Học viện Đaminh Bùi Chu đến vùng ngoại biên
Thứ tư - 15/01/2020 18:25
3096
Ra khỏi nếp sống thường nhật nơi Tu Viện, Chúa Nhật ngày 12.01.2020, chị em học viện Đa Minh Bùi Chu đã có dịp đến với các anh chị em tại làng chài Thủy Cơ, các em mồ côi tại Tu viện Phanxicô, cùng các bệnh nhân phong tại trại phong Văn Môn Thái Bình.
Cái mưa rét của thời tiết có lẽ không làm giảm tinh thần hăng hái cùng sự háo hức của chị em chúng tôi trước cuộc hành trình, nhưng càng thôi thúc chúng tôi trở nên những “sứ giả” của niềm vui Tin mừng cho người khác. Chặng dừng chân đầu tiên của đoàn chúng tôi là làng chài Thủy Cơ – Thái Sa – Thái Bình. Gọi là làng chài vì nơi đây khoảng ba mươi hộ gia đình sinh sống trên những chiếc thuyền nhỏ. Chiếc thuyền là phương tiện sinh sống nhưng cũng là nhà của anh chị em nơi đây. Thực sự, nếu như cái lạnh của thời tiết không khuất phục được tinh thần hăng hái của chúng tôi thì khi chứng kiến cảnh sống của bà con làng chài, lòng chúng tôi không khỏi se sắt lại. Tuy nhiên, cho dù cuộc sống có lênh đênh vất, nhưng điều an ủi họ là các con em của họ vẫn được đến trường, được học Giáo lý. Trong khi trò chuyện, chúng tôi cảm thấy lòng đạo đức và niềm tín thác vào Thiên Chúa của bà con nơi đây thật chân thành và mãnh liệt.
Chúng tôi tiếp tục hành trình đến với các em mồ côi và khuyết tật Tu viện Phanxicô. Các em đều là những người có hoàn cảnh đặc biệt, được các thầy dòng Phanxicô nuôi dưỡng và dạy dỗ. Dù không có nhiều thời gian để dừng lại nhưng chúng tôi cũng cảm nhận được niềm vui lan tỏa bao nụ cười của chính các em. Qua những trái banh, những trò chơi, không chỉ các em nhưng chính chúng tôi cũng nhận lãnh biết bao niềm vui từ những tiếng cười giòn tan, những ánh mắt hồn nhiên, trong sáng của tuổi thơ. Ở chặng dừng chân cuối cùng, chúng tôi được tận mắt chứng kiến cảnh sống và sinh hoạt của các bệnh nhân phong tại Bệnh viện phong Văn Môn. Mỗi người chúng tôi không khỏi bùi ngùi trước những đôi tay, đôi chân… không còn lành lặn của các cụ ông, cụ bà bị trùng cùi gặm nhấm. Căn bệnh này đã làm mất xúc giác, thính giác, hay thị giác, nhưng không thể lấy mất được trái tim biết rung cảm và nhiều lắm yêu thương của họ. Bằng chứng là họ vẫn dành tình thương, sự quan tâm, sự nương tựa vào nhau để vượt qua những khó khăn trong cả cuộc đời. Họ đến với nhau trong cái bất hạnh, nghiệt ngã của căn bệnh và rồi họ thắp lên cho nhau những tia sáng hy vọng. Nói đến đây, tôi chợt nhớ tới câu nói rất ý nghĩa trong tác phẩm Mùa lạc của Nguyễn Khải “Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình trong những hy sinh gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy”. Hành trình Bác ái kết thúc cách tốt đẹp khi đoàn chúng tôi còn được sự giúp đỡ và tiếp đón nồng hậu của quí thầy Phanxicô và quý Sr Dòng Con Đức Mẹ Mân Côi. Có lẽ mỗi người sẽ đem về cho mình những bài học, những trải nghiệm thật quý báu. Chúng tôi cùng nhau ra đi và chia sẻ cho các anh chị em nhưng thực sự chúng tôi lại là những người nhận về được nhiều hơn cả. Từ cuộc sống của bà con làng chài, các em mồ côi và những bệnh nhân phong cùi, chúng tôi cảm thấy mình thật may mắn biết bao. Tất cả sẽ trở nên động lực để chúng tôi tiến bước trên hành trình theo Chúa, giúp chúng tôi sẵn sàng “đi ra vùng ngoại biên” như lời mời gọi của vị Cha chung trong Giáo Hội. Và một lần nữa, lời mời gọi của Thầy Giêsu hôm nào lại trở nên sống động và là động lực thôi thúc chúng tôi “Hãy ra chỗ nước sâu mà thả lưới” (Lc 5,4).
ĐTC Phanxicô: Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng
Tác giả: Học viện Đa Minh