TUẦN 8
Is 49,14-15; 1 Cr 4,1-5; Mt 6,24-34
Trong thời Cựu Ước, nhiều lần Israel phải lầm than khốn khổ, chịu cảnh nô lệ áp bức, bị lưu đầy trên khắp các dân, lắm khi nước mất nhà tan. Phải sống với những hoàn cảnh bi thương ấy, Israel có cảm tưởng bị Thiên Chúa lãng quên, hắt hủi, ghét bỏ và chà đạp thay vì yêu thương chăm lo giữ gìn “Đức Chúa đã bỏ rơi tôi, Chúa Thượng tôi đã quên tôi rồi.” Có thật Thiên Chúa đã bỏ rơi, đã quên lãng Israel? Không, Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi Israel, trái lại luôn yêu thương, chăm sóc và giữ gìn. Qua miệng ngôn sứ Isaia, Thiên Chúa bộc lộ tình thương “Có người phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ”.
Vâng! Thiên Chúa không quên Israel bao giờ, trái lại luôn yêu thương bao bọc, vậy tại sao Israel nhiều lần phải vất vả đi trong lầm than khốn khổ để họ có cảm tưởng bị bỏ rơi? Thưa, Thiên Chúa để cho họ nhiều phen đi trong lầm than vì muốn họ trước hết hãy nhận ra sự cần thiết của Người trong lịch sử của dân tộc nói chung và trong từng cuộc đời nói riêng. Nếu họ gắn bó với Người, can đảm và thẳng thắn đi theo đường lối của Người, thì kết quả họ nhận được là sung sướng, bình an và thịnh vượng. Ngược lại, nếu họ loại Thiên Chúa ra ngoài, tự ý đi con đường của riêng mình, thì kết quả là lầm than khổ ải. Câu chuyện rắn lửa bò ra cắn chết nhiều người và liệu pháp chữa trị hữu hiệu là nhìn lên rắn đồng để được sống đã chứng minh điều đó.
Tiếp đến, Người để họ chịu cảnh cơ cực khốn nạn bởi vì Người muốn họ nhận ra lỗi lầm của họ cũng như hậu quả ghê tởm của tội gây ra trong mối liên hệ với Người. Tội là quay lưng lại với Thiên Chúa, đi theo lối khác thay vì lối đi Thiên Chúa đã vạch sẵn, là phản bội tình yêu thương của Người. Hậu quả quả tội bao giờ cũng là mất niềm vui và phúc lành của chính Thiên Chúa. Cụ thể là Israel phải chịu cảnh thiếu thốn, tai ương, hoạn nạn, nước mất nhà tan, dân phải tản mát lưu đày trên khắp các nẻo đường của thế giới. Tội lớn nhất của Israel là hay chạy theo các vị thần của dân ngoại, nghi ngờ Thiên Chúa có khả năng giải phóng cũng có khả năng che chở bảo vệ an toàn trước mọi kẻ thù, thờ bò vàng thay vì phải chờ đợi mệnh lệnh từ Thiên Chúa qua Môsê.
Cuối cùng, Thiên Chúa dùng đau khổ để thanh luyện, để giáo dục, để nhắc nhở Israel trở lại với nẻo ngay, quay về với đường chính mà Thiên Chúa đã trao cho ngay từ thuở ban đầu, thuở Israel còn ngơ ngác giữa các dân tộc. Nhìn lại các biến cố trong lịch sử Israel, chúng ta hiểu rõ điều đó. Để Israel chịu cảnh nô lệ bên Ai Cập, Thiên Chúa muốn họ ý thức rằng họ cần được giải thoát hầu có một cuộc sống của người tự do và không ai có thể cứu thoát họ ngoài một mình Người. Để họ đi trong sa mạc khô cháy không nước uống, không bánh ăn, không thịt bồi dưỡng hầu cho họ nhận ra bàn tay quyền năng của Người qua việc ban cho họ nước uống chảy tràn từ tảng đá, chim cút đến rợp trời và manna từ trời rơi xuống vào mỗi buổi sáng.
Tình thương và sự quan phòng của Thiên Chúa đối với Israel cũng là tình thương và sự quan phòng của Người đối với toàn thể chúng ta. Chúa yêu thương và quan phòng chúng ta còn nhiều hơn bội phần so với sự yêu thương và quan phòng Người dành cho chim trời, cá biển và hoa cỏ ngoài đồng. Nếu chim trời và cá biển không gieo, không vãi, không tích trữ vào kho lẫm mà vẫn được nuôi dưỡng no đủ thì huống chi con người được tạo nên giống hình ảnh của Thiên Chúa? Nếu hoa huệ ngoài đồng không làm lụng, không kéo sợi, nay còn mai quẳng vào lò mà còn đẹp hơn lụa là gấm vóc của vua Salomon mặc, thì huống chi con người được quí giá hơn chúng gấp bội phần, thì lẽ nào chúng ta lại không được Người lo liệu cho chu đáo hơn nhiều?
Do đó, điều quan trọng nhất của người kitô hữu không phải là tìm kiếm cơm ăn, áo mặc, chỗ ở, địa vị như dân ngoại vẫn làm, nhưng là tìm kiếm Thiên Chúa và sự công chính của Người. Đây mới là mục đích và lý tưởng cuối cùng của cuộc đời mỗi người tín hữu vì khi ta tìm kiếm Thiên Chúa và sự công chính của Người là ta đang tìm cho mình một kho tàng vô giá không gì có thể hủy diệt và đánh đổi được. Vậy là người ki tô hữu, chúng ta hãy tìm kiếm điều quan trọng và quí giá nhất ấy, còn lại mọi thứ hãy để cho tình thương và sự quan phòng của Thiên Chúa lo liệu “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn tất cả những thứ kia Người sẽ thêm cho.” Chẳng lẽ Thiên Chúa là cha nhân hậu yêu thương và đầy quyền năng lại không biết chúng ta cần gì sao?
Mẹ Têrêxa Calcutta đã hoàn toàn tin tưởng và phó thác cuộc đời cho sự quan phòng của Thiên Chúa trong việc sống ơn gọi của mẹ là xoa dịu cơn khát tình yêu và cơn khát các linh hồn của Chúa Giêsu. Mẹ đã thành công đưa được rất nhiều linh hồn về cho Chúa Giêsu, linh hồn những người nghèo nhất, đau khổ nhất, bị bỏ rơi nhiều nhất và cuối cùng là phần rỗi của mẹ cũng được bảo đảm.
Tình thương và sự quan phòng của Thiên Chúa luôn bao phủ cuộc đời từng người. Mỗi có nhận ra điều đó để rồi luôn có quyết định đúng đắn là phụng thờ một mình Người hay không? Chúa Giêsu dạy rằng không được phép làm tôi hai chủ vì sẽ hoặc ghét chủ này hay mến chủ kia, trái lại phải phụng thờ một mình Người qua việc tìm kiếm Người và sự công chính của Người. Ngài còn bảo hãy đặt mọi nhu cầu thường ngày như cơm ăn, áo mặc, thức uống, chỗ ở cho tình thương và sự quan phòng của Thiên Chúa vì Người biết rõ ta cần gì. Nguyện xin Chúa cho tất cả các tín hữu luôn biết tin tưởng phó thác cuộc đời cho tình thương quan phòng của Người, đồng thời cho họ luôn can đảm tìm kiếm Thiên Chúa và sự công chính của Người trên hết mọi sự. Amen.