Lễ các Thánh
Kh 7,2-4.9-14; 1Ga 3,1-3; Mt 5,1-12
Trong năm Phụng Vụ, Giáo Hội cử hành rất nhiều lễ kính và lễ nhớ các thánh, đặc biệt hằng năm cứ vào ngày 01/11, toàn thể Giáo Hội lại long trọng cử hành thánh lễ tôn vinh các thánh nam nữ trên trời. Ngày ấy dường như các tín hữu dù ở gần hay đi xa đều cố gắng qui tụ lại trong các nhà thờ để tham dự thánh lễ một cách rất sốt sắng. Thậm chí nhiều nơi còn tổ chức ăn mừng một cách tưng bừng trong ngày trọng đại này. Quan sát điều ấy, hẳn chúng ta không khỏi thắc mắc: tại sao hằng năm Giáo Hội lại dành một ngày đặc biệt, ngày 01/11 để cử hành trọng thể Thánh lễ các thánh nam nữ trên trời như vậy?
Hằng năm Giáo Hội long trọng cử hành Thánh lễ các thánh nam nữ trên trời vào ngày 01/11 trước hết vì Giáo Hội muốn tha thiết tạ ơn Thiên Chúa. Giáo Hội tạ ơn Thiên Chúa cách đặc biệt vì Ngài đã ban cho Giáo Hội muôn vàn những vị thánh, ở mọi nơi, mọi giới và mọi cấp bậc khác nhau “140000 người thuộc mọi chi tộc con cái Israel, một đoàn người đông đảo không tài nào đếm nổi, thuộc mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ.” Chính các thánh là những người làm nên vẻ đẹp tuyệt vời và phong phú của Giáo Hội, vẻ đẹp thánh thiện vì tất cả các ngài “đã trải qua thử thách lớn lao, đã giặt sạch áo mình trong máu Con Chiên.” Các ngài thật xứng đáng “đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành thiên tuế, lớn tiếng tung hô: Chính Thiên Chúa chúng ta, đang ngự trên ngai, và chính Con Chiên đã cứu độ chúng ta.” Không những thế, các vị còn xứng đáng cất tiếng tung hô, ngợi khen Thiên Chúa “Amen! Kính dâng Thiên Chúa lời chúc tụng, vinh quang, sự khôn ngoan và tạ ơn, danh dự, uy quyền và sức mạnh đến muôn thuở muôn đời. Amen!”
Thứ đến, Giáo Hội muốn mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng nhân đức của các thánh mà noi gương bắt chước trong cuộc sống thường ngày. Quả thật, chẳng có vị thánh nào lại không sống các giá trị hay các chuẩn mực của Tin Mừng. Nói cách khác, tất cả các ngài đã hoàn tất hành trình ơn gọi làm người, làm con Chúa, làm môn đệ của Đức Giêsu trong việc tìm kiếm hạnh phúc đích thực cho cuộc đời. Đó là hạnh phúc vĩnh cửu, thứ hạnh phúc không đến từ con người, nhưng đến từ Thiên Chúa, một thứ hạnh phúc có “Nước Trời là của các mình, được đất hứa làm gia nghiệp, được Thiên Chúa ủi an, được Thiên Chúa cho thỏa chí toại lòng, được Thiên Chúa xót thương, được nhìn thấy Thiên Chúa, được có Nước Trời là của mình, được phần thưởng thật lớn lao trên trời.” Muốn có được thứ hạnh phúc vĩnh cửu tuyệt vời ấy, thì chính các ngài đã có một tâm hồn “nghèo khó, hiền lành, sầu khổ, khao khát nên công chính, xót thương người, tâm hồn thanh khiết, nỗ lực xây dựng hòa bình, chấp nhận bị bách hại, bị sỉ vả, vu khống đủ điều xấu xa.”
Chúng ta có thể đơn cử ra đây vài ba vị thánh để thấy được các ngài đã sống các giá trị Tin Mừng, các đòi hỏi của Tám Mối Phúc Thật ra sao. Ví dụ: thánh Phanxicô Assisi đã sống triệt để sự nghèo khó của Tin Mừng, thánh Louis Gonzaga đã sống hết mình sống đức khiết tịnh, thánh Phanxicô Xavier đã nỗ lực rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại, các thánh tử đạo chấp nhận chịu xỉ nhục, bắt bớ, bách hại vì đức tin,…
Cuối cùng là Giáo Hội muốn dạy chúng ta về mầu nhiệm các thánh cùng thông công qua việc mời gọi chúng ta chạy đến với các thánh để các ngài cầu thay nguyện giúp, gìn giữ và chở che chúng ta trước những khó khăn, thử thách, và hiểm nguy trong cuộc đời lữ hành trần thế. Mầu nhiệm hiệp thông trong Giáo Hội hay mầu nhiệm các thánh cùng thông công đã được tuyên xưng trong kinh Tin Kính “Tôi tin có Hội Thánh hằng có ở khắp thế này, các thánh thông công…” Tuyên xưng như vậy là thừa nhận Giáo Hội của Chúa Kitô không chỉ có các thành phần đang lữ hành trần thế mà còn có những thành phần khác đã khải hoàn. Các thành phần lữ hành và khải hoàn có sự hiệp thông liên kết chặt chẽ với nhau, hỗ trợ nhau thực hiện lý tưởng của ơn gọi hay sứ mạng được trao phó. Các thành phần lữ hành bắt chước các nhân đức của các thành phần khải hoàn, và các thành phần khải hoàn chuyển cầu, gìn giữ các thành phần lữ hành, giúp họ đạt tới cùng đích của cuộc đời là hạnh phúc Nước Trời, làm vinh danh Thiên Chúa và ơn cứu độ con người.
Mỗi năm Giáo Hội long trọng tôn vinh các thánh nam nữ trên trời vì muốn các tín hữu tạ ơn Thiên Chúa, chiêm ngắm đời sống thánh thiện của các ngài mà bắt chước, và dạy cho chúng ta bài học cụ thể về mầu nhiệm các thánh cùng thông công. Từ đó, Giáo Hội thôi thúc chúng ta lý tưởng, sự khát khao nên thánh. Hằng năm chúng ta đều có dịp mừng kính trọng thể các thánh nam nữ, nhưng thử hỏi chúng ta đã đáp lai lời mời gọi của Giáo Hội ra sao, đã cố gắng thực thi điều Giáo Hội mong mỏi thế nào? Nguyện xin Chúa qua lời chuyển cầu của các thánh cho mọi tín hữu được khao khát nên thánh và nỗ lực nên thánh bằng việc sống các giá trị của Tin Mừng, nhất là các Mối Phúc Thật được Lời Chúa hôm nay giới thiệu. Amen.