Tuần I Mùa Vọng năm A
Is 2,1-5; Rm 13,11-14a; Mt 24,37-44
Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta vẫn nghe những lời than phiền của những người làm ăn “Khờ quá, tôi đã bị lừa mất hết tiền bạc; tôi lại làm ăn thua lỗ rồi; anh đầu tư không đúng lúc đúng nơi, lỗ là cái chắc….” Chúng ta cũng nghe các học sinh, sinh viên nói chuyện với nhau “Tại sao tao dại thế, làm bài lộn rồi, chắc rớt quá? Tại sao tao lại cư xử như vậy? Thằng này con kia khùng quá trời luôn? Tôi lại mắc lỗi lầm nữa rồi.…” Tại sao chúng ta lại thường gặp những thất bại trong làm ăn, trong học hành thi cử, trong cư xử với tha nhân và trong đời sống tâm linh như vậy? Có thể nhiều người sẽ cho rằng chúng ta thất bại vì không may mắn, không gặp thời, không nhạy cảm trước nhu cầu của người khác, không đáp ứng kịp thời sự chờ đợi của người chung quanh…. Tôi nghĩ đó có thể là một lý do, nhưng lý do quan trọng hơn cả là không tỉnh thức và sẵn sàng.
Quả vậy, vì thiếu tỉnh thức nên nhà kinh doanh đã không đầu tư vốn liếng và công sức đúng lúc, đúng chỗ và đúng loại hàng hóa mà xã hội cần; vì thiếu tỉnh thức mà các học sinh, sinh viên không đủ sáng suốt làm bài thật tốt; vì thiếu tỉnh thức mà người ta cư xử vụng về với bạn bè và người thân; vì thiếu tỉnh thức mà người ta không nhận ra nhu cầu thiết yếu của người xung quanh; vì thiếu tỉnh thức mà chúng ta không nhận ra đâu là điều đúng, điều tốt phải làm và đâu là điều sai trái chẳng những không được phép làm nhưng phải tránh bằng mọi giá. Nếu chúng ta luôn tỉnh thức và can đảm hành động trong sự tỉnh thức thì mọi thứ đã trở nên khác. Chắc chắn chúng ta sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn phải gánh chịu những thất bại, sẽ sống đẹp lòng nhau hơn là làm mất lòng nhau. Như thế chúng ta có thể nói rằng tỉnh thức vô cùng quan trọng trong đời sống xã hội, là yếu tố quyết định cho thành công hay thất bại của đời người.
Nếu trong đời sống thường ngày, người ta rất khó hay không thể gặt hái thành công mà không tỉnh thức, sẵn sàng và chớp lấy thời cơ, thì trong đời sống đức tin, đời sống siêu nhiên, tỉnh thức sẵn sàng còn quan trọng hơn bội phần. Tại sao chúng ta dám nói như vậy? Thưa, giả như trong đời sống thường ngày chúng ta có thể thiếu tỉnh thức sẵn sàng và không biết chớp thời cơ nên gánh chịu thất bại, nhưng chúng ta vẫn còn có cơ hội làm lại, sửa đổi, rút tỉa kinh nghiệm cho những lần sau. Ngược lại, nếu đã thất bại bại trong giờ Chúa gọi do thiếu tỉnh thức sẵn sàng thì chúng ta không còn cơ hội làm lại. Mỗi người chỉ sống một lần và cũng chỉ chết một lần. Lần Chúa gọi ra đi là lần mang tính quyết định cho số phận vĩnh cửu. Nếu không tỉnh thức thì đồng nghĩa với việc mất tất cả, mất chính Thiên Chúa là nguồn bình an và hạnh phúc của mình, mất vinh quang phục sinh và ơn cứu độ do Chúa Giêsu ban tặng qua mầu nhiệm tử nạn và phục sinh.
Chính vì tỉnh thức quan trong như thế nên Chúa Giêsu đã không ít lần nói cho người Do Thái và đặc biệt cho các môn đệ về thái độ tỉnh thức. Người môn đệ của Chúa Giêsu phải tỉnh thức như ông Noe, như chủ nhà canh thức sẵn sàng không để trộm đến khoét vách đào nghạch, như người đầy tớ thức đêm chờ đợi chủ đi ăn cưới về, như năm cô trinh nữ khôn ngoan cầm đèn cháy sáng trong tay chờ đợi chàng rể đến… vì ngày của Thiên Chúa đến thật bất ngờ, giờ của Chúa Giêsu quang lâm chẳng ai hay biết. Điều ấy giống như trước ngày đại hồng thủy, thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng, chẳng ai để ý ngày tai họa sẽ xảy đến, giống như hai người đàn ông đang làm ngoài đồng, giống như hai người đàn bà đang cùng xay một cối…. Tất cả chẳng ai nghĩ tới ngày Con Người sẽ đến nên kết quả là gặp tai hoạ hết đường trở tay. Trong hai người đàn ông, một người được mang đi và một người bị để lại, giữa hai người đàn bà, một người cũng được mang đi và một người bị để lại. Người được mang đi là người tỉnh thức sẵn sàng nên xứng đáng với những điều họ chờ đợi.
Thế nào là tỉnh thức sẵn sàng? Một học sinh ngồi trong lớp không lắng tai ghe giảng và không hiểu bài, để tâm trí vào các tiệm internet hay các trò chơi là không tỉnh thức. Một người được giao việc “X” lại để ý vào việc “Y” và không làm việc “X” đến nơi đến chốn là không tỉnh thức. Một người đến nhà thờ tham dự thánh lễ ngủ gà ngủ gật, tâm trí để ở chỗ khác, chẳng nghe lời Chúa, không nghe cha giảng và sau khi trở về chẳng biết Chúa dạy gì và phải sống thế nào cho đẹp lòng Chúa là không tỉnh thức. Một người không thấy nhu cầu tâm linh của mình và không thấy nhu cầu chính đáng của tha nhân là không tỉnh thức. Vậy tỉnh thức là lắng nghe, thấu hiểu và thực hành những gì chính đáng. Một cách cụ thể là khi đến nhà thờ, chúng ta tích cực tham dự thánh lễ, lắng nghe tiếng Chúa qua cầu nguyện, chú tâm vào lời Chúa trong Kinh Thánh, nghe lời giảng dạy của các cha và nỗ lực thực hành điều Chúa dạy là tỉnh thức. Lắng nghe tiếng kêu cứu của tha nhân để thấy nhu cầu chính đáng của họ và sẵn sàng phục vụ là tỉnh thức. Lắng nghe tiếng nói của lương tâm và tuân thủ theo những gì lương tâm đòi hỏi là tỉnh thức.
Mùa Vọng nhắc nhờ chúng ta phải tỉnh thức và sẵn sàng. Tỉnh thức và sẵn sàng chuẩn bị tâm hồn mừng lễ Giáng Sinh, ngày Thiên Chúa đã đến gặp gỡ và ở giữa con người; chuẩn bị tâm hồn đón chờ ngày Chúa quang lâm, ngày Chúa trở lại phán xét kẻ sống và kẻ chế. Lắng nghe lời Chúa và sửa đổi đời sống cho phù hợp với thánh ý của Chúa là cách tỉnh thức và sẵn sàng tốt nhất. Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Rôma khuyên nhủ chúng ta phải “thức dậy, phải loại bỏ những việc làm đen tối, cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu, hãy ăn ở xứng đáng như đang sống giữa ban ngày, không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, không cãi cọ ghen tương, không chiều theo xác thịt mà thỏa mãn các dục vọng, và trên hết là mặc lấy Chúa Kitô.” Chúng ta cầu xin Chúa ban cho chúng ta tâm hồn luôn tỉnh thức và sẵn sàng để bất kỳ lúc nào Chúa đến, chúng ta cũng xứng đáng ra đón Người. Amen.