Thập Giá - Sự tự hủy cuối cùng của Thầy Giêsu

Thứ năm - 16/09/2021 04:44  1052
silhouette crucifixion jesus sunset 260nw 459548320Mỗi người có một lần để được sinh ra và một lần chết đi. Khoảng cách giữa hai bờ sinh tử ấy có khi là một thời gian rất dài, nhưng có khi lại chỉ là một khoảnh khắc. Vì thế, sống như thế nào để dù thời gian dài hay chỉ là khoảnh khắc được trở nên tròn đầy và có ý nghĩa thì lại do mỗi người. Có người đã sống thực sự nhưng có người lại trượt dài trên hành trình ấy. Thầy Giêsu – mẫu gương lý tưởng, người đã sống một cuộc đời dù ngắn nhưng thật trọn vẹn con đường của Thập giá – sự tự hủy cuối cùng.

Tiếng Latinh Kenosis – tự hủy mình ra không. Thật khó có thể định nghĩa đầy đủ được nếu như chưa một lần sống và cảm nghiệm, bởi đây là một huyền nhiệm thật sâu rộng. Theo từ điển Công giáo, định nghĩa Kenosis – tự hủy, chỉ việc Đức Kitô, Con Thiên Chúa tuy vẫn là Thiên Chúa nhưng vì Tình Yêu với Chúa Cha và nhân loại đã trút bỏ vinh quang, tự nguyện chấp nhận thân phận người phàm để cứu độ chúng ta. Mầu nhiệm ấy được diễn tả nơi Người từ lúc Nhập Thể, trong cuộc đời và nơi biến cố Vượt Qua.

Nhập Thể

Năm xưa, tại vùng quê Bêlem trong đêm trường thanh vắng, Con Thiên Chúa đã trở nên xác phàm trong thân phận Hài Nhi Giêsu. Trở nên “xác phàm” đồng nghĩa với việc Thầy chấp nhận đi vào mọi biến cố vui buồn, những khó khăn yếu đuối và cả nỗi đau buồn của con người. Là Vua Cả trời đất vậy mà Thầy đã chấp nhận một cuộc sống âm thầm tại làng quê Nazareth, tất cả vì tình yêu để chúng ta được hiệp thông với Người trong những cái đơn điệu nhất của cuộc sống thường ngày. Thầy đã mang lấy nơi mình những nỗi khổ đau của nhân loại để từng bước nâng chúng ta lên được làm con Thiên Chúa và được hưởng hạnh phúc viên mãn. Sự tự hủy ấy tiếp tục được diễn tả sâu hơn trong cuộc đời công khai khi Thầy thi hành sứ vụ mà Cha đã trao phó khi vào trần gian.

Cuộc đời công khai

Mở đầu cho sứ vụ rao giảng của Thầy Giêsu là một hình ảnh thật khiêm nhường. Thầy hạ mình, xếp mình vào hàng tội nhân và cúi xuống để được thanh tẩy trong dòng sông Giođan. Cử chỉ cúi xuống ấy còn lặp lại trên những bước đường mà rồi đây Thầy sẽ đi. Thầy cúi xuống cầm lấy tay đứa con gái ông trưởng hội đường mà cứu sống. Thầy cúi xuống viết trên cát như đồng cảm với người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình. Thầy cúi xuống để nâng bà mẹ vợ ông Simon khỏi cơn sốt. Và rồi, Thầy cúi xuống để rửa chân cho các môn đệ dù biết rằng sẽ có kẻ nộp Thầy. Thầy Giêsu đã biểu lộ mầu nhiệm tự hủy để ở giữa chúng ta và phục vụ như một đầy tớ. Yêu thương từ chỗ thấp nhất, để cuối cùng đỉnh cao của sự tự hủy là cái chết nhục nhã và ánh sáng của Phục Sinh huy hoàng.

Cuộc khổ nạn và phục sinh

Thập giá là nơi Thầy đã diễn tả rõ nét và sâu đậm nhất mầu nhiệm hủy mình ra không ấy. Người Tôi Tớ đau khổ không chỉ mang lấy tội lỗi và thương tích nhưng vượt trên đó là cả một tình yêu rộng lớn. Thầy không dùng vũ trang, quyền lực để thống trị và chống lại những kẻ đã giết Người. Trái lại, Thầy lên án và chấm dứt sự ác ấy bằng cách lãnh chịu hậu quả của sự gian ác và biến đổi nó thành tình yêu và sự sống. Thầy đã bước đến cùng của mầu nhiệm tự hủy để rồi qua cuộc Phục Sinh vinh hiển cho chúng ta một niềm hy vọng. “Qua Thập giá tới vinh quang” – niềm hy vọng chúng ta sẽ được cùng sống với Thầy trong vinh quang bất diệt. Và qua đó Thầy cũng để lại cho chúng ta những bài học thật quý giá, đặc biệt với các nữ tu sinh viên của Học viện Têrêsa Avila.

Hôm nay – tại Học viện Têrêsa Avila

Có lẽ không phải toàn bộ, nhưng ở một góc suy tư nào đó thì mỗi nữ tu sinh viên của Học viện đang theo gương Thầy Giêsu sống mầu nhiệm tự hủy trong môi trường học tập. Vượt ra khỏi chính mình để tìm kiếm Chân Lý và như lời nhắn nhủ của Cha Giám đốc Học viện tới chị em: “Chân Lý khách quan như luôn ở ngoài chúng ta, chúng ta chỉ tìm thấy khi không còn cái tôi của mình”. Nghĩa là hãy học, tìm kiếm bằng sự khiêm nhường, hạ mình xuống để lắng nghe và hiểu được lời của Thầy. Như lời Thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Dẫu biết rằng kiến thức thì vô hạn và con người thì hữu hạn, nhưng cứ ngồi đây mãi thì sao có thể chạm tới được vinh quang. Vì vậy, như Thầy đã đi đến tận cùng của mầu nhiệm tự hủy và đã chiến thắng, thì đây, mỗi nữ tu sinh viên của Học viện cũng thế. Vượt qua những khó khăn của thời gian, sách vở và cả sự mệt mỏi để chạm tới Chân Lý là Tình Yêu và Hạnh Phúc tròn đầy. Để rồi sau những ngày tháng “dùi mài kinh sử”, chị em ra đi với những hành trang như những nén bạc Chúa trao. Theo Thầy bước vào giữa những đau khổ, những nơi đang mất niềm tin vào cuộc sống, đụng chạm đến nỗi đau của nhân loại hôm nay với lòng hăng say, nhiệt thành và đặc biệt là chính sức mạnh của Thầy Chí Thánh.

Một lần nữa mong sao cuộc đời của chúng ta dù dài hay ngắn thì mỗi khoảnh khắc đều là những phút giây đong đầy yêu thương. Yêu như Thầy đã yêu, không vụ lợi, không tính toán, yêu cho đến cùng của sâu thẳm trái tim. Yêu đến độ tự hủy chính bản thân để chúng ta cũng biết tự hủy mình ra không, để sống mối tình hiệp thông với Thiên Chúa và với anh chị em xung quanh chúng ta trong tin yêu và bác ái.

Tác giả: Maria Dã Quỳ

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập191
  • Máy chủ tìm kiếm29
  • Khách viếng thăm162
  • Hôm nay33,758
  • Tháng hiện tại866,902
  • Tổng lượt truy cập69,926,776
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây