Ngày của cha: Hướng về cội nguồn

Chủ nhật - 27/11/2016 03:47  4508
“Con người có tổ, có tông,

Như cây có cội, như sông có nguồn”

(Ca dao, tục ngữ Việt Nam)

Kỷ niệm 68 năm ngày Đấng Sáng Lập - Đức cha Dominico Maria Hồ Ngọc Cẩn, vị Giám Mục Việt Nam đầu tiên của Giáo Phận Bùi Chu trở về nhà Cha (27/11/1948) và 70 năm thành lập Hội Dòng, chính là cơ hội quý giá để mọi thành viên trong Hội Dòng Mân Côi – những người con của Đức cha nhìn lại bối cảnh khai sinh, hành trình lịch sử mà Hội Dòng trải qua suốt chặng đường 70 năm.

Theo sử ký Giáo phận Trung, ngày 12 tháng 03 năm 1935, Đức cha Đôminicô Maria Hồ Ngọc Cẩn được Đức Giáo Hoàng Piô XI đã ký sắc bổ nhiệm và tấn phong làm Giám mục Phó Giáo Phận Bùi Chu với quyền kế vị. Ngày 17 tháng 06 năm 1936, Đức cha Pedro Muzagorri Trung – vị tiền nhiệm của ngài qua đời, Đức cha  Đôminicô Maria Hồ Ngọc Cẩn chính thức điều hành Giáo phận Bùi Chu.

 

Trước đó, Đức cha Đôminicô Maria Hồ Ngọc Cẩn từng là ký lục cho công đồng miền họp tại Hà Nội gồm 19 Giám Mục, 5 Bề trên Dòng tu và 21 Linh mục Việt Nam, Lào, Cam Bốt và Thái Lan tham dự từ ngày 18.11.1934 tới ngày 06.12.1934 khi ngài là một Linh mục của Giáo phận Huế. Do đó, Đức cha thấu hiểu bản chất, ý nghĩa trong các văn kiện của Công đồng Đông Dương. Trong điều 106, “Công đồng khen ngợi những đấng bản quyền nào đã thực hiện thành công cuộc cải tổ, và công đồng khuyến khích các vị khác, trong giáo phận mình, liệu sao có một hội dòng thuộc giáo phận từ những cộng đoàn đó, với nhà tập duy nhất và các lời khấn dòng, ban đầu thì tạm thời, sau thì vĩnh viễn, theo như giáo luật đã quy định”.

Ý thức được mong muốn của Giáo Hội, trong cương vị chủ chăn Giáo phận Bùi Chu, một Giáo phận có bề dày lịch sử và dồi dào ơn gọi thánh hiến. Sau khi Đức cha lo ổn định guồng máy địa phận, hàng linh mục và các trường Chủng viện trong Giáo phận, ngài “liền đưa trí lo cho Nhà Phước, cũng gọi là Nhà Mụ.[1] Bấy giờ có 14 nhà, gồm 417 chị em thuộc dòng Đa Minh và dòng mến Thánh Giá, không có lời khấn theo giáo luật. Cuối năm 1940, Ngài đệ đơn lên Toà Thánh xin lập dòng nữ, trước là để cải tổ Nhà Phước, sau là nhận các thiếu nữ vào tu. Dòng nhắm mục đích truyền giáo bằng việc thi hành đức bác ái, như dạy dỗ trẻ em, trông coi người bệnh, và đảm nhận các công tác mà Giáo phận sẽ giao cho. Danh hiệu dòng là Đức Mẹ Mân Côi, hoặc Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, vì Đức cha có thiện ý muốn cho cả hai hạng Nhà Phước đều có thể gia nhập, nên không gọi là Đa Minh, cũng không gọi là Mến Thánh Giá, kẻo được bên nọ thì mất bên kia” Lm. PHẠM CHÂU DIÊN, Đức cha Đôminicô Hồ Ngọc Cẩn – Giám mục Bùi Chu, trang 41).

Do gặp thời đệ nhị thế chiến, đơn bị thất lạc nhưng Đức cha vẫn tiếp tục chuẩn bị chuẩn bị về trụ sở cũng như tinh thần và vật chất cho Dòng mới. Ngày 10.06.1946, Đức cha tiếp tục đệ đơn lần thứ hai xin lập Dòng nữ lên Tòa Thánh.

Ngày 20 tháng 8 năm 1946, Đức cha nhận được phúc thư Bộ Truyền giáo, đề ngày 18/7/1946, ban phép lập dòng và “ngày 08 tháng 09, nhằm lễ Sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria, Đức cha đã làm lễ trọng tại Trung Linh, tuyên sắc lập dòng mới, gọi là DÒNG CHỊ EM CON ĐỨC MẸ MÂN CÔI BÙI CHU, làm nức lòng đông đảo người đến tham dự. Ngay những ngày đầu đã có năm Nhà Phước xin nhập dòng toàn bộ. Các nhà khác thì lẻ tẻ một ít người. Số thỉnh tu đã lên tới 196 chị em” (
Lm. PHẠM CHÂU DIÊN, Đức Cha Đôminicô Hồ Ngọc Cẩn – Giám mục Bùi Chu, trang 42).

Dưới sự hướng dẫn của hai bà dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm, lớp tập đầu tiên mở ngày 21 tháng 11 năm 1946, gồm 17 chị em, người đầu sổ là bà Catharina Nguyễn Thị Huệ, sau làm bà Mẹ đầu tiên của Hội Dòng. Ngày 03 tháng 02 năm 1947, mở lớp tập thư hai, được 76 chị em. Theo luật phải qua hai năm tập mới được khấn, nhưng Đức cha chuẩn cho 7 chị lớp tập đầu tiên được khấn sớm hơn, nhằm ngày 07 tháng 12 năm1947. Từ đó nhà dòng cứ tiến triển về nhân số và đức hạnh, đến khi Đấng sáng lập qua đời cuối năm 1948 thì đã khá vững vàng. Thường tình cây tàn thì hoa rụng, ai cũng lo cho tương lai Nhà Dòng. Nhưng nhờ ơn Chúa, chính cái chết của Đức cha đã làm cho Nhà Dòng mạnh sống.
 

Hành trình khai sinh Hội Dòng là thế. Hôm nay, Hội Dòng ngồi chiêm ngắn dung nhan Cha, không phải để luyến tiếc dĩ vãng hay thương nhớ Cha nhưng để nhìn lại lý tưởng thuở ban đầu, mục đích và những dự phóng cùng động lực đã thúc đẩy Cha dày công sinh thành Hội Dòng với bao mồ hôi nước mắt.

Ngày sinh nhật trên trời của Cha chính là dịp để Hội Dòng tạ ơn Thiên Chúa vì những ân huệ Ngài đã ban cho Giáo Hội, cho Hội Dòng – người con bé nhỏ của Cha. Đây cũng là thời gian thuận lợi để Hội Dòng nhìn lại lịch sử của mình, nhìn lại bản thân để tự vấn, về sự duy trì căn tính cũng như sự hiệp nhất của mỗi người con trong gia đình Mẹ Mân Côi. Ngồi bên Cha, mỗi người con của Hội Dòng dễ dàng nhận ra những sự bất nhất do tính yếu đuối của con người, thậm chí có lúc đã quên mất những khía cạnh cốt yếu của đặc sủng Dòng. Những điều ấy là những bài học kinh nghiệm quý báu cho Hội Dòng, đồng thời kêu gọi con cái Hội Dòng hoán cải bản thân trong tinh thần khiêm tốn và tín thác vào Thiên Chúa Tình Yêu.

Gương lành cùng những hy sinh của Cha chính là động lực mạnh mẽ thôi thúc mỗi chị em trong Hội Dòng vui vẻ làm chứng tá cho Chúa theo sứ vụ của mình trong ơn gọi thánh hiến Mân Côi. Nguyện xin Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót và yêu thương chúc lành cho Cha trong nước vĩnh cửu của Ngài.

[1] Mụ là chữ Mẫu, nghĩa là mẹ, đọc trại đi

Tác giả: Nt. M. Ripsimina Bùi Thị Liễu, fmsr

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập132
  • Máy chủ tìm kiếm66
  • Khách viếng thăm66
  • Hôm nay32,848
  • Tháng hiện tại1,021,968
  • Tổng lượt truy cập79,025,419
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây