Những bài hát du dương trầm bổng đan xen giai điệu đầy khí phách hào hùng đậm chất quê hương Việt Nam thân yêu được ca vang từ môi miệng cháu con trong ngày lễ mừng các bậc tiền nhân được diễm phúc đón nhận triều thiên tử đạo vì đức tin. Một bầu khí lễ hội ngập tràn niềm vui và hy vọng mang theo niềm tự hào được thể hiện rõ qua từng khuôn mặt rạng rỡ của người tham dự trong thánh lễ được Đức Cha Francis Bestion, Giám mục giáo phận Tulle vốn là giáo phận quê hương của thánh giám mục tử đạo Phêrô Cao (1808-1838) chủ tế tại nhà nguyện Chúa Hiển Linh của Hội Thừa Sai Paris vào lúc 18h00 chiều tối ngày 24/11/2015 (giờ Paris) trước sự hiện diện của khoảng 60 linh mục đồng tế, trong đó phần lớn là linh mục sinh viên Việt Nam du học tại Paris, cùng với sự tham dự của đông đảo tu sĩ và nhiều giáo dân.
Có thể nói, cộng đoàn cử hành bí tích Thánh Thể này trong ngày toàn thể Giáo Hội hoàn vũ nói chung và Giáo Hội Việt Nam nói riêng mừng kính thánh Anrê Dũng Lạc và các bạn tử đạo thật đặc biệt : đặc biệt vì được cử hành tại trụ sở của Hội Thừa Sai Paris (MEP), nơi xuất phát của các nhà truyền giáo ra đi đem Tin Mừng đến cho đất Việt và nhiều dân tộc khác ; đặc biệt vì một bên là thế hệ hậu sinh của các nhà thừa sai tiền bối cũng như thế hệ thừa sai hiện thời và hậu duệ của các bậc cha ông trước đây được đón nhận đức tin và đổ máu đào để minh chứng lòng son sắt tôn thờ một Thiên Chúa trên hết mọi sự cùng chia sẻ một tấm bánh và cùng uống một chén trong bàn tiệc chính là Mình và Máu Đức Giêsu; đặc biệt vì sự khác biệt về ngôn ngữ, màu da và sắc tộc lại có một tiếng nói chung để chúc tụng, cảm tạ và tôn vinh Thiên Chúa, Đấng là Cha của hết mọi tín hữu ; đặc biệt vì chính sự khác biệt về văn hóa lại làm cho cách thể hiện đức tin thêm sống động, đa dạng và mang sắc thái đặc thù mà cụ thể trong thánh lễ mừng này được cử hành song ngữ cả phần hát lễ lại càng làm cho thêm trang trọng.
Được sống trong bầu khí linh thiêng ấy, bản thân người viết chợt nhận thấy ngoài kho tàng đức tin và chân lý, Kitô giáo mang lại các giá trị thật thiết thực cho nhân loại. Từ buổi bình minh của nhân loại cho đến tận khi không còn bóng dáng con người trên mặt đất này, các giá trị ấy không hề thay đổi và luôn luôn là điểm quy chiếu hướng mọi người mở lòng ra đón nhận anh em đồng loại của mình để sống trong hòa bình, yêu thương và chia sẻ. Đáng yêu thay và đáng tự hào thay, kitô hữu thuộc mọi dân nước, sắc tộc và ngôn ngữ khắp hoàn cầu được thừa hưởng gia tài quý báu này.
Trong khi đó, lịch sử cho thấy các ý thức hệ và phe phái được thiết lập càng làm cho con người xa cách và phải mất rất nhiều thời gian mới phá bỏ được bức tường ngăn cách ấy. Cũng vậy, các cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn hay xung đột vũ trang giữa hai quốc gia thù địch hủy hoại tất cả từ sinh mạng, nhà cửa, của cải vật chất đến thiên nhiên cảnh quan kéo theo sự nuôi dưỡng hận thù và lời lẽ cay nghiệt trong một thời gian dài sau đó và phải mất nhiều thời gian lắm mới có thể đi đến hòa giải hòa hợp dân tộc hay thiết lập quan hệ song phương, điển hình như quan hệ Hoa Kỳ với Cuba; hay Việt Nam với Hoa Kỳ…
Thế nên, đẹp thay, xưa kia các vị thừa sai tiền bối dám bỏ quê hương đất nước và người thân yêu để rao giảng Tin Mừng đến cho những người mà mình không hề quen biết ở tận nơi xa xăm và muốn đồng lao cộng khổ cũng như mang nơi mình niềm vui và nỗi ưu tư của những người anh em trong Đức Kitô, nhất là cùng nhau minh chứng niềm tin sắt son của mình qua việc đổ máu đào sẵn sàng mất mạng sống đời này. Càng đẹp thay cho hôm nay, ngày mai và trọn tương lai, thế hệ hậu sinh của các đấng ra đi truyền giáo và con cháu của các tiền nhân trung kiên giữ vững đức tin cứ vẫn tiếp tục cùng nhau tôn thờ và tạ ơn Thiên Chúa và cùng sống tình huynh đệ với nhau, vì chưng « Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người » (Ep 4, 5-6).
Tạ Ân Ban