Thứ Hai tuần IV, Phục Sinh (Ga 10, 1-10)
George Smith kể lại một lần đi du lịch ở Đông phương. “Bấy giờ ông cùng đi với một người chăn chiên. Thấy một chiếc chuồng ông liền hỏi người chăn chiên. Đó có phải là chuồng chiên không ? Người ấy đáp : Dạ, phải. Rồi Geoge nói : Tôi thấy chỉ có một lối đi vào. Giơ tay chỉ khoảng trống ở hàng rào, người ấy đáp. Vâng, ở đàng kia là cái cửa. Ông Geoge rất ngạc nhiên bảo: Nhưng ở đó đâu có cửa ? Người chăn chiên đáp : Dạ, tôi là cửa. Geoge chợt nhớ câu truyện trong Tin Mừng Gio-an nên nói với người chăn chiên : Anh muốn nói gì khi bảo chính anh là cái cửa ? Người chăn chiên giải thích, chiên vào chuồng xong, tôi đến nằm ngay ngưỡng cửa, và sẽ không có con chiên nào có thể đi ra hoặc con chó sói nào có thể đi vào chuồng nếu không nhảy qua người tôi” (nguồn Internet).
Phần lớn dân Do-thái thời Chúa Giê-su sinh sống bằng nghề trồng nho, chăn cừu, đánh cá, làm thợ thủ công nên với họ hình ảnh chuồng chiên hay cửa chuồng chiên không có gì xa lạ. Tuy nhiên đoạn Tin mừng theo thánh Gioan 10, 1-10 hôm nay không thuần túy nói về người chăn chiên hay cửa chuồng chiên, nhưng hai hình ảnh này mang nghĩa tượng trưng cho Giáo hội và Nước Trời nhiều hơn. Chúa Giê-su tự ví mình là cửa chuồng chiên : “Tôi là cửa cho chiên ra vào”. Nhiệm vụ của cánh cửa là bảo đảm an toàn cho người và vật bên trong. Cũng vậy vai trò của mục tử là chăn dắt, đưa chiên đến những đồng cỏ xanh tốt hay nơi có dòng nước trong lành. Như vậy cửa chuồng chiên hay mục tử đều nói lên sự bảo vệ, yêu thương và chăm sóc. Điều này hoàn toàn đúng khi khoác lên mục tử Giê-su. Dưới sự săn sóc của Ngài những chiên con trong đàn được an toàn và sống khỏe mạnh : “Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 10).
Hình ảnh cánh cửa còn mang tính biểu tượng cho Hội thánh trần thế. Giống như câu chuyện trưng dẫn trên, người chăn chiên cho biết mỗi chuồng chiên chỉ có một lối ra vào. Giáo hội do Chúa Giê-su thiết lập là cửa duy nhất để tín hữu vào được Nước Trời. Và ai đường đường chính chính ra vào lối ấy mới là người chăn chiên tốt từng được Cựu ước nói tới : “Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta... Con nào đi lạc, Ta sẽ tìm về ; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó ; con nào bệnh tật Ta sẽ làm cho mạnh ; con nào béo mập, con nào khỏe mạnh, Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng” (Ed 34, 15-16). Như vậy Kinh thánh Cựu và Tân ước đều nhấn mạnh đến vai trò của mục tử tốt lành.
Chúa Giê-su chính là mục tử đích thực. Ngài khác với các lãnh đạo Do thái thời bấy giờ. Chúa Giê-su gọi họ là : “Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy” (Ga 10, 10). Họ giả hình, giả bộ mang những tua áo thật dài, đeo hộp kinh thật lớn, nhưng lại nuốt hết tài sản của những bà góa nghèo (x. Mc 13, 38-40). Đức Giê-su đã cho thấy thực chất họ chỉ là những mục đồng làm thuê vô trách nhiệm. Thay vì chỉ đường cho người ta tìm đến sự sống, giúp chiên sinh sôi nảy nở, được sống hạnh phúc, các mục tử giả danh này lại khiến bầy chiên phải khốn đốn hơn. Họ là những kẻ dẫn đường mù quáng đáng bị lên án (x. Mt 23,16).
Lạy Chúa, trong Giáo hội mọi Ki-tô hữu được mời gọi chia sẻ sứ mạng mục tử, chăn dắt, hướng dẫn người khác đi theo chính lộ. Thế giới hiện nay càng cần hơn những mục tử đích thực dám dấn thân vì con chiên, vì Nước Trời. Xin cho các tín hữu, kẻ ít người nhiều biết tích cực cộng tác cùng Hội thánh vun trồng ơn thiên triệu, để ngày càng có nhiều linh mục và tu sĩ thánh thiện hăng say dấn thân vì lý tưởng truyền giáo. Amen!
Nt. Scholastica Vũ Hiền, Nhóm Suy niệm BC