Chút vấn vương
Thứ năm - 19/09/2019 05:07
1700
Nhật kí Caritas 17/08/2019
Mưa. Những giọt mưa đêm long lanh vẫn còn đọng lại trên đầu lá, nhè nhẹ dập dìu theo những cơn gió đầu thu, như đang tiếp tục những vũ điệu cuối cùng trước khi về với đất mẹ. Mặt đường vẫn còn đọng lại những vũng nước, thi thoảng ánh lên những vầng sáng lung linh, phản chiếu ánh đèn đường, đèn xe, hay trở thành mảnh gương lưu lại những vệt sáng huyền ảo còn sót lại của vệt trăng cuối mùa.
Lạnh. Cơn gió đầu mùa se se kết hợp với khí ẩm còn đọng lại trong không khí đang ùa về quyện quanh khắp mặt đất, lang thang nơi những mái hiên, khu vườn khiến chú bọ cánh cứng đang chìm giấc ngủ say trên nhánh cây lan giật mình rồi lại khẽ vươn cánh như một cái ngáp nhẹ, để rồi lại tiếp tục chìm vào giấc mơ dang dở. Miên man. Tiếng gà gáy đặc trưng của các miền quê dù đã thưa dần, vẫn lẻ loi ngân vang giữa một không gian mênh mông, nhưng thật khó trở thành những tiếng chuông báo thức như nó đã từng được các cụ nhà ta dùng một thời để đánh thức cả một ngôi làng... Đó cũng là lúc tôi thức giấc, tất nhiên không nhờ tiếng gà gáy, để chuẩn bị tham dự một Thánh lễ, một Thánh lễ không giống mọi ngày, và cũng chẳng phải tại nơi tôi đang ở, nhưng là tại nhà thờ Chính tòa, nơi cách đó 28km, nơi anh em chủng sinh quy tụ bên quý cha để tưởng nhớ và cầu nguyện cho Đức Cha cố Giuse.
Xe lăn bánh. Lác đác vài ánh đèn mập mờ nơi các quán phở ven đường phục vụ các bác tài, những khách bắt xe sớm hay những công nhân làm ca đêm. Đâu đây vẫn râm ran bản giao hưởng loạn nhịp đặc biệt của những chú ếch kêu đan xen tiếng chó sủa… Giữa một không gian thật tĩnh lặng, không khí buổi sớm trong lành và thật dễ chịu khiến lòng tôi như nhẹ lại và những hình ảnh thật đẹp, những bài học đáng nhớ của hai tháng vừa qua, khi tôi thi hành sứ vụ đầu tiện của đời chủng sinh tại Ban Caritas Giáo phận, như ùa về và ngập tràn tâm trí với một chút vấn vương!
Trước khi được về giúp ban Caritas, thú thật ai trong chúng tôi cũng đôi chút ngần ngại vào ban này, vì nói đến Caritas là nói đến nào là vất vả, nào là trách nhiệm lớn, nào là áp lực, nào là đi nhiều hay… đen da… Tuy nhiên, sau khi đã chu toàn sứ vụ của mình trong hai tháng tưởng chừng dài, nhưng lại thật nhanh và ngắn ngủi đó, sáu anh em chúng tôi đều đồng ý với nhau rằng Caritas vất vả thật, áp lực thật,…, và đen thật nhưng hai tháng nơi đây lại đem lại cho chúng tôi quá nhiều bài học quý giá và kỉ niệm đẹp mà có lẽ chỉ có nơi Caritas và Tòa Giám Mục. Qua quan sát, học hỏi và làm việc, chúng tôi thấy trưởng thành hơn và ý thức hơn mình là ai để quý trọng ơn gọi Chúa ban hơn, nhất là qua Đức cha, Cha Giám đốc, quý sơ văn phòng hay những thành viên nơi Nhà chung, và đặc biệt qua những người mà chúng tôi đến chia sẻ và ở cùng, dù rất ngắn trong suốt hai tháng qua. Nếu cuộc đời được đan kết bởi những bài học trong khóa học cuộc đời, thì tôi thiết tưởng thời gian hai tháng giúp Caritas đã dạy chúng tôi một trong những bài học quý giá, nhất là với đời tu, để nhờ những bài học đó, chúng tôi có những hành trang cho hành trình ơn gọi tiếp theo của mình. 10/13 giáo hạt chúng tôi đã đi qua với những con người cụ thể đã dạy chúng tôi quá nhiều bài học về cuộc sống, nhất là về tình yêu nơi những con người sống động mà chúng tôi gặp gỡ, đồng cảm và chung nhịp đập dù ngắn ngủi thôi.
Giữa một thế giới tưởng chừng hoa lệ và có vẻ “phẳng” như nhiều người, nhất là các bạn trẻ thường nói, thì than ôi, đâu đó vẫn còn quá nhiều những “vết lõm”,những hố sâu và những đường cong của một thế giới, mà nơi đó, nhiều phận người đang bị lãng quên, thậm chí vứt bỏ cách tàn nhẫn. Nơi đó, những con người, với đầy đủ nhân phẩm, nhưng lại đang bị lãng quên bởi một nền văn hóa tiêu thụ và vứt bỏ đúng nghĩa hay những phận người đang phải chiến đấu với những căn bệnh hiểm nghèo, hay những ánh mắt trẻ thơ bị bỏ rơi hay đang phải gánh những căn bệnh đáng sợ mà chúng chưa đủ trí khôn để hiểu điều gì đang chờ đợi chúng,…
Thật đáng thương! Có lẽ đó chỉ là con số lẻ trong số những con người có hoàn cảnh khó khăn mà nhiều khi tiếng kêu của họ bị bỏ qua và không được quan tâm bởi người xung quanh, hay đớn đau hơn là bởi chính người thân của mình giữa một thế giới mà nhiều kẻ huênh hoang vỗ ngực là công bằng bác ái. Chúng tôi đã đến những góc khuất của xã hội, học cách cúi xuống để gặp gỡ, để lắng nghe và sẻ chia với họ chút hơi ấm của tình Chúa, tình người, nhưng thực ra, những gì chúng tôi nhận lại thì vô giá. Qua những cuộc viếng thăm đầy cảm xúc, với đủ hoàn cảnh, chúng tôi nhận ra thế giới này còn quá nhiều khổ đau và còn cần đến những cánh tay của sự giúp đỡ, cảm thông, không nhất thiết là về vật chất, mà thật sự cái họ cần hơn chính là hơi ấm của tình yêu, điều mà không gì có thể mua được. Khi các môn đệ của Gioan Tẩy Giả hỏi Chúa Giêsu chỗ ở của Ngài, Ngài đã trả lời“Đến mà xem”. Vâng, đó có lẽ cũng là lời mời gọi của Thầy Giêsu đến mỗi chúng ta, đến mà xem, xem để cảm nhận, cảm nhận để thấu hiểu và nhận ra Ngài là ai nơi chính những con người nhỏ bé nhất giữa một thế giới tưởng chừng vắng bóng Thiên Chúa. Lời mời gọi đó như thúc giục và thêm sứ để chúng tôi đủ can đảm vượt qua những nỗi sợ, nỗi e ngại mà dám cúi xuống, nắm tay thật chặt, cúi đầu thật sát, vượt qua những mặc cảm để hòa mình với những con người thật sự đang mang trong đó hình ảnh của một Đức Ki tô sống động và chân thật nhất, một Đức Ki tô đang cô đơn nơi các cụ rất cần sự động viên, tâm sự, rất cần có người đủ kiên nhẫn để lắng nghe những câu chuyện đời của các cụ, một Đức Ki tô đang đau đớn quằn quại vì bệnh tật, hay khuyết tật, đang cần lắm sự nâng đỡ về cả vật chất lẫn tinh thần, một Đức Ki tô nghèo đói, rách rưới dưới những thân hình tàn tạ, cần lắm sự sưởi ấm, sẻ chia, hay một Đức Ki tô hồn nhiên, nhưng bơ vơ đang cần lắm những sự nâng đỡ,…, và còn rất nhiều hình ảnh của Đức Ki tô đang hiện hữu nơi mỗi phận người, nhất là những người đang đau khổ. Ngài vẫn sống động và ngay bên chúng ta, và Ngài vẫn đang đợi chúng ta đến với Ngài để mà xem, mà giúp đỡ và ở lại với Ngài đúng như thánh Têrêsa Calcutta đã nói: “Nơi Đức Kitô, tôi thấy người nghèo, và nơi người nghèo, tôi nhận ra chính Đức Kitô”.
Trong tông huấn Đức Kitô đang sống, Đức giáo hoàng Phan-xi-cô đã nhấn mạnh khi thăm viếng người nghèo, chúng ta nhận nhiều hơn là cho “bởi vì ta học được khôn ngoan và trưởng thành rất nhiều khi ta dám tiếp chạm đến nỗi đau của người khác… Hơn thế nữa, người nghèo có một sự khôn ngoan ẩn giấu, và họ chỉ bằng vài lời đơn sơ có thể giúp ta khám phá ra những giá trị bất ngờ”. Chúng ta nghĩ rằng khi đi làm bác ái là chúng ta cho đi nhiều hơn là nhận, nhưng xin hãy lắng nghe một lần nữa lời của Mẹ thánh Têrêsa Calcutta, một người nổi bật về lòng quảng đại và bác ái: “Người nghèo cho chúng ta nhiều hơn tất cả những gì chúng ta cho, hay giúp đỡ họ”. Đúng vậy, nếu ta làm bác ái với bằng tấm lòng thực sự, chúng ta sẽ cảm nhận rất rõ món quà từ những người chúng ta giúp đỡ, nhất là những phận người đang đau khổ. Chúng tôi cũng vậy, khi đến và lắng nghe, chia sẻ với họ, chúng tôi đã nhận lại những món quà quý, những bài học thật sự vô giá về tình yêu, về sự tương thân tương ái…, những thứ không đo, không đếm được.
Những con người đáng yêu đó đã cho chúng tôi trước là cơ hội để yêu thương, để cho đi những gì Chúa ban, sau là những bài học cuộc đời qua những câu chuyện rất đời, rất thật mà ghế nhà trường không thể cung cấp và trên hết chúng tôi ý thức mình là ai? Sứ mạng thật sự của chúng tôi là gì? Chúng tôi có gì đâu mà được đón nhận như những người thân, hay tâm sự vưới chúng tôi những câu chuyện mà có lẽ họ không dám hay không bao giờ nói với ai, và nhất là chúng tôi là cái gì để họ xin chúng tôi cầu nguyện cho họ. Thật sự, nhiều khi chúng tôi thấy hổ thẹn vì đã không sống đúng với ơn gọi của mình và lãng quên vị Thầy mà chúng tôi đang theo nơi những con người bé mọn đó. Qua đó, chúng tôi muốn nói lên tâm tình tạ ơn Chúa đã cho chúng tôi cơ hội để phục vụ, cảm ơn các cụ, các cô chú, anh chị và cả các em đã cho chúng tôi những cơ hội và những hành trang quý giá trên con đường mà anh em chúng tôi đang theo đuổi và nhất là cho chúng tôi biết thế nào là Tình Yêu.
Cũng chính nơi Caritas, nơi nhà Chung, chúng tôi có cơ hội để chia sẻ một phần rất nhỏ công việc, những sinh hoạt của Caritas và cảm nhận phần nào công việc to lớn mà Đức Cha, cha Giám đốc, quý sơ văn phòng đang làm để góp phần làm vơi đi những nỗi đau của những phận người đang rất cần sự quan tâm, giúp đỡ. Qua đó, chúng tôi nể phục Đức Cha, Cha Giám đốc, với một lượng công việc khổng lồ không chỉ của Caritas mà còn của Giáo phận, nhưng các Ngài, nhờ ơn Chúa, luôn chu toàn và hăng say trong sứ vụ của mình. Chúng tôi cũng kính nể quý sơ văn phòng, các vị đặc trách, những người đã hy sinh rất nhiều thời gian, công sức để cộng tác trong công việc bác ái dù khó khăn, vất vả và cả những hiểu lầm, để qua đó chúng tôi nhận thấy những công việc chúng tôi làm thật nhỏ bé so với những hy sinh của quý vị. Hành trình nào rồi cũng phải có điểm kết thúc, cũng giống như quãng đường 28km mà tôi vừa đi qua, hai tháng tưởng chừng dài, nhưng thật ra lại thật nhanh và ngắn ngủi. Tiếng chuông nhà thờ Chính tòa ngân vâng báo hiệu tôi đã đến nơi và Thánh lễ chuẩn bị diễn ra. Tôi trở về với thực tại sau những giây phút miên man. Sứ vụ đầu tiên của đời chủng sinh đã kết thúc và chúng tôi lại tiếp tục hành trình tu luyện, nhưng những kỉ niệm đẹp sẽ còn trong tim và sẽ là gói hành trang quý giá thôi thúc chúng tôi bước tiếp trên con đường chúng tôi đang theo đuổi. Sẽ nhớ lắm những niềm vui, nỗi buồn và đầy cảm xức nơi Caritas, và nơi nhà chung Tòa Giám mục, nhớ lắm những cuộc viếng thăm đầy ý nghĩa và tràn đầy yêu thương nơi những con người vĩ đại của Thiên Chúa, làm sao quên những nụ cười dù móm mém nhưng chất chứa tình người, làm sao quên những cái nắm tay đầy ân tình và bịn rịn khi phải rời xa, làm sao quên những câu chuyện và những bài học quý giá mà chúng tôi được nghe, được học nơi những con người mà tưởng chùng đã bị quên lãng, làm sao quên… Cuộc sống, nhất là nơi những con người bé nhỏ dường như lại dậy chúng tôi những bài học vĩ đại nhất. Hai tháng đã qua, chúng tôi nhận ra rằng làm bác ái đòi phải chấp nhận hy sinh, vất vả và cả những hiểu lầm, làm bác ái đòi hỏi phải có sức khỏe, nhưng trên hết là phải có một trái tim biết yêu thương và dám cho đi, để biết rung lên những nhịp đập yêu thương nơi những cảnh đời nơi những phận người đang bị lãng quên tron xã hội ngày hôm nay.
“Những dấu chân trên cát sẽ biến tan nơi những cơn sóng, những dấu chân lưu lại trên những con đường đã đi qua sẽ phai dần theo năm tháng,…, nhưng những dấu chân tình nơi trái tim con người sẽ mãi chẳng phai mờ”.