CN 27: Mẹ Maria và chuỗi Mân Côi

Thứ sáu - 02/10/2015 21:15  2735
Lễ Đức Mẹ Mân Côi (Cv 1,12-14; Gl 4,4-7; Lc 1,26-38)

Anh chị em thân mến,

Mỗi nhà thờ hay mỗi gia đình Công giáo đều có ảnh tượng Đức Mẹ, thậm chí ngoài ảnh tượng Đức Mẹ được đặt trong nhà thờ, nhiều nơi còn có đài Đức Mẹ ở ngoài sân hay trên các núi đồi của các điểm truyền giáo nữa. Lịch Phụng vụ của Giáo Hội cũng có rất nhiều lễ trọng, lễ kính và lễ nhớ về Đức Mẹ. Một trong những ngày lễ rất đặc biệt kính Mẹ mà Giáo Hội cử hành hôm nay là lễ Mân Côi. Tại sao Mẹ Maria lại được Giáo Hội nói chung và mỗi người tín hữu Công giáo nói riêng tôn kính một cách đặc biệt như vậy và giữa kinh Mân Côi và Mẹ Maria có mối liên hệ gì mà Giáo Hội lại tha thiết mời gọi các tín hữu lần hạt Mân Côi như thế?

Giáo hội tôn kính Mẹ cách đặc biệt bởi vì theo thánh Phaolô, Mẹ đã sinh Chúa Giêsu cho nhân loại và từ Chúa Giêsu mà nguồn ơn cứu độ được tuôn chảy dạt dào cho thế giới “Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người phụ nữ, và sống dưới lề luật, để chuộc những ai sống dưới lề luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (Gl 4,4-6). Như thế, Đức Mẹ là người được Thiên Chúa dự liệu và tuyển chọn từ trước để khi tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đặt Mẹ làm Mẹ Chúa Giêsu, làm người sinh ra Chúa Giêsu cho thế giới. Đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe ghi lại cuộc đối thoại giữa sứ thần Gapriel với Đức Mẹ. Kết thúc cuộc đối thoại là lời khiêm tốn xin vâng để Con Thiên Chúa nhập thể làm người và được sinh ra cho nhân loại. Nhờ Chúa Giêsu mà Thần Khí được trao ban để con người được gọi Thiên Chúa là Cha “Ápba, Cha ơi!” Một khi được gọi Thiên Chúa là cha, con người được trở nên nghĩa tử, được làm con Thiên Chúa và được thừa kế cùng với Chúa Giêsu, nghĩa là được chia sẻ sự sống và mọi vinh quang của Thiên Chúa. Có ân huệ nào lớn hơn ân huệ được làm con Thiên Chúa, được gọi Thiên Chúa là Cha, được cùng Chúa Giêsu chung chia di sản thừa kế là Nước Trời?

Giáo hội tôn kính Mẹ cách đặc biệt không những vì Mẹ được tuyển chọn làm người sinh Chúa Giêsu cho trần thế mà còn vì Mẹ làm mối dây liên kết mọi thành phần của Giáo Hội trong cộng đoàn cầu nguyện. Chúng ta còn nhớ vào những ngày đầu của Giáo Hội, trong khi bầu khí hoang mang, lo âu và sợ hãi bao trùm các tông đồ, thì Mẹ Maria đã ở lại để ủi an, khích lệ họ hãy kiên nhẫn và vững vàng tin tưởng. Không chỉ ở đó để ủi an khích lệ, Mẹ còn với họ khiêm tôn cầu nguyện đợi Chúa Thánh Thần hiện xuống như lời Chúa Giêsu hứa hầu đối mới mọi sự. Như thế, dù ở hoàn cảnh nào thì Mẹ Maria luôn nắm giữ vai trò đồng hành, ủi an và nâng đỡ để Giáo Hội của Chúa Giêsu luôn kiên vững trước mọi sóng gió và thử thách của cuộc đời. Mẹ không những đồng hành, ủi an và cùng cầu nguyện với Giáo Hội mà còn đóng vai trò chuyển cầu hữu hiệu cho Giáo Hội. Do đó, không lạ gì mỗi khi gặp gian nguy, Giáo Hội lại chạy đến với Mẹ Maria và không bao giờ niềm tin yêu của Giáo Hội đặt ở nơi Mẹ lại trở nên vô nghĩa.

Nói đến đây, hẳn chúng ta không khỏi thắc mắc “Vậy Đức Mẹ và chuỗi Mân Côi có liện hệ gì với nhau?” Giữa Mẹ Maria và chuỗi Mân Côi có mối liên hệ rất chặt chẽ bởi vì trước hết, Kinh Mân Côi gồm những kinh Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh và các mầu nhiệm chính yếu trong cuộc đời của Chúa Giêsu. Từ mầu nhiệm Nhập Thể đến rao giảng, chữa lành, chịu chết, sống lại và trao ban Chúa Thánh Thần của Chúa Giêsu đều được sử dụng trong kinh Mân Côi. Có thế nói kinh Mân Côi là một cuốn Tin Mừng thu nhỏ vì qua chuỗi Mân Côi, chúng ta tìm thấy hầu hết các mầu nhiệm về cuộc đời và hoạt động của Chúa Giêsu. Hơn nữa, các kinh đọc được trong chuỗi Mân Côi đều rất ý nghĩa. Chẳng hạn, kinh Kính Mừng là lời chào của sứ thần Gápriel dành cho Mẹ Maria. Lời chào mang đầy sự thán phục đối với Mẹ Maria và tâm tình cảm tạ Thiên Chúa. Ca ngợi Mẹ Maria vì Mẹ đầy ơn phúc, có Chúa ở cùng và con lòng Mẹ được chúc phúc. Cảm tạ Thiên Chúa vì đã chuẩn bị Mẹ cách xứng đáng để làm Mẹ Thiên Chúa hầu qua Mẹ, Chúa Giêsu đến với nhân loại. Ngài mang lấy và chịu đựng để đưa nhân loại vượt qua tội lỗi và sự chết đạt tới cõi phúc trường sinh. Kinh Lạy Cha dạy ta hiểu thế nào là người con thảo, người con thảo phải làm gì để đẹp lòng Chúa Cha, phải cầu nguyện thế nào cho đúng thánh ý Chúa Cha….

Hơn nữa, việc lần chuỗi Mân Côi không phải do Giáo Hội hay một ai đó nghĩ ra, song là những gì Mẹ Maria truyền dạy phải thực hiện. Vào thế kỷ thứ 12 (13), chính Mẹ đã mời gọi thánh Đaminh phổ biến việc lần chuỗi Mân Côi. Rồi nhiều lần hiện ra, Mẹ cũng yêu cầu con cái Mẹ siêng năng lần chuỗi Mân Côi và đổi mới đời sống. Kết quả là nhờ cầu nguyện với Mẹ bằng chuỗi Mân Côi, Tây Phương đã thoát khỏi sự đe dọa của quân thổ Nhĩ Kỳ nhờ chiến thắng ở vịnh Lê-pan-tô và bao nhiêu người đã được ơn hoán cải.

Anh chị em thân mến,

Mẹ Maria có vai trò rất đặc biệt trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa và Giáo Hội. Mẹ là người nữ được Thiên Chúa tuyển chọn và chuẩn bị từ trước để khi đến hồi viên mãn, Thiên Chúa sai Con Một sinh bởi lòng đồng trinh của Mẹ. Nhờ con của Mẹ mà nhân loại được đón nhận Chúa Thánh Thần để trở nên con Thiên Chúa, được gọi Thiên Chúa là cha, được cùng thừa kế gia tài với Chúa Giêsu. Mẹ là thành phần ưu tú và mẫu mực của Giáo Hội, là mối dây liên kết mọi tín hữu trong cộng đoàn cầu nguyện vì Mẹ đã ở lại với các tông đồ, các môn đệ và cầu nguyện với họ trong khi chờ đợi Chúa Thánh Thần đến. Mẹ có mối liên hệ quyết định với kinh Mân Côi, một việc cầu nguyện hết sức dễ dàng và hữu hiệu mà Giáo Hội luôn tha thiết cổ võ các tín hữu thực hiện mỗi khi có thể. Xin cho chúng ta luôn nỗ lực củng cố mối liên hệ con thảo với Đức Mẹ qua việc siêng năng lần chuỗi Mân Côi và bắt chước các nhân đức của Đức Mẹ.  Amen!

Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Toanh

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập237
  • Máy chủ tìm kiếm47
  • Khách viếng thăm190
  • Hôm nay25,602
  • Tháng hiện tại853,379
  • Tổng lượt truy cập69,913,253
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây