Đời tu, đời tử đạo?
Chủ nhật - 17/11/2019 03:08
2206
Người ta thường ví đời tu là một đời tử đạo, kim châm liên lỉ kéo dài trong suốt cuộc đời của người tu sĩ bởi những hy sinh đau khổ có thể gọi là một sự “bách hại” của ba lời khấn và đời sống cộng đoàn. Phải chăng đời tu là một đời tử đạo?
Theo quan niệm bình dân, người ta thường so sánh đời tu giống như đời tử đạo vì khi nghĩ đến đời tu là người ta nghĩ ngay đến sự hy sinh, hãm mình của người tu sĩ và ví nó như sự bách hại và cái chết của các anh hùng tử đạo.
Trở lại nguồn gốc đời tu trì Kitô giáo, người ta nhận thấy ơn gọi đan tu được bắt đầu vào lúc chấm dứt thời bắt đạo trong đế quốc Rôma. Khi nhận thấy Giáo hội được hưởng nhiều ưu đãi, một số tín hữu bắt đầu lo ngại rằng lòng nhiệt thành sẽ ra nguội lạnh; vì thế họ rút lên sa mạc, chấp nhận những gian lao khổ sở, để rèn luyện chí khí, đi theo con đường hẹp của Thập giá, tiếp nối dòng máu các thánh tử đạo để làm chứng cho đức tin, lòng yêu mến nồng nàn tha thiết đối với Thiên Chúa.
Còn theo thánh Toma Aquino, đời tu và đời tử đạo luôn được coi là giống nhau bởi cùng là một ơn gọi đặc biệt, đều là sự rửa tội lần thứ hai, Là sự hoàn thiện của đức ái, là hiến lễ toàn thiêu, là chứng tá đức tin và cả hai đều xây dựng giáo hội bằng đời sống của mình.
1/ Sự tử đạo và ơn gọi tận hiến là đặc sủng Chúa ban cho một ít người, chứ không phải cho tất cả mọi tín hữu. Tất cả mọi tín hữu đều có thể nên thánh, nhưng không phải tất cả đều được ơn tử đạo hoặc được kêu gọi tận hiến. Cũng vậy không phải tất cả các vị tử đạo đều là tu sĩ, và không phải tất cả các tu sĩ đều chịu tử đạo. Dù vậy, giữa đôi bên có nhiều điểm tương đồng bởi vì cả hai đều là đặc sủng,là một hồng ân của Chúa ban.
Thánh tử đạo Phê rô Nguyễn Văn Tự, linh mục Dòng Đa minh đã vui mừng hãnh diện vì ơn tử đạo và ơn gọi tu trì của mình. Đối với ngài, đó là một hồng ân mà ngài luôn trân trọng: “Đối với tôi, bị bắt vì đạo là một hồng ân Chúa ban, tiền bạc thì tôi không có, còn phiền giáo hữu thì tôi không muốn chút nào”.“Đây là áo dòng tu lớn trong giáo hội mà tôi hân hạnh là phần tử. Mầu trắng tiêu biểu cho đức khiết tịnh mà tôi hết lòng gìn giữ…”. Rồi cầm lấy Tượng Chịu Nạn, cha nói tiếp : “Đây là Chúa Cứu Thế, đã chịu đóng đinh vì tội thiên hạ. Xin quan cho phép tôi được mang áo dòng và cầm Thánh Giá này khi đi xử”.
2/ Sự tử đạo và đời tu được ví như bí tích rửa tội thứ hai. Khi lãnh bí tích rửa tội, người dự tòng tuyên xưng đức tin trước mặt linh mục và được dội nước trên mình. Khi tử đạo, người tín hữu tuyên xưng đức tin trước mặt lý hình, và được tắm máu đào. Qua cái chết của mình, vị tử đạo diễn tả thực tại điều mà được tượng trưng nơi bí tích thánh tẩy, đó là tham dự vào cuộc tử nạn của đức Kitô . Việc khấn dòng cũng là một lời tuyên xưng đức tin trước mặt Giáo hội, hiến dâng cuộc đời cho Thiên Chúa. Lời khấn dòng là bí tích rửa tội thứ hai, chết cho thế gian để sống cho Thiên Chúa. Theo thánh Tôma, lời khấn dòng mang lại công hiệu giống như bí tích rửa tội, nghĩa là sự tha thứ hết các tội (ST II-II, q.189, a.3 ad 3)
3/ Sự tử đạo và đời tu diễn tả đức ái trọn hảo. Sự tử đạo diễn tả lòng yêu mến đối với Đức Kitô cách tuyệt đối. Ba lời khấn dòng cũng nhắm biểu lộ đức ái trọn hảo (ST II-II, q.186, a.6, ad 2) Lời khấn khó nghèo giải thoát con người khỏi những lo âu vật chất, ham mê của cải danh vọng, để mở rộng lòng yêu mến tha nhân. Lời khấn trinh khiết giải thoát tâm trí khỏi đam mê nhục dục ngõ hầu thanh thoát chiêm niệm chân lý. Lời khấn vâng phục giúp con người luôn sẵn sàng kết hợp với ý muốn của Chúa.
Các thánh tử đạo Việt Nam xưa kia đã biểu lộ tình yêu tuyệt đối dành cho Thiên Chúa dù phải mất chức quyền, mất danh vọng thế gian, mất tất cả… như thánh Hồ Đình Hy, Phạm trọng Khảm là những vị quan lớn của triều đình. Hay thánh Tô ma Thiện, Phao lô Bột dù tuổi còn trẻ, tương lai đầy hứa hẹn. Dù phải chịu mọi cực hình tàn bạo, bị tra tấn dã man, các ngài vẫn một lòng trung tín với Thiên Chúa. Điều này đã khiến cho vua chúa, quan quyền, binh lính phải sững sờ, kinh ngạc và kính phục lòng tin sắt son của các ngài.
4/ Đời tu và sự tử đạo đều là hiến lễ toàn thiêu dâng lên Thiên Chúa. Tử đạo là hiến dâng mạng sống vì lòng yêu mến Chúa. Theo thánh Tôma, các tu sĩ thực hiện cuộc hiến tế này qua lời khấn vâng phục, một hành vi tự nguyện dâng hiến ý chí tự do, biểu hiệu cao quý nhất của bản ngã (ST II-II, q.124 a.3, ad 2).
Tuyên khấn là dâng hiến cuộc đời cho Thiên Chúa để sống tùy thuộc vào Ngài. Tuyên khấn trong tay Bề Trên của hội dòng là ta tuyên khấn thuộc vể Thiên Chúa nơi chính Hội Dòng, chấp nhận chết đi chính mình, để tùy thuộc sự định đoạt của các Bề Trên, hay nói cách khác, tuyên khấn trong tay Bề trên là ta trao cho các bề trên quyền được can thiệp vào đời sống và tự do của chúng ta. Do đó Sự bình an và hạnh phúc của đời dâng hiến sẽ tùy thuộc vào mức độ chúng ta để cho Thiên Chúa can thiệp vào đời sống của chúng ta qua sự sắp đặt của các Bề Trên
5/ Đời tu và sự tử đạo đều là chứng nhân cho chân lý đức tin và thực hành đức tin. Các tu sĩ dành trót đời để chiêm ngưỡng các chân lý đức tin và tìm cách diễn tả ra cuộc sống hằng ngày. Cuộc đời người tu sĩ trở nên chứng tá cho đức tin. Đôi bên đều đã chiêm ngắm đức tin, và được đức tin nhào nặn cuộc đời: cả hai đã để cho đức tin chiếu tỏa ra cuộc đời.
6/ Đời tu và sự tử đạo góp phần xây dựng Giáo hội. Các vị tử đạo và các tu sĩ không chỉ tìm cách sống đẹp lòng Chúa và thánh hóa bản thân. Họ còn góp phần vào việc xây dựng Giáo hội nhờ lời cầu nguyện, nhờ gương sang trong đời sống.
Người tu sĩ giống với vị tử đạo không phải vì những hình khổ mà mình chế ra, nhưng tiên vàn vì là một hồng ân của Chúa Thánh Thần nhằm giúp chúng ta trở nên chứng nhân của Đức Kitô bằng cuộc sống, nhằm diễn tả sự thông hiệp vào cuộc tử nạn và phục sinh của Đức Kitô. Vị tử đạo và tu sĩ không phải là những siêu nhân, khinh thường đau khổ và cái chết, nhưng tuy là những con người mỏng dòn, họ đã để cho tình yêu Chúa chiếm đoạt, thanh tẩy. Đức thánh cha Bêneđictô XVI đã nói: Máu Con Chiên chính là tình yêu của Đức Kitô chịu chết trên thập giá. Tình yêu ấy làm cho chiếc áo nhơ nhớp của chúng ta biến thành trong trắng, tình yêu ấy làm cho tinh thần đen tối của chúng ta trở nên sáng suốt. Tình yêu ấy biến đổi chúng ta thành ánh sáng, bất chấp những tối tăm của chúng ta. Tình yêu ấy đã chịu đau khổ vì tôi. Tình yêu ấy lớn lao hơn tất cả mọi tội lỗi của tôi, nhờ thế mà tôi có khả năng làm chứng tá cho ánh sáng của ngài”.
Nhìn vào Giáo hội hôm nay, chúng ta dễ nhận thấy đời sống đức tin đang bị sa sút tới mức báo động. Rất nhiều nhà thờ đã bị đóng cửa, nhiều nhà dòng đã không khả năng duy trì. Nội bộ Giáo hội cũng có những rạn nứt, chia rẽ, có nhiều điều đáng buồn và đáng tiếc đã xảy ra trong giáo hội, nơi các linh mục, tu sĩ. Nhìn vào đời sống xã hội, ngày nay chủ nghĩa cá nhân đã lên ngôi, nhu cầu cá nhân ngày càng nhiều khiến người ta trở nên khép kín trong chính mình, mất khả năng liên đới với tha nhân:ích kỷ, quy ngã, hời hợt, không biết tôn trọng và yêu thương người khác. Mối liên hệ nhân vị, đức ái bị biến mất. Đồng tiền đã thắng thế và chi phối tất cả, biến con người trở nên những món hàng để trao đổi, mua bán… Thiên Chúa dường như đã vắng bóng, không còn chỗ đứng trong đời sống rất nhiều người.
Có thể nói ngày hôm nay Giáo hội đang bị bách hại một cách tàn khôc không phải từ bên ngoài, nhưng là bên trong rất mạnh mẽ, tinh vi, xảo quyệt. Chúng ta cần phải tỉnh thức và khôn ngoan, can đảm mới có thể nhìn ra và vượt qua. Hơn lúc nào hết, Giáo hội đang cần đến sự hiện diện của tu sĩ như lời chứng hùng hồn về sự hiện diện, quyền uy và vĩnh cửu của Thiên Chúa vô hình. Để dấn thân theo Chúa, chúng ta phải chấp nhận chết đi không chỉ một lần nhưng là từng ngày, từng giờ và trong từng chọn lựa. Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở chúng ta: Các thánh tử đạo không phải là những con người của quá khứ, các ngài là những người anh người chị luôn đồng hành và nâng đỡ chúng ta trong cuộc đời dương thế đầy nước mắt này. Xin các thánh tử đạo cha ông bầu cử cùng Chúa cho tất cả những ai sống đời thánh hiến luôn biết trân trọng ơn gọi của mình và sẵn sàng chết vì Chúa trong đời sống hằng ngày.
Tài liệu tham khảo: http:// Giuse Phan Tấn Thành O.P.
daminhtamhiep.net/2016/09/on-goi-tu-si-va-on-goi-tu-dao/