Sáng ngày 10 tháng Hai vừa qua, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến các tham dự viên Hội nghị thế giới kỳ VI của Diễn đàn các thổ dân bản địa, do Quỹ Quốc tế phát triển nông nghiệp triệu tập. Ngài đề cao sự khôn ngoan và tầm quan trọng của các thổ dân trong việc bảo vệ môi trường.
Hội nghị này đang tiến hành từ những ngày 09, 10 và 13 tháng Hai này ở Roma, về chủ đề: “Sự lãnh đạo của các thổ dân trong các vấn đề khí hậu: những giải pháp cộng đồng giúp sự phục hồi và đa dạng sinh học."
Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh cha nhận định rằng: "Diễn đàn này là một cơ hội để nhìn nhận vai trò cơ bản của các thổ dân bản xứ và làm nổi bật sự khôn ngoan của họ, trong việc tìm ra những giải pháp hoàn cầu cho những thách đố lớn lao mà sự thay đổi khí hậu gây ra cho nhân loại”.
“Rất tiếc là chúng ta đang chứng kiến cuộc khủng hoảng xã hội và môi trường chưa từng có. Nếu chúng ta thực sự muốn chăm sóc căn nhà chung của chúng ta và cải tiến trái đất chúng ta đang sống, thì điều quan trọng cơ bản là thay đổi sâu rộng lối sống, những kiểu mẫu sản xuất và tiêu thụ. Chúng ta phải lắng nghe các thổ dân nhiều hơn và học hỏi nơi hình thức sống của họ để hiểu rõ rằng chúng ta không thể tiếp tục tham lam khai thác các tài nguyên thiên nhiên, vì “trái đất được trao phó cho chúng ta để nó có thể làm mẹ chúng ta, có khả năng cung cấp cho mỗi người những gì cần thiết để sống... Vì thế, sự đóng góp của các thổ dân là điều cơ bản trong cuộc chiến chống lại sự thay đổi khí hậu”.
Đức Thánh cha nói thêm rằng: “Cố tình không biết đến các cộng đoàn bản địa trong việc bảo tồn trái đất là một sai lầm trầm trọng, nếu không nói là bất công. Đối lại, đề cao gia sản văn hóa và các kỹ năng truyền thống của họ sẽ giúp tiến bước trên những con đường cải tiến môi trường. Theo nghĩa này, thật là đáng ca ngợi công việc của Quỹ Quốc tế phát triển nông nghiệp để giúp đỡ các cộng đoàn thổ dân trong tiến trình phát triển tự lập, nhất là nhờ Quỹ trợ giúp các thổ dân bản xứ, đến độ những nỗ lực này cần phải được gia tăng và đi kèm với quyết định kiên quyết và sáng suốt để đạt tới một quá trình chuyển tiếp đúng đắn”.
(Rei 10-2-2023)