Tu hội đời nữ Thánh Tâm Chúa Giêsu
Tháng 12/2023
TRÁI TIM CHÚA GIÊSU
Ý cầu nguyện trong tháng:
- Ý Giáo Hội: Cầu cho những người khuyết tật: Xin cho những người khuyết tật được xã hội quan tâm và được các tổ chức từ thiện giúp đỡ, để họ hội nhập tích cực vào đời sống xã hội.
- Ý Tu Hội: Cầu cho các chị em, nhờ đọc lại lịch sử hình thành tên gọi của Tu hội, được xác tín hơn ý định nhiệm mầu của Chúa Thánh Thần đã soi sáng và làm nên chân tướng của Tu hội, mà thể hiện cuộc sống đúng với danh nghĩa của mình.
I. Dẫn nhập:
Giai đoạn tu hội chúng ta có tên là GEM (Các Nhóm Tin Mừng và Sứ mạng), Tu hội đã chọn lấy Trái Tim Chúa Giêsu làm chân tướng của mình, không chỉ vì muốn trung thành với đấng sáng lập, mà còn vì muốn bắt chước Đức Kitô cắm rễ sâu trong tình yêu đang khi sống giữa đời. Tu hội đã dần dần ý thức về những quan hệ giữa đoàn sủng của mình với những đòi hỏi của đời sống tông đồ, được mời gọi vùi sâu giữa nhân loại là điều kiện cần thiết để hoạt động tông đồ có kết quả. Và nếu chúng ta quy tụ lại do Đức Giêsu Kitô Hằng Sống, Đấng cho chúng ta thấy những dấu đinh, cạnh sườn bị đâm thâu, thì việc các tổ giúp chúng ta thống nhất, tái lập quân bình và kiểm chứng đời sống Tin mừng sẽ không đổ vỡ, vô ích, vô nghĩa, tự mãn, tuyên truyền, hành động suông và không là những ý thức hệ phụ thêm. Đó chính là những lý do để chúng ta gắn bó với Trái tim Chúa Kitô.
Bài tháng này, chúng ta cùng tìm hiểu 3 điểm:
- Những trực giác tiên tri của cha De Clorivière
- Xác tín của chúng ta ngày nay
- Ý nghĩa thần học và tu đức về Trái tim Chúa Giêsu trong mầu nhiệm Vượt Qua
II. Nội dung
1. Những trực giác tiên tri của cha De Clorivière
Từ đầu, tháng 4/1791, cha Clorivière gọi tên hiệp hội nam là “Hiệp hội Các Linh Mục Nghèo Của Chúa Giêsu”. Từ lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống năm ấy, hiệp hội mới được gọi là “Hiệp hội Thánh Tâm Chúa Giêsu” (HP số 10). Vì tên ấy không dễ chấp nhận trong thời đại như thời “Ánh sáng” bấy giờ. Tên gọi ấy bị chế giễu, gây nhiều nghi ngờ. Nhưng cảm hứng, trực giác và xác tín của cha về tên gọi ấy hẳn phải đủ mạnh để khuất phục được những lý lẽ do sự khôn ngoan dè dặt đưa ra.
a/ Phản ứng của người quy tụ - cha De Clorivière- Cha chứng kiến thời sự phức tạp lúc bấy giờ: một sự tự do trên đống tro tàn, mỗi người phải trơ trọi trước thế sự cay nghiệt; xã hội suy sụp, thợ thuyền mất tương lai. Giáo hội Pháp cũng phải hứng chịu cơn lốc thời đại.
- Cha không cam lòng chịu cảnh phân hóa cực độ. Ơn gọi của cha là góp phần tái sinh Hội Thánh. Ngài thành lập nhiều hiệp hội. Còn hai hiệp hội tu trì ngài được trực giác và thành lập khi hàng ngũ dân Chúa bị tan rã do bản hiến pháp dân sự về hàng giáo sĩ. Chính trong bối cảnh tưởng chừng như đổ vỡ hết, cha linh cảm thấy cần phải tập trung lại và đặt cơ sở cho những đoàn thể tương lai.
- Với xã hội dân sự, cha không loại bỏ các nghề nghiệp, chỉ quan tâm tới ý hướng sâu xa của mỗi người khi hành nghề:
+ Khi hành nghề, mỗi người phải tự coi mình như người của Chúa, làm thay Chúa và vì vinh danh Chúa.
+ Dù ngành nghề nào, phải đồng tâm nhất trí xả thân phục vụ công ích (thư luân lưu tháng 9/ 1808).
b/ “Một lòng một dạ”
Một trong những phương thế cha Clorivière đề ra để thực hiện việc hiệp nhất xã hội, giáo hội thời ấy là việc hướng tới đức ái hoàn hảo, trở nên “một lòng một dạ”, đặc điểm của các Kitô hữu sơ khai (thư luân lưu số 2). Ta cần lưu ý:
+ Biểu hiện sự lạc quan có tính thần học: giúp trở về nguồn với xác tín chính Thánh Thần, chính Đức Chúa Phục sinh sẽ thực hiện điều kỳ diệu Người đã làm năm xưa, miễn là ta chấp nhận để Người hành động.
+ Hội viên hai hiệp hội phải có sự thân tình ấm áp, chung một tâm hồn, dành cho nhau sự dịu dàng, thân ái, tình bạn thánh thiện, dù có thể theo những con đường khác nhau, có thể có những ân huệ và nét quyến rũ khác nhau, tất cả đều đang hành động do cùng một tinh thần và cùng do tình cảm ấy chi phối điều hòa” (thư luân lưu số 2).
c/ Trái tim Chúa Giêsu
- Nói về Trái tim Chúa Giêsu, cha Clorivière thường dùng Pl 2,5 để dạy hiệp hội sống tình huynh đệ bằng việc bắt chước những tâm tình của Đức Kitô. Với cha, “những tâm tình của Đức Kitô Giêsu” và “những tâm tình của Trái tim Thần linh” là một và là điều quá hiển nhiên. Cha quá biết khi sống giữa đời, cả tình yêu lẫn đức tin của đại đa số các hội viên sẽ bị xói mòn, mà cơ chế lại rất mềm mỏng, vì thế, để củng cố sự tận hiến của mọi người, không còn cách nào khác hơn là lao vào để có được những tâm tình của Trái tim Chúa Kitô.
- Năm 1786, trong giờ nguyện ngắm về Thánh Tâm Chúa Giêsu, cha đã nhận được rất nhiều ơn an ủi và ghi nhớ sâu đậm những lời này: “Hãy mặc lấy những tâm tình của Trái tim Chúa Giêsu”.
- Cuối kỳ tĩnh tâm năm 1771, cha viết: “Chúa Giêsu và Đức Maria luôn xuất hiện trong tâm trí tôi… Trái tim của hai Ngài sẽ là nơi nghỉ ngơi của tôi, là nguyện đường, trường học, nơi ẩn nấp, TRUNG TÂM của tôi”.
2/ Xác tín của chúng ta ngày nay
Dựa trên những nghiên cứu Thánh kinh và thần học, cũng như ý thức của Giáo hội ngày nay về tiếng gọi của thế giới, về sứ mạng của mình, càng giúp chúng ta khám phá thêm mỗi ngày một nhiều hơn lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu thật là chính đáng, cũng như thúc giục ta khai triển thêm điều ấy.
a/ Ta sẽ ban cho các ngươi một trái tim mới
- Cha Clorivière chủ trương lấy Đức Kitô làm trung tâm, lấy gương trái tim là biểu tượng Đức Giêsu đang nồng nàn yêu thương (Thư gởi Bacoffe, 5/10/1802). Và theo chú giải của các bậc thầy tu đức về Kinh Thánh, trái tim là “chỗ sâu kín, nơi tận cùng của tâm hồn”, “trung tâm của linh hồn”. Trái tim chính là “những gì tốt nhất nơi chúng ta, nó sẽ được đánh thức dậy khi ta tiếp xúc với Thiên Chúa” (Caffarel), là trái tim mới trong Êdêkien thay cho trái tim cũ đã “lầm lạc và phản loạn”, “ngu muội và tăm tối” (HP số 9).
- Chính vì thế, cha Clorivière mời gọi chúng ta hãy có những tâm tình đã theo độ trưởng thành nhân bản như Đức Giêsu trong nhân tính của Người, để yêu thương Chúa Cha và anh em, một tâm tình trẻ thơ: nhận mình yếu đuối, lệ thuộc và cầu nguyện tạ ơn (Thư luân lưu số 1).
- Muốn kết hợp và bắt chước Trái Tim Chúa Giêsu, cần phải cầu nguyện riêng lâu giờ. Đây chính là con đường thống nhất đời sống và hiệp thông với anh em (HP số 17).
b) Sống tình thân ái trong Giáo hội
- Cầu nguyện hằng ngày với Trái tim Chúa Giêsu sẽ biến chúng ta trở nên những con người thân ái. Cần tranh đấu cho công bình, nhưng cần hơn, phải vượt qua sự công bình bằng một tình thương biết tha thứ và trả lại phẩm giá của con Thiên Chúa cho mỗi người. Chúng ta cần phải nhìn lên Đấng chúng ta đã đâm thì mới có được một quả tim mới (cf. Ga 19, 37; Cv 2, 37) (HP số 16).
- Tu hội Thánh Tâm Chúa Giêsu chính là trường dạy ta sống huynh đệ qua mạng lưới các quan hệ:
+ học yêu thương nhau như sự thật của mỗi người, cần phải bỏ mình, tập chia sẻ các dự phóng, các thành công và thất bại trong hoạt động tông đồ
+ cùng nhau tập nhận định các tiếng gọi của Chúa và kiểm chứng lại xem cuộc sống của ta có chất Tin mừng không.
- Nhờ năng cầu nguyện với Trái tim Chúa Giêsu - một việc can hệ đến toàn bộ cuộc sống, có liên quan đến tất cả mọi người - các quan hệ của chúng ta trong Giáo hội sẽ trở nên chân thành, sâu sắc và dịu dàng; giúp ta xây dựng sự hiệp nhất của toàn Nhiệm thể bằng cách tập trung vào tình yêu của Đức Kitô hằng sống. Việc này còn có giá trị chứng tá, “Nếu anh em yêu thương nhau, mọi người sẽ nhận ra anh em là môn đệ của Thầy” (Ga 13, 15) (HP số 16).
c) Tình thân ái đại đồng
Ngày nay ước nguyện của cha đã được nhậm lời một cách rất bất ngờ. Các Tổng đại hội của chúng ta đã cho thấy tính cách quốc tế của Tu hội.
- Tổng đại hội Saint-Thomas, các đại biểu đã ghi nhận họ hiệp nhất được với nhau không hẳn là do những mục tiêu tông đồ, những trục suy tư quan trọng, mà là do tất cả mọi người cùng gắn bó, cùng muốn bắt chước những tâm tình của Đức Kitô; cùng tìm gặp trong lời nguyện chung, cùng nỗ lực tìm ra ngôn ngữ chung, để chỉ có một lòng một dạ (HP số 13,15). Nhờ đó, các cuộc trao đổi trong Tổng đại hội đượm màu sắc bằng hữu, thân tình không gượng ép và giả tạo.
- Ta chỉ có trái tim khi quyết tâm yêu hết mọi người và từng người. Mọi người tập cho nhau không bỏ quên, bỏ rơi ai trong môi trường sống của mình. Sống tình thân ái đại đồng tới cùng, thật là đau khổ, như Đức Giêsu đã phải vâng lời chịu chết trên thập giá (HP số 14). Tất cả cuộc đời của Người là một hành vi vâng phục liên tục, với luật pháp, cha mẹ, môn đệ, kẻ ác, đám lính, quan tòa… Những nét đặc biệt của Trái tim Chúa Giêsu cũng phải là những nét đặc biệt của con tim chúng ta (Thư luân lưu số1).
3/ Ý nghĩa thần học và tu đức về Trái Tim Chúa Giêsu trong mầu nhiệm Vượt Qua
- Những điều vừa nêu, nhắc ta không được hiểu những chữ “yêu thương, dịu dàng, nhân ái” cách ủy mị ướt át, vỉ Trái Tim của Đức Giêsu là một trái tim đã bị chọc thủng, cũng không ngả theo thói đau đớn sướt mướt hay quan niệm đền tạ thuần túy pháp lý. Khi thuật lại câu chuyện trái tim Đức Giêsu bị lưỡi đòng đâm thâu (Ga 19, 31-37), Tin mừng Gioan muốn ta hướng tới chiêm ngắm một cảnh tượng trên núi Sọ, đã trở thành tiếng nói và mạc khải của Thiên Chúa (HP số 9).
- Trước hết làm ta nhớ đến lịch sử con người chối từ sự thật, loại trừ Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa đến, để bày tỏ tình thương của Thiên Chúa đối với người tội lỗi hoán cải và mạc khải về Thiên Chúa dưới một khuôn mặt mới, làm lung lay cả một truyền thống ưa chia rẽ và thù nghịch. Cú đòng đâm thâu tim Đức Giêsu trên thập giá là lời thách thức cuối cùng của họ đối với Trái Tim Người. Thế nhưng, Đức Giêsu đã tha thứ cho họ và đã trao ban Mẹ mình cho người môn đệ.
- Từ Trái tim ấy đã vọt ra Nước và Máu, triệu chứng của sự cùng kiệt nơi những người vừa tắt thở. Thế nhưng, sau khi được Đấng Phục sinh mở mắt và khi nhớ lại giây phút đó, người môn đệ của Chúa đã thấy đó là dấu hiệu Mạc khải của Thiên Chúa đã hoàn tất (HP số 9). Khi tắt thở, Đức Giêsu đã giải phóng nguồn nước hằng sống là Thánh Thần và đã lấy Máu mình đóng dấu lên giao ước. Khi hiến mạng cho những người mình yêu, Đức Giêsu đã bày tỏ một tình yêu tuyệt đối (HP số 12-13). Thiên Chúa đã nói với chúng ta tất cả mọi điều nơi người Con ấy (HP số 9).
- Giáo hội - cộng đoàn của những người tin vào quả tim đã bị biến cố Vượt Qua làm lay chuyển - được khai sinh ngay chính trong giây phút đó (HP số 12).
- Đó chính là lý do tại sao khi chiêm ngắm cạnh sườn mở toang của Đức Giêsu, chúng ta cảm thấy được mời gọi dâng lời cảm tạ và “chiêm niệm tới mức cảm ái” (HP số 10). Đó cũng chính là phản ứng của cha Clorivière, của cha Fontaine như cha đã viết trong thư ngày 24/4/1917 cho Claudel:
+ Cha cảm động khi đọc lời kinh “Trái tim Đức Chúa Giêsu là vua lòng mọi người cùng là chốn phải hướng về thay thảy”. Cha lấy câu này làm châm ngôn tu đức của mình, gặp bất cứ ai cha cũng cho biết điều đó.
+ Cha muốn mọi người: linh mục, tu sĩ, người tội lỗi, người đau khổ, nạn nhân của các thói quen xấu đều phải bắt chước tình yêu ấy dưới sự soi sáng của Trời cao. Các mầu nhiệm Ba Ngôi, Nhập thể, Cứu chuộc đều trở nên gần, như chính Chúa đang nói: “Ta yêu con trong tình yêu đời đời. Vì thế Ta đã thương xót và lôi kéo con”.
III. Kết luận:
Noi gương hai đấng sáng lập, Tu hội chúng ta muốn nhận lấy Trái tim Chúa Giêsu là chân tướng của mình. Chúng ta xác tín vào tình yêu ân cần săn sóc và sự dịu dàng lôi cuốn của Thiên Chúa, như được mạc khải trong mầu nhiệm Vượt Qua (HP số 10,11). Trái tim Chúa Kitô còn là trung tâm để ta tìm được sự thống nhất, sức mạnh và ánh sáng cho hoạt động truyền giáo của chúng ta (HP số 10 - 14), bằng cách:
- Tập có những tâm tình của Trái Tim Chúa Giêsu, trở nên đồng hình đồng dạng với Người, nhờ việc năng chiêm ngắm và kết hợp với Trái tim Người (HP số 10,11).
- Tập sống tình thân ái, chia sẻ với hết mọi người, ưu tiên cho những anh chị em bị bỏ rơi (HP số 14).
- Tập sống tình yêu của một trái tim bị đâm thâu và mở ra vì tình yêu, bằng cách đón nhận những thập giá cụ thể, như nhận chịu những sự đối xử bất công, những cay đắng, những hy sinh quên mình đến rướm máu vì ích lợi chung... (HP số 15).
- Tập quan tâm lo lắng, tập nói cho người khác hiểu tình thương Thiên Chúa, bằng những lời lẽ chân thành xuất phát từ chính kinh nghiệm bản thân mình được Thiên Chúa yêu thương trong suốt cuộc đời (HP số 9; 12-14).
- Muốn vậy, chúng ta cần gắn bó với Trái Tim Chúa Giêsu để được Đức Kitô nắm lấy, trung thành theo Người, sống các lời cam kết và thống nhất đời sống, nhờ có nguồn sự sống cùng với tâm tình của Trái Tim Người, cho ta một tình yêu: yêu Thiên Chúa và thế giới như Người đã yêu (HP số 16-17).
lV. Lời Chúa: Ga 19,31-34
V. Câu hỏi phản tỉnh dùng để suy tư, hồi tâm tháng và chia sẻ tổ
1. Sau khi đọc lại lịch sử hình thành tên gọi của Tu hội và chiêm ngắm Trái Tim Chúa Giêsu, chị được xác tín và được đánh động ở điểm nào?
2. Chị đã sống thế nào để mọi người nhận ra tình yêu của Trái Tim Chúa Giêsu bị đâm thâu và mở ra trên Thập Giá? Xin chị chia sẻ.
Nguồn tài liệu:
Phiếu huấn luyện Đầy Đủ và Toát Yếu, phiếu số 6
Hiến pháp số 9 - 17