Hc 3, 2-6; Cl 3, 12-21; Lc 2, 22-40 hoặc Lc 2, 22.39-40
ĐTC Phanxicô đã có lần kể rằng thời còn nhỏ ngài có nghe kể một câu chuyện về một gia đình ba thế hệ gồm có ông nội, cha mẹ và con cái. Người ông bị bệnh Parkinson, do bệnh tật nên mỗi khi ăn cơm ông thường đánh đổ cơm xuống bàn ăn, và làm dơ cả mặt mũi. Con trai ông coi đó như là một điều ghê sợ. Do đó, vào một hôm anh đã mua một chiếc bàn nhỏ và đặt cạnh chiếc bàn ăn lớn gia đình, anh nghĩ như vậy bố anh không làm ảnh hưởng đến bàn ăn chung gia đình nữa cho dù ông có đánh đổ cả bát thức ăn xuống bàn đi chăng nữa. Một hôm, khi anh từ công sở trở về nhà và thấy một cậu con trai của anh đang loay hoay xếp những mảnh gỗ nhỏ. Anh liền hỏi “Con đang làm gì thế?”. Cậu con trai anh đáp lại “Một cái bàn bố ạ!”. Anh liền hỏi tiếp “Thế là làm sao?”. Con trai anh trả lời “Cái bàn này dành cho bố đó, con sẽ làm cái bàn này cho bố lúc về già giống như ông nội vậy”. Kể từ ngày đó, người ông được ngồi vào vị trí trang trọng trong bàn ăn và được anh con trai và cô con dâu phục vụ cách chu đáo. ĐTC nói “Câu chuyện này sẽ lưu lại trong cuộc đời tôi mãi. Ông bà chính là một kho báu! Người già thường không còn xinh đẹp và đáng yêu. Người già thường bị ốm đau bệnh tật, nhưng sự khôn ngoan nơi ông bà chúng ta giống như một gia sản. Một xã hội hay một cộng đồng không quý trọng, kính mến và quan tâm chăm sóc những người già trong gia đình thì xã hội đó không có một tương lai tươi sáng, bởi vì không có những hoài niệm, xã hội đó đánh mất ký ức của mình”.
Chúng ta cử hành lễ kính trọng thể Thánh Gia Thất vào Chúa Nhật cuối cùng của năm để cầu xin Thiên Chúa ban phúc lành cho tất cả mọi thành viên trong gia đình mình. Bài đọc thứ nhất là một lời diễn giải về Điều răn thứ tư: Thảo kính cha mẹ. Tác giả sách Huấn Ca nhắc nhở những người con phải có bổn phận đối với cha mẹ mình. Tác giả Huấn Ca còn đề cập đến năm phần phúc mà Thiên Chúa hứa ban cho những ai biết thảo kính cha mẹ. Phần phúc thứ nhất là “sự giàu sang”, phần phúc thứ hai là “sống thọ”: Thiên Chúa sẽ tha thứ tội lỗi mình đã trót phạm, và sẽ được Ngài nhận lời cầu xin nơi phần phúc thứ tư và thứ năm. Trong thư gửi tín hữu Cô-lô-sê, thánh Phao-lô khuyên bảo chúng ta nên đối xử bằng tình yêu thương và lòng biết ơn đối với các bậc sinh thành và những người trong gia đình. Thánh Phao-lô dạy con cái nên học và thực hành những phẩm giá cao quý như biết chạnh lòng thương, đức nhân hậu, khiêm nhu, hiền từ, đại lượng trong gia đình. Bài Tin Mừng hôm nay diễn tả việc thánh Giuse đã sẵn sàng ân cần dẫn đưa Đức Maria và Hài Nhi Giê-su như thế nào đến Đền thờ để làm lễ thanh tẩy cho Đức Maria và Hài Nhi Giê-su.
Mặc dù được nhấn mạnh hơn trong hai bài đọc đầu về nghĩa vụ và bổn phận của con cái đối với cha mẹ, nhưng còn có một bài học sâu sắc đối với các bậc cha mẹ. “Cha nào con nấy” là một thành ngữ cổ và rất đúng. Nếu các bậc cha mẹ không làm đúng với bổn phận mình theo luật Chúa, thì họ khó có thể khuyên bảo con cái mình thảo kính đối với Thiên Chúa và với chính họ. Con cái thường học theo từ những gương sáng hơn là từ những lời dạy bảo xuông. Nếu các bậc cha mẹ làm gương sáng cho con cái mình theo luật Chúa và luật đời, thì con cái họ sẽ thực thi bổn phận đối với Thiên Chúa và với cha mẹ chúng.
Bài Tin Mừng diễn tả việc thánh Giu-se với vai trò là chủ gia đình Thánh Na-za-rét, ngài đã sẵn sàng hy sinh ân cần dẫn đưa Đức Maria và Chúa Giê-su Hài Đồng tới Đền thờ Thiên Chúa để dâng lễ thanh tẩy cho Đức Mẹ và dâng Chúa Giê-su cho Thiên Chúa theo luật Mô-sê. Luật Mô-sê dạy rằng mọi con trai đầu lòng phải được dành cho Thiên Chúa, cha mẹ phải chuộc lại đứa trẻ bằng của lễ là một con chiên hay một cặp bồ câu non như của lễ toàn thiêu dâng lên Thiên Chúa tại Đền thờ. Hơn nữa, mọi bà mẹ phải được thanh tẩy sau khi sinh con bằng lời cầu nguyện và một của lễ hiến dâng lên Thiên Chúa. Thánh Giu-se đã tuân giữ những luật này như là một hành động của sự vâng phục đối với Thiên Chúa. Được linh hứng bởi Thánh Thần, cụ già Si-mê-on và bà An-na là những người công chính và sùng đạo đã chờ đợi ở Đền thờ từ lâu để được thấy Đấng Cứu Độ. Ông già Si-mê-on đã nhận ra Hài Nhi Giê-su là người được Thiên Chúa xức dầu, và trong lời cầu nguyện của mình ông đã tiên báo rằng Đức Giê-su là vinh quang của Ít-ra-en và là ánh sáng soi đường cho dân ngoại. Trong khi ông Si-mê-on chúc phúc cho Đức Maria, ông đã cảnh báo Đức Mẹ rằng Con Bà sẽ là dấu hiệu cho người đời chống báng, và Bà sẽ bị một lưỡi gươm đâm thấu tâm hồn mình.
Chúng ta biết rằng gia đình Chúa Giê-su đã được ghi chép trong Sách Thánh. Lời kinh Ngợi Khen (Magnificat) – lời cầu nguyện của Đức Maria xuất hiện nhiều trong các đoạn trích Kinh thánh. Chúng ta biết rằng gia đình Chúa Giê-su có một đời sống đạo sâu sắc, thể hiện nơi những cuộc hành hương và những lời ca hát từ các thiên thần. Đức Maria và thánh Giu-se đã luôn đón nhận sự hướng dẫn của các sứ giả từ trời cao. Nhìn vào thời thơ ấu của Đức Giê-su, chúng ta cũng thấy được đời sống nguyện cầu mà Chúa Giê-su đã học từ cha mẹ Ngài. Chúa Giê-su đã cầu nguyện đúng chuẩn mực một người Do-thái ngoan đạo. Ngài đã cầu nguyện cách thanh thoát. Chúa Giê-su đã dành nhiều thời gian để cầu nguyện một mình. Ngài còn cầu nguyện cùng với bạn bè. Chúa Giê-su đã ăn chay trong những ngày thánh. Tất cả những thói quen này Ngài đã học được từ đời sống gia đình tại Na-za-rét. Chúng ta biết rằng lao động là rất quan trọng đối với gia đình Na-za-rét. Thời niên thiếu, Chúa Giê-su không chỉ được gọi là con thánh Giu-se, nhưng còn được gọi là con bác thợ mộc. Thánh Giu-se rất thạo nghề, và ngài đã dạy cho Chúa Giê-su trở thành người thợ lành nghề như mình. Chúng ta có thể tóm lại từ lời giảng dạy của Chúa Giê-su rằng Đức Maria là người phụ nữ chăm chỉ và đảm đang trong gia đình Na-za-rét. Điều này dường như từ những mẫu gương của Mẹ mà Đức Giê-su đã đưa vào trong các dụ ngôn trong Tin Mừng: một bà góa thắp đèn tìm kiếm đồng bạc bị mất;….
Những thông điệp cuộc sống:
1. Chúng ta cần học những bài học từ gia đình Thánh Na-za-rét
Giáo hội ngày nay, khuyến khích chúng ta hướng nhìn vào gia đình của Chúa Giê-su, Đức Maria và thánh Giu-se chính là mẫu gương và sự che chở mọi người. Các ngài là một gia đình mẫu mực cho chúng ta noi theo: Cả cha và mẹ đều hăng say làm việc, yêu thương nâng đỡ nhau, hiểu nhau và chấp nhận lẫn nhau, đặc biệt lo lắng và chăm sóc chu đáo cho Hài Nhi của mình để Chúa Giê-su lớn lên không chỉ về bản tính nhân loại, nhưng còn là Con Thiên Chúa nữa. Chúa Giê-su đã mang ơn thánh đến cho gia đình Đức Maria và thánh Giu-se thì Ngài cũng sẽ mang đến cho chúng ta ơn thánh từ gia đình của Ngài qua việc ôm ấp chúng ta vào lòng.
2. Hôn nhân: Một Bí tích thánh thiêng
Lễ kính trọng thể gia đình Thánh Gia nhắc nhở mỗi người chúng ta như một thành phần cơ bản của Giáo hội hoàn vũ, mỗi gia đình được mời gọi để trở nên thánh thiện. Sự thực, Đức Giê-su Ki-tô đã thiết lập hai Bí tích để làm cho nhân loại nên thánh: Bí tích Truyền chức Thánh và Bí tích Hôn phối. Qua Bí tích Hôn phối, Chúa Giê-su không chỉ thánh hóa đôi bạn nhưng Ngài còn dấn mình vào chính gia đình của họ nữa. Người chồng và người vợ đạt được ơn thánh khi họ thực thi bổn phận của mình cách trung tín, tin tưởng phó thác vào Chúa, và làm cho sức mạnh của Thánh Thần hiện diện qua việc cầu nguyện cá nhân hay gia đình, suy niệm Lời Chúa và năng tham dự Thánh lễ.
3. Chúng ta cần làm cho gia đình trở thành một tòa xưng thú tội lỗi hơn là một tòa án
Một quan tòa lớn tuổi của Tòa án tối cao đã chúc cô dâu và chú rể trong một cuộc hôn nhân với một lời khuyên thích đáng rằng: “Các bạn đừng bao giờ biến gia đình mình thành một tòa án, nhưng thay vào là một tòa xưng thú tội lỗi. Nếu chồng và vợ bắt đầu cãi vã nhau giống như một luật sư tìm mọi cách để chứng minh và biện hộ cho thân chủ của mình, thì gia đình sẽ trở thành một tòa án mang tính luật pháp và chẳng ai giành được chiến thắng cả. Trái lại, nếu chồng và vợ hành xử như trong một tòa xưng thú tội lỗi là họ đã sẵn sàng thừa nhận lỗi sai và cố gắng sửa mình, gia đình sẽ trở thành một thiên đàng nơi dương thế.
4. Chúng ta hãy mở rộng đường biên gia đình
Ngày nay, những người vô gia cư trên nhiều đường phố ở những thành phố lớn, đang phải vật lộn với sự thay đổi thất thường của thời tiết cũng là lỗi do một phần từ gia đình. Nạn nghiện hút hay đang sống trong nỗi cô đơn và sợ hãi cũng là thành viên của gia đình nhân loại. Người ốm đau, bệnh tật, cô đơn cũng là thành viên của gia đình nhân loại. Người bị tù đày dù bất cứ lý do nào đi chăng nữa cũng đều là con cái Thiên Chúa, và theo như thánh Gio-an: đó là một thành viên của gia đình nhân loại. Tất cả những người này như là những thành viên yêu quý và thân thiết của gia đình nhân loại.
Lễ kính Thánh Gia Thất, tất cả các bậc cha mẹ cần kiểm điểm lại mình và nhìn nhận lại trách nhiệm mà Thiên Chúa đã trao phó. Hãy lắng đọng để nghe lại những lời trong Thánh lễ cưới của mình: “Con cái là một món quà Thiên Chúa ban”. Con cái là niềm vui của cha mẹ. Trái lại, con cái có bổn phận chăm sóc và nâng đỡ khi cha mẹ về già. Chúng ta hãy cầu nguyện để mọi thành viên trong gia đình biết quan tâm chăm sóc cho nhau không những trong gia đình nhỏ bé của mình, nhưng còn cho gia đình xứ đạo, và tất cả mọi gia đình của Giáo hội hoàn vũ. Xin Thiên Chúa ban phúc lành cho tất cả mọi gia đình của chúng ta trong năm mới này.
Giuse Đỗ QC chuyển ngữ
Nguồn: Bài chia sẻ của cha Anthony Kadavil