01/05: Giuse được nên Công Chính
Chủ nhật - 30/04/2017 03:55
4271
Các thánh là những người như chúng ta. Các Ngài sống trong nhiều thời đại và nhiều nền văn hóa, nhiều hoàn cảnh xã hội khác nhau, nhưng các Ngài có một điểm chung là đặt trọn niềm tin vào Đức Giêsu Kitô và sống theo giáo huấn của Chúa cách triệt để. Nổi bật hơn cả là Thánh Giuse, bạn trăm năm của Đức Trinh nữ Maria và là cha nuôi của Đức Giêsu[1].
Tin mừng theo thánh Matthêu chương 1 đã chép gia phả để cho người đọc thấy rằng Chúa Giêsu là đích điểm của Cựu ước, niềm hy vọng của các tổ phụ. Thánh Giuse chỉ là cha Đức Giêsu theo pháp lý, điều ấy cũng đủ để Đức Giêsu thuộc dòng tộc Đa-vít, dòng tộc Mê-si-a[2].
Đức Maria trả lời cho Sứ thần đã báo tin Mẹ sẽ sinh ra Con Thiên Chúa tối cao rằng: “Xin Chúa cứ làm cho tôi như lới Sứ thần nói” (Lc 1,38). Việc cứu chuộc của Chúa Giêsu Kitô đã bắt đầu bởi lời mời gọi của Thiên Chúa, bởi lời chấp nhận tự do của một người, và Đức Mẹ thụ thai trước khi lễ cưới với Thánh Giuse. Cũng theo những con đường không bình thường, Đức Maria đã trở nên “cửa cứu rỗi” chúng ta[3].
Chúa Giêsu được thụ thai trong lòng Đức Trinh Nữ chỉ do quyền năng của Chúa Thánh Thần mà thôi, không có sự can thiệp của người nam. Người là Con Chúa Cha trên trời theo thần tính, là Con của Đức Maria theo nhân tính, nhưng thực sự là Con Thiên Chúa trong hai bản tính, vì Người chỉ có một Ngôi vị duy nhất, ngôi vị thần linh[4].
Matthêu nhấn mạnh vai trò của Giuse trong câu chuyện sinh nhật của Đức Giêsu. Trước khi Đức Giêsu sinh ra, một giấc mơ đã thuyết phục Giuse kết hôn với Đức Maria và chăm sóc Đức Giêsu. Những chi tiết về các đạo sĩ, sự ghen tị của Hêrôđê, cuộc sát hại các con trai đầu lòng và trốn sang Ai cập chỉ được tìm thấy trong Tin mừng Matthêu[5].
“Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ, thích được các ngươi nhận biết hơn là được của lễ toàn thiêu”. Thiên Chúa là tình yêu và giàu có vô cùng. Người chỉ cần tình yêu chứ không muốn gì khác. Người thu thuế đến với Chúa bằng tấm lòng yêu mến và nghèo công phúc nên được công chính: “Người ta được nên công chính vì tin, chứ không phải vì làm những gì Luật dạy” (Rm 3,27). Người biệt phái làm điều luật dạy nên tự hào. Người thu thuế chẳng dám tự hào, chỉ tin vào lòng thương xót của Chúa nên ông được công chính[6].
Hội thánh chưa bao giờ rời xa mái ấm gia đình. Chính Đức Kitô được sinh ra, nuôi dưỡng và huấn luyện “trong lòng một gia đình thánh có Thánh Giuse và Đức Maria”. Đức Maria là Trinh Nữ và là người Mẹ-thâu tóm một cách độc đáo và tuyệt hảo cả ơn gọi độc thân lẫn ơn gọi làm Mẹ. Cuộc sống gia đình của các Đấng, Thánh Gia Nazareth, là một gương mẫu và các vị cũng chuyển cầu cho các gia đình. Suốt sứ vụ công khai, Đức Giêsu thường thăm viếng hay ở lại dưới mái ấm các gia đình, đặc biệt là gia đình của thánh Phêrô ở Capharnaum[7].
Năm 1955, Đức Giáo Hoàng Piô XII đã lập lễ Thánh Giuse thợ. Mỗi năm kính vào ngày 1 tháng 5, ngày mà hầu hết các nước trên thế giới chọn làm ngày Lễ lao động, tán dương khích lệ công lao con người đã dùng tài năng sức lực của mình để phục vụ đồng loại. Ngài là gương mẫu cho mọi người sống nghề lao động chân tay và cách riêng cho các Kitô hữu: lương thiện, cần mẫn, siêng năng làm việc lo cho gia đình. Không những thế, Ngài còn là Giám hộ của những người làm việc chân tay. Và ngài là vị giám hộ đắc lực nhất. Đức Thánh cha Piô XII nói: “Không có vị giám hộ nào có đủ khả năng linh nghiệm truyền thông Phúc Âm cho đời sống thợ thuyền bằng Thánh Giuse thợ”[8]
Như vậy, Thánh Giuse là một vị thánh âm thầm, nhưng tại Giáo hội Việt nam, Ngài rất được yêu mến với cái nhìn thân thương[9]. Nhìn Thánh Giuse như người của sự vượt qua, cho thấy Ngài đã nỗ lực từ bỏ ý riêng để bước vào nẻo đường khác lạ do ý Chúa dẫn khởi, và nhìn Thánh Giuse như người của sự vượt qua, còn cho thấy Ngài đã gạt bỏ vị thế hoàng tộc để trở thành người dân quê vùng Nazareth[10]. Thánh Giuse định trốn đi khi biết Maria mang thai. Theo lối giải thích xưa kia thì Giuse trốn đi vì nghi ngờ Maria. Nhưng theo các nhà chú giải thời mới thì Giuse định bỏ trốn vì thấy mình không xứng đáng với danh hiệu làm cha nuôi Đấng Cứu thế. Chức vị làm cha Đấng Cứu Thế là một chức vị quá cao trọng. Giuse thấy mình không phải là Cha Đấng Cứu Thế, không xứng đáng làm Cha Đấng Cứu Thế, nên ông bỏ trốn[11].
Xin cho mỗi người biết cậy trông vào lòng thương xót của Chúa, noi gương Thánh Giuse để ta được công chính, được cứu độ.
“Giuse thiên chức Người là cha,
Lao động, lo toan vẹn cửa nhà.
Đục đẽo sít sao nhiều khéo léo,
Cưa bào vừa vặn lắm tài ba.
Hiền hòa, công chính đáng khen ngợi,
Chất phác, thiệt thà thật khả gia[12].
Tiếng tốt, danh thơm ngát “Nhánh Huệ”[13]
Thánh, Thần, nhân thế mãi vang ca”[14]. Quai Dép
[1] ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Đạo yêu thương, NXB Tôn giáo, Hà nội 2014, tr. 47. [2] Kinh thánh trọn bộ Cựu ước và Tân ước, NXB Tp. Hồ Chí Minh, Tp. HCM 1998, tr. 2384. [3] Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo cho người trẻ, Youcat Việt Nam, NXB Văn hóa-Văn nghệ Tp. HCM, Tp. HCM 2016, tr. 86. [4] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam-Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, Bản toát yếu-Sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo, NXB Tôn giáo, Hà nội 2009, tr. 66. [5] Les Miller, 25 câu hỏi về Kinh thánh, chuyển ngữ: Nt Maria Vũ thị Thu Thủy-Hội Dòng Mến Thánh Giá Tân Lập, NXB Đồng Nai, Tp. HCM 2016, tr. 41. [6] TGM Giuse Ngô Quang Kiệt, Tấm bánh đời thường-326 bài suy niệm Lời Chúa hằng ngày, Năm 2016, tr. 69. [7] Ủy Ban Mục Vụ Gia Đình-Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Tình yêu là sứ mệnh của chúng ta, chuyển ngữ: Ban thư ký UB. MVGĐ, NXB Tôn giáo, tr. 149. [8] LMTV-Tập 1, Gương các thánh-Các thánh theo niên lịch phụng vụ-117 Hiển thánh tử đạo Việt Nam, tr. 184. [9] Nhận xét: Giám mục Gioan Baotixita Bùi Tuần, Nguyên Giám mục chính tòa của Giáo phận Long Xuyên. [10] Nt. Giám mục Giuse Vũ Duy Thống, Giám mục chính tòa Giáo Phận Phan Thiết. [11] Nt. Giuse Ngô Quang Kiệt, Nguyên Tổng Giám mục Tổng Giáo Phận Hà Nội. [12] Khả gia: nghĩa chữ Nôm là đáng khen. [13] Nhánh Huệ: Nước Trời. [14] Thơ: Paul Nguyễn Minh Thông.