nho mà hái? (Mt 7, 16). Cha Đaminh có được nhân đức trổi vượt nhờ Cha biết học cách yêu nơi Chúa Giêsu. Từ yêu mến Lời, để cho Lời chiếm hữu, trở thành con người của Lời, Thánh Đaminh đã dâng lên Chúa một trái tim thiện hảo nên gương sáng cho mọi người noi theo.
Tác giả: Nt. Scholastica, Đaminh Bùi Chu