Cần lời rao giảng của thày dậy hay chứng nhân?

Thứ tư - 19/02/2020 03:56  1801
THỨ NĂM TUẦN VI MÙA THƯỜNG NIÊN
Mc 8,27-33
 
“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Mc 8,29)
 
images 2 2Trên đường từ Bết-xai-đa đến vùng Xê-da-rê Phi-lip-phê, Đức Giê-su hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai?” Các ông đáp: “Họ bảo Thầy là Gio-an Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó.” Người lại hỏi các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phê-rô trả lời: “Thầy là Đấng Kitô.” Người cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người. Nhưng rồi lại dạy các ông rằng Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại. Ông Phê-rô nghe thấy mà thương, liền kéo riêng Người ra mà trách. Còn Người thì lại công khai trách ông Phê-rô là “Xa-tan” và nói “lui lại đàng sau Thầy.”

Như các tông đồ, Chúa Giê-su cũng muốn chúng ta biết “người ta” nói gì về Ngài. Để biết người ta, những người không phải Kitô hữu hiểu thế nào về Đức Giê-su, Ngài là ai đối với họ, cũng là một trong những sứ mạng của chúng ta, các Kitô hữu và cách riêng của các tu sỹ, linh mục. Cách hiểu của họ về Đức Giê-su có thể chưa chính xác cũng như những người Dothái vùng Xê-da-rê Phi-lip-phê xưa kia. Nhưng ít ra cũng cho thấy họ có để ý, có quan tâm đến Đức Giê-su. Quan tâm hỏi han họ về Đức Giê-su để khơi gợi nơi họ sự quan tâm đến tôn giáo nói chung, đến Đức Giê-su nói riêng cũng là một việc làm cần thiết. Hơn nữa, khi hỏi thăm như vậy, đó cũng là cơ hội để ta chia sẻ về Đức Giê-su cho họ.

Nhưng để chia sẻ đúng về Đức Giê-su là ai cho người ta thì chúng ta phải nghiêm túc trả lời chính câu hỏi Đức Giê-su đã hỏi Phê-rô: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Phê-rô đã trả lời đúng: “Thầy là Đấng Kitô” nghĩa là Đấng Được Xức Dầu. Nhưng cách hiểu về nội dung danh xưng ấy chưa đúng nên đã kéo Ngài riêng ra mà trách. Do đó, ông cần được dạy bảo thêm, ông cần phải kiên nhẫn để sống gắn bó hơn với Đức Giê-su, kinh nghiệm nhiều hơn nữa về Ngài. Kinh nghiệm không chỉ những khi bình yên, thuận buồm xuôi gió, những lúc thành công, vinh quang mà cả những khi gặp thử thách, căng thẳng, những khi thất bại, khổ đau. Ngài nói cho ông biết: Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, bị loại bỏ, bị giết chết. Nhưng đó chưa phải là hết. Ngài sẽ phục sinh vinh quang. Đó cũng là hành trình của mỗi chúng ta. Chúng ta cần có sự gắn bó bền lâu, có mối tương quan cá vị với Đức Giê-su để thực sự biết rõ Ngài là ai.

Thời gian, cùng với nó là kiên nhẫn trong thử thách sẽ giúp chúng ta hiểu thấu nhiều điều hay người mà trước đó trong những khi bằng yên chúng ta chưa thể hiểu được hay chưa hiểu sâu và rộng đủ. Trước đó, có thể chúng ta đã biết, trí khôn có thể đã hiểu nhưng con tim, xúc cảm, sự gắn bó của chúng ta rất có thể là chưa cảm thấu, chưa đón nhận và xác tín với tất cả con người, chưa nhận ra chân giá trị cao quý. Do đó, khi chưa cảm bằng con tim, chưa có kinh nghiệm cá vị thì những lời chia sẻ, tung hô hay tuyên xưng của ta về Đức Giê-su chưa thật sự xác tín, chưa có sức hút. Đó là sự khác biệt của lời rao giảng giữa “thầy dạy” và “chứng nhân”, Con người ngày nay như Đức Phaolô VI nói: họ cần và nghe chứng nhân hơn thầy dạy và nếu họ nghe thầy dạy là vì thầy dạy ấy cũng là chứng nhân. Amen 

Tác giả: Lm Gioakim Nguyễn Hữu Văn

 Tags: anh em
***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập307
  • Máy chủ tìm kiếm70
  • Khách viếng thăm237
  • Hôm nay32,848
  • Tháng hiện tại1,020,768
  • Tổng lượt truy cập79,024,219
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây