Thứ Bảy tuần IV Mùa Chay
Ga 7,40-53
Việc gặp gỡ Chúa Giêsu luôn mang lại những thách đố, đặc biệt là trong việc chọn lựa để ủng hộ hay chống lại Ngài. Chúa Giêsu không chấp nhận sự trung lập: hoặc ủng hộ hoặc chống đối; hoặc qui tụ hoặc phân tán, chứ không thể có thái độ nửa vời nước đôi.
Từ khi Chúa Giêsu còn là một Hài Nhi, cụ già Simêon đã loan báo cho Đức Maria: “Con trẻ này là duyên cớ cho nhiều người phải vấp ngã hay được chỗi dậy”. Thánh Gioan ít nhất đã hai lần đề cập đến sự chia rẽ quan điểm giữa dân chúng về Chúa Giêsu (x. Ga 7, 43; 10, 19). Thái độ của chúng ta có lẽ cũng giống như của những người Do Thái trong Tin Mừng hôm nay: người thì xem Ngài như một tiên tri, kẻ nhận Ngài là Chúa Kitô, đa số thì dựa vào những hiểu biết trong Kinh Thánh để lý giải về nguồn gốc xuất thân của Ngài.
Mỗi Kitô hữu chúng ta khi phải trả lời cho câu hỏi của Chúa Giêsu: “Phần các con, các con bảo Ta là ai?”. Cũng như Phêrô khi đại diện cho các tông đồ, chúng ta sẽ trả lời: “Thầy là Con Thiên Chúa hằng sống”. Nhưng trong thực tế, thái độ sống của chúng ta có lẽ còn tương phản với lời tuyên xưng ấy. Sự hiểu biết mà Chúa Giêsu muốn chúng ta có về Ngài không phải chỉ dựa trên trên lý thuyết hoặc chỉ là lời tuyên xưng trên môi miệng, nhưng là sự dấn thân theo Ngài trên con đường thập giá. Vì thế, liền sau khi Phêrô tuyên xưng Ngài là Con Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã loan báo về cuộc tử nạn của Ngài và đưa ra một mệnh lệnh: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác Thập giá và đi theo Ta”.
Quả thật, danh hiệu Kitô gắn liền với Thập giá. Không thể tuyên xưng Chúa Kitô mà lại chối bỏ Thập giá của Ngài, không thể tự cho rằng mình biết Chúa Kitô mà không liên kết với Ngài trong cuộc tử nạn. Biết theo nghĩa Kinh Thánh là một sự kết hợp thâm sâu, do đó phải là một cam kết dấn thân theo Ngài. Biết Đức Kitô chính là nên một với Ngài trong mầu nhiệm tử nạn, như thánh Phaolô diễn tả: “Phần tôi, tôi chỉ biết có một Đức Kitô chịu đóng đinh”. Biết Đức Kitô chịu đóng đinh chính là bổ túc nơi mình những gì còn thiếu trong cuộc tử nạn của Ngài, nghĩa là đón nhận cuộc sống khổ đau từng ngày để hiệp thông vào cuộc tử nạn của Ngài.
Mùa chay là mùa của thanh luyện, chúng ta được mời gọi để sống một cách ý thức hơn bản chất đích thực của người kitô hữu, đó là để cho Đức Kitô chiếm hữu và sống bằng chính sức sống của Ngài. Điều đó cũng có nghĩa là người Kitô hữu không chỉ mang danh hiệu của Đức Kitô, mà phải là một cuộc sống kết hiệp với Ngài, với những cố gắng không ngừng của sự từ bỏ, để sống quảng đại, yêu thương và phó thác nơi Ngài.
Lạy Chúa, xin giúp mỗi người chúng con ngày càng xác tín như thánh Phaolô: “Chúa đã yêu tôi và phó mình vì tôi”. Amen.