Hướng dẫn tìm hiểu các văn kiện của Công đồng Vatican II

Thứ sáu - 08/09/2023 19:14  2799
Dẫn nhập

Đọc các Văn kiện của Công đồng Vatican II

Mười sáu văn kiện của Công đồng Vatican II là những tài liệu quan trọng bậc nhất mà Giáo hội Công giáo đã công bố trong vòng bốn trăm năm qua. Những tài liệu này định hình cho hầu hết các khía cạnh của đời sống Giáo hội ngày nay. Nhưng có lẽ, có rất ít người đã từng đọc các văn kiện này một cách đầy đủ và trọn vẹn.

Lý do không phải vì những tài liệu này quá khó tìm hoặc quá trừu tượng. Vấn đề nằm ở chỗ, người đọc rất cần một sự giới thiệu, hướng dẫn đọc những văn kiện này một cách thích hợp. Cuốn sách này được viết ra với mục đích giới thiệu và hướng dẫn người đọc từng bước tìm hiểu các văn kiện đó một cách dễ dàng và có hệ thống. Mỗi chương trong mười sáu chương tiếp theo sẽ cung cấp (1) một bản tóm lược về lịch sử hình thành của tài liệu được đề cập đến, (2) một hướng dẫn đọc chi tiết nhằm nêu bật các chủ đề quan trọng trong tài liệu và (3) một số câu hỏi liên quan tới tài liệu mà chúng ta có thể đặt ra trong bối cảnh ngày nay. Mục tiêu của người viết là trang bị cho người học khả năng tự đọc và làm việc trực tiếp trên các bản văn của Công đồng. Ẩn giấu trong những trang tài liệu của mười sáu văn kiện Vatican II là cả một kho tàng khôn ngoan trong quá khứ và những khả năng ứng dụng trong tương lai – các tài liệu mang trong mình đậm nét tinh thần của Công đồng. Cuốn sách này là một nỗ lực để tái khám phá tinh thần đó bằng cách truy tìm những kho báu ẩn tàng trong những văn kiện này.

Công đồng Vatican II là gì?

Vatican II là công đồng chung thứ hai mươi mốt trong lịch sử Giáo hội Công giáo. Trong những tháng mùa thu của những năm 1962, 1963, 1964 và 1965, hơn hai ngàn năm trăm giám mục, chuyên gia thần học, nhân viên và những người quan sát từ khắp nơi trên thế giới đã qui tụ tại Đền Thánh Phêrô ở Rôma để bàn luận về tương lai của Giáo hội. Những cuộc đối thoại của họ đã làm thay đổi mọi thứ. Bằng cách đặt ra những câu hỏi cực kỳ cơ bản - Chúng ta là ai? Chúng ta đang hướng đến điều gì? – Công đồng đã đưa Giáo hội vào một con đường đổi mới từ bên trong và tương tác mở ra với thế giới bên ngoài.

Không giống như các công đồng trước đó, các tham dự viên của Công đồng Vatican II không được triệu tập để đối phó với một mối đe dọa nào đó đối với Giáo hội, chẳng hạn như vấn đề dị giáo hay ly giáo. Thay vào đó, các tham dự viên được triệu tập để phản hồi tích cực với những thách thức mà thế giới hiện đại đang đối diện, để cập nhật những khía cạnh mà Giáo hội có thể canh tân được và để tiếp cận các Kitô hữu khác trong tinh thần hòa giải. Đó là những mong muốn của Đức Giáo hoàng Gioan XXIII, nguồn cảm hứng và động lực đằng sau Công đồng Vatican II.

Chỉ sau ba tháng trở thành giáo hoàng, Đức Thánh Cha Gioan XXIII đã thông báo kế hoạch tổ chức một công đồng mới. Ý tưởng đột phá như vậy không được một số nhà lãnh đạo Giáo hội ở thời điểm đó ủng hộ. Bị mắc kẹt trong truyền thống, họ không thể hình dung ra việc Giáo hội cần phải canh tân. Đối với họ, mọi thứ đã hoàn hảo. Mười bảy Đức Hồng y sửng sốt khi lần đầu tiên nghe tin và đã đáp lại, theo hồi tưởng của chính Đức Thánh Cha Gioan XXIII, với “sự im lặng trang nghiêm và ấn tượng”. Sau đó, nhiều người trong số họ đã lên tiếng bày tỏ lo ngại và phản đối.

Nhưng vị giáo hoàng vốn đã cao tuổi vẫn tiếp tục nói về công đồng sắp tới như một cách để đổi mới đời sống thiêng liêng của Giáo hội, một "Lễ Phục sinh mới" sẽ làm tươi mới lại Giáo hội, ngõ hầu có thể thực hiện sứ mệnh của mình trong thế giới. Trong bài diễn văn khai mạc, Đức Thánh Cha Gioan XXIII đã công khai phản đối những "nhà ngôn sứ của bóng tối" xung quanh ngài, những người chỉ thấy trong thời đại hiện đại toàn là những sự "lừa dối và tàn phá." Thay vào đó, Đức Thánh Cha tin rằng, Thiên Chúa đang dẫn đưa nhân loại đến một trật tự mới của các mối tương giao nhân loại. Giáo hội cần phải được (aggioniamento) - "cập nhật" - không phải vì Giáo hội cảm thấy bị đe dọa, mà là vì lòng khao khát lớn lao muốn chia sẻ Đức Kitô với mọi người. Đức Thánh Cha chỉ về phía trước với hy vọng: "Công đồng mở ra trong Hội Thánh như bình minh, dọn đường của ánh sáng tươi vui của ngày mới. Thời điểm này chỉ mới là bình minh mà thôi."

Công đồng và các văn kiện

Tầm nhìn của Đức Thánh Cha Gioan XXIII đã truyền cảm hứng cho sự kiện mang tên Công đồng Vatican II. Nhưng công việc của Công đồng chủ yếu xoay quanh việc soạn thảo, tranh luận, sửa đổi và thông qua các văn kiện.

Hai ngày sau bài diễn văn khai mạc của Đức Thánh Cha Gioan XXIII, các tham gia viên của Công đồng bắt tay vào thực hiện công việc này. Các giám mục có trước mắt họ một số tài liệu đã được chuẩn bị để thảo luận. Những tài liệu này là một số trong hơn bảy mươi bản dự thảo được soạn thảo bởi các ủy ban chuẩn bị trong những tháng trước khi Công đồng diễn ra. Bởi vì những ủy ban chuẩn bị do các thành viên của giáo triều Rôma lãnh đạo, những bản dự thảo này có xu hướng nhấn mạnh đến tình trạng hiện thời của Giáo hội. Phong cách của những tài liệu này tương tự như các sách giáo khoa thần học được sử dụng ở các chủng viện Rôma – hàn lâm, trừu tượng, dựa nhiều vào các tuyên bố của các Giáo hoàng trong quá khứ và mang thái độ phòng thủ, dè dặt đối với các quan điểm khác. Chúng phản ánh rất ít về cuộc canh tân Kinh thánh, Phụng vụ và Thần học đang diễn ra tại châu Âu ở thời điểm đó. Ngay cả trước khi Công đồng bắt đầu, một số giám mục và Đức hồng y không thuộc giáo triều đã phàn nàn rằng các bản dự thảo này hoàn toàn không thu hút được thế giới hiện đại hoặc tiếp cận với những Kitô hữu khác. Họ cảm thấy cần phải có một đi hướng mới.

Trong phiên họp đầu tiên, Công đồng được dự kiến sẽ bỏ phiếu bầu người vào các vị trí trong các ủy ban khác nhau của Công đồng. Một danh sách những cá nhân đã phục vụ trong các ủy ban chuẩn bị được công bố, với kỳ vọng rõ ràng rằng những nhân sự thuộc giáo triều sẽ được bầu lại để tiếp tục lãnh đạo các ủy ban của công đồng. Một động thái như này làm suy yếu nghiêm trọng đến khả năng của Công đồng đi theo những hướng mới. Những người thuộc giáo triều muốn thấy những bản dự thảo được phê chuẩn và Công đồng sẽ kết thúc càng sớm càng tốt, với ít hoặc không thay đổi tình trạng hiện thời.

Nhận thức được nguy cơ này, Đức Hồng y Lienart đến từ Lille, Pháp, đã đề xuất việc hoãn cuộc bầu cử nhân sự. Ngài muốn các giám mục có cơ hội tập hợp thành các nhóm khu vực để lập danh sách ứng viên của riêng họ. Đức Hồng y Josef Frings của Cologne đã tán thành đề xuất. Đề xuất này nhận được sự hoan nghênh của các thành viên khác, đến mức những người điều hành không biết phải làm gì tiếp theo. Không có chủ đề nào khác trong chương trình nghị sự. Và như vậy, cuộc họp đầu tiên của Công đồng Vatican II đã bị hoãn lại chỉ sau mười lăm phút! Động thái bất ngờ này, cùng với bài diễn văn khai mạc của Đức Thánh Cha trước đó, đã giúp Công đồng Vatican II bắt đầu hành trình canh tân Giáo hội. Với đại diện rộng rãi hơn trong các ủy ban của Công đồng, hầu hết các bản dự thảo đã được chuẩn bị đều rơi vào tình trạng bị loại bỏ, phải viết lại hoàn toàn hoặc được sửa đổi đáng kể. Cuối cùng, đã có 16 tài liệu được công bố, phản ánh tầm nhìn mới cho Giáo hội trong thế giới hiện đại.

Cách đọc các tài liệu

Các văn kiện của Công đồng Vatican 2 nên được đọc như thế nào trong bối cảnh ngày nay? Điều gì hướng dẫn chúng ta giải thích chúng? Dưới đây là bảy nguyên tắc chúng ta cần ghi nhớ:
  1. Chú ý đến phong cách. Công đồng Vatican II đã chọn cách bỏ lại phía sau thứ ngôn ngữ ngắn gọn và pháp lý của các công đồng trước trước kia. Thay vào đó, lần này Công đồng sử dụng một phong cách diễn đạt mang tính mời gọi và thuyết phục. Các tài liệu ưu tiên những hình ảnh phong phú lấy từ Kinh Thánh hơn là các định nghĩa ngắn gọn của triết học. Người đọc có cảm giác đang đọc một bài giảng hơn là một cuốn sách giáo khoa, và giống như một bài giảng hay, các tài liệu tìm cách động viên và truyền cảm hứng cho người đọc cả về sự hoán cải thiêng liêng và trí tuệ.
 
  1. Dung nạp (inclusive) các ý kiến khác nhau như Công đồng. Trong nỗ lực đạt được sự đồng thuận cao nhất có thể, các giám mục tại Công đồng Vatican II thường chọn cách dung nạp (inclusive) các quan điểm khác nhau thay vì loại trừ một bên nào đó. Một số nhà bình luận đã phàn nàn rằng Vatican II tạo ra các "tài liệu của ủy ban" đầy những thỏa hiệp và căng thẳng nội bộ. Nhưng điều đáng chú ý là các giám mục đã đồng ý gần như nhất trí hoàn toàn về những căng thẳng này! Mọi văn kiện đều được thông qua với đa số áp đảo - hơn một nửa được thông qua với ít hơn 10 phiếu phản đối. Do đó, Công đồng đã cởi mở cho phép nhiều tiếng nói khác nhau được lên tiếng.
 
  1. Nhận ra hướng đi của Công đồng. Việc có nhiều quan điểm khác nhau xuất hiện trong các tài liệu của Công đồng không có nghĩa là tất cả các tuyên bố được đưa ra đều quan trọng như nhau đối với các tham dự viên. Để giải thích trung thành các văn kiện, chúng ta cần phải cố gắng hết sức để hiểu ý định của những người đã viết ra chúng. Họ đang cố gắng nói gì? Những gì họ đã bàn bạc khiến các đức giám mục thêm vào văn bản là gì? Họ đã xóa bỏ những gì? Những vấn đề nào còn bỏ ngỏ? Giải quyết những câu hỏi như vậy giúp chúng ta nhận thấy rằng suy nghĩ của các đức giám mục đã phát triển qua bốn năm của Công đồng. Một số chủ đề và khái niệm nhất quán trở nên quan trọng hơn, trong khi những chủ đề và khái niệm khác giảm dần. Do đó, bên dưới nhiều tiếng nói được phép xuất hiện trong các văn bản cuối cùng, chúng ta phát hiện ra một sự chuyển động - một hướng đi hướng tới sự tương tác với thế giới, cởi mở với các Kitô hữu khác, khẳng định sự bình đẳng trong phép Rửa và đánh giá cao các tôn giáo khác.
 
  1. Đặc biệt chú ý tới bốn hiến chế. 16 tài liệu của Công đồng Vatican II được chia thành 4 hiến chế, 9 sắc lệnh và 3 tuyên ngôn. Các hiến chế đề cập đến các vấn đề tín lý mang tính cốt lõi liên quan đến bản chất của Giáo hội. Các sắc lệnh và tuyên ngôn giải quyết các vấn đề thực tế hơn, hoặc các lĩnh vực cụ thể của mối quan tâm mục vụ. Như chúng ta sẽ thấy, các sắc lệnh và tuyên ngôn bố thường đề xuất những giáo huấn được tìm thấy trong các hiến chế. Do đó, các hiến chế (về phụng vụ, mặc khải, Giáo hội và Giáo hội trong thế giới hiện đại) cung cấp chìa khóa để giải thích các văn kiện khác và chìa khóa để hiểu toàn bộ Công đồng nói chung.
 
  1. Tránh nhấn mạnh quá mức vào tính liên tục hoặc sự thay đổi. Hai từ đã trở thành biểu tượng của phong trào có tính hai chiều của Công đồng: "Aggiornamento" và "Ressourcement". "Aggiornamento" (từ tiếng Ý có nghĩa "cập nhật/ canh tân") được Đức Thánh Cha Gioan XXIII sử dụng để miêu tả tầm nhìn về việc canh tân Giáo hội. Ngài muốn Giáo hội được canh tân để đối diện với những thách thức mới của thế giới hiện đại. "Ressourcement" (tiếng Pháp có nghĩa "trở về nguồn") được sử dụng để miêu tả công việc của các nhà thần học đang nghiên cứu Kinh Thánh, phụng vụ thời sơ khai và các nhà thần học vĩ đại của quá khứ trong những thập kỷ dẫn đến Công đồng Vatican II. Vatican II đã khám phá ra cách mà hai phong trào này có thể kết hợp rất phù hợp với nhau. Cách tốt nhất để Giáo hội giải quyết các vấn đề của hiện tại là quay trở lại với những nguồn lực phong phú từ truyền thống của mình. Phản ứng đột phá nhất là tìm lại nguồn gốc của chúng ta. Sự thay đổi đến từ Vatican II không phải là một sự đứt gãy lớn đối với truyền thống Kitô giáo vĩ đại, nhưng là một sự thay đổi đáng kể trong ý thức của Giáo hội về chính mình và sứ mệnh của mình trong thế giới.
 
  1. Kết hợp tinh thần và mặt chữ của Công đồng cùng với nhau. Nguyên tắc này nhấn mạnh quan điểm của cuốn sách này: Cách tốt nhất để nắm bắt tinh thần của Vatican II là người đọc cần đọc trực tiếp các bản văn của Công đồng.
 
  1. Suy ngẫm về cách thức mà Công đồng đã được tiếp nhận. Chúng ta không thể tránh khỏi việc mang đến cho các văn kiện này những câu hỏi của cá nhân, những kinh nghiệm về Chúa Kitô và cộng đoàn, góc nhìn về ý nghĩa của Vatican II đối với Giáo hội và thế giới. Cách thức mà toàn thể Giáo hội- Dân của Thiên Chúa- tiếp nhận những tài liệu văn kiện này đã định hình ý nghĩa của chúng đối với chúng ta ngày nay. Và các văn kiện chỉ thực sự có ý nghĩa trong cuộc đối thoại với tình hình hiện đại của chúng ta.
Cách Đọc Tài Liệu Này

Tài này được viết để trở thành sách giáo khoa, sách hướng dẫn đọc và cũng là một tài liệu tham khảo. Nó có thể được sử dụng cho việc học tập cá nhân, các chương trình học hỏi của giáo xứ và trong các lớp thần học.

Mỗi chương bắt đầu bằng một phần giới thiệu ngắn về lịch sử của tài liệu được đề cập. Khi được đọc cùng nhau, các phần nền tảng này kể lại câu chuyện về cách thức mà Công đồng đã diễn ra. Nhưng bạn đọc không cần phải đọc cuốn sách này từ đầu đến cuối (mặc dù tôi nghĩ bạn sẽ thích trải nghiệm này). Bất kỳ chương nào cũng có thể được đọc riêng lẻ. Nhưng không có chương nào nên được đọc tách biệt với văn kiện của Công đồng mà nó đề cập đến. Làm như vậy sẽ đi ngược lại mục đích của tôi khi viết cuốn sách này. Để giúp bạn đọc các văn kiện, mỗi chương có chứa một phần "Hướng dẫn đọc", trong đó phác thảo nội dung tài liệu, làm nổi bật các chủ đề trung tâm và giải thích các đoạn văn quan trọng mà ý nghĩa của chúng có thể bị bỏ lỡ nếu người đọc không chú ý.

Mỗi chương kết thúc bằng việc đặt ra một số vấn đề đương đại liên quan đến tài liệu. Những vấn đề này có thể khơi dậy sự suy ngẫm cá nhân, nhưng các câu hỏi sẽ thực sự trở nên thú vị hơn trong bối cảnh thảo luận nhóm. Tôi khuyến khích bạn thảo luận các câu hỏi này với người khác. Một trong những điều tuyệt vời về Công đồng Vatican II là ví dụ về cuộc đối thoại trong Giáo hội về các vấn đề phức tạp. Những người theo dõi vào thời điểm đó đã thấy một điều đáng chú ý: Giáo hội đang nói về mọi thứ! Đối với tôi, có vẻ như chúng ta đã không làm đủ điều này trong những năm gần đây. Trở thành một Giáo hội Vatican II không chỉ đơn thuần là áp dụng giáo huấn của Công đồng; nó còn có nghĩa là bắt chước ví dụ của chính Công đồng. Nếu tôi còn giữ một niềm hy vọng nhỏ cho cuốn sách này, đó sẽ là nó có thể nhắc nhở Giáo hội ngày nay về ví dụ của chính Công đồng - và khiến chúng ta bắt đầu thảo luận về mọi thứ một lần nữa.

CÁC DẤU MỐC QUAN TRỌNG

 
Ngày 28 tháng 10 năm 1958 Đức Hồng Y Angelo Roncalli được bầu làm Giáo hoàng.
Ngày 25 tháng 1 năm 1959 Đức Thánh Cha Gioan XXIII thông báo ý định triệu tập Công đồng.
Ngày 11 tháng 10 năm 1962 Công đồng Vatican II chính thức bắt đầu.
Từ ngày 11 tháng 10
đến ngày 8 tháng 12 năm 1962
Phiên họp đầu tiên của Vatican II.
Ngày 3 tháng 6 năm 1963 Đức Thánh Cha Gioan XXIII qua đời.
Ngày 21 tháng 6 năm 1963 Đức Hồng y Giovanni Battista Montini được bầu làm Giáo hoàng.
Từ ngày 29 tháng 9
đến ngày 4 tháng 12 năm 1963
Phiên họp thứ hai của Vatican II.
Từ ngày 14 tháng 9
đến ngày 21 tháng 11 năm 1964
Phiên họp thứ ba của Vatican II.
Từ ngày 14 tháng 9 đến ngày 8 tháng 12 năm 1965 Phiên họp thứ tư của Vatican II.
 
Ngày 8 tháng 12 năm 1965 Công đồng Vatican II chính thức kết thúc.

Nguyên tác: A concise guide to the documents of Vatican II -Hướng dẫn tìm hiểu các văn kiện của Công đồng Vatican II
Tác Giả: Edwward P. Hannenberg
Người dịch: Giuse Vũ Đức Trung, CSsR
Bản dịch đang trong quá trình hoàn thiện, mọi góp ý xin liên hệ qua hòm thư điện tử: vuductrung.cssr@gmail.com 

Tác giả: Vũ Đức Trung

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập153
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm63
  • Khách viếng thăm89
  • Hôm nay33,189
  • Tháng hiện tại274,855
  • Tổng lượt truy cập79,506,693
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây