Được thanh tẩy và được sai đi

Thứ sáu - 11/01/2019 17:45  1470

LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA - NĂM C
Is 42,1-4.6-7; Cv 10,34-38; Lc 3,15-16.21-22

“Được thanh tẩy và được sai đi – Tín hữu Chúa Kitô tham gia sứ vụ loan báo Tin Mừng”, đó là chủ đề cuộc hội thảo do Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam tổ chức từ ngày 03-06.9.2018 tại Trung Tâm Mục Vụ TGP Huế. Lời Chúa trong thánh lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa hôm nay soi sáng cho chúng ta biết về ơn gọi và sứ mạng của Chúa Giêsu. Đồng thời, mời gọi chúng ta ý thức về ơn gọi và sứ mạng của người tín hữu đã được Rửa tội và được sai đi loan báo Tin mừng cứu độ.

00 00 en mission

Ơn gọi và sứ mạng của Chúa Giêsu đã được ngôn sứ Isai loan báo qua bài ca về Người Tôi Trung được Thiên Chúa tuyển chọn, ban thần khí và sai đi thi hành sứ mạng. Người Tôi Trung là người hiền lành nên không lớn tiếng ở nơi công cộng; Người đầy lòng thương xót đến nỗi “không bẻ gẫy cây lau bị giập, không dập tắt tim đèn còn khói” (Is 42,3). Tuy nhiên, Người Tôi Trung lại “không yếu hèn, không chịu phục” (Is 42,4), nhưng trung thành hoàn tất sứ mạng được trao phó. Đó là sứ mạng “làm sáng tỏ công lý” hay “thiết lập công lý” trước muôn dân (Is 42,1.3.4). “Công lý” của Thiên Chúa là ánh sáng soi cho muôn nước, để “mở mắt cho những ai mù lòa, đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ, dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong tối tăm” (Is 42,7).

Tin Mừng thánh Luca cho thấy dân chúng đang trông ngóng Đấng Mêsia. Trong thâm tâm họ nghĩ rằng ông Gioan Tẩy Giả chính là Đấng mà họ đang trông chờ. Tuy nhiên, ông Gioan lại hướng sự chờ mong của dân chúng vào Đức Giêsu chính là Đấng Mêsia.

Lời chứng của ông Gioan khẳng định về căn tính thần linh của Chúa Giêsu: “Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho người”. Ông Gioan cũng cho biết rõ phép rửa của ông là phép rửa “trong nước”, còn phép rửa của Chúa Giêsu “trong Thánh Thần và lửa” (Lc 3,16). Phép rửa bằng nước tỏ lòng người sám hối (Lc 3,3), là điều kiện cần thiết để được đón nhận phép rửa trong Thánh Thần sẽ được ban xuống vào ngày lễ Ngũ Tuần (Cv 2,1-4). Lửa là biểu tượng của sự thanh luyện và là biểu tượng của việc tuôn đổ Chúa Thánh Thần xuống trên những người lãnh nhận (Cv 2,3-4). Như thế, phép rửa bằng nước là dấu chỉ bên ngoài của việc sám hối, còn phép rửa “trong Thánh Thần và lửa” là dấu chỉ của ân sủng và sức mạnh của Thánh Thần để thanh luyện tâm hồn con người.

Sự kiện Chúa Giêsu chịu phép rửa được thánh Luca đặt trong một khung cảnh khi Người cầu nguyện, diễn tả mối tương quan mật thiết giữa Người với Chúa Cha và Thánh Thần. Quả vậy, Đức Giêsu chịu phép rửa không phải để tỏ lòng sám hối vì Người vốn là Đấng vô tội (Hr 4,15), nhưng là để khai mạc sứ vụ của Đấng Mêsia, Đấng tuy đến sau ông Gioan, nhưng lại có trước và là “Đấng mạnh thế hơn” ông. Vì Chúa Giêsu được Thánh Thần chứng nhận: “ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu”, và được Chúa Cha xác nhận: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha” (Lc 3,22).

Trong đoạn trích từ sách Công vụ Tông đồ, thánh Phêrô khẳng định rằng Thiên Chúa là Đấng công bằng với tất cả mọi người, dù họ là ai, thuộc bất cứ dân tộc nào. Bất cứ ai “kính sợ Thiên Chúa và ăn ở ngay lành” thì đều được Ngài tiếp nhận. Vì thế, không chỉ dân Do thái mà cả dân ngoại, nếu sống ngay lành, thì đều được Thiên Chúa đón nhận. Thánh Phêrô xác nhận rằng “Đức Giêsu xuất thân từ Nadarét, Đấng được Thiên Chúa dùng Thánh Thần và quyền năng” mà xức dầu tấn phong, chính là “Chúa của mọi người”. Thật vậy, Đức Giêsu là Chúa của cả người Do thái lẫn dân ngoại; Người không chỉ được sai đến để “thi ân giáng phúc”“chữa lành” cho riêng một dân tộc nào. Người thật là “Tin Mừng bình an” cho tất cả mọi người.

Ngày lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa hôm nay, Hội thánh muốn nhắc nhớ và mời gọi chúng ta hãy sống ơn gọi cao cả mà mỗi người đã lãnh nhận khi chịu phép rửa tội là được trở nên con cái Thiên Chúa, được diễm phúc trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô (x. Rm 8,29); và được gia nhập vào Hội thánh, Hiền Thê của Chúa Kitô. Ấn tín của việc bí tích Rửa tội chính là dấu ấn của Chúa Thánh Thần ghi trên người Kitô hữu, để “chờ ngày cứu chuộc”, và cũng là dấu chỉ của sự sống muôn đời. Hơn thế nữa, qua Bí tích Rửa tội, người tín hữu cũng được xức dầu để thực thi sứ mạng ngôn sứ, tư tế và vương đế của Chúa Kitô.

Ước gì Lời Chúa hôm nay luôn thúc đẩy và không ngừng khơi lên trong tâm hồn mỗi Kitô hữu chúng ta về sự cao quý của ơn gọi làm con Thiên Chúa. Nhờ đó, chúng ta trở nên những chứng nhân tích cực dấn thân trong công cuộc loan báo Tin Mừng cho mọi người.

Lm. GB. Vũ Quốc Đạt

 

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập410
  • Máy chủ tìm kiếm22
  • Khách viếng thăm388
  • Hôm nay52,983
  • Tháng hiện tại913,591
  • Tổng lượt truy cập78,917,042
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây