Chester P. Michael
Đâu là những phẩm chất cần thiết của một nhà linh hướng và đâu là điều mà người thụ hướng nên tìm khi chọn cho mình một người nào đó làm người hướng dẫn thiêng liêng? Sau đây, chúng tôi sẽ cố gắng đưa ra những phẩm chất lý tưởng của một nhà linh hướng tốt. Tuy nhiên, cần phải hiểu được rằng thật là không thực tế chút nào khi mong đợi một người nào đó có thể đáp ứng được mọi nhân đức dưới đây. Nhưng chí ít chúng ta cũng có thể xác định được những mục tiêu mà mỗi nhà linh hướng nên hướng tới. Biết được những điều này sẽ giúp cho ta có thể tìm kiếm và chọn lựa cho mình một người để bàn hỏi khi phải đối diện với những chọn lựa. Hy vọng rằng với bất cứ người nào mà chúng ta chọn thì người đó ít ra cũng đang cố gắng phấn đấu để có được những phẩm chất dưới đây hoặc đang trong tiến trình để có được những phẩm chất đó.
Đâu là những phẩm chất lý tưởng của một nhà linh hướng tốt? Nhà linh hướng tốt nên là một người có đời sống cầu nguyện, sống thánh thiện và kết hiệp mật thiết với Chúa. Đó cũng phải là một người thực sự cố gắng trưởng thành mỗi ngày trong sự thánh thiện và toàn diện. Nhà linh hướng nên là một con người từng trải, từng tranh đấu với những thực tại của cuộc sống. Đồng thời, người đó cũng nên là một con người đã từng trải qua những đớn đau của cuộc sống. Thật lý tưởng khi nhà linh hướng lại có những kinh nghiệm về những thất bại trong cuộc đời mà vẫn khiêm nhường đón nhận những thất bại ấy.
Nhà linh hướng cũng nên là một người có khả năng phân định, có hiểu biết và thấu đáo, một người mà có thể nhìn và đọc được những gì đang viết trên bức tường linh hồn của người thụ hướng. Hay nói cách khác, đó phải là người có khả năng linh cảm tốt. Ngoài khả năng linh cảm tốt, nhà linh hướng cũng phải phát huy và “hoạt hóa” tốt khả năng thấu cảm của mình nữa. Những khả năng này sẽ giúp nhà linh hướng có thể cảm thông và tương giao với người thụ hướng ở cấp độ nhân vị.
Đối với việc tìm kiếm một nhà linh hướng, chúng ta nên tìm một người có học thức và được thấm nhuần Kinh Thánh cũng như những truyền thống thiêng liêng trong quá khứ. Nhà linh hướng nên có những hiểu biết đúng đắn về Kinh Thánh, đặc biệt là bốn sách Tin mừng, nhưng cũng nên có cả Tân Ước và Cựu Ước. Ngoài ra, nhà linh hướng cũng phải có sự hiểu biết về những thể loại văn chương hay những cách thức giải thích Kinh Thánh. Nhà linh hướng không nên theo sát nghĩa đen hay nghĩa gần để giải thích Kinh Thánh mà nên biết cách áp dụng Kinh Thánh vào những lời cầu nguyện để có được mối liên hệ mật thiết với Thiên Chúa, đồng thời cũng biết cách áp dụng Kinh Thánh vào hoàn cảnh thực tế của chúng ta ngày hôm nay. Thánh nữ Têrêsa Avilla khi được hỏi rằng nếu cho thánh nữ chọn giữa một nhà linh hướng rất thánh thiện và một nhà linh hướng rất uyên bác, thánh nữ sẽ chọn người nào? Thật ngạc nhiên khi thánh nữ trả lời là sẽ chọn một nhà linh hướng uyên bác.
Nhà linh hướng nên là người có khả năng nhận ra và theo sát sự tác động của ân sủng thiêng liêng trong cuộc đời của một con người để có được mục tiêu mà Thiên Chúa đang hướng dẫn mỗi người chúng ta. Khả năng này có ý nói lên một sự cởi mở hoàn toàn với Chúa Thánh Thần, khả năng nắm bắt nhịp độ của ân sủng để hướng dẫn linh hồn người khác trong hành trình đức tin.
Nhà linh hướng cần là những người sẽ thách thức chúng ta khi cần thiết, họ sẽ giúp ta trưởng thành về đời sống thiêng liêng và không cho phép chúng ta ở lại trong tính ươn lì, lười biếng, ích kỉ, than vãn, sợ hãi, giận dữ, sa đọa, kiêu ngạo, tự tôn. Chúng ta cũng cần đến những người sẽ động viên chúng ta khi chúng ta lúc cần, sẽ nhìn nhận chúng ta theo chiều hướng tích cực. Như thế, nhà linh hướng sẽ chỉ ra cho chúng ta thấy những điểm tích cực trong con người ta. Cách đây nhiều thế kỷ, thánh Phanxicô Salesiô đã nói rằng các bạn có thể bắt được nhiều bướm bằng một thìa đầy mật ong hơn là một thùng giấm.
Nhà linh hướng nên là người có linh cảm bén nhạy và thận trọng trong việc đưa ra những quyết định. Nếu như thế, nhà linh hướng sẽ ngăn cản được người thụ hướng trong việc đi quá đà và trở nên cuồng tín. Nhà linh hướng sẽ là người biết cách hạ giảm sự hăng say thái quá của người thụ hướng để ngăn cản họ tránh làm quá nhanh, quá nhiều để rồi sau đó hoàn toàn thất bại.
Chúng ta cần một người nào đó thực sự yêu thương chúng ta và sẵn sàng hy sinh cho chúng ta. Chúng ta cũng cần một người nào đó mà chúng ta thực sự tin tưởng để có thể thổ lộ những bí mật tâm linh của chúng ta. Đồng thời người đó cũng ý thức rằng những gì được nói trong quá trình đồng hành thiêng liêng thì sẽ không được chia sẻ với bất kì ai. Một nhà linh hướng tốt phải là một người biết quan tâm thực sự tới lợi ích của người khác và sẵn sàng dành thời gian và sức lực để giúp đỡ họ. Nhà linh hướng phải nắm bắt được những nhu cầu của con người ngày nay để có thể đưa ra những sự chỉ dẫn khôn khéo.
Thật là lý tưởng nếu nhà linh hướng có được những kinh nghiệm thực hành về tâm lý chiều sâu, có nghĩa là biết cách đụng chạm đến vô thức của người khác để mở ra kho tàng thiêng liêng đang tiềm ẩn trong họ. Thiên Chúa đang cư ngụ trong thế giới nội tâm của linh hồn vô thức này và đây cũng thường là phương thế tốt nhất để chúng ta khám phá ra thánh ý Thiên Chúa trong cuộc đời chúng ta. Nếu nhà linh hướng biết thế giới nội tâm có liên quan đến sự trưởng thành tâm lý thì họ sẽ biết cách nào tốt nhất để giúp người thụ hướng hướng tới sự thánh thiện và toàn diện trong hành trình đức tin. Kiến thức tâm lý học cũng sẽ giúp cho người thụ hướng tránh được những cạm bẫy gây trở ngại cho ta trên con đường hướng tới sự thánh thiện.
Một nhà linh hướng tốt là một người có đức tin, đức cậy mạnh mẽ và luôn phó thác vào tình yêu của Thiên Chúa. Đồng thời nhà linh hướng cũng phải là người luôn hy vọng vào tương lai. Nhà linh hướng là người tin rằng với sự trợ giúp của Thiên Chúa, con người có thể giải quyết được nhiều vấn đề trong thực tại ngày nay. Điều này lại trái ngược với quan điểm của Deist. Deist đã khẳng quyết: con người bị Thiên Chúa bỏ rơi và Ngài để mặc con người tự giải quyết vấn đề của mình. Thái độ tiêu cực này như là một thứ ung nhọt tinh thần. Nhà linh hướng tốt phải là người ý thức được sức mạnh của những suy nghĩ tích cực và thường sử dụng tới nó trong việc đồng hành thiêng liêng.
Một nhà linh hướng Kitô giáo phải tin tưởng vào thiên tính của Đức Giêsu Kitô và nhận ra giá trị sự phục sinh của Người cũng như sự phục sinh của tất cả những ai đã chết trong niềm tin vào Đức Giêsu Kitô. Có nghĩa là những ai tin vào cuộc sống đời sau, tin vào sự sống sau cái chết và chấp nhận một thực tại là có nhiều thứ để sống hơn là sự tồn tại ở trần gian này. Chúng ta tìm kiếm một người mà người đó đón nhận cả mười điều răn trong Cựu Ước và bài giảng trên núi trong Tân Ước - nơi mà Chúa Giêsu đòi hỏi những Kitô hữu nhiều hơn là những người trong thời Cựu Ước.
Một nhà linh hướng tốt là một người sẵn sàng sống những mầu nhiệm của Thiên Chúa, những vấn đề về sự dữ và chương trình của Thiên Chúa liên quan đến nhân loại và thế giới. Nói cách khác, nhà linh hướng là người biết khiêm tốn nhận ra những giới hạn về sự hiểu biết của con người. Có nghĩa là một người phải sống chủ yếu bằng niềm tin và sự phó thác nơi Thiên Chúa.
Nhà linh hướng phải tin vào sự tự do của con người bằng cả con tim - sự tự do chấp nhận hay khước từ ân sủng của Thiên Chúa. Có nghĩa là tự do phạm tội hay tập luyện các nhân đức, tự do để được cứu độ hay để bị mất đi. Nhà linh hướng phải có kinh nghiệm trong cách ứng xử với những vấn đề nảy sinh trong đời sống của người Kitô hữu trong xã hội ngày nay. Những kinh nghiệm bao gồm cả về những người đã kết hôn và những người độc thân cũng như những người đang sống trong những gia đình đang bất hòa, những gia đình tan vỡ; những trẻ vị thành niên có cha mẹ bị nghiện rượu, li dị và nhiều trường hợp khác nữa. Biết được nhiều vấn đề mà con người đang phải đối diện ngày nay, nhà linh hướng sẽ không gán cho họ cái mác là “tội lỗi’ nữa.
Một nhà linh hướng tốt sẽ tha thiết với việc trở thành một Kitô hữu tốt. Nhà linh hướng phải luôn cố gắng cải thiện mối quan hệ của mình với Thiên Chúa và với Chúa Giêsu Kitô, có nghĩa là người này sẽ thực sự cố gắng cải thiện đời sống cầu nguyện của họ và kiếm tìm sự hoàn hảo cũng như sự thánh thiện trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Một người như thế sẽ khiêm nhường nhận thức được những tài năng của họ và nhận thức được một cách sống động về sự lệ thuộc hoàn toàn của mình vào Thiên Chúa, họ sẽ nhận ra sự cần thiết của đời sống cầu nguyện và sự trợ giúp của ân sủng Thiên Chúa để sống và lớn lên trong đời sống thiêng liêng.
Nhà linh hướng cần là người biết lắng nghe, biết cởi mở đối với mỗi cá nhân để giúp cá nhân đó nhận ra những tác động của ân sủng trong cuộc đời của họ và khuyến khích họ theo những tác động đó. Nhà linh hướng phải là tác nhân mang Chúa đến với người thụ hướng và đem người thụ hướng đến với Thiên Chúa. Nhà linh hướng được xem như một bà đỡ trợ giúp trong quá trình sản sinh ra một mối liên hệ mới giữa Thiên Chúa và người thụ hướng. Hình ảnh thứ ba đó là một thầy thuốc tâm linh, người có thể cung cấp một môi trường thích hợp cho quá trình chữa lành tinh thần trong những gì đã xảy ra đối với người thụ hướng. Nhà linh hướng cần nhạy cảm với những hoạt động tinh tế của Thánh Thần trong linh hồn mỗi người thụ hướng. Nhà linh hướng phải luôn tỉnh táo trước những hoạt động của ân sủng đó diến ra trong cuộc đời của người thụ hướng và kêu mời người thụ hướng hãy chú ý tới những ân sủng đặc biệt này.
Nhà linh hướng cũng phải cẩn thận, không được áp đặt ý riêng của mình lên người thụ hướng, đồng thời phải luôn tỉnh táo trước tiếng nói của Thiên Chúa được biểu lộ trong cuộc đời của người thụ hướng. Nhà linh hướng cũng cẩn thận không cần nhấn mạnh quá đến việc giải thích thánh ý Thiên Chúa dành cho người thụ hướng. Nhưng cần gợi ý một cách nhẹ nhàng uyển chuyển về nội tâm của họ. Nếu sự hiểu biết của nhà linh hướng luôn đúng thì ngay lúc đó, người thụ hướng sẽ trao lòng tin cho nhà linh hướng. Ngày nay có nhiều quan điểm cho rằng cần phải có sự hiểu biết của một nhà linh hướng để giúp phân định con đường chính mà Thiên Chúa đang kêu gọi chúng ta bước theo. Nếu không có người linh hướng như thế cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên quá đơn độc và quá xáo trộn đến nỗi không thể tự quyết định cho mình con đường đi. Trong những giây phút suy sụp như thế chúng ta mới đánh giá cao về sự giúp đỡ của nhà linh hướng hay người bạn thiêng liêng.
Một trong những phẩm chất quan trọng nhất của nhà linh hướng đó là sự khiêm nhường. Có một mối nguy hiểm nghiêm trọng về sự thổi phồng cái tôi với bất cứ ai đã tham dự trong khóa học nghệ thuật hướng dẫn thiêng liêng. Một cám dỗ thường xuyên xảy ra đối với nhà linh hướng đó là họ cố đóng vai Thiên Chúa trong cuộc đời người thụ hướng. Jonh Yungblut trong cuốn sách “The Gentle Art Of Spiritual Guidance”, đã gọi điều này là một sự lăng mạ và nói rằng đây là một hành động tội lỗi không thể tha thứ vì đã chống lại Thánh Thần. Vì lí do này mà nhà linh hướng không bao giờ được quên rằng mình chỉ là người đang phục vụ như một dụng cụ mà Thiên Chúa dùng để giúp người thụ hướng gặp gỡ trực tiếp với Chúa Thánh Thần. Thiên Chúa mới luôn là nhà linh hướng chính cho dù nhà linh hướng nhân loại có được yêu cầu cộng tác với Thiên Chúa trong việc biến đổi một linh hồn thành hình ảnh của Thiên Chúa đi chăng nữa. Yungblut đã khẳng định rằng nếu nhà linh hướng có ý thức đầy đủ về nhiệm vụ của mình thì sẽ giữ được sự khiêm nhường và tránh được việc lạm dụng đặc quyền của người trợ tá của Thiên Chúa trong một linh hồn thánh thiện.
Trong cuốn “Companions on inner ways: The Gentle Art Of Spiritual Guidance” của Morton Kelsey, ông đã khẳng định sự cần thiết đối với nhà linh hướng là thể hiện một tình yêu vô điều kiện đối với người thụ hướng. Tình yêu này sẽ tạo môi trường để tình yêu Thiên Chúa dành cho người thụ hướng trở nên thực tế hơn. Tình yêu này phải đón nhận cả những khờ dại lẫn những điều xấu của người thụ hướng, cả trong thời kỳ đen tối lẫn thời kỳ huy hoàng. Không có tình yêu này của nhà linh hướng, người thụ hướng sẽ không sẵn sàng thổ lộ chính con người của mình. Tuy nhiên, lúc đó tình yêu của nhà linh hướng dành cho người thụ hướng cũng có thể thường xuyên có hiệu lực trên tâm lý của người thụ hướng đến nỗi mà người thụ hướng phải lòng nhà linh hướng. Ngược lại, nhà linh hướng phải lòng người thụ hướng. Bởi thế phải luôn có một sự bảo vệ đúng đắn trong việc chuyển hóa tâm lý này để ngăn cản nó không làm hại đến một hay cả hai bên.
Kelsey đã đưa ra năm phẩm chất cần thiết cho một nhà linh hướng. Trước hết, người đó cần phải có một truyền thống tôn giáo vững chắc. Thứ hai, người đó cần là một con người cởi mở để hướng dẫn những cảm nghiệm huyền nhiệm về Thiên Chúa. Thứ ba, người đó cần phải chín chắn trong việc phân tích cũng như trong suy tư. Thứ tư, người đó cần có nhiều hiểu biết về tâm lý con người. Sự hiểu biết đó cũng phải thực hiện với cả thế giới tinh thần nữa. Cuối cùng, người đó cũng phải là người đã học về nghệ thuật yêu và quan tâm đến người khác. Kelsey nói rằng bản năng tự nhiên của chúng ta là không biết cách yêu nên nó phải được tập luyện và được học một cách tiệm tiến trong một thời gian dài.
Cả Kelsey và Yungblut đều khẳng định rằng nhà linh hướng phải là người đang đi trên hành trình nội tâm cả cuộc đời, đang học để trở thành một nhà chiêm niệm thực sự. Điều này có ý nói rằng nhờ sự trợ giúp ân sủng của Chúa Thánh Thần mà một người có thể có nhiều cảm nghiệm trực tiếp về Thiên Chúa trong suốt cuộc đời trên trần gian. Những ân sủng mầu nhiệm này có thể dẫn tới nhiều con đường khác nhau nhưng kết quả mang lại sẽ luôn là một sự nhận thức về sự hiện diện tình yêu và tiếng gọi của Thiên Chúa để tạo nên sự hiệp nhất giữa Thiên Chúa và người đó.
Có nhiều phương thế hữu hiêu mà nhà linh hướng có thể sử dụng trong việc hướng dẫn người khác hướng tới sự toàn diện và thánh thiện. Mỗi người thụ hướng sẽ được giúp đỡ bằng một phương thế riêng biệt trong khi những người thụ hướng khác sẽ cần một phương thế khác. Thông thường khi một nhà linh hướng biết dùng tất cả những phương thế để giúp cho sự trưởng thành thiêng liêng thì đó là một nhà linh hướng tốt. Nhà linh hướng phải thận trọng không được áp đặt phương thế hữu hiệu riêng của mình lên người thụ hướng. Bởi thế, một nhà linh hướng khôn ngoan và có học thức sẽ sẵn sàng đưa ra nhiều phương pháp về sự trưởng thành thiêng liêng cho người thụ hướng, đồng thời cố gắng phân định với người thụ hướng xem phương pháp nào Thiên Chúa sẽ chọn sử dụng trên hành trình đức tin của người đó.
Chuyển ngữ: Maria Hồng Mận, LHC
Nguồn: Chester P. Michael, An Introduction to Spiritural Direction – A Psychological Approach for Directors and Directees, Paulist Press, 2006.