Đối thoại: Lòng thương xót và đức công bình

Thứ năm - 10/03/2016 03:29  2720
Năm Thánh Lòng Thương Xót đã  khai mạc  từ ngày 8/12/2015.  Mọi  sinh  hoạt của các cộng đoàn, dù là gia đình, giáo xứ hay các tổ chức từ Giáo hội hoàn vũ đến Giáo hội địa phương luôn được định hướng và triển khai xoay quanh chủ đề Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Từ trẻ thơ tới bậc lão thành, ai ai cũng đã quen với hạn từ Lòng Thương Xót. Có lẽ, đây là một khởi đầu thật giá trị. Tuy vậy, cũng có một vấn nạn nổi lên là rất nhiều người dường như tuyệt đối hóa cách phiến diện Lòng Thương Xót của Thiên Chúa để rồi xem nhẹ hay lãng quên một khía cạnh của Lòng Thương Xót vô biên của Ngài đó là Sự Công Thẳng, hay cụ thể hơn là hành động Thưởng – Phạt của Thiên Chúa Xót Thương.

Để cùng với độc giả  sống Năm Thánh Lòng Thương Xót cách cụ thể và  thực tiễn hơn, chuyên mục Nhịp cầu đối thoại của Ra Khơi số 14 thực hiện cuộc phỏng vấn linh mục Giuse Trần Quốc Tuyến, trưởng ban tổ chức Năm Thánh cấp giáo phận và cũng là giáo sư giảng dạy môn Thần học Luân Lý tại Đại Chủng viện Đức Mẹ Vô Nhiễm Bùi Chu và Học viện liên tu sĩ Têrêsa Avila.

1/ Kính thưa Cha, với tư cách là trưởng Ban tổ chức Năm Thánh Lòng Thương Xót của giáo phận, Cha nhìn nhận thế nào về tác động của Năm Thánh trong các sinh  hoạt mục  vụ của giáo phận, nhất là trong việc giúp cho các tín hữu sống đức tin cách trưởng thành hơn và đâu là yếu tố cần lưu tâm hơn cả trong việc triển khai Năm Thánh?

Trước hết, xin  chân thành cảm ơn Ra Khơi đã dành cho tôi cơ hội quý báu để tham gia vào Nhịp cầu đối thoại kỳ này với chủ đề Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Câu hỏi khái quát nhưng rất thực tế này dẫn chúng ta tới chủ đích của Năm Thánh Lòng Thương Xót. Khi công  bố  mở  Năm  Thánh, Đức thánh cha Phanxicô muốn rằng: “mỗi Giáo hội địa phương sẽ trực tiếp dự phần để sống Năm Thánh này như một tác động ngoại thường của ân sủng và năng lực canh tân thiêng liêng” (Misericordiæ Vultus, số 3). Vì thế, cùng với cả Hội Thánh, giáo phận chúng ta đã mở Cửa Thương Xót tại Phú Nhai và Liễu Đề, để “bất cứ ai bước vào qua đó, sẽ cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa là Đấng an ủi, thứ tha và trao ban niềm hy vọng” (Misericordiæ Vultus, số 3). Việc cử hành Năm Thánh của giáo phận cũng được hoạch định dựa theo lịch trình của Giáo hội hoàn vũ, để các tín hữu được hiệp thông với các sinh hoạt chung, nhằm giúp mọi người thực sự đón nhận được suối nguồn ân sủng của lòng thương xót, nhờ đó mà sống, loan truyền và làm chứng cho đức tin  cách nhiệt thành và xác tín hơn (x. Misericordiæ Vultus, số 4).

 
Yếu tố cần quan tâm đặc biệt trong việc cử hành Năm Thánh chính là chiều kích thiêng liêng. Do đó, các tín hữu được mời gọi chú tâm lắng nghe Lời Chúa, tái khám phá giá trị của sự thinh lặng để có thể chiêm ngưỡng mầu nhiệm của lòng thương xót và biến lòng thương xót ấy thành nếp sống riêng của mình (x. Misericordiæ Vultus, số 13). Đức thánh cha đặc biệt kêu gọi mỗi tín hữu hãy phá bỏ những tường rào ngăn cách để làm một cuộc hành hương hoán cải bước qua Cửa Thánh, đó là một trong những điều kiện để được hưởng các ân xá trong Năm Thánh (x. Misericordiæ Vultus, số 14).  Đồng  thời, các   tín   hữu   sống   Năm Thánh bằng việc quan tâm đến những hành vi của lòng thương xót (14 mối thương người), biết mở lòng tiếp nhận những người trong cảnh khốn cùng của thế giới hôm nay. Nhờ đó, đoàn dân Kitô hữu luôn thức tỉnh lương tâm và đi sâu hơn vào trái tim của Tin Mừng, biết thể hiện lòng thương xót đối với tha nhân bằng tấm lòng đại lượng thứ tha, không xét đoán nhưng trở nên khí cụ bình an (x. Misericordiæ Vultus, số 15).

2/ Trong những năm gần đây, phong trào Lòng Chúa Thương Xót phát triển rất mạnh trong Giáo phận nhà. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển ấy, lại nảy sinh nhiều vấn nạn về cách hiểu cũng như cách thế thực hành. Nhiều người cho rằng Năm Thánh Lòng Thương Xót là Năm  Thánh  của  hội  Lòng Thương  Xót.  Xin  Cha  cho biết sự khác biệt ở đây là gì và những định hướng cụ thể để sự đồng hành và tổ chức hiệp hội Lòng Thương Xót luôn ở trong trật tự và hiệp thông?

Không, Năm Thánh Lòng Thương Xót là Năm Thánh ngoại thường với Cửa Thương Xót được mở ra tại khắp các giáo phận cho toàn thể cộng đoàn Hội Thánh, chứ không dành riêng cho một nhóm một hội nào. Hơn nữa, ngay cả khi có một Năm Thánh được mở ra cho một tổ chức hay đoàn hội nào đó, thì  suối nguồn ân thánh vẫn được trao ban cho tất cả mọi người thành tâm đón nhận. Tuy nhiên, vì là Năm Thánh Lòng Thương Xót nên các thành viên của Hội lòng  thương xót có nhiều lý do hơn để cổ vũ mọi người hưởng ứng các sinh hoạt  của Năm  Thánh. Đó là lẽ đương nhiên và đáng được khích lệ!

 

Điều quan trọng là những hoạt động cổ vũ ấy phải góp phần xây dựng sự hiệp nhất và tuân theo Giáo huấn của Hội Thánh. Cũng cần lưu ý là hiện nay có một nhóm người đang lợi dụng  sự nhiệt thành của một số thành viên các hội đoàn, mạo danh Hội lòng thương xót, để tổ chức các buổi hội họp cầu nguyện, phổ biến những ấn phẩm có nội dung sai lạc về giáo lý đức tin, xúc phạm đến Đức Giáo Hoàng, chống đối Huấn quyền Hội Thánh, gieo rắc sự sợ hãi hoang mang, gây chia rẽ và bè phái trong các cộng đoàn. Chúng ta biết rằng mọi tổ chức đoàn hội Công giáo đều phải vâng theo sự điều hành hướng dẫn của các đấng bản quyền hợp pháp. Vì vậy, chúng ta phải xa tránh bất cứ những nhóm hội nào không ở trong phẩm trật Hội Thánh, đồng thời phải cẩn thận hỏi ý kiến các vị chủ chăn hữu trách khi thấy có những tài liệu không rõ nguồn gốc (x. Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, Thông cáo về điều được gọi là “Sứ điệp từ trời”, ngày 14 tháng 4 năm 2015).

3/  Như  trong  phần  đặt vấn đề ở trên, Ra Khơi đã đề cập đến vấn nạn là nếu quá nhấn mạnh đến Lòng Thương Xót mà lãng quên Thiên Chúa công bằng là một điều rất nguy hại cho Đức tin của người tín hữu. Là một chuyên viên ngành Thần Học Luân Lý, xin Cha giúp độc giả hiểu rõ hơn về Thiên Chúa duy nhất vừa thương xót vừa công bằng là thế nào?
Năm Thánh không  phải là thời điểm nhấn mạnh đến lòng thương xót mà coi nhẹ đức công bình. Đúng hơn, Năm Thánh Lòng Thương Xót là cơ hội của ân sủng để giúp chúng ta biết nhìn lại sự quân bình giữa lòng thương xót và đức công bình, vì công lý đem lại tình thương và tình thương đưa tới việc giữ gìn và tôn trọng công lý. Lòng thương xót và đức công bình là những ưu phẩm của Thiên Chúa: công lý phán xét thuộc về Thiên Chúa và lòng thương xót là bản tính của Ngài. Vì thế, lòng thương xót và  đức công bình không phải là hai thực tại mâu thuẫn, nhưng là hai chiều kích của cùng một thực tại duy nhất, như hai mặt của một đồng tiền vậy (x. Misericordiæ Vultus, số 20).

Công bình là “quyết tâm trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa và trả cho tha nhân những gì thuộc về tha nhân” (Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1807). Thế mà, hết những gì chúng ta đang có và ngay chính bản thân chúng ta, tất cả đều bởi Chúa là Đấng đã yêu thương ban phát mọi ơn lành (x. Lời nguyện thánh lễ Tạ ơn). Vậy nên, chúng ta chẳng có gì để có thể trao đổi hay trả giá với Chúa, cũng chẳng có quyền đòi hỏi Thiên Chúa điều gì! Vì thế, “trong Kinh Thánh, đức công bình chủ yếu được hiểu là sự phó thác đầy tin tưởng vào thánh ý Thiên Chúa”  (Misericordiæ Vultus, số 20). Thánh Tôma Aquinô giải thích: sự công bình nơi Thiên Chúa không phải là công bình giao hoán mà là công bình phân phối, vì Ngài ban phát mọi sự theo trật tự hài hòa và khôn ngoan (x. Summa Theologica, I, q.21). Chúng ta có thể hiểu rõ hơn ý niệm này khi đọc lại dụ ngôn ông chủ vườn nho trả tiền công đồng đều cho những người thợ đến làm việc vào những giờ khác nhau (x. Mt 20,1- 16a).

Lòng thương xót không đối nghịch với đức công bình, nhưng là hiện thân hoàn toàn nhất của công bình (x. Gioan Phaolô II, Dives  in  Misericordia,  số14). Thiên Chúa vừa công bình vừa thương xót cùng một lúc, vì đức công bình của Thiên Chúa chính là lòng thương xót của Ngài. Nghĩa là, Thiên Chúa đối xử rất mực công bình nhưng theo lượng từ bi thương xót: “Ngài không xử với ta như ta đáng tội, và không trả cho ta theo lỗi của ta” (Tv 103,9-10). Khi phạm tội, chúng ta phải gánh chịu hậu quả của tội lỗi, đó là hình phạt, nhưng hình phạt không phải là đích điểm, mà là điểm khởi đầu của hành trình sám hối. Lòng sám hối bao hàm quyết tâm chừa cải và đền bù những thiệt hại do tội gây ra, đó cũng là điều kiện để được tha thứ và thừa hưởng lòng thương xót, như trường hợp ông Giakêu chẳng hạn (x. Lc 19,1-10). Trái lại, những ai không chịu sám hối, không tín thác vào  giá  máu  cứu  độ  của Chúa Kitô, thì sẽ chẳng được tha thứ và không thể nào đón nhận được lòng thương xót (x. Mc 3,28-29). Như vậy, “Thiên Chúa không chối bỏ sự công bình. Ngài bao phủ và thăng hoa sự công bình trong một kết cuộc cao đẹp hơn, nhờ đó chúng ta cảm nghiệm được tình yêu, và tình yêu chính là nền tảng của sự công bình đích thực” (Misericordiæ Vultus, số 21).

4/ Có một sự thật là rất nhiều biến cố, sự kiện được tổ chức trong nhiều dịp khác nhau với những mục đích rất thiêng liêng, nhưng hoa trái và dư âm của nó không tồn tại lâu và nhiều khi là kết thúc ngay sau đại hội, sau cuộc gặp gỡ. Trong chương trình cử hành Năm Thánh cấp giáo phận, Ban tổ chức đã lưu tâm triển khai các buổi hành hương cho từng giới và nhóm khác nhau. Theo Cha, các vị chủ chăn của các cộng đoàn giáo xứ có vai trò quan trọng thế nào trong việc đồng hành và giúp các tín hữu tiếp tục sống những hoa trái thiêng liêng sau những buổi hành hương như thế?

Trong việc cử hành Năm Thánh Lòng Thương Xót, Đức thánh cha ước ao cho “tất cả mọi Kitô hữu có một thời gian thật sự gặp gỡ lòng thương xót của Thiên Chúa” (Phanxicô, Thư hướng dẫn mục vụ trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, ngày 1/9/2015). Lần đầu tiên trong lịch sử Giáo hội, Đức thánh cha đã cho mở Cửa Thương Xót tại các giáo phận trên toàn thế giới, và nhấn mạnh đến việc thực hiện các cuộc hành hương bước qua Cửa Thánh trong sự dấn thân và hy sinh (x. Misericordiæ Vultus, số 14). Theo ý hướng đó, lịch trình Năm Thánh của giáo phận chúng ta đã dành ra những ngày hành hương chung cho từng đoàn từng hội, để tạo điều  kiện  cho  từng  người thuộc  mọi  giới  có  cơ  hội được  cùng  nhau  sống  đức tin, chia  sẻ, học  hỏi, tĩnh tâm, dọn  mình, sám  hối, xưng tội, chịu lễ, nhằm đạt được đích điểm là lòng thương xót của Thiên Chúa.

Đương nhiên, các sinh hoạt của Năm Thánh không chỉ dừng lại ở các cuộc hành hương hay các sinh hoạt cấp giáo phận, mà phải được trải dài trong đời sống thường ngày của các tín hữu. Một trong những mặt còn hạn chế của chúng ta là chưa có sự phối hợp hài hòa giữa các sinh hoạt mục vụ ở các cấp độ khác nhau. Có nhiều sự kiện rất sôi động trong các sinh hoạt ở cấp giáo phận nhưng chẳng mấy được cổ vũ tại các giáo xứ, giáo họ. Nhiều người khi tham dự các biến cố chung thì lòng đầy nhiệt huyết hăng say, nhưng khi trở về với cộng đoàn của mình lại cảm thấy lạc lõng giữa một bầu khí thờ ơ lãnh đạm. Họ giống như những hạt lúa tốt nhưng lại rơi vào mảnh đất còn đầy cỏ rác, gai góc và sỏi đá vậy (x. Mt 13,1-9).

Để hồng ân Năm Thánh có thể thấm sâu vào trong cuộc đời các tín hữu và sinh nhiều hoa trái thiêng liêng, các vị chủ chăn cần đồng hành với đoàn chiên của mình trong việc cử hành Năm Thánh. Các ngài được mời gọi tổ chức các sinh hoạt mục vụ tại các giáo xứ theo tinh thần và đường hướng chung của giáo phận. Ngoài ra, cần phải tiếp tục cổ võ những công việc tốt đẹp mà cả giáo phận chúng ta đang thực hiện như duy trì giờ kinh trong các gia đình, đọc và suy niệm lời Chúa, giảng dạy giáo lý, tổ chức tĩnh tâm và hội thảo, thăm viếng giúp đỡ những người già yếu cô đơn bệnh tật… Như thế, chúng ta thấy vai trò rất quan trọng  của các vị mục tử, các ngài là thừa tác viên của lòng thương xót, dẫn đưa tất cả mọi người đi vào mầu nhiệm cao cả của lòng Chúa xót thương. Các ngài là tác nhân chính mời gọi các tín hữu đến với ngai tòa ân sủng để sống tình hiệp thông trong Hội Thánh, và trở nên những chứng nhân của lòng thương xót (x. Misericordiæ Vultus, số 18). Hy vọng rằng với nỗ lực của cả Giáo hội trong Năm Thánh hồng phúc này, tất cả mọi tín hữu chúng ta sẽ kín múc  được  suối  nguồn  ơn thánh không bao giờ vơi cạn của lòng Chúa thương xót để “trở thành nhân tố tích cực trong việc xây đắp nền văn minh tình thương và văn hóa sự sống”. (HĐGMVN, Thư gửi cộng đồng dân Chúa, ngày 17/9/2015, số 3).

5/ Trong các bài giảng cũng như những bài huấn từ của Đức thánh cha Phanxicô, ngài luôn  khích lệ các Kitô hữu đi vào cuộc gặp gỡ riêng tư, cá nhân với Thiên Chúa. Xin Cha cho biết, đâu là giá trị đích thực của cuộc gặp gỡ này và người tín hữu nên lưu tâm những hành vi cụ thể nào khi thực hiện các cuộc gặp gỡ ấy?

Có lẽ câu hỏi này cũng góp phần bổ túc cho câu trả lời kế trên. Thực vậy, Đức thánh cha mong muốn “Năm Thánh trở thành một kinh nghiệm sống động về sự thân mật, gần gũi của Chúa Cha,  để đức  tin của mỗi tín hữu có thể được củng cố, và qua đó, trở thành nhân chứng cho sự hiện diện của Thiên Chúa cách hiệu quả hơn”. Vì thế, cần phải quan tâm để “những ân xá của Năm Thánh có thể đụng chạm tới từng người một, như là một kinh nghiệm thật về lòng thương xót của Thiên Chúa, đến gặp mỗi người trong khuôn mặt của Chúa Cha, Đấng quên hết mọi tội lỗi, ân cần đón tiếp và tha thứ” (Phanxicô, Thư hướng dẫn mục vụ trong Năm Thánh Lòng Thương Xót).

Ngay từ khi được chọn làm Giáo Hoàng, Đức thánh cha Phanxicô đã khởi đầu một cuộc canh tân ngay tại Giáo triều Rôma. Chắc chắn, ngài sẽ tiếp tục thực hiện công cuộc canh tân ấy trong toàn thể Giáo hội. Dĩ nhiên, mọi cuộc canh tân đều phải khởi đi từ cuộc canh tân đời sống thiêng liêng, và muốn canh tân cả cộng đoàn Hội Thánh thì cũng phải khởi đi từ việc canh tân đời sống của từng Kitô hữu. Vì thế, chúng ta hiểu được lý do tại sao Đức thánh cha lại đặc biệt nhấn mạnh đến chiều kích thiêng liêng của Năm Thánh như vậy. Qua đó, ngài kêu gọi mỗi người và mọi người, đặc biệt là những người đang sống xa rời ân sủng, hãy bước vào cuộc trải nghiệm của lòng thương xót trong trái tim luôn rộng mở tràn đầy yêu thương của Thiên Chúa (x. Misericordiæ Vultus, số 25). Những kinh nghiệm được gặp gỡ Thiên Chúa mang tính riêng tư và cá nhân sẽ dễ dàng đánh động tâm hồn, trở thành điểm khởi đầu cho một hành trình biến đổi nên hoàn thiện hơn. Để có thể thực hiện được những cuộc gặp gỡ sâu đậm như thế, di sản ngàn đời của Hội Thánh đã truyền lại cho chúng ta những phương thế rất hữu hiệu của ân sủng như chay tịnh cầu nguyện, thinh lặng suy gẫm, lắng nghe  lời Chúa và cử hành phụng vụ thánh… Hơn nữa, chính Chúa Cha đã gửi Con Một của Ngài đến để cứu độ chúng ta, vì thế muốn được đổi mới, mỗi người chúng ta phải thực sự gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô, hiện thân của lòng thương xót, cách cụ thể qua việc dọn mình sám hối, xưng thú tội lỗi, tham dự thánh lễ và rước lễ.

Xin chân thành cám ơn Cha!

(Trích RaKhơi số 14 ra ngày 05-03-2016)
***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập423
  • Máy chủ tìm kiếm27
  • Khách viếng thăm396
  • Hôm nay48,952
  • Tháng hiện tại909,313
  • Tổng lượt truy cập78,912,764
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây