Gn 3,1-5.10; 1Cr 7,29-31; Mc 1,14-20
Cách nay khoảng 4 hay 5 năm, kênh truyền hình VTV9 chiếu một bộ phim của Đài Loan tựa đề “Thiên hạ đệ nhất vị”. Nhân vật tôi lưu ý nhất của bộ phim là Lưu Minh Phong. Ông phạm nhiều sai lầm, nhưng không chịu thừa nhận lỗi lầm và hối cải. Kết quả là những người thân của ông (vợ, con và cháu gái) đều rời xa ông. Mãi đến cuối đời do chịu nhiều tác động, ông mới sám hối lỗi lầm và thay đổi cuộc đời. Kết quả là ông nhận lại được tất cả những người thân và mỗi người trong họ đều yêu thương và kính trọng ông nhiều hơn. Kể từ đây, ông mới thực sự cảm nghiệm được thế nào là niềm vui và hạnh phúc thật. Sau đó thì ông đã cố gắng làm mọi điều tốt cho họ để bù lại những năm tháng ông gây ra đau khổ cho họ.
Từ tình tiết này trong bộ phim, tôi liên tưởng đến sự sám hối và thay đổi trong đời sống xã hội. Một người dù phạm lỗi lầm lớn mấy đi nữa, nếu thực tâm hối cải trở về thì sẽ nhận được tình thương tha thứ của người khác, thậm chí có thể nhận được cả tình thương tha thứ của những người từng chịu đau khổ do người đó gây ra. Người sám hối trở về chắc chắn sẽ tìm lại được bình an và niềm vui đích thật trong cuộc sống. Dó đó, sám hối lỗi lầm và quyết tâm làm lại cuộc đời là một trong những đòi hỏi thiết thực nhất nơi cuộc đời của mỗi người. Thái độ này càng khẩn thiết hơn nữa trong đời sống đức tin của người tín hữu.
Quả vậy, toàn bộ bài đọc thứ nhất trích sách tiên tri Giona hôm nay đều nói về sám hối và tha thứ. Thành Ninivê là thành của dân ngoại, đang sống trong tội lỗi và lầm lạc. Thiên Chúa tuyên bố sẽ giáng hình phạt xuống thành này vì tội lỗi quá lớn của họ. Tuy nhiên, trước khi giáng hình phạt, Thiên Chúa sai tiên tri Giona đến rao giảng và kêu gọi lòng sám hối. Nghe lời rao giảng và kêu gọi của Giona, toàn dân từ vua, quan cho tới thần dân, và cả súc vật đều tỏ lòng sám hối. Họ công bố lệnh ăn chay, mặc áo vải thô từ người lớn cho đến trẻ nhỏ, bỏ đường gian ác mà trở lại. Thấy tấm lòng sám hối của họ, Thiên Chúa hối tiếc về tai họa đã tuyên bố giáng xuống trên họ và đã không giáng xuống nữa.
Chính vì sám hối và đổi mới đời sống quan trọng như thế nên Đức Giêsu mở đầu cho cuộc đời rao giảng của mình bằng lời “Thời kỳ đã mãn và Nước Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” Thời kỳ đã mãn nghĩa là kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa đã nên trọn vẹn với Chúa Giêsu vì Ngài là Đấng Mêssia sẽ hướng dẫn lịch sử tới cùng đích của nó. Triều đại (Nước) Thiên Chúa đã đến gần nghĩa là niềm hy vọng của Israel nay đã được toại nguyện. Với Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã đích thân hành động, triều đại của Ngài đang kề bên. Theo cách nói của giáo phụ Origen thì “nào Chúa Giêsu chẳng phải là triều đại Thiên Chúa bằng xương bằng thịt?”
Vì thời kỳ đã mãn và nước Thiên Chúa đã đến gần nên người ta phải sám hối nếu họ muốn vào nước Thiên Chúa hay đón nhận niềm hạnh phúc trong đức tin. Lời kêu gọi sám hối mới đầu xem ra dành cho kẻ tội lỗi, nhưng trên thực tế lại nhắm tới mọi người, kể cả người tốt lành vì chẳng ai lại không có những lỗi lầm thiếu sót, nhất là sám hối đòi hỏi sự thay đổi cuộc đời theo các giá trị của Tin Mừng. Để đáp lại lời mời gọi hoán cải, trước tiên người ta phải cảm thấy bất mãn với chính mình và ao ước một điều gì đó tốt đẹp hơn. Người ta phải ý thức mình có điều gì đó sai trái hoặc đang thiếu sót một điều gì đó và cần phải hoán cải. Để xúc tiến việc hoán cải, người ta phải có tinh thần cởi mở, khiêm tốn, chân thành, khiêm tốn và can đảm chấm dứt sự lừa dối mình, đối diện với tội lỗi, cầu xin ơn tha thứ và quyết tâm thay đổi.
Để xứng đáng với hạnh phúc Nước Trời chỉ sám hối thì chưa đủ, người ta còn phải tin vào Tin Mừng. Theo thánh Marco, Tin Mừng là một cuộc đăng quang hoàng đế và một triều đại bắt đầu. Thánh Phaolo đặt biến cố đăng quang của Đức Giêsu vào lúc Ngài chịu chết và sống lại. Thánh Marco đặt biến cố ấy vào đời sống công khai của Đức Giêsu. Với Marco thì quyền lực của Đấng Phục Sinh đã được bày tỏ cách kín ẩn trong những lời nói và việc làm của Đức Giêsu trần thế. Quyền lực ấy thể hiện qua lời rao giảng đầy uy quyền, cuộc chiến chống lại satan, các phép lạ, việc chọn lựa các môn đệ. Từ đó, các biến cố cứu độ khởi đầu cho triều đại Thiên Chúa là bản thân Đức Giêsu đang hành động và rao giảng. Ngài chính là triều đại hiện thân và Tin Mừng của Thiên Chúa chính là Con của Người. Vì thế, tin vào Tin Mừng là tin vào Chúa Giêsu và lời dạy của Ngài.
Sám hối canh tân cần thiết trong cả đời sống tự nhiên lẫn siêu nhiên vì thế mà Chúa Giêsu đã mở đầu cuộc đời rao giảng bằng lời kêu gọi “Thời kỳ đã mãn và triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” Xin cho mỗi người chúng ta can đảm đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu không ngừng sám hối và đổi mới đời sống mỗi ngày theo các giá trị của Tin Mừng để chúng ta xứng đáng với bình an, niềm vui và hạnh phúc Nước Trời mà Thiên Chúa hứa ban cho những ai đặt hết cả đức tin và tình yêu vào Đức Giêsu, người con duy nhất của Ngài. Amen.