Lv 13,1-2.44-46; 1Cr 10,31-11,1; Mc 1,40-45 Tín thác và tình thương là hai tâm tình nổi bật làm nên khung cảnh đẹp của Tin mừng hôm nay. Người phong hủi đã tín thác vào Chúa Giê-su và Chúa Giê-su đã chạnh lòng thương bằng việc chữa lành.
Trong đời sống xã hội thường ngày, chúng ta vẫn thấy phụ huynh chọn trường học uy tín, đáng tin tưởng để gửi con em vào học; hay tìm những ngân hàng tin cậy để gửi tiền; tìm công ty bảo hiểm uy tín để trao gửi sức khỏe và tính mạng.
Người phong hủi trong Tin mừng hôm nay tin tưởng vào Chúa Giê-su nên đã chạy đến sấp mình dưới chân Ngài. Anh phải có lòng tin mạnh mẽ mới có được hành vi can đảm đó bởi người phong hủi thời đó bị miệt thị và phải sống cách ly với cộng đồng. Họ bị coi là ô uế, tội lỗi. Không được đụng chạm vào họ để khỏi bị ô uế. Họ không được phép xuất hiện ở những nơi công cộng, nơi hội họp đông người. Đi đến đâu, họ phải hô to “ô uế” để mọi người tránh xa... Nói cách vắn tắt: họ phải chịu đau khổ cả thể xác lẫn tâm hồn nên tự thu mình lại.
Người phong hủi hoàn toàn tin tưởng phó thác con người, tình trạng bệnh tật cho Chúa, để Chúa làm chủ. Chính lời van xin cầu khẩn của anh đã nói lên tất cả: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch” (Mc 1, 40). Anh đã đặt trọn cuộc sống anh vào trái tim yêu thương của Chúa Giê-su và để Ngài toàn quyền quyết định cho cuộc đời anh, cho tình trạng sức khoẻ của anh. Anh phó thác đời anh cho ý muốn của Chúa “Lạy Ngài, nếu Ngài muốn”. Nếu Chúa muốn tôi khỏi, tôi cũng vui. Nếu Chúa muốn tôi bệnh, tôi cũng sẵn sàng đón nhận. Tất cả là theo thánh ý Ngài. Lời cầu nguyện của anh cũng rất gần với lời cầu nguyện của Chúa Giê-su trong vườn Cây Dầu xưa: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin Cha cất chén này xa con. nhưng xin đừng theo Ý con muốn, một theo ý Cha” (Lc 22,42).
Lòng tin tưởng phó thác ấy của người phong hủi đã chạm tới Trái Tim Thương Xót của Chúa Giê-su nên“Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và nói: Tôi muốn, anh sạch đi” (Mc 1,41)
Một trái tim thương xót sẽ không thể nào bỏ qua một cảnh đời đau khổ chạy đến van xin với tấm lòng tin tưởng. Chúa Giê-su đã chạnh lòng thương, đã nhói đau trước nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần của người phong hủi. Trái tim ấy không chỉ chạnh lòng trước người phong hủi, mà còn trước bao cuộc đời lầm than vất vả, tai ương, bệnh tật. Ngài đã đặt tay cứu chữa rất nhiều bệnh nhân. Chạnh lòng khi thấy dân chúng mấy ngày đường đói lả, Ngài đã hóa bánh và cá ra nhiều cho họ ăn no nê. Chạnh lòng trước cảnh góa bụa đơn thân, Ngài đã phục sinh cậu con trai duy nhất của bà góa thành Na-in. Chạnh lòng trước cảnh mồ côi cha mẹ, Ngài đã phục sinh cho La-gia-rô, em trai của Mát-ta và Maria. Đỉnh cao của trái tim chạnh lòng thương xót chính là việc Chúa đã chấp nhận chết trên thập giá vì yêu thương loài người. Vì tội lỗi loài người và không muốn để con người phải chết đời đời, trái tim yêu thương ấy đã chịu đâm thâu trên thập giá để loài người được cứu độ, được sống và sống dồi dào.
Như vậy, từ tâm tình tín thác tới trái tim tình thương, các tín hữu được mời gọi hãy tín thác để nhận được tình thương. Lòng tín thác của người phong hủi đã chạm tới trái tim chạnh thương của Chúa Giê-su. Lời cầu xin với tâm tình tín thác trọn vẹn “nếu Ngài muốn” đã nhận được lời đáp trả đầy yêu thương “Ta muốn”.
Ước chi lời cầu nguyện rất đẹp của người phong hủi sẽ là lời cầu nguyện của mỗi chúng ta trong từng hoàn cảnh của cuộc đời.
Lạy Chúa, nếu Chúa muốn, xin hãy làm cho con được sạch. Amen.