Thứ Tư tuần V TN
Mc 7,14 – 23
Ca dao tục ngữ Việt có câu: “Miệng nam mô, bụng bồ dao găm” để chỉ những người giả dối, ngoài miệng thì nói cười vui vẻ, tỏ ra từ bi, nhân nghĩa, đạo đức... nhưng bên trong lại đầy những mưu toan xấu xa, nham hiểm và ác độc.
Quả thực, câu tục ngữ trên càng có giá trị trong thời đại “thật giả lẫn lộn” như ngày hôm nay, thời đại mà con người với con người coi nhau như những món hàng để trao đổi; thời đại mà mạng sống con người được định giá, được coi ngang hàng với những đồ vật. Người ta có thể vì lợi ích của bản thân mà bán rẻ tình người cũng như nhân phẩm của chính mình và người khác. Chính con người làm vấy bẩn nhân phẩm của họ và lệch lạc giá trị của cuộc sống.
Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy đâu mới là “sạch” và đâu mới là “bẩn” đích thực. Trong hoàn cảnh các Môn đệ bị những người Biệt phái và Pharisêu trách móc khi không rửa tay trước khi ăn, Đức Giêsu đã cho họ biết rằng: “Không có gì bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho họ ra ô uế; chỉ có những gì từ bên trong con người ta xuất ra, chính những cái đó mới làm cho con người ra ô uế”. Từ sự so sánh và làm rõ vấn đề sạch bẩn trong ăn uống, Chúa Giêsu muốn cho những người nghe Ngài giảng dạy hiểu rằng, chính những ý tưởng xấu xa của con người, và rồi từ đó đi ra những hành động xấu xa của họ mới là những điều ô uế, nhơ bẩn và làm cho con người sa lầy vào tội lỗi. Cũng từ đó, Chúa muốn chúng ta nhận ra sự sạch sẽ đích thực không hệ tại ở đồ ăn, thức uống, không hệ tại nơi thân xác con người, nhưng là chính tâm hồn mỗi người.
Trong cuộc sống ngày hôm nay, chúng ta chứng kiến biết bao những hoàn cảnh trái ngược nhau đáng để suy ngẫm. Đó có thể là một người già cả nghèo nàn nhưng biết giúp đỡ, chăm sóc người khác. Đó có thể là những em bé mồ côi được người khác “bố thí”, nhưng em đã không dùng nó cho riêng mình mà đem chia sẻ những thứ đó cho người khác, dù không là bao nhiêu. Bên cạnh đó, có biết bao con người nhìn “sạch sẽ” nhưng lại lướt qua những mảnh đời bất hạnh đang cần đến sự giúp đỡ, biết bao người “có điều kiện” nhưng chỉ biết ki cóp cho riêng mình mà ngại chia sẻ với người khác. Như vậy, chỉ qua một vài trường hợp, chúng ta có thể nhận ra giá trị đích thực của cuộc sống, của con người chính là nhận ra và tôn trọng phẩm giá đích thực của mình cũng như của những người xung quanh, biết chia sẻ và cảm thông với họ.
Chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta: “Từ bên trong, từ tâm trí người ta xuất phát những tư tưởng xấu, ngoại tình, dâm ô, giết người, trộm cắp, tham lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn, ghanh tị, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng. Tất cả những sự xấu đó đều ở trong mà ra, và làm cho con người ta ra ô uế”. Xin Chúa cho mỗi chúng ta biết nhận ra giá trị tốt đích thực của cuộc sống này. Từ đó, biết giữ cho mình một tâm hồn đơn sơ, trong trắng để thoát khỏi những ghen ghét, hận thù đang làm dơ bẩn cuộc đời chúng ta.