Giáo phụ Irênê có tầm ảnh hưởng sâu rộng về việc bảo vệ truyền thống và viện dẫn quy luật đức tin bảo vệ Kitô giáo chống lại ảnh hưởng của các lạc giáo, cũng như quả quyết ba ngôi Thiên Chúa đều tham dự vào chương trình cứu độ. Vì thế, Thánh nhân được xem như nhà thần học quan trọng thế kỷ thứ II và “Cha đẻ của đức tin Công giáo”, một nhà hộ giáo nổi tiếng sinh tại Tiểu Á.
Vào thế kỷ thứ II, Giáo hội phải đương đầu với Ảo thân thuyết, Ngộ đạo thuyết (Cứu độ bằng con đường tri thức; Cứu độ chỉ dành cho linh hồn, thân xác tự bản tính là hư hoại; Quan niệm nhị nguyên…). Chính Irênê đã cương quyết bảo vệ đức tin của mình bằng những lập trường xác đáng dựa trên nền tảng vững chắc là Lời Chúa.
Dưới đây là một số suy tư thần học về Mầu nhiệm Thiên Chúa của Thánh Irênê: Trinitas Oeconomica. Ngài suy tư bằng cách nhìn ngắm Thiên Chúa qua các hành động của Người: tạo dựng, mạc khải, cứu độ.
1. Lịch sử cứu độ duy nhất
Thánh Irênê cho rằng: Theo sát lịch sử cứu độ là tôn trọng diễn tiến mạc khải từ tạo dựng đến cứu độ. Phải tin rằng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất được mạc khải trong Cựu ước cũng như Tân ước (khác với chủ trương của Markion: có 2 Đức Kitô một Đức Kitô Nhập Thể và một Đức Kitô vô hình).
Để chống lại chủ trương Ngộ đạo thuyết không chấp nhận Thiên Chúa mang lấy xác thân vật chất, Thánh Irênê trình đã bày Đức Kitô là trung tâm của lịch sử cứu độ. Thánh nhân phủ nhận sự đối nghịch giữa Thiên Chúa tạo hóa và Thiên Chúa cứu độ. Với ngài, Thiên Chúa tạo hóa cũng chính là Thiên Chúa cứu độ trong dòng lịc sử[1].
2. Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi trong nhiệm cục cứu độ
2.1. Ba Ngôi Thiên Chúa tạo dựng
Trong khi Ngộ đạo chủ trương vũ trụ vật chất do một mình Hóa Công mà có, thì Irênê cố gắng minh chứng chỉ có Thiên Chúa duy nhất tạo thành mọi sự nhờ Ngôi Lời. “Chúng tôi nắm giữ quy luật chân lý: Chỉ có một Thiên Chúa toàn năng, đã dựng nên mọi sự từ hư vô nhờ Ngôi Lời của Người… Chúa Cha đã làm ra tất cả mọi sự nhờ Ngài, chứ không phải nhờ các thiên thần hay các quyền năng. Thiên Chúa của vũ trụ không cần gì hết nhưng đã tạo dựng tất cả, cai quản mọi loài và làm cho muôn vật hiện hữu, nhờ Ngôi Lời và Thánh Thần của Người”[2].
Để nhấn mạnh tính duy nhất của Thiên Chúa tạo dựng, Thánh Irênê gọi Ngôi Lời và Thánh Thần là “Bàn tay của Thiên Chúa”. Cách gọi này nhắc lại hình ảnh Kinh Thánh Cựu ước: “Tay Người đã nặn và tạo nên tôi”[3]. Thánh Irênê còn quả quyết: “Thiên Chúa đã tác thành vạn vật nhờ Lời và Thần Khí: Lời và Thần Khí được ví như đôi cánh tay âu yếm nhào nặn nên con người”.
Một lần nữa Thánh Irênê nhấn mạnh: “Thiên Chúa tạo dựng là Thiên Chúa duy nhất Ba Ngôi”. Cơ cấu Ba Ngôi ấy không những được biểu lộ trong hành vi tạo dựng, mà cả trong mọi công trình khác của Thiên Chúa: “Thiên Chúa Cha luôn luôn là Đấng sáng kiến và ra lệnh, Chúa Con thi hành và Thánh Thần hoàn tất, nhờ đó con người được sinh ra, lớn lên và dần trở nên hoàn hảo”[4].
2.2. Chúa Con mạc khải Chúa Cha
Mạc khải của Ngôi Lời Thiên Chúa là một trong những nét nổi bật trong thần học của Thánh Irênê: Đức Kitô là vinh quang của Thiên Chúa Cha, là hình ảnh, là dấu in bản thể Thiên Chúa. Ai thấy Chúa Con là thấy Chúa Cha. Vì “Chúa Con đã mạc khải Chúa Cha bằng cách tự biểu lộ chính mình và trở nên thầy dạy chúng ta. Nếu ai rao giảng một Thiên Chúa vô hình, là chống lại Đức Kitô; vì Đức Kitô Chúa chúng ta là con Thiên Chúa”[5].
2.3. Thánh Thần mạc khải Chúa Con và thánh hóa nhân loại
“Thánh Thần bày tỏ Ngôi Lời; chính vì thế, các ngôn sứ báo trước Con Thiên Chúa, Đấng giải thích lời ngôn sứ, chính là Thánh Thần; Ngài dẫn dắt và nâng cao con người lên cùng Thiên Chúa”[6]. Thánh Irênê xác quyết: Thánh Thần là hồng ân Chúa Cha ban cho Chúa Con làm người và Chúa Con đổ tràn trên nhân loại. Nhờ Thánh Thần, tâm hồn chúng ta trở nên phong phú và duy nhất như bánh miến và thân thể Chúa Kitô.
3. Tương quan giữa Chúa Cha Chúa Con và Chúa Thánh Thần
3.1. Chúa Con và Chúa Cha
Thánh Irênê khẳng định Chúa Con “nhiệm sinh” bởi Chúa Cha. Ngài nhấn mạnh sự đơn nhất và siêu việt của Thiên Chúa.
“Ngôi Lời là con Thiên Chúa, là con duy nhất của Thiên Chúa, điều này không khởi sự từ việc Nhập Thể trong lòng Trinh Nữ: tư cách làm con thuộc về Ngôi Lời tiền hữu và vĩnh cửu như Ngôi Lời. Tư cách này không tách Chúa con ra khỏi Chúa Cha; Chúa Con sinh ra từ Chúa Cha và nội tại trong Chúa Cha, cũng như Chúa Cha ở trong Ngài”[7]. Chúa Con thấu hiểu được sự vô hạn của Chúa Cha, và cũng vô hạn như Chúa Cha. Chỉ có một thần tính duy nhất trong Chúa Cha và Chúa Con, được dấu kín nơi Chúa Cha và bày tỏ trong Chúa Con.
3.2. Chúa Thánh Thần
Đối với Thánh Irênê, Thánh Thần phát xuất từ Chúa Cha như Chúa Con bởi Chúa Cha, nhưng Thánh Thần không được sinh ra như Chúa Con. Thánh Irênê đồng hóa Chúa Thánh thần với sự “Khôn Ngoan” của Thiên Chúa.
Tóm lại: Trong lãnh vực mầu nhiệm Thiên Chúa, chúng ta không thể khai triển hết các khía cạnh và đề cập đến tất cả các đặc tính, ưu điểm và khuyết điểm, nhưng chỉ có thể đưa ra một số nét chính yếu. Ba ý tưởng chủ lực trong thần học của Thánh Irênê là: Duy nhất, Nhiệm cục và Thâu kết. Thánh Irênê nói: “Sở dĩ chúng ta có thể bập bẹ hay nói được đôi chút về mầu nhiệm Ba Ngôi trong nhiệm cục cứu độ là nhờ Ngài đã tỏ bày cho ta biết.”
[1] Adeversus Haer III, 9, 1. [2] Adeversus Haer I, 22, 1. [4] Adeversus Haer IV, 38, 3. [5] Adeversus Haer IV, 6, 4. [7] Adeversus Haer III, 6, 2.