Nguyên nhân đệ nhất trong Ngũ đạo
Thứ ba - 20/03/2018 05:21
3944
Quan niệm về Nguyên nhân đệ I của Aristote và của Tôma Aquinô trong Ngũ đạo
Một trong những vấn nạn lớn của con người là muốn đi tìm cho mình câu trả lời “liệu có Thiên Chúa hay không?”. Đây quả là một câu hỏi hóc búa nhưng đồng thời cũng là một câu hỏi “vạn năng” để giải quyết các vấn đề còn lại, như vũ trụ này bởi đâu? Con người bắt đầu từ đâu và đi về đâu?... Không chỉ ngày nay mà ngay từ thời cổ đại xa xưa, các nhà triết học cũng đã cố gắng đi tìm cho mình câu trả lời. Các vị đã tìm ra câu trả lời bằng cách chứng minh sự hiện hữu của Thượng Đế. Nổi bật hơn hết là Aristotle vào thời Cổ đại và thánh Tôma Aquinô vào thời Trung cổ. Trong giới hạn bài làm, người viết chỉ nêu ra sự giống nhau và khác nhau trong quan niệm về Nguyên nhân đệ nhất của Aristote với Thiên Chúa trong Ngũ đạo của thánh Tôma Aquinô.
Trước hết xét về điểm giống nhau trong quan niệm Nguyên nhân đệ nhất của Aristotle và Tôma Aquinô. Cả hai cùng cho rằng Nguyên nhân đệ nhất là nguyên nhân của mọi sự chuyển động. Đồng thời nguyên nhân đệ nhất này không bị tác động hay chuyển động bởi bất kỳ một vật nào khác[1]. Cũng theo Aristotle và Tôma Aquinô Nguyên nhân đệ nhất này luôn ở trong tình trạng hiện thế thuần túy, không có chút gì tiềm thể. Do đó Động Cơ này ban phát và truyền đạt sự hiện thể hay hiện tại của mình cho tất cả vạn vật.
Tuy nhiên, nếu phân tích một cách chặt chẽ thì Nguyên nhân đệ nhất của Aristotle và của Tôma Aquinô có sự khác biệt nhau rất lớn. Với Aristotle, Nguyên nhân đệ nhất được đặt ra vì đòi hỏi hơn là vì niềm tin tôn giáo. Nói cách khác, Aristotle hướng đến một Thiên Chúa của tư tưởng thuần túy, của một suy tư hợp lý[2] chứ không phải là Thiên Chúa nhân hậu, từ bi mà người Kitô hữu tôn thờ. Quả thật, bất cứ vật gì chuyển động đều được tác động bởi một vật khác, và chúng ta không thể lùi lại về quá khứ đến vô cùng. Bên cạnh đó, nguyên nhân đệ nhất này hoàn toàn chỉ quan tâm tới mình, vì đối với việc để ý đến tính chất tự nhiên sẽ giảm bớt tính cách yên tĩnh hoàn hảo của nó và nhận chìm nó vào dòng chảy của các tiềm năng[3]. Và theo như quan điểm của Aristotle thì Nguyên nhân đệ nhất này vẫn nằm trong chuỗi chuyển động của hữu thể. Ngoài ra, Aristotle quan niệm rằng vũ trụ đã ở tiềm thể thực thụ từ đời đời. Theo ông, chỉ có cách duy nhất để giải thích sự biến đổi từ tiềm thể sang hiện thể của muôn vật trong vũ trụ là nhìn nhận có một Động cơ đệ nhất luôn trong tình trạng hiện thế thuần túy, là nguyên lý của mọi biến dịch. Như vậy, Aristotle phủ nhận có một cuộc sáng tạo trong thời gian. Bởi chưng sáng tạo không phải là biến dịch đúng nghĩa vì trước đó không có gì hết. Sáng tạo từ hư vô. Như vậy, Nguyên nhân đệ nhất của Aristotle chỉ là nguyên lý vô thức của biến dịch và là mô thể nội tại của thế giới[4]. Nói như Etienne Gilson:
Động cơ bất động của Aristotle mặc dù là hiện thế thuần túy nhưng chỉ là hiện thế thuần túy trong trật tự tri thức chứ không phải làtrong trật tự hiện hữu vì vũ trụ của Aristotle không phải là vũ trụ được sáng tạo. Thiên Chúa của Aristotle không phải là Đấng hiện hữu nên không thể trao ban hiện hữu, thậm chí không biết mình là đấng hiện hữu[5].
Trái lại, thánh Tôma Aquinô gắn Nguyên Nhân Đệ Nhất cho một trí tuệ, một tinh thần, một ngôi vị, và đó chính là Thiên Chúa. Do đó, Nguyên Nhân Đệ Nhất này không phải là phần tử đầu tiên và Nguyên Nhân Đệ Nhất đó cũng không nằm trong một chuỗi dài các nguyên nhân. Với thánh Tôma, người ta không thể nói tới một tiềm thể thực sự trước công trình sáng tạo. Bởi vì, trước công cuộc sáng tạo không một điều gì có thể ở trong tình trạng tiềm thể nhưng là ở trong tình trạng hư vô. Như vậy, nơi thánh Tôma Nguyên Nhân Đệ Nhất không những có quyền năng để tác động đưa vạn vật từ tiềm thể sang hiện thể, nhưng còn trao tặng hữu thể và hiện hữu cho toàn thể vạn vật[6]. Cũng từ đó chúng ta thấy được rằng Nguyên Nhân Đệ Nhất, tức Thiên Chúa, trong quan niệm của thánh Tôma là một Đấng của tình yêu. Ngài ban sự hiện hữu cho vũ trụ không cần phải phát sinh ra mà bằng một động thái tự do là tình yêu riêng của Ngài[7].
Antôn Hoàng Văn Phúc, OP
[1] Giuse Nguyễn Hữu Nghị O.P, Thánh Tôma bàn về sáng tạo, sự dữ & nguyên nhân đệ nhất, TTHV Đa Minh, tr. 350. [2] Giuse Nguyễn Hữu Nghị O.P, Thánh Tôma bàn về sáng tạo, sự dữ & nguyên nhân đệ nhất, TTHV Đa Minh, tr. 374. [3] Richard Tarnas, nd. Lưu Văn Hy, Quá trình chuyển biến tư tưởng Phương Tây (TPHCM: Thông Tin, 2008), tr. 61. [4] JB Nguyễn Đăng Trực O.P, Lý học về Thượng Đế, TTHV Đa Minh, tr. 131 [5] Giuse Nguyễn Hữu Nghị O.P, Thánh Tôma bàn về sáng tạo, sự dữ & nguyên nhân đệ nhất, TTHV Đa Minh, tr. 375 [7] Richard Tarnas, nd. Lưu Văn Hy, Quá trình chuyển biến tư tưởng Phương Tây (TPHCM: Thông Tin, 2008), tr. 172.