Niềm vui Phục Sinh, cần đến kinh nghiệm
Thứ hai - 26/04/2021 05:19
1013
Sau 40 ngày sống trong tâm tình của Mùa Chay Thánh, cả Giáo Hội hân hoan mừng biến cố trọng đại là biến cố Chúa Kitô Phục Sinh. Tưởng chừng vì câu chuyện Phục Sinh đã quá quen thuộc, nên một phần không nhỏ Kitô hữu nghĩ tới biến cố ấy như là “một câu chuyện lịch sử”, và đó chỉ là niềm vui thoáng chốc trong ngày mừng lễ rồi chẳng nghĩ đến chuyện này nữa. Phải chăng vì chúng ta chỉ được giáo dục về ý nghĩa Phục Sinh mà chưa có kinh nghiệm về Phục Sinh nên chúng ta chưa thực sự cảm nghiệm được niềm vui Phục Sinh đúng nghĩa?
Có thể nói như linh mục Thái Nguyên, niềm tin vào Chúa Phục Sinh là cả một chặng đường Tin-Yêu trải dài suốt cuộc đời, Tin và Yêu là cặp đôi song hành trong đời sống của người Kitô hữu. Chúng ta vẫn tin rằng hơn hai ngàn năm trước Đức Giê-su, Con Thiên Chúa đã đến trần gian, đã chết và đã sống lại. Song đức tin chỉ dừng lại ở đấy khi ta nhìn về thực tại phải đương đầu với những khó khăn bệnh tật, đau khổ hay thử thách; đặc biệt với cái chết, chúng ta vẫn băn khoăn đặt ra những câu hỏi: Chúa sống lại thế sao tôi vẫn phải chịu những đau khổ, sao tôi vẫn phải chết?... Nhìn lại các bản văn tường thuật về biến cố Chúa Phục Sinh để thấy phản ứng của các môn đệ, của những người phụ nữ, chắc hẳn chúng ta cũng từng có phản ứng như bà Maria Mađêlêna chỉ chăm chăm vào cảm xúc nuối tiếc và đau thương khi không thấy xác Thầy; hay sự tuyệt vọng, chán nản của hai môn đệ trên đường Emmaus; hoặc đôi khi sự cần thiết của dấu chỉ như Tôma. Tất cả đều chỉ quanh quẩn u sầu trong bản thân mà không thể thoát ra khỏi tình trạng rối ren này. Chúng ta chỉ mong muốn hoàn cảnh sẽ xảy ra theo ý mình. Nhưng thực sự là gì? Đức Kitô đã chết thật và đã sống lại thật. Có lẽ theo cái nhìn của con người cái chết là tảng đá lớn nhất mà chúng ta phải đối diện. Nói như Linh mục Micae Phạm Quang Hồng trong bài giảng Lễ Phục Sinh vừa rồi thì “chết” cũng là “tảng đá” lớn nhất cản trở con người, bên cạnh đó còn có những “viên đá” khác xung quanh ta là những lo sợ, toan tính, ghen tuông, ích kỉ lâu ngày chất chứa thành những “tảng đá”. Như tảng đá che lấp cửa hang là che lấp hình ảnh Chúa Phục Sinh thì những tảng đá kia đang tồn đọng trong đầu chúng ta cũng làm chúng ta không nhìn thấy Chúa Phục Sinh hoặc chỉ thấy một cách mờ nhạt. Đức Kitô đã sống lại, Người đã vượt qua điều tưởng chừng như không thể vượt qua. Và nếu Đức Kitô không sống lại thì không có sự Phục Sinh, thế nên thánh Phaolô đã khẳng định: “Nếu Đức Kitô không sống lại thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1 Cr 15,14).
Ngoài sự cản trở của những “tảng đá”, có lẽ một lý do quan trọng hơn cũng phát xuất từ chính mỗi chúng ta khi cố chấp không tin vào sự thật là Đức Kitô Phục Sinh sẽ giải thoát chúng ta. Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ ra cho chúng ta thấy rằng: “Sự sa ngã tệ hại nhất có thể hủy diệt sự sống của chúng ta đó là khi chúng ta cứ nằm vạ ra đấy và không chấp nhận để mình được giúp đứng lên” (Tông huấn Đức Kitô Hằng Sống, số 120).
Cũng trong Tông huấn này, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở cho chúng ta một thông điệp không bao giờ bỏ quên qua sự thật: thứ nhất, Thiên Chúa là tình yêu (số 112), tình yêu của Ngài không phải là sự lấn áp hay bóp nghẹt nhưng hoàn toàn mang tính tự do và giải phóng đồng thời có sự chữa lành và nâng dậy (số 116). Thứ hai, Đức Kitô là Con Thiên Chúa vì yêu thương đã hiến mình trọn vẹn để cứu độ chúng ta; thứ ba, Đức Kitô đang sống. Thật vậy, như phần đầu đã nói chúng ta dễ nhìn Đức Giêsu chỉ như một mẫu gương tốt ở trong quá khứ xa xăm, như một ký ức, như một ai đó đã cứu mình cách đây hai ngàn năm, nhưng xem ra điều đó chẳng ích gì cho chúng ta vì nó không thay đổi gì nơi ta, nó không giải phóng ta, cuộc sống của ta vẫn cứ rối ren, đau khổ vẫn giăng mắc, sự chết vẫn hoành hành.
Ngược lại với phản ứng của Maria Mađalêna, Thánh Gioan thì khác hẳn tuy chỉ nhìn thấy ngôi mộ trống nhưng ông đã tin (Ga 20,8). Tại sao? Có lẽ thực tế ông chẳng thấy gì ngoài những băng vải nhưng nhờ sự yêu mến và nhớ lại lời Thầy tiên báo phục sinh nên ông đã tin. Thiết tưởng để niềm tin vào Đức Giêsu Phục Sinh trở nên bền vững, người Kitô hữu cũng cần học theo gương của thánh Gioan trong sự yêu mến Chúa chân thành và luôn gắn bó với Lời Chúa.
Trong Bài nói chuyện tại buổi canh thức với Giới trẻ, Ngày Giới trẻ thế giới lần thứ 34, năm 2019 tại Panama, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: Chúng ta được cứu độ bởi Đức Giêsu vì Người yêu chúng ta và Người không thể chống lại bản tính của Người. Dù có thể chúng ta sai phạm nhiều lần, Người vẫn yêu thương và cứu chúng ta. Chỉ những gì được yêu thương mới có thể được cứu độ. Chỉ những gì được đảm nhận mới có thể được biến đổi. Tình yêu Chúa lớn hơn mọi vấn đề, mọi yếu đuối và sai phạm của chúng ta. Chính xuyên qua những điều đó Thiên Chúa muốn viết lên câu chuyện tình yêu với chúng ta ngang qua thập giá mà mỗi chúng ta đang gánh vác hàng ngày. Thập giá không phải là đích điểm nhưng là phần thiết yếu trong hành trình vượt qua của mỗi chúng ta, và sự Phục Sinh mới là đích điểm cuối cùng. Khi đã cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta không còn cảm thấy thập giá là nặng nề vì “một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời” (2 Cr 4,17).
Như vậy, để niềm vui của Chúa Phục Sinh thực sự đến và ở lại trong lòng chúng ta, khởi đi từ những kinh nghiệm trong chính những vấn đề cuộc sống hàng ngày, chúng ta hãy để cho Chúa đụng chạm, dù đó là những thất bại hay tội lỗi.
Tác giả: Mary Phương Hoàng