Phải hiểu thế nào về khái niệm "lên trời"?

Chủ nhật - 16/05/2021 05:14  1666
004 jesus ascensionCũng vào khoảng bằng rầy tháng 05 năm 2012, nhiều người Việt Nam theo dõi cuộc phóng thành công vệ tinh Vinasat 2 lên không gian như một cách để ‘thể hiện chủ quyền của Việt Nam trên không gian’. Sự kiện này gợi lên cho tôi những suy nghĩ về lễ Chúa lên trời hôm nay.

Việc Chúa Giêsu “lên trời” được hiểu theo nghĩa nào? Có phải Chúa cũng lên trời theo kiểu của vệ tinh Vinasat 2 hay không? Có phải một “tên lửa” đã đưa Chúa rời khỏi bệ phóng tại Bêtania bay vào không gian trước mắt các môn đệ, rồi khi đã tới thiên đàng, từ trong tên lửa Chúa được đẩy ra và nhẹ nhàng đặt chân lên ngưỡng cửa thiên quốc giữa tiếng nhạc hùng tráng của đội kèn đồng Seraphim và trong tiếng vỗ tay chúc tụng của muôn ngàn triều thần thánh trên trời?

Chắc chắn không phải như thế. Đây chỉ là một kiểu nói để diễn tả việc Chúa Giêsu Phục Sinh được Chúa Cha tôn vinh. Nói cách khác, sau khi đã hoàn tất sứ vụ được Chúa Cha trao phó, giờ đây Chúa Giêsu đi vào vinh quang với Chúa Cha trong tư cách là người chiến thắng, là Đấng khải hoàn. Như thế, mừng mầu nhiệm Chúa lên trời là chúng ta hiệp cùng toàn thể triều thần thiên quốc tôn vinh Chúa Giêsu, Đấng chiến thắng đang đi vào vinh quang bất diệt với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.

Nhưng nếu như Chúa đã lên trời để hưởng vinh quang với Chúa Cha, thì tại sao bài Tin mừng hôm nay lại kết thúc bằng câu: “Các ông đi rao giảng khắp mọi nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông.” Nếu Chúa đã lên trời rồi, thì tại sao bản văn lại còn nói: “Chúa cùng hoạt động với các ông?” Như vậy, Chúa có lên trời thật không?

Như đã nói ở trên, mừng lễ Chúa lên trời chính là chúng ta mừng kính việc Chúa được tôn vinh, được đi vào vinh quang bất diệt với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, nhưng không phải vì thế mà Chúa bỏ các tông đồ mồ côi một mình ở trần gian. Ngài vẫn đang đồng hành để cùng hoạt động, cùng rao giảng với các tông đồ trên các nẻo đường truyền giáo.

Như thế, biến cố Chúa lên trời không nhằm khẳng định rằng: từ nay Chúa không còn ở với chúng ta nữa, nhưng Chúa thay đổi cách thức hiện diện: từ hữu hình sang vô hình, từ khả giác sang thiêng liêng. Nghĩa là từ sau biến cố này, Chúa vẫn còn đó với các môn đệ, nhưng các ông không còn có thể thấy Chúa bằng con mắt xác thịt nữa, mà chỉ bằng con mắt đức tin. Chính niềm tin giúp các tông đồ nhận ra rằng: Chúa không đi đâu cả, Ngài vẫn còn đó, ở thật gần, thật sâu trong tâm hồn cũng như cuộc đời của các ông. Vấn đề còn lại là liệu mỗi môn đệ có nhận ra được sự hiện diện vô hình của Chúa Giêsu trong cuộc đời của mình hay không. Trong hành trình kiếm tìm Chúa, Thánh Augustinô đã kinh nghiệm nói: “Lạy Chúa, con đi tìm Ngài khắp nơi ở bên ngoài con nhưng không gặp. Đang khi Ngài lại âm thầm và thinh lặng hiện diện trong cõi sâu thẳm nhất của tâm hồn để chờ đợi con, nhưng con lại không tìm Ngài ở đó.” Nhưng làm sao có thể tìm thấy và nhận ra sự diện của Chúa trong nơi sâu thẳm của tâm hồn được? Chỉ có một bầu khí bên ngoài tĩnh lặng cộng với sự tĩnh lặng hoàn toàn của tâm hồn, người môn đệ mới có thể gặp được Chúa trong cuộc đời.

Giữa cuộc sống ồn ào và tất bật của thời đại kinh tế thị trường, những giây phút cầu nguyện với Chúa mỗi ngày tuy vắn vỏi nhưng lại thực sự cần thiết vì nó giúp chúng ta ý thức và nhận ra Chúa đang ở và đồng hành với mình. Điều đó không chỉ cho chúng ta niềm vui và sự bình an, nhưng còn cần thiết cho chính sứ mạng làm chứng cho Chúa của chúng ta. Nếu chúng ta không có kinh nghiệm gặp gỡ Chúa trong mỗi nhịp thở của mình, làm sao chúng ta có thể thông truyền kinh nghiệm đó cho người khác. Nếu có thì những gì chúng ta rao giảng chỉ là giáo lý khô khan và cứng ngắc không thể thuyết phục được lòng người. Điều con người ngày hôm nay cần không phải là lời giảng hùng hồn mà là một chứng tá sống động đến từ chính kinh nghiệm gặp gỡ Chúa của chúng ta...

Mừng lễ Chúa lên trời hôm nay, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm Đức Giê-su được tôn phong tới tột đỉnh vinh quang, nhưng vẫn hiện diện với mỗi người. Phần chúng ta, mỗi ngày sống phải là một cơ hội để chúng ta nhận ra sự diện của Chúa trong và khởi đi từ kinh nghiệm sống động đó, chúng ta sẽ hăng say rao giảng và làm chứng về Chúa cho người khác bằng chính niềm xác tín vào Đấng Phục Sinh đang hiện diện và hoạt động trong cuộc đời của mỗi chúng ta. Amen!

Tác giả: Lm. Giuse Phạm Văn Quang

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập56
  • Máy chủ tìm kiếm25
  • Khách viếng thăm31
  • Hôm nay36,059
  • Tháng hiện tại1,047,703
  • Tổng lượt truy cập79,051,154
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây