Đến với Thiện Giáo là đến với một mảnh đất có nhiều điều làm tôi ấn tượng. Ngay với hai từ thân thương “Thiện Giáo” đã mang một ý nghĩa rất đẹp: Mảnh đất có những người Công giáo sống hiền lành đạo đức. Nằm trên dải đất chạy dọc sông Hồng đổ ra biển, Thiện Giáo được coi là giáo xứ nằm ở điểm cuối cùng của giáo phận. Tuy nhiên, Thiện Giáo lại là một giáo xứ đã có truyền thống từ khá lâu đời và có nhiều điểm độc đáo khiến mọi người phải ngưỡng mộ.
Mới bước chân đến lối vào nhà thờ, tôi bắt đầu được tận hưởng những ấn tượng đẹp về người Thiện Giáo: Mọi người trong trang phục đẹp đẽ với nụ cười rạng rỡ trên môi đang trao cho nhau những lời yêu thương nồng ấm và niềm vui của ngày chầu, giống như vị đậm đà của muối biển vậy. Tôi chợt nghĩ, liệu có phải biển đã đem đến cho họ vị đậm đà yêu thương này không? Và tôi cũng dễ dàng tự trả lời cho câu thắc mắc đó: Cuộc sống gắn bó với biển, ắt hẳn khiến họ phải thuận theo tự nhiên để sống và tồn tại với biển khơi mênh mông này.
Vị đậm của nước biển đã thấm đượm vào tận cõi lòng họ, và nhờ vị đượm này làm cho cuộc sống của họ cũng đầy tình nồng thắm chân thành. Vị mặn mà của biển làm cho cuộc sống của họ thêm thi vị nơi gia đình, xóm làng và cả xứ đạo. Chất gắn kết họ lại với nhau chính là vị đậm của biển, nhờ chất kết dính này mà họ mới có thể vượt qua mọi bão tố ngoài biển khơi cũng như bão tố trong cuộc sống thường ngày đang rình chờ. Chất gắn kết này nối họ lại với nhau để chống chọi lại những cơn giông to bão lớn hoành hành ngoài biển khơi muốn cướp đi mạng sống của họ.
Trước mắt tôi là cả một vườn hoa xinh đẹp, những bông hoa di động nhiều sắc màu đang thể hiện những bài trống, bài kèn, bài trắc và xen lẫn cả những lời Kinh Mân Côi ấm áp của các bà, các chị trong nhà thờ theo làn gió nhẹ hòa thành bản thánh ca độc đáo dâng lên Thiên Chúa Ba Ngôi trên thiên quốc. Có lẽ hôm nay các bà các chị diện những bộ đồ đẹp nhất để diễn tả tình yêu của mình đối với Thiên Chúa – Đấng đã, đang và sẽ luôn gìn giữ họ trên mọi nẻo đường đời. Đặc biệt, Người luôn giữ gìn họ mỗi khi lênh đênh trên biển cả để kiếm miếng cơm manh áo nuôi gia đình.
Nhìn vào những đoàn hội với những bộ trang phục độc đáo sắc màu, tôi nhận thấy sức sống đức tin mạnh mẽ nơi đây. Mỗi đoàn hội một dáng vẻ, một sắc màu và một lối diễn tả vẻ đẹp của riêng mình. Có lẽ, hội các chị đánh cồng chiêng đem đến cho tôi nhiều cảm xúc. Với bảy loại cồng chiêng to nhỏ giống như những nốt nhạc đang bay lượn trên khuông. Các chị đã biết thổi hồn mình vào chiếc chiêng làm thành một bản hòa ca thật vui nhộn. Hội kèn nữ cũng chẳng kém phần sinh động với những cây kèn clarinet độc đáo mà cha xứ Micae và bà con giáo dân đã dày công gầy dựng. Tất cả vẻ đẹp nơi các hội đoàn nói lên tình đoàn kết sâu sắc nơi giáo xứ vùng biển này.
Hơn nữa, nhìn vào đoàn rước đông đúc của bà con giáo dân giúp tôi nhận ra lòng đạo nơi đây còn mạnh mẽ và sốt sắng. Đoàn rước cứ dần dần tiến vào nhà thờ đến chật kín cả người. Dường như ai ai cũng tìm mọi cách để len lỏi vào ngôi thánh đường xinh đẹp – nơi Thiên Chúa ngự trị, hầu được đón nhận ơn Chúa cách trọn vẹn. Bữa tiệc mừng trọng thể sẽ diễn ra vào lúc 9h30 với đông đảo người bày tiệc là quý cha trong và ngoài giáo hạt Đại Đồng. Dẫn vào Bữa tiệc, cha quản hạt Giuse hướng mọi người đến mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa, mầu nhiệm quan trọng trong đạo. Từ mầu nhiệm chính yếu này mà mầu nhiệm Thánh Thể được sinh ra.
Đặc biệt, người chế biến món ăn Lời Chúa, cha quản hạt Tứ Trùng đã chế biến nhuần nhuyễn món ăn mầu nhiệm Ba Ngôi Một Chúa cho cộng đoàn hưởng dùng. Bằng việc làm dấu Thánh giá thường ngày, cha đã khơi gợi cho cộng đoàn nhớ đến lời kinh ngắn gọn nhất mà chúng ta hằng tuyên xưng Ba Ngôi Thiên Chúa. Ngoài việc làm dấu Thánh, chúng ta còn tuyên xưng đức tin của mình vào Thiên Chúa Ba Ngôi qua lời kinh Sáng danh. Ngoài ra, việc tuyên xưng Ba Ngôi Thiên Chúa còn được diễn tả trong nhiều lời kinh mà Giáo hội đã và đang dạy chúng ta ngày nay.
Niềm vui sẽ chưa trọn nếu thiếu món ăn Thánh Thể trong Bữa tiệc hôm nay. Lúc này đây, món ăn Lời được nối kết với món ăn Mình và Máu Chúa với chất kết dính tình yêu – thứ gia vị đậm đà của món ăn. Ngoài thứ gia vị tình yêu, món ăn còn được nêm thêm những thứ gia vị đặc sắc khác nữa là những hy sinh vất vả của kiếp người để tạo thành món ăn thơm ngon trên bàn tiệc cho dân chúng hưởng dùng. Bàn tiệc đã được dọn sẵn nhờ những bàn tay khéo léo của quý cha, và chỉ chờ người dự tiệc có một tâm hồn trong sạch, một đức tin kiên vững và một lòng mến chân thành. Nhìn đoàn người đông đúc lên dự tiệc, giúp tôi nhận thấy rõ hơn lòng đạo nơi đây còn son sắt và bền vững.
Mối dây liên kết giữa đất với trời cao mỗi ngày đang không ngừng được bện chặt bằng sợi dây lương thực trường tồn – sợi dây vĩnh cửu. Họ đón nhận lấy thứ nhựa kết dính tuyệt vời này để đem nối kết mọi mối dây đang chực đứt trong đời. Họ đem nhựa tình yêu vào giữa đời để dựng xây tình đoàn kết như chính Ba Ngôi Một Chúa: Chúa Cha yêu Chúa Con tác sinh Thánh Thần, và Thần Khí chính là Tình yêu. Nhìn vào sự đoàn kết phát triển của giáo xứ hôm nay, giúp bạn và tôi nhận ra thứ nhựa tình yêu đang gắn kết cha xứ và bà con giáo dân lại với nhau. Một thứ tình yêu đậm đà như vị mặn của nước biển làm cho món ăn cuộc đời thêm thi vị. Xin chúc cha xứ và cộng đoàn giáo xứ giữ mãi được chất kết dính tuyệt vời này!
Bắc Cường