Lc 1,39-45
1. Lời chào (Salve, salutation, salut)
Khi sứ thần Gáprien đến gặp Đức Maria: "Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ơn sủng, Đức Chúa ở cùng bà". Mẹ đã hỏi: lời chào như vậy có nghĩa gì? Nhừng ngôn từ mới mẻ đến từ TC không khỏi làm cho một "nữ tỳ hèn mọn" thắc mắc. Qua đây chúng ta cũng cần hiểu thêm. Khi chào thì phải vui. Không chỉ là xã giao, thủ tục. Khi chào thì Chúa đến và ở với người ấy, giống như người Do thái chào nhau: Shalom; người Ả rập thì chào: Shalam, tức là Bình an của Chúa ở với bạn.
Thánh Phaolô cũng chào giáo hữu thuộc các cộng đoàn như vậy. Do đó, chúng ta có ba công thức được dùng thay cho lời chào trong thánh lễ: bình an của Chúa ở cùng anh chị em; nguyện xin ân sủng và bình an...; nguyện xin ân sủng Đức Giêsu...
Khi Đức Mẹ chào bà Êlisabét, chính lời chào đã làm cho bà chị họ hiểu ra ơn gọi mầu nhiệm, ơn gọi ngôn sứ của đứa trẻ mà bà đang mang thai: "Đứa con trong bụng nhảy lên".
Nhờ lời chào mà chính bà Êlisabét cũng được đầy ân sủng. Giống như sứ thần nói với Mẹ: hỡi bà đầy ân sủng. Các bà mẹ cần ân sủng để đảm nhận một sứ mệnh. Chúng ta cũng được ân sủng và xin ân sủng để làm tròn sứ mệnh Chúa trao. Vậy ta phải siêng năng đến chào Chúa.
2. Chúc phúc (Benedictio, Blessing, Bénédiction)
"Thuật ngữ "benedictio" trong tiếng La tinh và "eulogia" trong tiếng Hy lạp có hai nghĩa : Thiên Chúa chúc lành cho thụ tạo và con người chúc tụng Thiên Chúa. Chúc lành là hành vi Thiên Chúa ban sự sống cho con người, vì Chúa Cha là nguồn sự sống. Chúc lành của Thiên Chúa vừa là lời vừa là hồng ân. Chúc tụng là hành vi con người thờ phượng và tạ ơn Đấng Sáng Tạo" (GLCG 1078).
Bà Êlisabét nói về cái phúc của Mẹ Maria, của đứa con trong bụng là Chúa Cứu Thế. Đây là quả phúc lớn nhất, vô tiền khoáng hậu, vì Ngài là Ơn cứu độ mà Chúa Cha ban tặng cho nhân loại, Ngài là quà tặng tình yêu. Yêu đến nỗi ban Con Một. Bà chị họ còn nhấn mạnh thêm: "Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em" (c. 45). Lời của bà Êlisabét đúng như lời sứ thần Gáprien nói: "Bà đầy ơn sủng". Người đầy ơn phúc là người đầy tràn ân sủng mà chính bà chị họ đã cảm nhận. Sự cảm nhận được tỏ ra bằng niềm vui tràn ngập.
Ông Dacaria cũng không quên chúc tụng Thiên Chúa khi ông nhận được ơn Chúa thương ban. Mỗi khi chúng ta đọc hay hát bài Benedictus (chúc tụng) của Dacaria, chúng ta cảm nhận được ơn phúc của Chúa như thế nào: "Đức Chúa... viếng thăm cứu chuộc dân Người. Từ dòng dõi trung thần Đa-vít, Người đã cho xuất hiện Vị Cứu Tinh quyền thế để giúp ta,...: sẽ cứu ta thoát khỏi địch thù, thoát tay mọi kẻ hằng ghen ghét; sẽ trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên và nhớ lại lời xưa giao ước; Chúa đã thề với tổ phụ Ápraham rằng sẽ giải phóng ta..., và cho ta chẳng còn sợ hãi, để ta sống thánh thiện công chính trước nhan Người, mà phụng thờ Người suốt cả đời ta. Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao: con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người, bảo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ là tha cho họ hết mọi tội khiên. Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn, cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta, soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối và trong bóng tử thần, dẫn ta bước vào đường nẻo bình an".
Những người thánh thiện xứng đáng được lời chúc lành, chúc phúc của đức tin vì tin vào lời Chúa. Mẹ tin lời sứ thần nên không bị câm. Dacaria bị vì không tin những khi điều Chúa thực hiện xong thì nói được. "Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em" (c. 45).
Trong thư gửi tín hữu Êphêxô, thánh Phaolô cũng chúc tụng Thiên Chúa: "Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Trong Đức Ki-tô, từ cõi trời, Người đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần. Trong Đức Ki-tô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giê-su Ki-tô, để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu." (1,3-6).
Cầu mong điều tốt cho người khác. Việc Thiên Chúa ban ơn phúc cho thụ tạo qua Chúa Kitô. Mọi việc Thiên Chúa làm: tạo dựng, cứu chuộc, thánh hóa để ban sự sống thần linh cho thụ tạo. Chúa Thánh Thần là sự chúc lành tuyệt hảo nhất của Thiên Chúa. Ai tin và chịu phép rửa là một chúc lành. Giáo dân được chủ sự một số nghi thức chúc lành (x. GLCG 1669). Như vậy, họ đã trở nên lời chúc cho người khác.
Chào chúc theo xã giao là nghi lễ, văn hóa, văn minh, nhưng chào chúc trong Kitô giáo có giá trị cứu độ.
Lm. Vs. ĐMT