Hãy lắng nghe Thiên Chúa và lắng nghe nhau

Chủ nhật - 05/09/2021 22:21  993
Như thường lệ, vào lúc 12 giờ ngày 05 tháng 09, Chúa Nhật XXIII Mùa Thường niên năm B, ĐTC Phanxicô đã hiện diện để đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu và khách hành hương trước quảng trường Thánh Phêrô. Chúng ta cùng nhau đọc và suy niệm bài huấn dụ của ngài.
 

Anh chị em thân mến,
Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay giới thiệu Chúa Giêsu, Đấng thực hiện việc chữa lành một người vừa điếc vừa ngọng. Tường thuật gây ấn tượng bởi cách mà Chúa Giêsu thực hiện dấu lạ. “Ngài kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. Rồi, Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: Ép-pha-tha, nghĩa là hãy mở ra” (x. Mc 7,33-34). Trong những lần chữa lành khác, với những bệnh tật nghiêm trọng tương tự, chẳng hạn như bệnh bại liệt hay bệnh phong cùi, Chúa Giêsu không thực hiện nhiều cử chỉ như vậy. Tại sao bây giờ Ngài làm tất cả những điều này, mặc dù họ chỉ xin Ngài đặt tay lên người bệnh (x. c.32)? Tại sao Ngài làm những cử chỉ này? Có lẽ vì tình trạng của người đó có một giá trị biểu tượng riêng. Bị câm điếc là một căn bệnh, nhưng nó cũng là một biểu tượng. Và biểu tượng này có điều gì đó muốn nói với tất cả chúng ta. Nó nói về cái gì? Đó là về bệnh điếc. Người đàn ông bị bệnh trong câu chuyện Tin Mừng hôm nay không thể nói bởi vì anh ta không thể nghe. Thật vậy, để chữa lành nguyên nhân khiến anh ta khổ sở, trước hết Chúa Giêsu đặt ngón tay vào tai, sau đó vào miệng.

Trước tiên hãy lắng nghe, sau đó mới trả lời

Tất cả chúng ta đều có tai, nhưng nhiều khi chúng ta không thể nghe. Thật vậy, có một bệnh điếc nội tâm mà chúng ta phải cầu xin Chúa Giêsu chạm vào và chữa lành. Bệnh điếc nội tâm còn tệ hơn điếc thể lý, bởi vì đó là bệnh điếc của con tim. Vì bị cuốn theo một cách vội vàng và có quá nhiều điều phải nói và làm, chúng ta không tìm thấy thời gian để dừng lại và lắng nghe những người nói với mình. Chúng ta có nguy cơ trở nên không tiếp nhận mọi thứ và không dành không gian cho những người cần sự lắng nghe. Cha đang nghĩ đến những trẻ em, những bạn trẻ, những người cao niên và nhiều người nữa, họ không cần nhiều lời nói và bài giảng, nhưng họ cần sự lắng nghe. Chúng ta tự hỏi chính mình: Tôi đã lắng nghe như thế nào? Tôi có cho phép mình đụng chạm tới đời sống của người khác không? Tôi có dành thời gian cho những người xung quanh để lắng nghe họ không? Điều này dành cho tất cả chúng ta, nhưng đặc biệt cho các linh mục. Người linh mục phải lắng nghe dân chúng, không được bỏ đi vội vàng, hấp tấp nhưng phải lắng nghe và quan sát xem làm thế nào có thể giúp đỡ, nhưng giúp đỡ sau khi đã lắng nghe. Và tất cả chúng ta: trước hết, hãy lắng nghe, sau đó mới trả lời. Chúng ta thử nghĩ về đời sống gia đình. Biết bao nhiêu lần chúng ta nói nhưng trước đó không có sự lắng nghe, và hệ quả là chúng ta thường lặp đi lặp lại những điệp khúc giống nhau! Không có khả năng lắng nghe chúng ta thường nói mọi thứ theo thói quen, hoặc chúng ta không cho phép người khác bày tỏ chính kiến, và chúng ta ngắt lời họ. Thông thường, sự khởi đầu cuộc đối thoại trôi qua không phải từ lời nói, nhưng từ sự lắng nghe; không phải bướng bỉnh, nhưng từ việc bắt đầu lại với sự kiên nhẫn và lắng nghe người khác. Lắng nghe những khó khăn và những điều mà người khác mang bên trong mình. Sự chữa lành của con tim bắt đầu từ sự lắng nghe. Hãy lắng nghe! Và điều này giúp chữa lành con tim. Nhưng có thể có người thắc mắc: “Thưa cha, có những người nhàm chán, họ luôn nói những điều giống nhau…” Hãy lắng nghe họ! Và sau đó, khi nào họ nói xong, hãy nói lời của con, những hãy lắng nghe mọi thứ.

Hãy lắng nghe Thiên Chúa

Và điều này cũng đúng với Chúa. Chúng ta làm điều thiện để đáp ứng những đòi hỏi của Ngài, nhưng chúng ta phải lắng nghe Chúa trước. Chúa Giêsu đòi hỏi điều đó. Trong Tin Mừng, khi người ta hỏi Ngài điều răn thứ nhất là gì? Ngài trả lời: “Nghe đây, hỡi Ít-ra-en”. Sau đó Ngài thêm, điều răn thứ nhất là: “Hãy yêu mến Đức Chúa, là Thiên Chúa của ngươi hết cả tâm hồn […] và yêu người thân cận như chính mình” (Mc 12,28-31). Nhưng trên hết, “Hãy nghe đây, hỡi Ít-ra-en”. Chúng ta nhớ lại xem chúng ta đã lắng nghe Chúa chưa? Chúng ta là những Kitô hữu nhưng có lẽ, trong hàng ngàn lời chúng ta nghe mỗi ngày, chúng ta không tìm thấy một vài giây nào đó để làm vang lên trong chúng ta một vài lời của Tin Mừng. Chúa Giêsu là Lời: nếu chúng ta không dừng lại để lắng nghe Ngài, Ngài sẽ vuột qua. Thánh Âu-tinh đã từng nói: “Tôi sợ Thiên Chúa trong khi Ngài vuột qua”. Và nỗi sợ hãi là để cho lời Ngài trôi qua mà không lắng nghe. Nhưng nếu chúng ta dành thời gian cho Tin Mừng, chúng ta sẽ tìm thấy bí quyết cho sức sống tâm linh của chúng ta. Và đây là phương thuốc: mỗi ngày hãy dành một chút thời gian để thinh lặng và lắng nghe, hãy bớt đi một vài lời vô ích và thêm vào một vài Lời Chúa. Luôn luôn có Phúc Âm trong túi, nó sẽ giúp ích cho con rất nhiều. Chúng ta nghe những Lời của Chúa Giêsu nói với chúng ta hôm nay, cũng như trong ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa Tội: “Ép-pha-ta, hãy mở ra”! Hãy mở đôi tai. Lạy Chúa Giêsu, con ao ước mở lòng đón nhận lời Chúa. Lạy Chúa Giêsu, xin mở lòng con để con có thể lắng nghe Chúa. Lạy Chúa Giêsu xin chữa làm trái tim con khỏi sự khép kín, khỏi sự vội vàng và thiếu kiên nhẫn.

Nguyện xin Đức Trinh Nữ Maria, Đấng mở lòng lắng nghe Ngôi Lời đã trở nên người phàm nơi cung lòng của Mẹ, giúp chúng ta mỗi ngày biết lắng nghe Con của Mẹ trong Tin Mừng và lắng nghe anh chị em của chúng ta với một trái tim ngoan ngoãn, kiên nhẫn và chăm chú.

Tác giả: An Bình, C.Ss.R. chuyển ngữ 

TIN BÀI KHÁC


***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập315
  • Máy chủ tìm kiếm65
  • Khách viếng thăm250
  • Hôm nay50,606
  • Tháng hiện tại637,488
  • Tổng lượt truy cập70,665,245
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây