Là một tu hội đời

Chủ nhật - 07/04/2024 21:54  950
TU HỘI ĐỜI NỮ THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU
Tháng 04/2024

d3e7b342 936e 4d10 a23a 2136628d2b11 rwc 0x192x1920x1501x1920 Ý cầu nguyện trong tháng:

- Ý Giáo Hội: Cầu cho vai trò của người phụ nữ: Xin cho phẩm giá và sự đa năng của người phụ nữ được nhận biết trong tất cả các nền văn hóa và xin cho việc phân biệt đối xử với họ chấm dứt tại tất cả các quốc gia trên thế giới.

- Ý Tu HộiXin cho các chị em hiểu được căn tính bậc sống thánh hiến của chúng ta trong Giáo hội là một Tu hội đời, để xác tín và sống đúng ơn gọi của mình theo hướng dẫn của Giáo hội ngày càng sát hơn.   
         

I. Dẫn nhập

Từ lâu đã có nhiều người tìm cách theo sát Đức Giêsu hết sức có thể ngay trong khi tiếp tục sống giữa thế giới, trong gia đình, tại môi trường và nghề nghiệp của mình. Tuy nhiên, phải mất một thời gian dài Hội thánh mới nhìn nhận lối sống này vì nhiều lý do có liên hệ đặc biệt với văn hóa thời ấy.

Cha Pierre de Clorivière là một trong những người đã mở ra con đường này. Và năm 1952, Tu hội của cha đã được công nhận như một tu hội đời.

Khi thành lập các Tu hội đời vào ngày 02/02/1947, Đức Piô XII muốn chính thức hóa khát vọng của những người sống đời thánh hiến giữa trần thế. Đến những vị kế thừa vẫn tiếp tục có những chỉ dẫn cho lối sống thánh hiến này. Trong bài tháng này, chúng ta cùng tìm hiểu điều trên qua ba điểm:

1. Những giai đoạn chính trong quá trình phát triển của các Tu hội đời.
2. Tu hội đời có quan trọng đối với đời sống của Hội Thánh không? Tại sao?
3. Sự thánh hiến trong các Tu hội đời khác với sự thánh hiến trong các Tu hội dòng ở điểm nào?

II. Nội dung

1. Những giai đoạn chính trong quá trình phát triển của các Tu hội đời.

Ngoài quá trình thành lập tự phát và mày mò của các tu hội đời gồm 1 cộng đoàn 4 cô gái con ông Philip tu tại gia (thế kỷ 1; xem Cv 21, 8-9) ; thử nghiệm của thánh Angela Merici (Ý) lập 1 hội gồm các chị em khấn giữ đồng trinh nhưng vẫn sống tại gia để tham gia công tác giáo dục thiếu nữ (thế kỷ 16); 2 Tu hội nam nữ (hội Thánh Tâm Chúa Giêsu và Con Cái Trái Tim Đức Mẹ) do cha Pierre de Clorivière thành lập vào thế kỷ 18-19 và Tu hội Vuơng quyền Chúa Kitô cho nhiều giới do cha Gemelli (Ý) thành lập vào đầu thế kỷ 20... Các tu hội đời mới thực sự bước vào quá trình phát triển kể từ những giai đoạn sau:

1.1. Giai đoạn được công nhận: Với Tông hiến “Giáo hội là Mẹ Quan phòng” (“Provida Mater Ecclesia”) ban hành vào ngày 2/2/1947, đức Piô XII đã chính thức công nhận các Tu hội đời và đưa ra những luật riêng cho các Tu hội đời.

a. Tông hiến “Provida Mater Ecclesia

- Phần đầu của văn kiện: khái quát lịch sử của đời tu và ghi nhận dù có nhiều hình thức tu trì nhưng vẫn có nhiều người muốn ở lại giữa đời “để tuân theo một tiếng gọi đặc biệt của Thiên Chúa”, nên đã nghĩ ra những hình thức sống mới mẻ, phù hợp với các nhu cầu hiện tại, như một con đường để theo đuổi sự hoàn thiện Kitô giáo.

Đức giáo hoàng chỉ công nhận là tu hội đời những hội nào có một cơ cấu vững chắc, những dự phóng về đời sống tâm linh và một sự ràng buộc chặt chẽ trong nội bộ.

Ngài nhắc lại kinh nghiệm kéo dài hơn một thế kỷ của những tu hội đời cũ nhất, cho thấy “nhờ ơn gọi đặc biệt và sự trợ giúp của Thiên Chúa, ngay khi sống giữa đời người ta cũng có thể thực hiện một cách chắc chắn việc tận hiến cho Chúa khá nghiêm nhặt, hữu hiệu, trong nội tâm và cả bên ngoài, gần như các nhà dòng. Các tu hội này đã chứng tỏ mình có thể là một khí cụ hữu ích để xâm nhập và hoạt động tông đồ. Các tu hội ấy có thể đóng góp: “Sống hoàn thiện thật sự ở mọi nơi, mọi lúc:

- Theo đuổi nếp sống này tại những nơi hay vào những lúc không thể hay khó thực hiện đời tu theo đúng giáo luật;
- Giúp các gia đình, nghề nghiệp, xã hội dân sự được Kitô hóa lại bằng những sự tiếp xúc trực tiếp, mỗi ngày của những người đã tận hiến trọn vẹn đời mình cho công cuộc thánh hóa ấy;
- Thi hành việc tông đồ bằng nhiều cách
- Chu toàn các việc mà do địa điểm, thời kỳ hay hoàn cảnh, các linh mục và các nữ tu bị cấm hay hầu như không thể làm được”.

b. Luật riêng


Để giúp phân biệt các hiệp hội loại này đang không ngừng gia tăng, Đức Piô XII đã đặt ra một số tiêu chuẩn, như “luật riêng của các THĐ”:
* Định nghĩa: “Các hiệp hội giáo sĩ và giáo dân, với các thành viên khấn giữ các lời khuyên Tin mừng giữa đời, để theo đuổi sự hoàn thiện Kitô giáo và để hoàn toàn xả thân cho hoạt động tông đồ, được gọi một cách thích đáng là các tu hội đời” (điều 1)

* Các tu hội này không phải là các dòng khấn trọng hay các tu hội dòng, bởi thế các tu hội ấy không có những lời khấn dòng, không buộc sống chung, không phải tuân theo luật lệ của các tu sĩ (điều 2 khoản 1)

* Những hình thức cam kết riêng của Tu hội đời được liệt kê như sau:

- “Tuyên bố trước mặt Chúa sẽ sống độc thân và khiết tịnh hoàn toàn; việc tuyên bố này, tùy theo Hiến pháp Tu hội, sẽ được xác chuẩn bằng một lời khấn, một lời thề, hay một sự dâng mình có sức bó buộc trong lương tâm”;

- “Khấn hay hứa sống vâng phục để, nhờ được liên kết bằng một sự ràng buộc bền vững, họ tận hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa và cho các công việc bác ái hay tông đồ; để trong mọi sự họ luôn luôn đặt mình trong tinh thần lệ thuộc và chịu sự hướng dẫn của các bề trên theo Hiến pháp Tu hội qui định”;

- “Khấn hay hứa sống khó nghèo để nhờ đó họ còn giữ quyền sử dụng tự do các của cải trần thế, nhưng việc sử dụng ấy sẽ được xác định theo Hiến pháp Tu hội” (điều 3, khoản 2).

- Sự ràng buộc giữa các hội viên phải vững chắc, nghĩa là bền bỉ. Nói cách khác đó là dứt khoát hay ít ra là sự cam kết luôn được lặp lại. Sự ràng buộc ấy còn phải là sự ràng buộc hỗ tương, nghĩa là hội viên phải tận hiến hoàn toàn cho Tu hội, còn Tu hội phải chăm sóc họ và chịu trách nhiệm về họ (điều 3, khoản 3).

1.2. Giai đoạn củng cố: gồm các sự kiện
- Hội nghị thế giới các Tu hội đời lần I (1970) nhằm để đối chiếu việc sống ơn gọi của các Tu hội đời.

- Diễn văn nhân kỷ niệm 25 năm ngày ban hành Tông hiến Giáo hội là Mẹ Quan phòng của đức Phaolô VI nói về khía cạnh cơ bản của ơn gọi: tận hiến cho Đức Kitô và hiện diện với đời.

- Đại hội các vị phụ trách của các Tu hội đời (9/1972) nhằm thành lập một Hội đồng quốc tế của các Tu hội đời bên cạnh Tòa thánh.

- Hội nghị quốc tế các Tu hội đời lần 2 (8/1976): bàn về việc cầu nguyện của hội viên Tu hội đời.

- Hội nghị quốc tế các Tu hội đời lần 3 (1980): nêu lên sứ mạng của THĐ và điều kiện để các Tu hội đời chu toàn sứ mạng của mình.

1.3. Giai đoạn giáo luật hóa: Với Giáo luật mới 1983, Tu hội đời được đưa vào giáo luật và được xếp như một hình thức khác của đời tận hiến.

2. Tu hội đời có quan trọng đối với đời sống của Hội thánh không? Tại sao?

Muốn biết Tu hội đời có quan trọng đối với đời sống của Hội thánh không, thiết tưởng không có gì vô tư hơn là chúng ta hãy nghe lại Hội thánh nói về tầm quan trọng của Tu hội đời.

- Trước hết trong Tông hiến “Giáo hội là Mẹ quan phòng”, đức Piô XII đã xác định: “Các con là những người thánh hiến thế giới... Giúp các gia đình, nghề nghiệp, xã hội dân sự được Kitô hóa lại bằng sự tiếp xúc trực tiếp và mỗi ngày của những người tận hiến trọn vẹn đời mình cho công cuộc thánh hóa ấy...”. Mà Hội thánh là gì, nếu không phải là một tổ chức nhằm thánh hóa chính mình và thánh hóa thế giới. Như thế, việc thánh hóa của Hội thánh một phần nào cũng tùy thuộc vào đời sống của Tu hội đời.

- Sau đó, trong diễn văn nhân kỷ niệm 25 năm Tông hiến “Giáo hội là Mẹ quan phòng” đọc tại Đại hội các vị phụ trách Tu hội đời (1972), thánh Giáo hoàng Phaolô VI xác định Tu hội đời là một hình ảnh của Hội thánh sau Vatican II hay là một cánh quân tiên phong của Vatican II thực hiện sứ mạng Hội thánh ở trong thế giới và muốn phục vụ thế giới như men, như linh hồn của thế giới, bằng cách làm cho thế giới thấm nhuần các giá trị Tin Mừng. Như thế, tinh thần Vatican II của Hội thánh có thâm nhập, phát triển trong đời sống của Hội thánh và thế giới hay suy yếu hoặc bị khựng lại, cũng phần nào bị ảnh hưởng bởi cánh quân thực hiện tinh thần ấy là các Tu hội đời.

- Cuối cùng, tại Hội nghị quốc tế các Tu hội đời lần 2 (8/1976), thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã đưa ra một hình ảnh để nói về Tu hội đời: các Tu hội đời gần giống như một phòng thí nghiệm “trong đó Hội thánh có dịp kiểm tra các mô hình cụ thể của việc Hội thánh quan hệ với thế giới”. Do đó, các Tu hội đời cũng góp phần viết nên trang sử mới của Giáo hội trong quan hệ với thế giới như đức Phaolô VI đã xác định: “Một ngày nào đó, Hội thánh sẽ đưa vào tập biên niên sử của mình”. Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II còn thêm vào bằng cách gọi các Tu hội đời là “phòng thí nghiệm của mô hình truyền giáo”.

3. Sự thánh hiến trong các Tu hội đời khác với sự thánh hiến trong các Tu hội dòng ở điểm nào?

Nét độc đáo hay tính cách riêng của sự thánh hiến trong các Tu hội đời và cũng là điểm khác với sự thánh hiến trong các Tu hội dòng đó chính là tính cách trần thế được thánh hiến. Nghĩa là:

- Có sự liên kết thường xuyên, chặt chẽ, tất yếu giữa việc theo đuổi đức ái trọn hảo, việc tận hiến cho Chúa và con người, với trần thế, với nếp sống giữa đời và với những thực tại trần gian.

- Cụ thể, hội viên Tu hội đời sống tận hiến thông qua và bắt đầu từ những thực tế tự nhiên hằng ngày của mình, không phải một cách tạm thời, nhiệm ý (có hay không cũng được). Trái lại, chính những thực tế tự nhiên của cuộc sống hằng ngày đó là nhà thờ, tu viện, là nội cấm của họ. Vì thế, nếu hội viên Tu hội đời chỉ giữ nửa đầu là sống đức ái trọn hảo bằng cách thực hành 3 nhân đức Tin Mừng hay đúng hơn không đưa tính cách trần thế vào kết hợp chặt chẽ với sự thánh hiến của mình, hội viên Tu hội đời sẽ không khác gì những tu sĩ dòng, như đức Phaolô VI tại Hội nghị các Tu hội đời thế giới tại Nemi (20/9/1972) đã xác định : “Đối với các con, việc sống giữa đời và hoạt động với những thực tại trần gian còn hơn là một sự kiện tự nhiên, đi đôi với thân phận người ở ngoài các tu viện ; đó còn là một thực tại thần học, nghĩa là có quan hệ với Chúa”.

- Như thế, sự thánh hiến có tính cách trần thế sẽ trở thành yếu tố phân biệt bậc sống giữa đời của các hội viên Tu hội đời với các tu sĩ dòng, như thánh giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã xác nhận trong Hội nghị các Tu hội đời lần 3 (1980).

III. Kết luận

Người ta nhận ta một Tu hội đời qua năm tiêu chuẩn sau đây:
- Tu hội đời là một “đoàn thể”, nghĩa là một đơn vị hữu cơ được xác định bởi một đoàn sủng riêng, một mục tiêu và một cách đọc Tin mừng riêng được diễn tả qua Hiến pháp của Tu hội;

- Tu hội mời gọi các hội viên ở lại trong thế giới để nỗ lực thánh hóa thế giới từ bên trong bằng những phương tiện của thế giới (tính cách trần thế);

- Tu hội hướng các hội viên tới đời sống truyền giáo, một đời sống thu hút trọn vẹn con người của họ ngay trong điều kiện sống giữa đời (hoạt động tông đồ);

- Tu hội đề nghị với hội viên một cách sống Tin mừng rất triệt để hầu theo Đức Giêsu sát hơn (sự thánh hiến);

-
Tu hội được phẩm trật Hội thánh phê chuẩn, sau khi nhận ra nơi Tu hội có đủ những đặc điểm của một con đường sống theo Tin mừng.

Bổn phận của chúng ta là thể hiện những điều ấy ra trong cuộc sống của mình.

IV. Lời Chúa: Mc 5, 18-20

V. Câu hỏi phản tỉnh dùng để suy tư, hồi tâm tháng và chia sẻ tổ

1. Là hội viên Tu hội đời, điều ấy có ý nghĩa gì trong đời sống cụ thể của tôi?
2. Sự thánh hiến trong các Tu hội đời khác với sự thánh hiến trong các Tu hội dòng ở điểm nào? Chị đã sống đúng ơn gọi Tu hội đời chưa? Xin chị chia sẻ cụ thể.
   
Nguồn tài liệu: Phiếu huấn luyện đầy đủ và phiếu luyện toát yếu số 16.

Tác giả: Tu Hội Đời Nữ Thánh Tâm

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập100
  • Máy chủ tìm kiếm54
  • Khách viếng thăm46
  • Hôm nay26,558
  • Tháng hiện tại709,583
  • Tổng lượt truy cập76,417,849
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây