Thứ 3 tuần 2 PS: Một lòng một ý

Thứ hai - 09/04/2018 10:01  1291
Thứ Ba tuần 2 Phục sinh

“Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo,
mà chỉ có một lòng một ý”(Cv 4,32).
 
Tác giả sách Công Vụ Tông Đồ tường thuật rằng vào thời Giáo Hội sơ khai, mặc dù đông đảo nhưng các tín hữu chỉ có một lòng một ý (x. Cv 4,32). Sự đông đảo các thành viên với nhiều khác biệt về tuổi tác, học vấn, gia cảnh hay địa vị xã hội . . . làm cho sự hiệp nhất, muôn người như một, càng trở nên có ý nghĩa. Sự khác biệt giữa người này với người kia không trở nên sự cản trở khiến các thành viên xa cách tách biệt nhau, thay vào đó lại trở nên sự bổ sung, hỗ trợ cho nhau thêm phong phú và thắm đượm tình nghĩa anh em.
 
Chúng ta đang sống trong một thế giới mà văn hóa loại trừ dường như đang thắng thế theo như nhận định của Đức Thánh Cha Phanxicô: “ngày nay mọi thứ đều theo luật cạnh tranh và luật sinh tồn của kẻ thích hợp nhất, ở đó những kẻ có quyền lực chèn ép những người yếu thế. Hậu quả là vô số người bị loại trừ và bị gạt ra bên lề: không việc làm, không phương tiện, không có bất kỳ lối thoát nào” (Niềm Vui Tin Mừng, s. 53).
 
Vang lên giữa một thế giới như thế, Lời Chúa hôm nay khi phác họa bầu khí hiệp nhất yêu thương giữa người với người thời Giáo Hội sơ khai mời gọi chúng ta trở về để lắng nghe nơi thẳm sâu cõi lòng mình khát vọng nền tảng về tình yêu và sự hiệp nhất. Đồng thời, chúng ta được thôi thúc tái khám phá giá trị của Tin Mừng trong việc giúp chúng ta hiện thực hóa khát vọng ấy của bản thân và thế giới chúng ta đang sống.
 
Sách Sáng Thế cho chúng ta biết rằng từ buổi đầu công trình sáng tạo, sau khi dựng nên vũ trụ trời đất và con người, Thiên Chúa đặt tất cả vào Vườn Địa Đàng, và ở nơi đây con người và mọi loài sống với nhau thật hài hòa, tràn đầy tình thương, hiệp nhất và bình an (x. GLHTCG, s. 374). Nói khác đi, vì Thiên Chúa dựng nên con người theo hình ảnh của Ngài là Thiên Chúa Tình Yêu, và hiệp nhất nên một trong cùng một bản thể giữa Ba Ngôi Vị, cho nên, từ bản chất, con người khát vọng yêu và được yêu, và khi sống như thế cách trọn hảo con người có được sự hiệp nhất, một lòng một ý với nhau.
 
Tuy nhiên, sau khi phạm tội chống lại Thiên Chúa, tương quan con người với Thiên Chúa bị rạn nứt, kéo theo đó tương quan giữa người với người, và người với thiên nhiên vạn vật cũng bị thương tổn. Con người không còn sống với chính mình, với tha nhân và vũ trụ trong sự tin tưởng và yêu thương nhau như trước. Con người trở nên “mối nguy” cho nhau, và vì thế để an toàn, con người “lấy lá che thân” để tự vệ và phòng thủ (x. St 3,7), hoặc tệ hơn tìm mọi thủ đoạn để chém giết loại trừ nhau như được thấy qua câu chuyện Cain và Abel (x. St 4,1-8).
 
Bất chấp tội lỗi đã bào mòn phẩm giá và phần nào che mờ khát vọng chính đáng và tốt đẹp của con người về một thế giới an bình và yêu thương, khát vọng ấy chưa bao giờ bị dập tắt, và dưới ánh sáng của Lời Chúa hôm nay, nó đang tìm lại niềm hi vọng và sức sống mới. Thực vậy, đời sống của Giáo Hội Sơ Khai có thể nói là hình ảnh về một Vườn Địa Đàng mới, nơi đó chỉ có tình yêu nối kết mọi người nên một với nhau. Tình yêu này chẳng ở đâu xa, nhưng là chính Đấng Phục Sinh hiện diện nơi tâm hồn mỗi người và giữa cộng đoàn các tín hữu này.
 
Đức Giêsu Phục Sinh là Ngôi Lời Thiên Chúa. Ngài đã đến trần gian để cứu độ và làm cho mọi người “được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Con người mọi thời và chúng ta hôm nay thực sự cần đến Chúa và sự sống thần linh của Ngài. Vì chúng ta, qua bao đau thương và thất bại, nhận thức được rằng mọi tìm kiếm và tham vọng của con người, cho dù là tài sản vật chất, quyền lực kinh tế hay chính trị, hay bất cứ sức mạnh nhân loại nào, không có gì đảm bảo cho chúng ta được sự sống dồi dào và vĩnh cửu. Chỉ một mình Thiên Chúa được thể hiện qua Ngôi Lời mới có thể đem lại cho chúng ta hạnh phúc đích thực trong sự hiệp nhất và yêu thương mà chúng ta hằng khắc khoải mong chờ. Nói khác đi, chỉ khi để cho Đức Giêsu và lối sống “yêu cho đến cùng” (Ga 13,1) của Ngài hướng dẫn, thì chúng ta mới có thể sống với nhau trong tình hiệp nhất yêu thương, muôn người như một. Về điểm này, thánh Phaolô cũng dạy rằng:
 
Anh em hãy có “cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau. 3 Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình.4 Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác.5 Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Ki-tô Giê-su (Pl 2,2-5).
 
Như vậy, một lòng một ý trong tình yêu hiệp nhất của đời sống chung vừa là khát vọng thẳm sâu của con người, vừa diễn tả một chọn lựa sống theo gương mẫu của Đức Giêsu. Và ở đâu mà mỗi người và mọi người biết sám hối và sống theo những giá trị Tin Mừng Phục Sinh của Chúa thì ở đó càng có sự hiệp nhất, bình an và niềm vui của sự sống mới của Ngài.
 
Trương Hoàng Sơn, SJ, Nhóm Suy niệm BC

TIN BÀI KHÁC


***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập244
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm41
  • Khách viếng thăm202
  • Hôm nay45,809
  • Tháng hiện tại1,208,580
  • Tổng lượt truy cập71,236,337
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây