CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH NĂM B
Cv 10,25-26.34-35.44-48; 1Ga 4,7-10; Ga 15,9-17
Trong thông điệp Đấng Cứu Chuộc Con Người (Redemptor Hominis, 1979), thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh: “Con người không thể sống mà không có tình yêu. Con người vẫn là hữu thể mà chính mình không thể hiểu được, cuộc sống con người vô nghĩa, nếu tình yêu không được biểu lộ, nếu con người không gặp gỡ tình yêu, nếu con người không kinh nghiệm tình yêu và làm cho tình yêu ở lại nơi mình, nếu con người không tham dự vào tình yêu cách mật thiết” (Redemptor Hominis 10).
Tình yêu chính là mối dây liên kết con người với Thiên Chúa và với nhau. Do đó, giới răn cao cả nhất của Thiên Chúa là “giới răn yêu thương”, mến Chúa và yêu người. Như thế, tình yêu rất quan trọng trong cuộc sống, nếu thiếu tình yêu thì cuộc sống chẳng còn ý nghĩa gì. Có tình yêu là có tất cả, thiếu tình yêu là thiếu mọi thứ. Và hơn hết, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12). Vậy, tình yêu là gì? Yêu như Chúa yêu là sao?
Tình yêu của Thiên Chúa
Trước hết, tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Trong thư thứ nhất, Thánh Gioan Tông đồ đã khẳng định: “Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra và người ấy biết Thiên Chúa” (1Ga 4,7).
Tình yêu của chúng ta cũng chính là tình yêu của Thiên Chúa được biểu hiện nhân loại. Cho nên mọi tình yêu phải quy hướng về Thiên Chúa là nguồn mạch tình yêu: “Thiên Chúa là Tình yêu” (1Ga 4,16). Điều này có nghĩa là không phải chúng ta đã tạo ra tình yêu, nhưng chỉ đón nhận nó qua trung gian tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Đồng thời, điều này cũng có nghĩa là không phải là chúng ta trao tặng cho nhau, mà chỉ là “chia sẻ” nó mà thôi. Chúng ta nên nhớ rằng, không phải đôi bờ con sông đã tạo ra dòng nước, nhưng là cả hai cùng chia sẻ một dòng nước để tạo ra một dòng sông. Khi không còn nước nữa thì hai bờ sông sẽ chỉ là đôi bờ của một hố sâu ngăn cách. Cũng vậy, khi hai người không còn chia sẻ cho nhau tình yêu đón nhận từ Thiên Chúa, thì họ chỉ còn là đôi bờ ngăn cách, đôi bờ của vực thẳm chia ly.
Quả thật, tình yêu không những là quà tặng cao quý của Thiên Chúa ban tặng cho ta, mà còn chính Thiên Chúa ở giữa chúng ta. Lời bài hát: “Đâu có tình yêu thương ở đấy có Đức Chúa Trời. Đâu có lòng từ bi là đấy có ân sủng Người. Đâu có tình bác ái thì Chúa chúc lành không ngơi. Đâu ý hợp tâm đầu ở đấy chứa chan nguồn vui”, đã cho chúng ta thấy sự hiện diện của Chúa trong yêu thương. Xác tín rằng Thiên Chúa là tình yêu ngự giữa chúng ta và đang liên kết chúng ta, cho nên chối bỏ tình yêu ấy là chối bỏ chính Thiên Chúa: “Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8). Đàng khác, khi vì lý do ngoài ý muốn của chúng ta, mà chúng ta đã mất hay không còn dồi dào tình yêu ấy giữa chúng ta, thì tiên vàn hãy hướng về Thiên Chúa. Khi dòng đời nghiệt ngã, những cám dỗ bủa vây làm cho tình yêu chúng ta phai nhạt, cuộc sống mệt mỏi, chán nản, ấy là lúc Thiên Chúa nhắc nhở ta hãy nương tựa vào Ngài. Chính Thiên Chúa là nguồn suối tình yêu sẽ đổ đầy tình yêu của Ngài lên chúng ta. Nếu chúng ta biết khiêm tốn cầu xin, thì tình yêu viên mãn của Thiên Chúa sẽ lấp đầy hố ngăn cách giữa chúng ta, khiến vực thẳm chia ly lại trở thành dòng sông yêu thương mênh mông. Khi đó chúng ta sẽ trở nên quảng đại hơn, biết yêu thương nhau, đón nhận nhau và biết tha thứ cho nhau.
Tình yêu tha thứ
Tiếp đến, yêu là tha thứ. Tha thứ không phải là cố tình quên đi, nhưng là tiếp tục yêu, cho dù có bị tổn thương. Chính Đức Giêsu đã thể hiện sự tha thứ tuyệt vời trong tận cùng của yêu thương: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).
Như thế, yêu là vẫn hy vọng vào người mình yêu, mặc dù họ làm cho mình thất vọng. Yêu là sẵn sàng bắt đầu lại, làm lại một khởi đầu mới, hun đúc lại con tim biết yêu thương. Tha thứ đối với Đức Kitô có nghĩa nhìn vào những cái tốt nơi người khác, chỉ có ánh mắt siêu nhiên mới khám phá ra được. Còn đối với chúng ta, vì tình yêu, chúng ta có sẵn sàng tha thứ không? Tình yêu mà không có tha thứ là tình yêu chết. Chúng ta hãy xin Thiên Chúa dạy cho chúng ta biết yêu như Ngài, yêu bằng một tình yêu tha thứ. Tình yêu chân thành, biết chia sẻ, nâng đỡ nhau trong cuộc sống. Thật không ích lợi gì khi trong cộng đoàn hay gia đình có những người cứ đay nghiến, soi mói nhắc lại hoài những khuyết điểm hay thiếu sót của nhau.
Tình yêu của chúng ta cũng vậy, luôn thánh thiện, cao cả khi xuất phát từ Thiên Chúa, nhưng qua chúng ta, nó có thể trở thành chua chát, đắng cay hay trở thành dơ bẩn, tội lỗi. Chúng ta đừng sợ, hãy tin tưởng và cố gắng, nhờ ơn Chúa, có thể làm cho tình yêu sẽ trở nên cao đẹp, nếu chúng ta biết tha thứ và hy sinh cho nhau.
Tình yêu hy sinh
Cuối cùng, yêu là hy sinh. Thật vậy, “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Mà vợ chồng, anh em, con cháu trong gia đình thì còn hơn cả bạn hữu nữa. Vì thế, sự hy sinh trong gia đình luôn đòi hỏi mỗi người hãy hy sinh mỗi ngày, để nhờ sự hy sinh đó mà tính chung thủy trong hôn nhân sẽ được bảo toàn, gia đình được hạnh phúc, xóm làng bình yên, xã hội phồn thịnh.
Hy sinh thường là công việc khó khăn và đau khổ. Vì thế, chỉ có tình yêu mới khiến được sự hy sinh trở nên dễ dàng. Khi cuộc sống này có quá nhiều khó khăn, quá nhiều áp lực.... chỉ có tình yêu mới giúp chúng ta vượt qua được những khó khăn đó. Tình yêu mạnh hơn sự chết. Chính Chúa Giêsu để lại cho chúng ta giới răn yêu thương. Yêu thương nhau như Chúa yêu, nghĩa là yêu thương hết mọi người và yêu thương đến độ dám hy sinh mạng sống mình cho người mình thương. Yêu như Chúa yêu đó là sức sống của Giáo Hội, là nét đẹp của Đạo Công Giáo, Đạo của chúng ta là Đạo Yêu Thương. Nét đẹp này phản ánh dung nhan Thiên Chúa, một Thiên Chúa yêu thương tất cả, không thiên vị người nào, dù người đó xấu hay đẹp, cao hay thấp, giàu hay nghèo…. Đúng như Lời Chúa trong sách Công vụ Tông Đồ đã thuật lại: “Bấy giờ ông Phêrô lên tiếng nói: “Quả thật, tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào. Nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp nhận” (Cv 10,34-35).
Chỉ khi nào chúng ta thực sự yêu thương nhau, qua việc thực hiện giới răn của Chúa, khi ấy mọi người sẽ nhận biết chúng ta là môn đệ của Đức Giêsu. Nếu chúng ta không có trái tim yêu thương, thì chúng ta không phải là môn đệ đích thực của Ngài. Khi yêu như Chúa yêu, loài người sẽ không còn hận thù, nhân loại sẽ bớt đau thương. “Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra và người ấy biết Thiên Chúa” (1Ga 4,7b). Còn “Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8). Như thế, bao lâu người môn đệ còn yêu thương như Ngài, họ còn là môn đệ của Ngài.
Vì là môn đệ của Đức Giêsu, nên khi Ngài sắp ra đi để tôn vinh Thiên Chúa, Ngài đã không bỏ rơi các môn đệ, Ngài lưu lại với họ qua giới răn mới yêu thương. Yêu như Chúa đã yêu cũng chính là đang ở trong tình yêu của Chúa. Đối với con người, thì sự sống là quý giá nhất, nhưng yêu đến độ dám hy sinh cả mạng sống mình, đó mới là tình yêu thực sự: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15,13). Hy sinh cho người mình yêu là biểu hiện lớn nhất của tình yêu. Chính Chúa đã làm như thế. Thập Giá chính là biểu hiện của tình yêu lớn nhất, tình yêu hy sinh. Và Chúa cũng mời gọi chúng ta yêu thương nhau đến mức đó, tình yêu mang lại ơn cứu độ. Hy sinh mà không mang lại cứu độ là sự hy sinh mù quáng và hy sinh vô ích. Muốn có tình yêu Chúa và yêu như Chúa yêu, chúng ta phải thực hiện Lời Ngài dạy và cầu xin Chúa ban ơn giúp sức cho chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin cho chúng con biết cảm nghiệm được tình yêu của Chúa, nhất là nếm cảm được tình Chúa đã yêu con qua việc Ngài giáng trần, đã chịu nạn, đã chịu chết trên Thập giá và đã sống lại vì chúng con. Xin cho mỗi chúng con có quả tim của Chúa để chúng con luôn biết yêu thương nhau. Bởi vì, chỉ trong tình yêu chúng con mới tìm thấy Chúa. Trong tình yêu, toàn bộ con người vươn ra khỏi những ranh giới cứng nhắc của óc hẹp hòi và thái độ tự khẳng định đầy bất an khiến chúng con bị giam hãm trong sự nghèo nàn, vô cảm và trống rỗng. Trong tình yêu, mọi sức mạnh của hồn chúng con tuôn chảy về Chúa, chỉ muốn mình thuộc trọn vẹn trong Trái Tim Chúa yêu muôn đời. Amen.