Đi tìm “làn gió mới” từ Công đồng
Thứ sáu - 09/10/2015 07:48
2004
Công đồng Vaticano II thổi vào Giáo hội như “làn gió mới”, với sức sống của Chúa Thánh Thần. Sức sống ấy làm Giáo hội bừng tỉnh trong lối thực hành đức tin đã không còn phù hợp với những biến chuyển toàn diện của nhân loại. Cả thế giới và Giáo hội đều đang thay đổi. Sự thay đổi ấy vừa là cơ hội và thách đố, vừa thúc bách Giáo hội không ngừng làm Một cuộc xuất hành-Ra khỏi chính mình để tìm về Chân Trời mới… Quả thực, Chúa Thánh Thần đã chuẩn bị cho Giáo hội đi vào thế giới với những canh tân đáng kể qua các Hiến chế, Sắc lệnh và Tuyên ngôn. Dầu vậy, cho đến nay, theo nhận định của cha Th.Rey. Mermet.CssR: Công đồng Vaticano II mới chỉ thấm vào lòng Giáo hội như ‘một lớp đất mỏng’.
Trước hết, “Công đồng trở thành một Lễ Hiện Xuống mới cho Giáo hội” với tuyên bố: Giáo Hội là Dân Thiên Chúa (LG 9,17). Trước công đồng Vatican II người ta thường có thói quen đồng hóa Giáo Hội với hàng giáo phẩm, nếu không trên nguyên tắc thì ít là trong thực tế. Nhưng nay, Giáo hội đã quảng diễn mình với vòng tròn đồng tâm-qui Ki-tô... “Lumen gentium” mang đến cho Dân Chúa một chỗ đứng trong Giáo hội, và là trung tâm của Giáo hội. Hiến chế ấy không phá hủy bản tính phẩm trật của Giáo hội, mà chỉ đặt phẩm trật ấy vào trong lòng Dân Chúa; hiến chế ấy làm cho mọi người được trở nên bình đẳng với nhau trong Giáo hội dựa vào phép Rửa, dù mỗi người sẽ thi hành một tác vụ khác nhau.
Thứ đến, Với Vatican II, Giáo hội – xưa nay trong nhiều thế kỷ đã vận hành theo mô hình kim tự tháp và ba bậc sống (giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân) – nay trở nên bằng phẳng như một sa bàn không có hình nổi nào, theo đó người ta quả quyết chức tư tế chung, hoạt động tông đồ và ơn gọi nên thánh là dành cho hết mọi người. Giáo hội muốn khẳng định rõ ràng và mạnh mẽ hơn sự bình đẳng và hợp nhất của mọi người đã được rửa tội trong Đức Kitô Giêsu.
Cùng với “làn gió mới” Công đồng đem lại, chúng ta đang đối diện trước những đổi thay lớn lao của nhân loại. Đối diện trước một xã hội mà “ngày hôm nay người ta không chấp nhận cho ai độc quyền chân lý, phải là đa chiều, đa diện? Xã hội hôm nay vừa là cơ hội, vừa là cám dỗ; vừa là ân sủng, vừa là thử thách” (Karl Rahner).
Cơ hội & thách đố trước tiên bởi: con người thời nay rất tôn trọng năng lực và tài giỏi, nghĩa là phẩm chất. Để trả lời cho các vấn nạn của con người, có thiện chí quảng đại thôi tự nó vẫn chưa đủ, mà cần có sự hiểu biết nhất định về mọi phương diện. Với người Ki-tô hữu còn là sự cảm nghiệm sâu xa về mầu nhiệm Đức Kitô một kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa, chứ không phải chỉ nghe nói về Ngài. Kinh nghiệm của những ai “miệt mài đi tìm chân lý bởi đôi cánh của lý trí và đức tin” như thánh Augustinô, và “tôi ao ước có thể dùng trí khôn để dò thấy những gì tôi đã hết lòng tin tưởng, đã tranh luận rất nhiều và cũng đã vất vả nhiều” (cf. PDV số 52). Vì thế, mỗi người, hãy nắm lấy cơ hội tiếp cận tri thức nhân loại, và những hiểu biết nhất định về Giáo hội, cùng vui mừng và hy vọng với Giáo hội trong việc loan báo Tin mừng….
Một cơ hội & thách đố không kém phần quan trọng bởi: toàn thế giới và giáo hội đang hiện lên như một bức tranh mà người ta gọi là “toàn cầu hóa”. Trong thế giới hiện đại, ai ai cũng có cơ hội hiểu biết về đạo Công giáo qua các phương tiện truyền thông đại chúng, với nhiều mục đích khác nhau: có thể để hiểu biết và yêu mến Đạo Chúa hơn, hay cũng có khi để lên án, chỉ trích và “chĩa súng” vào Giáo hội…
Riêng với người Ki-tô hữu, với vốn liếng về giáo lý và sự trưởng thành trong đời sống đạo ở mức tà tà, họ có thể dửng dưng, lãnh đạm hay đánh mất niềm tin bất cứ lúc nào. Hơn nữa, với những chất vấn của ai đó về giáo hội và niềm tin mà mình đã lãnh nhận có thể làm cho các bạn trẻ lao lúng và bất lực, lùi bước và bỏ cuộc trước chúng bạn. Thay vì coi đó là những cơ hội tốt để quảng diễn về đạo, giới thiệu Chúa cho mọi người thì họ lại chạy trốn niềm tin và tự dằn vặt trong sự bế tắc không một lối đi về... Thế nên, dù là giáo sĩ, tu sĩ hay giáo dân, tất cả đều có thể bị chất vấn và mời gọi bất cứ khi nào và từ bất cứ phía nào.
Tôi sẽ phải làm gì để: luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai muốn chất vấn về niềm hy vọng mà tôi đã lãnh nhận phải là câu hỏi lay gọi khôn nguôi đối với người môn đệ Chúa Ki-tô (1Pr 3,15).
Nhân dịp mừng kỷ niệm biến cố trọng đại này, chúng ta hãy tháp mình trong dòng chảy năng động của thế giới và Giáo hội để thay đổi một lối nhìn, một hướng đi sao cho phù hợp với tinh thần Công đồng, để “làn gió mới” của Chúa Thánh Thần đi vào Giáo hội và “thấm một lớp đất thật dày” cho con người và thế giới hôm nay.
Kỷ niệm 53 năm ngày khai mạc Công đồng Vaticanô II: 1962-11/10-2015