CHÚA NHẬT XIV TN – B
Ed 2,2-5; 2Cr 12,7-10; Mc 6,1-6
Trọng tâm của Tin Mừng hôm nay chính là đức tin. Chúa Giê-su đã không thể làm được phép lạ nào nơi quê hương, bởi vì họ không tin. Những người quê hương từ chối, thậm chí còn chống đối Chúa Giê-su, bởi vì họ không tin. Những người ở quê hương Chúa Giêsu đã đặt ra năm câu hỏi: 3 câu về Chúa (Bản thân, giáo lý, phép lạ); 2 câu về gia đình và dòng họ (con bà Ma-ri-a; anh em với ông Gia-cô-bê, Giô-xết, Giu-đa và Si-môn). Nhiều kẻ đã vấp ngã vì Người.
Thế giới đang mở ra với biết bao cơ hội, nhưng lại đang khép lại với nhiều thách đố: chiến tranh, dịch bệnh, phe phái chính trị,… Cứ đà này, con người đang kìm hãm sự phát triển của chính mình, đó là điều không xa. Làm thế nào để sống và hành động một cách tích cực cho thế giới hiện tại? Chỉ có đức tin mới giúp con người có sự khiêm tốn và sẵn sàng lắng nghe. Chính đức tin giúp người ta nhận biết các việc kỳ diệu Thiên Chúa đã và vẫn đang làm trong thế giới, để ban ơn cứu độ cho mọi người. Chắc chắn một điều rằng, trong khi Thiên Chúa vẫn đang không ngừng ban phát những phép lạ, thì với những kẻ khép kín mình với Thiên Chúa, phép lạ lại trở thành chuyện phi lý và vô ích.
Nhìn vào sự kiện bị từ khước bởi dân làng Nadarét, nếu họ đã nhìn nhận sự xuất hiện của Chúa Giêsu chính là ơn cứu độ cho họ, thì rất tiếc, sự cứng lòng tin của họ lại là sự bất lực của Chúa Giêsu, và thế là họ để vuột mất ý nghĩa của các lời Người loan báo.
Câu chuyện người thành Nadarét, không phải là câu chuyện của quá khứ. Nó chính là câu chuyện điển hình cho mọi thời đại, cho đất nước này đất nước nọ, cho thành phố này thành phố kia, cho người này cho người khác. Câu chuyện “Sự từ khước ở Nadarét” vẫn tồn tại. Con người hôm nay, những người Nadarét mới, vẫn đang thấy Chúa Giêsu là một cớ gây ngạc nhiên và vấp ngã. Do sự từ khước của con người hôm nay, hành động của Thiên Chúa cứu độ như gián đoạn. Do ý thức hệ, do cấu trúc văn hóa và tín ngưỡng, người ta không hiểu được cốt lõi tinh túy của sứ điệp, cũng không tạo cơ hội cho các việc kỳ diệu có thể xảy ra, hay cho ơn Chúa có thể đến được với chính con người.
Vì thế, cộng đoàn Ki-tô hữu chúng ta, vừa phải biết nhận ra các ngôn sứ được Thiên Chúa cho xuất hiện giữa các thành viên của mình, vừa phải hỗ trợ và làm gia tăng ơn Chúa, mà sự hiện diện của họ mang lại. Đó không gì khác hơn là những người có trách nhiệm trong Giáo Hội, trong cộng đoàn. Để làm được điều này, cộng đoàn phải trở thành một tập thể sẵn sàng, trong tư thế cầu nguyện, có cái nhìn khôn ngoan, để nhận ra các dấu chỉ của Thiên Chúa.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta, củng cố tinh thần người môn đệ Chúa: Chúng ta, những người môn đệ của Chúa Giêsu không được nản chí khi gặp thất bại hay chống đối. Nhiệm vụ của người môn đệ là cứ ra đi để rao giảng Lời Chúa, để làm chứng, không nên bận tâm và nặng lòng với kết quả. Cần phải nhìn vào Thầy Giêsu mà dấn thân. Như Chúa Giêsu, chúng ta cứ quảng đại dấn thân làm việc, “lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện” (2 Tm 4,2). Niềm vui sẽ nhận được không phải do kết quả kiểm chứng được, nhưng là do biết rằng chúng ta đã kiên trì thực hiện những điều Thiên Chúa muốn.
Những người Na-da-rét không nhìn nhận Chúa Giê-su là Đấng Mê-si-a bởi vì thành kiến. Thành kiến là một tật xấu nằm sâu trong tâm khảm con người. Chính tật xấu này làm cho khả năng đón nhận và loan truyền Lời Chúa bị giới hạn lại. Các Kitô hữu chúng ta cần sống bài học của thánh Phaolô: “vui khi thấy điều chân thật” (1 Cr 13,6). Đó là khả năng nhận ra sự thiện hảo, tại bất cứ nơi nào nó xuất hiện, và sẵn sàng nêu lên.
Xin Chúa giúp chúng ta luôn sống với đôi mắt của niềm tin và sự yêu mến, để chúng ta có thể nhìn ra và đón nhận tất cả những gì tốt đẹp Chúa gửi đến, ngõ hầu có thể đứng vững mà không bị vấp ngã trong đức tin. Amen.