Người Công Giáo tìm gì trên Internet?
Thứ tư - 06/11/2019 10:00
1793
“Bà Tân Vlog. Sóng gió, Độ ta không độ nàng…” có lẽ là những từ ngữ mà trong thời gian gần đây không mấy ai là không nói hay nghe tới. Sống giữa một thời đại mà người ta gọi là tiên tiến hay những mỹ từ như, “thời đại công nghệ…” Không thể phủ nhận những giá trị to lớn mà công nghệ đã và đang mang đến cho con người, nhưng công bằng mà nói những mặt trái của công nghệ cũng đang đưa con người đến những hệ lụy xấu mà đôi khi con người không ngờ tới. Trong những hệ lụy tiềm tàng nguy hiểm đó, nhiều người công giáo khó có thể đủ sáng suốt để tránh xa. Sức mạnh của công nghệ dường như đang đem lại cho con người mọi thứ, trong đó nhu cầu được biết thông tin, được giải trí. Vì thế, Internet hiện tại được ví gần như không khí cho con người hít thở. Sở dĩ nói internet như không khí bởi lẽ con người đang sử dụng nó quá nhiều và ngày càng phụ thuộc vào nó như thể một loại dinh dưỡng giúp nuôi sống cơ thể. Có những người bỏ qua việc ăn việc ngủ để dùng internet, điều gì trong đó làm cho nó hấp dẫn đến thế. Nếu bạn cần tìm một thông tin gì đó cần thiết, hay muốn giải trí một cách đúng nghĩa sau công việc sau học tập thì internet có thể giúp bạn, không có gì phải bàn cãi. Thế nhưng dường như mục đích sử dụng internet không còn đúng nghĩa nữa. Hàng ngày, hàng giờ vẫn có hàng triệu người dùng internet mà chẳng có mục đích gì cả. Giải trí ư? Giải trí gì cả ngày! Tìm thông tin ư? Thông tin gì mà toàn những điều vô bổ. Có rất nhiều người trước khi sử dụng internet nghĩ rằng tôi sẽ tìm cái này, cái nọ một cách có mục đích, nhưng rồi khi sử dụng mục đích ban đầu thì ít, xem các thứ khác thì nhiều.
Internet thật sự tiện dụng. Cả thế giới như thu nhỏ lại, nhưng nó lại làm những khoảng cách rất gần trở nên xa vời. Thật vậy, nhà thờ Đức Bà Paris cháy, vài phút sau cả thế giới biết nhờ internet. Thế nhưng ngày trong một gia đình giữa vợ chồng hay giữa cha mẹ và con cái với nhau, có vấn đề gì lại không hề biết một phần lại vì internet. Sau thời gian học tập làm việc, từ người lớn tới người trẻ thậm chí ngay cả trẻ em, mỗi người một cái điện thoại, chẳng hỏi han cũng chẳng nói chuyện với nhau. Ngay trong bữa cơm, nhiều người cũng chẳng để ý mình đang ăn món gì và ngon hay không vì đôi mắt chỉ dán vào chiếc điện thoại đang lướt mạng. Khoảng cách xa có thể thành gần vậy, nhưng rồi khi ngồi sát bên nhau lại như không thấy, không biết nên gọi internet là “kỳ diệu” hay “kỳ dị” nữa.
Nếu đặt một câu hỏi chung cho mọi người kể cả người công giáo: Bạn có biết bà Tân Vlog, 1977 Vlog... không? Câu trả lời dường như là có. Vậy nhưng nếu đặt một câu hỏi Bạn có biết Giáo Hội mới có thêm bao nhiêu vị thánh không? Đức Thánh Cha chuẩn bị thăm nước nào không? Có lẽ ngay người Công giáo cũng chưa chắc đã biết dù Đức Giáo Hoàng còn nổi tiếng hơn cả Bà Tân Vlog hay gì gì đó. Chính người Công giáo cũng chẳng mặn mà hay quan tâm điều đó. Có thể ai đó rất sẵn lòng xem một video về mấy cái “siêu to khổng lồ” và chia sẻ nó ngay cả lúc không thật sự yêu thích nhưng lại khó có thể xem một bản tin về Giáo Hội và chia sẻ mặc dù biết nó hữu ích. Điều gì tạo ra tình huống này? Câu trả lời có lẽ là hiệu ứng đám đông. Thật vậy, nhiều người tôi nghĩ cũng không thích mấy cái “siêu to khổng lồ” nhưng vẫn xem và chia sẻ vì tò mò vì thấy thích thú nhưng rồi chẳng để làm gì cả. Đôi khi thì là hùa theo đám đông chỉ để cho kênh này kênh kia hay video của người này người kia phá những “kỷ lục” và cái họ nhận được là mất tiền và mất thời gian.
Giáo Hội vẫn đang sống từng ngày từng giờ, và các thông tin về sức sống của Giáo Hội cũng luôn được loan đi thông qua các trang Web hay các kênh sóng của Giáo Hội. Chẳng thể ngăn cản hay cấm đoán sự tự do sử dụng internet của bất kỳ ai, nhưng ước mong rằng chúng ta sử dụng nó một cách hợp lý và đúng đắn hơn. Cách riêng với người Công giáo thay vì những kênh hay những video phù phiếm vô bổ, hãy dành thời gian để xem những thông tin về Giáo Hội và về giáo phận, để hiểu để biết về Giáo Hội hơn. Điều đó sẽ giúp phần nào cho việc sống đạo giữ đạo và truyền giáo tốt hơn bởi vì ta chẳng thể sống điều ta không tin và chẳng thể tin điều ta không biết.