Lễ các thánh Tử đạo: Hiến lễ tình yêu

Thứ bảy - 17/11/2018 19:47  1296
Kn 3,1-9; Rm 8,31b-39; Ga 17,11b-19

download 7Các bài đọc trong thánh lễ hôm nay soi sáng cho chúng ta hiểu được ý nghĩa, giá trị của đau khổ và cái chết của các thánh tử đạo như một hiến lễ tình yêu dâng lên Thiên Chúa.

Bài đọc I trích sách Khôn Ngoan đã cho thấy chính niềm tin vào Thiên Chúa đã dẫn các thánh tử đạo đến việc hiểu biết chân lý và trung thành với Người trong tình yêu. Vì thế, Thiên Chúa đã “đón nhận các ngài như của lễ toàn thiêu” (Kn 3,6). Trong thư gửi cho các tín hữu Rôma, thánh Phaolô xác tín rằng nhờ cái chết và sự sống lại của Đức Giêsu, Thiên Chúa cho thấy Người yêu thương nhân loại bằng một tình yêu vô điều kiện và vững bền đến nỗi không có bất cứ ai hay sức mạnh nào có thể tách con người khỏi tình yêu ấy (x. Rm 8,38-39). Các thánh tử đạo đã cảm nhận cách sâu sắc tình yêu Thiên Chúa dành cho mình đến nỗi chấp nhận cái chết để minh chứng cho sức mạnh của tình yêu đó. Các ngài đã theo sát mẫu gương của Chúa Giêsu, Đấng đã tự hiến mạng sống mình vì yêu nhân loại, như trong bài Tin mừng Chúa Giêsu đã cầu nguyện với Chúa Cha: “Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến” (Ga 17,19).

Các thánh tử đạo đã không chết chỉ vì một lý tưởng, một ý thức hệ hay một tham vọng nào cả. Thái độ căn bản của các ngài là: không cuồng tín, không được chạy theo vinh quang giả dối, dù là bằng hành vi dâng hiến hoàn hảo nhất. Thế nhưng, khi nào Thiên Chúa là Đấng quan phòng muốn các ngài biểu lộ niềm tin bằng hành động cụ thể, thì các ngài phải đi cho trọn con đường thập giá và sẵn sàng hiến dâng mạng sống làm hiến tế tình yêu. Đối với các ngài, sự hiến dâng chỉ vì một Đấng các ngài yêu mến là Đức Giêsu. Ông Năm Quỳnh khi bị xử giảo, nằm giang tay trên đất nói: "Xưa Chúa cũng giang tay thế này để chịu đóng đinh". Đức cha Sanjurjo An viết: "Chớ gì máu tôi hòa với máu Đức Kitô trên đồi Canvê tẩy rửa tôi sạch muôn vàn tội lỗi". Linh mục Đaminh Đinh Viết Dụ tâm sự với người vào tù thăm ngài rằng: "Sức tôi tuy đã giảm, nhưng còn chịu đựng được. Chúa chúng ta đã chịu bao hình khổ để cứu độ nhân loại. Tôi cũng sẵn lòng chịu những sự khó này để nên giống Chúa Kitô phần nào". Linh mục Ngô Duy Hiển lại nói: "Tôi sẵn sàng chết vì Đấng đã chết cho tôi". 

Ngoài ra, tất cả các thánh tử đạo đều thấy cái chết của mình như một hiến tế, tất cả đều cầu nguyện, hiến dâng đời mình trong những giây phút cuối cùng, và khi biết chính xác ngày xử tử, các ngài thường chuẩn bị tinh thần bằng những hy sinh tự nguyện, hoặc bằng ăn chay hãm mình, hoặc bằng những thời gian dài suy niệm. Có hai hình ảnh đáng ghi nhớ đặc biệt: đó là ông Tống Viết Bường, trường hợp đặc biệt xử về đêm, đã tìm cách đi chậm để xin được chết trên nền cũ nhà thờ Thợ Đúc, Huế. Chính nơi đã từng bao năm tháng các tín hữu tụ họp dâng lên Chúa hiến lễ tối cao là Đức Giêsu, thì cũng tại đây, ông hiến dâng chính mạng sống mình. Hình ảnh thứ hai là giám mục Henares Minh, sau khi người học trò yêu quí là thầy Chiểu bị xử trảm, ngài kính cẩn đón lấy thủ cấp của thầy, rồi dâng lên cao như một lễ vật tinh tuyền kính dâng Thiên Chúa. Cả pháp trường đều thinh lặng ngất ngây trong giây phút có một không hai đó, giây phút kết tinh trọn vẹn cuộc đời dâng hiến của một người con cái Chúa.

Như vậy, tử đạo chính là một thánh lễ cuộc đời. Trong lá thư linh mục Bonnard Hương ngày áp cuộc tử đạo nói rõ điều đó: "Giờ long trọng đã điểm, xin chào tất cả mọi người đã thương mến và nhớ đến tôi... Trông cậy vào lòng Đức Giêsu nhân từ, tôi tin Ngài thứ tha muôn vàn tội lỗi cho tôi. Tôi tự nguyện hiến dâng máu và mạng sống vì yêu mến Ngài, và vì những linh hồn yêu dấu mà tôi muốn phục vụ hết mình... Ngày mai sẽ là ngày hiến tế của tôi. Xin cho ý Chúa được thể hiện". Và như Đức Giêsu xưa trên đồi Canvê, ngài kết thúc bằng lời nguyện: "Trong tay Ngài, Lạy Chúa, con phó thác hồn con". Còn Đức cha Cuénot Thể thì tâm sự: "Nhìn các bạn từng người bước lên bàn thờ tử đạo, tôi thấy mình cô đơn quá, ngày đẹp nhất đời tôi là ngày được hiến tế trên bàn thờ tử đạo". Cuộc đời các chứng nhân đức tin chịu đốt cháy trong lao khổ, trong ngục hình, và cả cái chết đều như hương trầm dâng lên Thiên Chúa, sẽ tỏa hương thơm ngát cho ngàn muôn thế hệ.

Xin cho mỗi Kitô hữu hôm nay biết noi gương các thánh Tử Đạo luôn trung thành với Chúa trong mọi cơn gian nan thử thách của cuộc đời. Đồng thời, cũng là động lực giúp chúng ta can đảm làm chứng cho niềm tin và lòng yêu mến Chúa trong hoàn cảnh và môi trường sống của chúng ta hôm nay. Nhất là hiến dâng chính cuộc đời mình làm của lễ sống động đẹp lòng Chúa, như lời bài hát Xin Cho Con:

1. Xin cho con dám hiến tế cuộc đời, dám đi vào một cuộc phiêu lưu. Dám xin vâng, dám lên đường, dám trả lời: Lạy Chúa con đây. Xin cho con dám dấn bước theo Ngài, dẫu trên đường còn nhiều chông gai. Dám hy sinh, dám quên mình, dám sẳn sàng thực thi ý Ngài.

Xin cho con trở nên của lễ, sát tế mỗi ngày để kính dâng Cha. Xin cho con trở nên nhỏ bé để Chúa lớn lên trong con hằng ngày.

2. Xin cho con dám hiến tế cuộc đời, để âm thầm phục vụ anh em. Dám yêu thương hết mọi người, giống như Ngài: Mục tử khiêm nhu. Xin cho con dám gắn bó cuộc đời với duyên tình thập tự vinh quang với Giêsu, Đấng con thờ, để nên lời ngợi ca chúc tụng.

Xin cho con giảng rao Lời Chúa cho muôn muôn người được biết Danh Cha. Cho con nên bàn tay của Chúa để cứu thế gian bao nhiêu tội tình.

Tác giả: Lm. Gioan B. Vũ Quốc Đạt

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập318
  • Máy chủ tìm kiếm17
  • Khách viếng thăm301
  • Hôm nay52,983
  • Tháng hiện tại914,705
  • Tổng lượt truy cập78,918,156
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây