Giáo lý viên - Cộng tác viên Truyền giáo

Thứ ba - 01/07/2025 05:07  485
imageBản chất của Giáo hội là truyền giáo[1]. Chính vì thế, sứ mạng của mỗi người tín hữu là loan báo Tin Mừng và gieo rắc bình an cùng nền văn hóa sự sống cho con người mọi nơi mọi thời. Dù thế giới thay đổi và con người đổi thay, nhưng sứ mạng này chưa bao giờ lỗi thời hay bị coi nhẹ. Trái lại, tùy từng môi trường, điều kiện, hoàn cảnh… Giáo hội vẫn miệt mài thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng, hầu Lời Chúa và ơn cứu độ được lan tỏa đến tận cùng trái đất. Quả vậy, trong mọi nơi, mọi thời, mọi hoàn cảnh,“Giáo hội có bổn phận truyền bá đức tin và ơn cứu rỗi của Chúa Ki-tô…”[2] Đó chính là sứ mạng của mọi thành phần trong Giáo hội. Nhất là trong thế giới đang thay đổi mỗi ngày, với sự ra đời và bùng nổ của internet và mạng xã hội, thì sứ mạng loan báo Tin Mừng càng trở nên khẩn thiết và thuận tiện hơn bao giờ hết.[3] Cùng với việc cổ võ các nhà truyền giáo can đảm, hăng say lên đường, mang Tin Mừng tới những miền đất xa xôi, chưa nhận biết Chân Lý, thì Giáo hội cũng mời gọi con cái mình nhiệt thành thi hành sứ mạng truyền giáo chính trong các cộng đoàn Ki-tô hữu, nơi các Giáo hội địa phương, qua hoạt giáo dục đức tin, hay dạy Giáo lý. Trong đó, giáo lý viên, một thừa tác vụ cổ kính trong Giáo hội[4], một thành phần không thể thiếu, là cánh tay nối dài và cộng tác viên đắc lực, năng động, linh hoạt, hiệu quả của Giáo hội trong việc truyền giảng Giáo lý cho thế hệ tương lai.

Thật vậy, từ rất sớm thuật ngữ dạy Giáo lý đã được dùng để gọi toàn bộ các nỗ lực của Giáo hội nhằm đào tạo các môn đệ, nhằm giúp người ta tin Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, và nhờ tin mà được cứu độ.[5] Cách chung, dạy Giáo lý là giáo dục đức tin cho trẻ em, thanh niên, và người lớn, đặc biệt qua việc giảng dạy Giáo lý Ki-tô giáo, thông thường được tiến hành một cách có tổ chức và hệ thống, với mục đích dẫn đưa tín hữu đến cuộc sống Ki-tô hữu sung mãn.[6] Dạy giáo lý là việc sơ khởi loan báo Tin Mừng, cũng gọi là rao giảng truyền giáo nhằm khơi dậy đức tin.[7] Chính nhờ việc dạy giáo lý, Giáo hội không những lan rộng về địa dư và gia tăng về số lượng mà nhất là còn tăng trưởng từ bên trong và đáp ứng với kế hoạch của Thiên Chúa.[8]

Như thế, dạy Giáo lý là một sứ mạng vô cùng quan trọng và cấp thiết của Giáo hội, nhất là trong thế giới ngày hôm nay. Theo đó,“việc truyền đạt giáo lý luôn luôn được Giáo hội coi là một trong những nhiệm vụ tối quan trọng của mình, vì trước khi lên cùng Cha Người, Đức Kitô phục sinh đã ban cho các tông đồ một huấn lệnh sau cùng: làm cho mọi dân tộc trở nên môn đệ và dạy bảo họ tuân giữ mọi điều người đã truyền. (x. Mt 28, 19)”[9] Thế nên, nhiệm vụ dạy Giáo lý liên hệ toàn thể Hội Thánh, đến tất cả những ai đã lãnh nhận bí tích Thánh tẩy: Đức Thánh Cha, các Đức Giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo lý viên, các bậc phụ huynh và tất cả những ai đã lãnh nhận bí tích Thánh tẩy. Mỗi người tùy theo ơn gọi và sứ mạng của mình để dự phần vào sứ mạng của Hội Thánh.[10] Theo đó, Giáo lý viên là thành phần được Giáo Hội tín nhiệm và trao nhiều trách nhiệm trong việc loan báo Tin mừng. [11]

Nói như thế không nhằm mục đích làm suy giảm sứ mạng của Giám mục như là giáo lý viên đầu tiên trong Giáo phận của ngài, sứ mạng mà ngài là chia sẻ với linh mục đoàn của ngài[12]. Các ngài phải trình bày đạo lý Ki-tô giáo cách thích hợp với nhu cầu của thời đại, cũng như thể hiện tấm lòng từ mẫu đầy ân cần của Giáo hội đối với tất cả mọi người, mọi tín hữu cũng như lương dân, mà trước hết, việc giảng thuyết và dạy giáo lý luôn chiếm vị trí hàng đầu….[13] Đồng thời, các Giám mục phải quan tâm để việc dạy giáo lý được thực hiện cách chu đáo cho thiếu nhi và thiếu niên, cho giới trẻ và cho cả người đã trưởng thành, để giúp cho đức tin nơi mọi người, nhờ đạo lý soi dẫn, trở nên sống động và tích cực[14]. Quả vậy, các giám mục, linh mục và phó tế cùng với người nam và nữ sống đời thánh hiến, đã dâng trọn cuộc đời cho việc dạy giáo lý, để đức tin có thể trở nên sự nâng đỡ hữu hiệu cho đời sống của mỗi người. Một số trong các vị này cũng tập họp xung quanh mình những anh chị em khác có cùng đặc sủng và lập nên những hội dòng toàn hiến cho việc dạy giáo lý…[15]

Cũng vậy, chúng ta cũng không phủ nhận hay làm suy giảm trách nhiệm riêng của các bậc cha mẹ trong việc giáo dục Ki-tô giáo cho con cái họ[16], vì gia đình được coi như trường Giáo lý đầu tiên. Nơi đó, chính các bậc cha mẹ, ông bà là những giáo lý viên đầu tiên trong việc giáo dục đức tin cho con cái mình. Qua đời sống đạo đức hằng ngày, những thế hệ đi trước truyền dạy đức tin tinh tuyền của mình cho con cái, qua các câu kinh vỡ lòng, những buổi đọc kinh gia đình hay liên gia, những câu Lời Chúa và những bài giáo lý mà chính họ đã được thấm nhuần, nhất là những kinh nghiệm đức tin quý báu mà chính họ cảm nghiệm và sống. Để rồi, con cái trở thành những cô cậu học trò đầu tiên thấm nhuần những tinh thần và gia sản quý giá ấy. Quả vậy, nếu một gia đình quan tâm tới việc giáo dục đức tin cho con cái mình, không chỉ nơi gia đình, nhưng còn qua việc thúc giục con cái mình giữ đức tin, sống đức tin, siêng năng tham dự Thánh lễ, lãnh nhận các Bí tích, tham dự các cử hành phụng vụ, nhất là các việc đạo đức bình dân và trên hết là chăm lo cho con cái được học hành giáo lý một cách đầy đủ và hiệu quả… thì chắc chắn những hoa trái tươi tốt sẽ trổ sinh nơi gia đình ấy. Chính vì thế, gia đình chính là nền tảng và là ngôi nhà giáo lý đầu tiên, nơi mà con cái được tắm gội và thấm nhuần gia sản đức tin tinh tuyền và sống động của Giáo hội. Đồng thời, gia đình cũng chính là bước đệm hoàn hảo giúp người tín hữu tham gia, hoạt động và thực thi sứ mạng mà Chúa và Giáo hội trao phó, cách riêng thông qua việc học và dạy Giáo lý…

Tuy nhiên, việc giáo dục đức tin nơi gia đình dù vô cùng cần thiết, nhưng chưa đủ, và hiện nay, vì số giáo sĩ không đủ để đáp ứng cho việc rao giảng Tin Mừng cũng như thi hành mục vụ cho lượng người quá đông, nhất là trong việc giảng dạy Giáo lý, nên phận vụ của các giảng viên giáo lý lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.[17] Chính vì thế, từ Công đồng Đại kết Vaticanô II, Giáo hội đề cao tầm quan trọng của việc giáo dân dấn thân trong hoạt động phúc âm hóa,[18] mà giáo lý viên chính là một trong những lực lượng nòng cốt. Từ đó, lịch sử việc phúc âm hóa suốt hai thiên niên kỉ qua cho thấy rõ sự hữu hiệu của sứ vụ giáo lý viên… Chúng ta không thể quên trong lịch sử, vô số giáo dân nam nữ trực tiếp tham gia vào sứ vụ rao giảng Tin Mừng qua việc dạy giáo lý… Ngày nay cũng vậy, nhiều giáo lý viên có khả năng và tận tụy là những người lãnh đạo cộng đoàn trong những miền khác nhau của thế giới và thực hiện một sứ vụ vô giá là truyền thụ và làm tăng trưởng đức tin.[19]

Trong chiều hướng đó, Giáo Hội đón nhận sứ mệnh loan báo Tin Mừng cứu độ từ Đức Kitô và Giáo Hội chia sẻ sứ mạng ấy cho giáo lý viên:“Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20, 21). Như thế, ơn gọi và sứ mạng giáo lý viên đến từ Thiên Chúa qua Hội Thánh. Chính Hội Thánh trao phó sứ mệnh dạy giáo lý cho giáo lý viên, để qua sứ mệnh đó giáo lý viên được nên thánh.[20] Và để nhấn mạnh vai trò và sự cao quý của thừa tác vụ giáo lý viên như một ơn gọi, Đức thánh cha Phanxicô, qua Tông thư Antiquum Ministerium ngày 10/05/2021, sau khi suy xét mọi sự, và với năng quyền tông tòa, đã quyết định thiết lập thừa tác vụ giáo lý viên giáo dân.[21] Đồng thời, ngài cũng yêu cầu Bộ Phụng tự và kỷ luật bí tích sớm ban hành nghi thức trao ban thừa tác vụ này. Để đáp lại, ngày 03/12/2021, Bộ Phụng tự và kỷ luật Bí tích đã ban hành Nghi thức phụng vụ trao thừa tác viên Giáo lý viên và giao quyền cho các Đức giám mục giáo phận quyết định ứng viên nào được nhận thừa tác vụ giáo lý viên[22].

Qua đó, người giáo lý viên trở thành những cộng tác viên đắc lực của các mục tử trong việc chuyển trao kho tàng đức tin cho thế hệ tương lai, không chỉ qua việc dạy giáo lý, nhưng còn qua chính đời sống chứng tá của mình giữa đời. Vai trò của giáo lý viên nắm giữ là hình thức phục vụ chuyên biệt giữa những hình thức khác trong cộng đoàn Ki-tô hữu. [23] Tuy vậy, vai trò của giáo lý viên còn được thực thi đúng đắn trong tương quan với hoạt động truyền giáo. Việc phục vụ này vừa rộng lớn, vừa đa dạng: trước tiên, minh nhiên rao truyền sứ điệp Kitô giáo, đồng hành với các dự tòng từ việc lãnh nhận các bí tích cho đến việc trưởng thành đức tin trong Đức Kitô; kế đến, hiện diện và làm chứng bằng cách thăng tiến con người, nỗ lực hội nhập văn hoá, đối thoại.[24]

Đáp lại lời mời gọi của Giáo hội, qua các thế kỉ, hàng lớp người mọi lứa tuổi, nhất là người trẻ, đã quảng đại dấn thân trong thừa tác vụ cao quý này. Theo đó, nhiều giáo phận rất quan tâm và chú trọng tới việc đào tạo các giáo lý viên như nguồn lực chính yếu trong việc giảng dạy giáo lý, cũng như loan báo Tin Mừng. Cụ thể, Giáo hội Công giáo Việt Nam hiện có hơn 64.000 giáo lý viên dạy giáo lý trong các nhà thờ, giáo xứ giáo họ và vùng truyền giáo.[25] Tuy nhiên, trong thời đại mà con người bị cuốn vào vòng xoáy của kim tiền, đời sống đức tin xuống cấp và gặp nhiều thách đố, thì việc dạy giáo lý cũng gặp phải những khó khăn. Cũng thế, vì sự tiến triển trong nhận thức về như cầu phúc âm hóa trong thế giới đương thời, và sự trỗi dậy của nền văn hóa mang tính toàn cầu hóa[26], nhất là khi làn sóng di dân, não trạng tục hóa và kỉ nguyên công nghệ số ngày một tác động mạnh tới nếp nghĩ và cả đức tin của thế hệ con người hôm nay, thì sứ mạng của người giáo lý viên cho con người và thế giới hôm nay cũng phải đối diện với nhiều vấn đề.

Chẳng hạn, về phía người học, chủ yếu là thiếu nhi và thanh thiếu niên, những con người ở độ tuổi khác nhau và đang trải qua những giai đoạn phức tạp của sự phát triển tâm sinh lý, và cả tâm linh. Cách đặc biệt, thế hệ trẻ hôm nay đang sống giữa một thế giới đang quay cuồng bởi các trào lưu tục hóa, cùng với việc học hành ngoài xã hội đè nặng, nên đôi khi họ khó toàn tâm toàn ý cho việc học giáo lý. Cùng với đó, làn sóng di cư quét qua và khiến cho nhiếu thanh thiếu niên thiếu nhi không có được sự quan tâm đầy đủ của gia đình, cha mẹ. Hơn nữa, khi thế giới ảo lên ngôi, thì việc tiếp xúc quá sớm với điện thoại và tham gia quá nhiều vào thế giới ảo khiến các bạn trẻ bị phân tán, bị thu hút bởi các trò chơi, các ứng dụng hấp dẫn hơn những bài học giáo lý khô khan, thậm chí giáo điều, nặng nề khiến người học mệt mỏi. Rồi những hoạt động nơi các giáo xứ, hay việc truyền giảng giáo lý không đủ hấp dẫn để thu hút các em đến với nhà thờ, hay trường giáo lý. Điều đó dẫn tới nhiều hệ lụy khi nhiều thiếu nhi xa lánh nhà thờ, bỏ bê việc học giáo lý và nhiều điều đáng ngại khác nữa…

Cùng với đó, về phía giáo lý viên, việc không hoặc chưa được chuẩn bị đầy đủ về cả đời sống, lẫn kiến thức, kĩ năng giáo lý cũng khiến việc thực thi thừa tác vụ gặp không ít khó khăn, nhất là trong cách tiếp cận và có những phương pháp truyền thụ giáo lý hiệu quả, hấp dẫn và có chiều sâu phù hợp với thời đại; rồi hiện tượng tham gia giáo lý viên theo phong trào, thời vụ cũng khiến cho chất lượng và việc dấn thân của giáo lý viên bị ảnh hưởng. Cùng với đó, áp lực về cuộc sống mưu sinh hay học tập cũng phần nào ảnh hưởng tới sự tham gia thừa tác vụ này, như thời gian chuẩn bị, đào sâu bài học, hay tiếp cận các phương tiện hỗ trợ hấp dẫn người học... Không những thế, một số nơi còn có hiện tượng chênh lệch về độ tuổi, thế hệ các giáo lý viên ,khiến sự cộng tác, bổ trợ trong việc dạy giáo lý gặp khó khăn; rồi việc nhiều bạn giáo lý viên trẻ dù nhiệt huyết, nhưng vì việc học, hay lập gia đình, hay công việc nên không thể tham gia giáo lý viên lâu dài… và còn nhiều cảnh huống, nguyên nhân khác khiến viêc thực thi sứ mang cao quý này đôi khi bị ảnh hưởng hay gián đoạn…

Chính vì thế, Giáo hội, qua các vị chủ chăn, với sự khôn ngoan và thận trọng, dù nhận thức những khó khăn, thách đố, nhưng không bao giờ nản lòng hay thoái lui. Trái lại, nơi con người và thế giới hôm nay, Giáo hội cũng luôn nhìn ra những dấu chỉ thời đại, nhìn nhận những cơ hội mà thế giới và con người hôm nay mang lại, để tiếp tục thực hiện và chu toàn sứ mạng cao cả mà Thầy Chí Thánh đã trao phó, cách riêng trong việc tuyển chọn và đào tạo giáo lý viên. Để thực hiện điều ấy, Giáo hội mời gọi các vị chủ chăn luôn quan tâm chuẩn bị kĩ lưỡng cho các giáo lý viên trong nhiệm vụ dạy giáo lý, làm thế nào để họ hiểu rõ đạo lý Giáo hội và thông thạo những định luật tâm lý và các khoa sư phạm, trên lý thuyết cũng như trong thực hành[27]. Cách riêng, cổ võ, trợ giúp và tạo điều kiện để giáo lý viên trở thành những vị tông đồ linh hoạt trong việc tiếp cận và áp dụng những thành quả của công nghệ trong việc học và dạy giáo lý. Theo đó, điều thích đáng là những người được kêu gọi vào thừa tác vụ Giáo lý viên được thiết lập phải là những người nam và nữ có một đức tin sâu xa, trưởng thành nhân bản, tham dự tích cực vào đời sống cộng đoàn Ki-tô hữu, có khả năng tiếp đón, quảng đại và đời sống hiệp thông huynh đệ. Họ cũng cần được huấn luyện về Thánh Kinh, thần học, mục vụ và sư phạm để trở thành những người có khả năng thông truyền sự thật của đức tin…[28] cách hiệu quả và năng động hơn cho con người trong thế giới hôm nay…

[1] Cf. Thánh Công đồng Vaticano II, Sắc Lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo hội, số 2
[2] Cf. Ibid. số 5
[3] Cf. https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/mang-xa-hoi-hy-vong-va-lo-au--52848
[4] Cf. Đức thánh cha Phanxicô, Tông thư Antiquum Ministerium, Thừa tác vụ cổ kính, Thiết lập Thừa tác vụ Giáo lý viên, số 1
[5] Cf. Sách Giáo lý hội thánh công giáo, số 4
[6] Cf. ibid., số 5
[7] Cf. ibid., số 6
[8] Cf. ibid., số 7
[9] Cf. Ts.Tôma Nguyễn Như Danh, Các chiều kích thần học của linh đạo Giáo lý viên, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/cac-chieu-kich-than-hoc-cua-linh-dao-giao-ly-vien-chieu-kich-giao-hoi-50863
[10] Cf. Ibid.
[11] Cf. Ibid.
[12] Cf. Đức thánh cha Phanxicô, Tông thư Antiquum Ministerium, Thừa tác vụ cổ kính, Thiết lập Thừa tác vụ Giáo lý viên, số 5
[13] Cf. Thánh Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh về nhiệm vụ của các Giám mục trong Giáo hội, số 13
[14] Cf. ibid.,  số 14
[15] Cf. Đức thánh cha Phanxicô, Tông thư Antiquum Ministerium, Thừa tác vụ cổ kính, Thiết lập Thừa tác vụ Giáo lý viên, số 3
[16] Cf. ibid.,  số 5
[17] Cf. ibid.,  số 4
[18] Cf. ibid.
[19] Cf. ibid.,  số 3
[20] Cf. Ts. Tôma Nguyễn Như Danh, Các chiều kích thần học của linh đạo Giáo lý viên, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/cac-chieu-kich-than-hoc-cua-linh-dao-giao-ly-vien-chieu-kich-giao-hoi-50863
[21] Cf. Đức thánh cha Phanxicô, Tông thư Antiquum Ministerium, Thừa tác vụ cổ kính, Thiết lập Thừa tác vụ Giáo lý viên, số 8
[22] Cf. Ts. Tôma Nguyễn Như Danh, Các chiều kích thần học của linh đạo Giáo lý viên, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/cac-chieu-kich-than-hoc-cua-linh-dao-giao-ly-vien-chieu-kich-giao-hoi-50863
[23] Cf. Đức thánh cha Phanxicô, Tông thư Antiquum Ministerium, Thừa tác vụ cổ kính, Thiết lập Thừa tác vụ Giáo lý viên, số 5
[24] Cf. Bộ Phúc Âm hóa các dân tộc Tòa Thánh, Hướng dẫn Giáo lý viên 1993, số 3
[25] Cf. Ts. Tôma Nguyễn Như Danh, Ơn gọi, căn tính và sứ mạng của Giáo lý viên, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/on-goi-can-tinh-va-su-mang-cua-giao-ly-vien-46361
[26] Cf. Đức thánh cha Phanxicô, Tông thư Antiquum Ministerium, Thừa tác vụ cổ kính, Thiết lập Thừa tác vụ Giáo lý viên, số 5
[27] Cf. Thánh Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh về nhiệm vụ của các Giám mục trong Giáo hội, số 14
[28] Cf. Đức thánh cha Phanxicô, Tông thư Antiquum Ministerium, Thừa tác vụ cổ kính, Thiết lập Thừa tác vụ Giáo lý viên, số 8
 

Tác giả: Hạ Trắng

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập111
  • Máy chủ tìm kiếm22
  • Khách viếng thăm89
  • Hôm nay34,188
  • Tháng hiện tại42,121
  • Tổng lượt truy cập89,970,688
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây