Đức Giêsu là nước hằng sống
Thứ sáu - 13/03/2020 21:42
2097
CHÚA NHẬT III MÙA CHAY NĂM A
Xh 17,3-7; Rm 5,1-2,5-8; Ga 4, 5-42 “Ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa” (Ga 4,14)
Cả ba bài đọc trong Chúa Nhật III mùa Chay hôm nay đều đưa ra những ý nghĩa sâu xa của nước, giúp chúng ta sống lại kinh nghiệm nền tảng của bí tích Rửa tội, với biểu tượng nước tái sinh, nước mang lại sự sống đời đời.
Trong hành trình đầy gian khó hướng về tự do nơi miền đất hứa, trong cơn cháy khát của sa mạc, dân Israel đã thử thách Thiên Chúa và họ đã than trách ông Môsê. Họ đã chiếm quyền của Thiên Chúa khi đòi buộc Người phải ra tay làm phép lạ để giải quyết khó khăn của họ. Thiên Chúa đã từ chối kiểu đòi hỏi này. Tuy nhiên, Người không bỏ mặc họ, nhưng đã ban cho họ nguồn nước từ tảng đá trong sa mạc, để họ nhìn nhận Người là Đấng cứu thoát họ mà học biết tin tưởng vào Người.
Tảng đá mà hôm xưa Môsê đã làm cho nước tuôn chảy ra là dấu chỉ Thiên Chúa luôn đồng hành với dân Người và ban cho họ sự sống. Thánh Phaolô giải thích rằng tảng đá ấy là chính Đức Kitô, đã hoạt động cách huyền nhiềm ngay từ những sự kiện đó: “Tất cả cùng uống một thức uống linh thiêng, vì họ cùng uống nước chảy ra từ tảng đá linh thiêng vẫn đi theo họ. Tảng đá ấy chính là Đức Kitô” (1Cr 4,1). Đức Kitô còn là Đền thờ, mà từ đó vọt lên nguồn nước, dấu chỉ của Thánh Thần, Đấng ban sự sống (x. Ed 47, Dcr 13,1). Ai khát có thể kín múc nơi Người cách nhưng không (Ga 7,37-39) và sẽ không còn khát nữa, bởi chính Người sẽ trở thành một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời.
Bài Tin Mừng thuật lại cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và người phụ nữ Samaria nhằm dẫn ta đến với mạc khải về chính Ngài là Nước hằng sống. Khi ấy, Đức Giêsu đang trên đường đi từ Giuđê tới Galilê, nên phải băng qua miền Samaria. Người đến một thành xứ này, tên là Xy-kha, gần thửa đất ông Giacóp đã cho con là ông Giuse. Ở đấy, có giêng của ông Giacóp. Người đi đường mệt mỏi và khát nước, nên ngồi ngay xuống bờ giếng. Lúc đó, vào khoảng mười hai giờ trưa. Có một phụ nữ Samari đến kín nước. Đức Giêsu nói với người ấy: "Chị cho tôi xin chút nước uống!".
Thực ra, Đức Giêsu không chỉ khát nước, nhưng Người còn một cơn khát khác, đó là thi hành ý muốn của Chúa Cha để hoàn tất công trình cứu độ loài người bằng việc hiến tế chính mình trên thánh giá. Ở đó, Người lập lại lần cuối: “ta khát”, “mọi sự đã hoàn tất”, và từ cạnh sườn Người máu cùng nước chảy ra (x. Ga 19,28-30). Ở đây, Đức Giêsu khao khát cứu người đàn bà Samaria, bởi chính Người là nguồn nước hằng sống, và người nữ này, mặc dù trải qua nhiều bối rối và ngạc nhiên, cuối cùng chị cũng đón nhận hồng ân tái sinh bởi nước hằng sống mà Đức Giêsu ban cho, và từ đây chị trở thành thụ tạo mới và không bao giờ còn khát nữa.
Trong bài đọc II, thánh Phaolô đã làm rõ ý nghĩa bài Tin Mừng. Lời hứa ban nước hằng sống trở thành hiện thực nơi sự Phục sinh của Đức Giêsu, bởi vì từ cạnh sườn của Người đã tuôn trào “máu và nước”. Đức Giêsu trở thành suối nguồn tuôn trào nước Thánh Thần, nghĩa là tình yêu của Thiên Chúa đã đổ vào lòng chúng ta trong ngày lãnh nhận bí tích rửa tội. Tình yêu này đã thanh tẩy và mang lại cho chúng ta sự sống mới ngay khi chúng ta còn chưa có ý thức đáp trả. Nhờ ơn Chúa Thánh Thần chúng ta trở nên một với Đức Kitô, con Thiên Chúa, trở thành những người thờ phượng Chúa Cha cách đích thật. Bởi thế, như người phụ nữ Samaria, chúng ta cũng cần biết cảm nghiệm tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta và kể lại cho người khác những điều Thiên Chúa đã thực hiện nơi chúng ta, và cũng như những người đồng hương của chị, chúng ta cùng chạy đến với Người để tuyên xưng rằng Người là Đấng cứu độ thế gian, chính Người sẽ làm dịu mọi cơn khát của con người chúng ta.
Lạy Chúa là Cha yêu thương chúng con và muốn tặng ban cho chúng con nước hằng sống là chính Con Một yêu dấu của Chúa. Xin cho chúng con biết thờ phượng Chúa trong Thần Khí và sự thật, hầu đáng hưởng sự sống muôn đời mà Chúa hứa ban qua Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.
Tác giả: Lm Gioan B. Vũ Quốc Đạt - Nhóm suy niệm BC