Giới trẻ và "Idol" lý tưởng

Thứ ba - 27/05/2025 21:10  489
20230211 cup003Chúng ta đang sống trong một thế giới của những idol. Tuy nhiên, khi nói tới việc chạy theo hay sùng bái thần tượng (idol), chúng ta thường gán ngay cho giới trẻ. Quả vậy, với trí tưởng tượng bay bổng, với nguồn năng lượng sung mãn, khát khao khám phá và thể hiện, cùng những mộng ước tương lai, thì với giới trẻ nói chung, hiện tượng thần tượng được bộc lộ tự nhiên và “ồn ào” hơn các lứa tuổi khác. Điều này rất dễ hiểu bởi tâm lý tuổi mới lớn thường nhạy cảm với cái mới, bắt nhịp nhanh nhạy với các trào lưu, yêu thích sự trẻ trung, hiện đại. Đó là chưa kể đến sự lây lan tâm lý đám đông, dẫn đến a dua, bắt chước… .[1] Việc chạy theo và sùng bái thần tượng cũng len lỏi và tác động không nhỏ tới đức tin và lối sống của không ít người trẻ Công giáo. Đứng trước thực trạng đó, cùng với việc ý thức vai trò quan trọng của giới trẻ trong sứ mạng trần thế của mình vì“giới trẻ là niềm hy vọng của Giáo Hội,”[2] Giáo hội cũng không ngừng khắc khoải, ưu tư làm sao để giới thiệu Đức Giê-su Ki-tô, một Idol lý tưởng cho người trẻ trong thế giới hôm nay.

Giới trẻ và các thần tượng!

Ngày nay, trong một thế giới phẳng, khi mạng xã hội lên ngôi, việc tiếp cận, gặp gỡ không còn là vấn đề về không gian hay thời gian, thì việc chọn cho mình một idol là điều dễ không tưởng. Nhất là trong một xã hội mà trào lưu tục hóa, chủ nghĩa khoái lạc và tự do cực đoan ngấm ngầm ru ngủ người trẻ, thì nhiều bạn trẻ sống như thể “đói thần tượng”, sẵn sàng trở thành những con “kền kền” chạy theo, tôn sùng, thậm chí xây dựng cuộc đời, nhân cách của mình theo những thần tượng đó, thậm chí một cách ngây thơ đến mù quáng. Thần tượng của hầu hết người trẻ thường là một chính trị gia nổi tiếng, một tỉ phú đô la, một minh tinh màn bạc, một ca sĩ nổi tiếng, một siêu mẫu, một diễn viên HollyWood, một siêu sao bóng đá… hay đơn giản là một “hiện tượng mạng” đang nổi đình nổi đám, chẳng hạn như Donald Trump, Elon Musk, Taylor Swift, Messi, CR7, Black Pink… Giới trẻ thần tượng họ có thể đơn giản theo phong trào, hoặc vì họ thành công, giàu có, đẳng cấp, tài năng, xinh đẹp, hào nhoáng, thậm chí dị biệt, khác người… Cũng vậy, người trẻ yêu thích, thậm chí cuồng những idol đó, có thể vì nơi các thần tượng, người trẻ thấy, khâm phục và khao khát muốn đạt được một điều gì đó mà họ đang thiếu, hay không có; nhưng cũng có thể vì những thần tượng ấy thỏa mãn một góc nào đó trống vắng nơi tâm hồn về phong cách, cảm xúc, tình cảm, sở thích, thú vui hay một điều gì đó mà ngôn từ đôi khi không thể diễn tả được…

Thật vậy, hiện tượng thần tượng là hiện tượng bình thường trong cuộc sống, bởi ai cũng có thể và có quyền chọn cho mình một hình mẫu để noi gương, bắt chước, thậm chí sống theo, nhất là khi những thần tượng ấy mang lại những ảnh hưởng tích cực, giúp cuộc sống thêm ý vị và đáng sống. Vì thế, chúng ta không lên án việc hâm mộ, thậm chí thần tượng một người. Quả vậy, khi khâm phục, ngưỡng mộ một người, chúng ta có thể học tập, bắt chước những đức tính tốt, những hành động đẹp hay nhân cách tốt của người đó, coi những người ấy như là những người truyền cảm hứng để bản thân nỗ lực, để sống tốt, hay đơn giản chỉ để thư giãn. Khi việc hâm mộ, hay thần tượng một người mang lại những hiệu quả tích cực, nhất là giúp một người sống tốt hơn, thì đó là điều đáng khích lệ, nhất là với tuổi trẻ, tuổi mà đang khao khát tìm kiếm cho mình một điểm tựa, một hình mẫu, một lý tưởng sống.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc hâm mộ một người thái quá thường dẫn tới hiện tượng cuồng idol, nhất là trong một nền văn minh ảo rất giỏi và tinh xảo trong khả năng thổi phồng và tô vẽ những idol. Điều này thường dẫn tới những hệ lụy xấu, chẳng hạn ảnh hưởng xấu tới nhân cách, tác động xấu tới các tương quan gia đình, xã hội, cũng như chính bản thân người ấy, kéo theo hệ quả là những tình huống éo le, dở khóc dở cười nhan nhản trên mạng xã hội, cùng những nguy cơ và hậu quả nghiêm trọng. Chẳng hạn như hiện tượng nhiều người cực đoan có thể tìm cách làm đẹp hoặc phẫu thuật thẩm mỹ để được như thần tượng; một số idol có hành động, lời nói gây tranh cãi, trái đạo đức và pháp luật, có thể khiến người hâm mộ bắt chước và học tập; hâm mộ idol quá mức khiến các bạn trẻ bỏ bê học tập hoặc làm việc; và một số người vì quá cuồng idol nên ghét bỏ những người không thích thần tượng của mình một cách vô cớ…[3] cùng với nhiều hiện tượng cực đoan, bè phái, chia rẽ, xung đột và nhiều hệ lụy khác nữa.

Đức Giê-su Ki-tô, Idol lý tưởng!

 Trong một xã hội mà ngày càng nhiều người trẻ chạy theo thần tượng, thậm chí trở thành những “Fan cuồng” của những thực tại vật chất hay những người nổi tiếng, ngay cả với nhiều bạn trẻ Công giáo, thì việc người trẻ chọn Đức Giê-su làm thần tượng, làm lý tưởng phải chăng là điều không tưởng, lỗi thời, khó hiểu, thậm chí nực cười? Phải chăng Đức Giê-su chỉ là một cái tên, một người trẻ đã sống và chết cách đây gần 2000 năm, thật xa lạ, thậm chí chẳng có chút ảnh hưởng nào tới cuộc sống của người trẻ, dù là người có đức tin?

Quả vậy, nếu thoáng qua, Đức Giê-su chẳng có tiêu chuẩn nào đáng để người trẻ chọn Ngài làm thần tượng. Chẳng hạn, về sự giàu có, một tiêu chuẩn thịnh hành để đánh giá mức độ thành công, thì Đức Giê-su hoàn toàn không có, bởi Ngài là người nghèo, và bạn bè của Ngài cũng là những người nghèo. Suốt cuộc đời Chúa đã sinh ra, sống và chết trong cái nghèo, thậm chí tận cùng của cái nghèo.... Cũng vậy, về mức độ thành công, thì Đức Giê-su lại càng không thể trở thành idol cho người trẻ hôm nay chạy theo. Lật giở những trang Tin Mừng, chúng ta có thể thấy một chàng trai Giê-su có vẻ như thành công khi có tài năng thu hút người khác, hay thành công khi làm phép lạ. Nhưng sự thật cay đắng là trong suốt cuộc đời, chàng thanh niên này dường như là một kẻ thất bại, bị hắt hủi, phản bội, chối từ, bị bắt bớ, đánh đập... Tệ hơn nữa, cuối đời, Ngài còn bị giết chết cách tức tưởi, nhục nhã không mảnh vải che thân trên thập giá, để rồi những lý tưởng và dự án của con người Giê-su ấy tưởng như dừng lại nơi đỉnh đồi Gôn-gô-tha và trôi vào quên lãng…

Tuy nhiên, thực tế cho thấy đã gần 2000 năm qua, Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa làm người, vẫn tiếp tục gây ngỡ ngàng và trở thành thần tượng, nguồn cảm hứng cho bao tâm hồn mọi nơi, mọi thời, bất kể thành phần, màu da, sắc tộc đón nhận, tin vào Ngài, sống theo Lời Ngài, thậm chí hy sinh mạng sống vì Danh Ngài. Quả thế, nếu những thần tượng mà nhiều người chạy theo chỉ có thời, và có thể sụp đổ bất cứ lúc nào, cũng như sẽ chìm vào quên lãng, thì “Đức Giê-su Ki-tô vẫn là một, hôm qua, cũng như hôm nay và như vậy cho đến muôn đời” mặc cho có đủ thứ học thuyết xa lạ tìm cách mê hoặc, và đánh gục bao người (x. Hr 13, 8-9). Không những thế, Đức Giê-su còn là “Idol”, là lý tưởng, là Đấng Cứu Độ và là Thiên Chúa đích thực của chính những idol mà giới trẻ sùng bái…

Vậy điều gì làm cho con người Đức Giê-su trở thành một thần tượng lý tưởng mà bao người sẵn sàng bước theo, sống theo, thậm chí hy sinh tính mạng của mình, điều mà không một idol nào trên thế giới này có thể mang lại? Hẳn nhiên, chúng ta có thể chiêm ngắm nơi Đức Giê-su rất nhiều khía cạnh tạo nên sức hút và tầm ảnh hưởng của Ngài. Nhưng ở đây, người viết chỉ phác họa một vài khía cạnh mà thiết tưởng đó là điều mà bất cứ ai, nhất là giới trẻ đang khao khát và kiếm tìm.

Trước hết, Đức Giê-su Ki-tô là một người có sức hút kì lạ và là nguồn cảm hứng cho người trẻ mọi thế hệ. Thật vậy, giới trẻ chạy theo thần tượng bởi tuổi trẻ là tuổi đang khát khao tìm kiếm nguồn cảm hứng. Theo đó, những idol có một điều gì đó, một khả năng, hay một mánh khóe nào đó thu hút, làm say lòng người, để từ đó tạo cảm hứng nào đó cho người trẻ. Đức Giê-su cũng là một người thu hút và tạo cảm hứng cho bao tâm hồn mọi nơi mọi thời, nhưng nơi Ngài ắp đầy nguồn cảm hứng vô tận dựa trên Sự Thật và đến từ Thiên Chúa. Nếu Đức Giêsu sống trong thời đại mà chúng ta đang sống, nghĩa là thời đại của truyền thông và mạng xã hội, thì chắc chắn độ “viral” của Ngài không kém những thần tượng mà giới trẻ hiện nay đang điên cuồng chạy theo.

Thật thế, Tin Mừng mạc khải cho chúng ta hình ảnh một chàng thanh niên Giê-su, xuất thân bình dị, khoảng 30 tuổi, chính thức bước ra khỏi cánh gà sân khấu của thời ẩn dật, để bắt đầu sứ mạng loan báo Tin Mừng về Nước Thiên Chúa. Ngài không úp mở điều kiện để vào nước đó chẳng phải tiền, quyền hay bất cứ thứ vật chất nào, nhưng là sự sám hối tội lỗi và tin vào Tin Mừng (x. Mc 1,15), nghĩa là tin vào Ngài. Và từ lời rao giảng khởi đầu đó, Đức Giê-su từng bước thu phục bao tâm hồn, từ các Tông đồ, những người trẻ, cho tới từng đoàn người, đám đông dân chúng không phân biệt thành phần lũ lượt đi theo Ngài (x. Mt 4, 25). Tất cả mọi người đến với Đức Giê-su để nghe người giảng dạy, để ở lại với Người và để Người nuôi dưỡng, chữa lành cả phần xác lẫn phần hồn. Nhờ đó, biết bao tâm hồn đã được biến đổi và được sống một sự sống mới trong Thần khí và sự thật (x. Ga 4, 23). Quả vậy, mọi lời nói và việc làm của Đức Giê-su có một sức mạnh kì lạ đến nỗi “toàn dân say mê Người” (x. Lc 19,48) vì “Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền” (x. Mc 1,22).  Để rồi từ đó, bao thế hệ, không thiếu người trẻ, dọc dài lịch sử Giáo hội và thế giới, đã bị thu hút, nhận ra và can đảm đáp lại tin vào và bước theo Đức Giê-su như một lý tưởng, dù cũng có những người trẻ đã chùn bước và từ bỏ như chàng thanh niên (x. Mc 10, 22), bởi lời mời gọi bỏ mọi sự vác thập giá mà theo Ngài khiến họ ngỡ ngàng và không thể chấp nhận (x. Mc 6, 34).

Tiếp đến, cũng nơi con người Giê-su ấy, chúng ta nhận ra Ngài là con người tự do và muốn đem lại tự do thứ thiệt cho con người. Quả vậy, xã hội mà chúng ta sống luôn đề cao tự do và đấu tranh cho tự do. Con người dường như muốn tự do trong mọi hành vi, mọi khát vọng của mình, chẳng hạn như tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, tự do báo chí, tự do đi lại, tự do tôn giáo, hay dân chủ tự do… Theo đó, tự do là khát vọng của con người mọi thế hệ. Thế nhưng, dù nỗ lực, nhưng con người vẫn loay hoay và bị nô lệ bởi chính những thứ tự do giả tạo của dối trá, hưởng thụ và tội lỗi. Cách riêng với nhiều người trẻ, với não trạng hưởng thụ và tự do khoái lạc, thì tự do là thích làm gì thì làm, một thứ tự do “tự tung tự tác”[4] bất chấp mọi quy chuẩn luân lý, để rồi thứ tự do tự tung tự tác ấy lại biến nhiều bạn trẻ thành nộ lệ cho những thứ tự do giả tạo ấy, lôi cuốn và biến bao tâm hồn trẻ trở thành những kẻ cuồng tín với các thần tượng vật chất hay hư ảo… Chính vì thế, nỗi khao khát tự do đích thực, một sự tự do giải phóng và bình an vẫn là nỗi khắc khoải của con người, cách riêng của người trẻ. Tự do ấy chỉ có nơi Đức Giê-su Ki-tô.

Thật vậy, dù vẫn là công dân Do Thái gương mẫu, một tín đồ Do Thái nhiệt thành luôn chu toàn lề luật, một người con hiếu thảo “hằng vâng phục” (x. Lc 2, 51), nhưng Ngài tỏ ra rất tự do đối với gia tộc… không bị nô lệ trong khuôn khổ gia đình vì với Ngài, Mẹ và anh em Ngài là tất cả những ai nghe Lời Chúa (x. Mt 12, 50)[5]. Ngài cũng tự do không kém khi lựa chọn bạn bè, hay đối với quyền lực chính trị và sự tự do của Ngài đã đánh động những người đương thời.[6] Khác với nhiều idol của người trẻ hôm nay, Giê-su không phải là một người có óc bè phái, Ngài không giam mình trong vẻ cao cả, đạo mạo của nhà khổ hạnh, không tách rời quần chúng. Trái lại, Ngài sống bình dị thoải mái với mọi người, kể cả người tội lỗi và ngu dốt…[7] Cũng vậy, Đức Giê-su đã không đi theo con đường của Gian Tẩy Giả. Ngài không rút lui vào hoang địa, không sống chay tịnh và khắc khổ. Ngài vẫn ở lại giữa mọi người, lui tới với tất cả mọi người, từ những người chuyên nghiệp tôn giáo, đến những người thu thuế (bị mọi người ghen ghét vì tội trộm cắp của họ), và những người có một đời sống đáng nghi ngờ. Ngài dự tiệc cưới và uống rượu cùng họ…[8]

Tóm lại, Đức Giê-su là con người tự do hoàn toàn, vì Ngài ý thức dù Ngài là con người toàn vẹn, nhưng cũng là Thiên Chúa, nên không quyền lực nào trên thế giới có thể thao túng và chi phối Ngài. Sự tự do của Đức Giê-su không bao giờ là một sự tự do vô trật tự, nhưng là tự do theo Thần Khí, nghĩa là hoàn toàn vâng phục và thi hành thánh ý Chúa Cha. Sự tự do của Đức Giê-su là sự tự do đích thực, không phải là sự tự do mà con người, nhất là người trẻ thường mơ ước. Sự tự do của Ngài không bao giờ là một sự phá vỡ Lề Luật, hay một sự tự do của tội lỗi, nhưng sự tự do của Ngài là sự tự do của Chân Lý và Sự Thiện, tự do mang lại cho Lề Luật một ý nghĩa đúng đắn[9]. Sự tự do của Đức Giê-su mang sức mạnh giải phóng, bởi sự tự do ấy đập tan mọi hình thức idol giả tạo, để mang lại ý nghĩa đích thực cho tự do mà người trẻ đang khao khát kiếm tìm.

Cuối cùng, Đức Giê-su Ki-tô là Đấng giải phóng để mang lại tự do, sự sống, hạnh phúc đích thực cho con người. Đức Giê-su không giải phóng chúng ta bằng súng đạn, hay bạo lực, nhưng bằng tình yêu và sự thật, như chính Ngài quả quyết: “Tôi đến để làm chứng cho sự thật” (x. Ga Ga 18,37) và “sự thật sẽ giải phóng anh em” (x. Ga 8, 32). Quả vậy, trong một thế giới mà nhiều nơi có vẻ đang được hưởng nền hòa bình và tự do, thì ước mơ tự do, khao khát hòa bình vẫn luôn là nỗi khắc khoải của nhân loại, vì nơi gia đình, xã hội và ngay nơi chính nơi tâm hồn chúng ta vẫn còn đó những chia rẽ, bất hòa, nhất là sự bất an, nô lệ bởi tội lỗi và sự chết. Chính vì thế, chúng ta vẫn cần được giải phóng khỏi những ách nộ lệ vô hình đang đè nặng tâm hồn và cuộc sống chúng ta. Cách riêng với người trẻ, họ chạy theo các thần tượng vì họ mong muốn được tự do thỏa mãn các đam mê, họ chạy theo khoái lạc vì tưởng rằng nơi đó họ được giải phóng và hạnh phúc, nhưng thật ra khi ấy, họ lại trở thành nô lệ cho xác thịt, cho khoái lạc và cho tội lỗi.

Chính vì thế, Con Thiên Chúa vì yêu thương, đã vâng phục, xuống thế làm người để hoàn tất chương trình cứu độ của Chúa Cha, để giải phóng và mang lại tự do cho con người. Nhưng nếu nhìn Ngài là một nhà cách mạng đến để giải phóng nhân loại khỏi ách nô lệ của cường quyền, như nhiều người Do Thái xưa, thì chúng ta sẽ hoàn toàn thất vọng. Trái lại, Đức Giê-su là Đấng Mêsia, Đấng Cứu độ và giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ của tội lỗi và cái chết, đem lại cho mọi người, mọi nơi, mọi thời tự do đích thực, sự sống đời đời và hạnh phúc vĩnh cửu vốn đã vì tội mà bị hư mất. Để thực hiện cuộc giải phóng vĩ đại ấy, cả cuộc đời trần thế, trong mọi lời nói, việc làm của Ngài đều có sức mạnh giải thoát, khi Ngài giảng dạy, chữa lành bệnh tật, trừ khử ma quỷ, hay cho kẻ chết sống lại… Và cuối cùng, để hoàn tất trọn vẹn chương trình cứu độ, Đức Giê-su đã chịu đóng đinh, chịu chết và phục sinh để mang lại ơn cứu độ và sự tự do viên mãn cho những ai tin vào Ngài, trong đó có những tâm hồn trẻ đang khao khát chân lý và tự do đích thực. Nhờ đó, Đức Giê-su không chỉ tôn trọng, phục hồi phẩm giá con người, nhưng đã mang đến sự mới mẻ kì diệu là việc nhìn nhận phẩm giá của mọi người, đặc biệt những người bị cho là “không xứng”.[10]

Tắt một lời, chiêm ngắm cuộc đời và con người bạn trẻ Giê-su, chúng ta nhận nơi Ngài hội tụ đầy đủ mọi yếu tố để trở nên Idol đích thực cho chúng ta. Đó là sự thu hút, sự tự do và hạnh phúc đích thực, những thực tại mà không một idol trần thế nào mang lại hay làm thỏa mãn trọn vẹn nỗi khao khát vô biên nơi tâm hồn con người, nhất là người trẻ trong thế giới hôm nay. Chính vì thế, chúng ta, những Ki-tô hữu, những người đã tin nhận Ngài làm lý tưởng và bước theo, chúng ta luôn xác tín chỉ nơi Ngài, chúng ta mới có sự sống và tự do đích thực. Cách riêng trong tư cách một nhà truyền giáo năng động, chúng ta cũng có bổn phận tận dụng mọi khả năng, trước là sống đúng lý tưởng Giê-su, và sau là để giới thiệu Đức Giê-su như một hình mẫu lý tưởng cho con người, nhất là cho người trẻ trong thế giới hôm nay. Nhờ đó, người trẻ không chỉ dừng lại ở việc chạy theo, cuồng hay sùng bái một idol nhân loại tức thời và có thể sụp đổ, nhưng biết đến với Đức Giê-su Ki-tô, Idol lý tưởng, để Ngài biến đổi, chữa lành, giải phóng, vì chỉ nơi Ngài, các bạn sẽ tìm được tự do, hạnh phúc đích thực và sự sống muôn đời.

[2] Cf. Thánh Công đồng Vaticano II, Tuyên ngôn về Giáo dục, số 2
[4] Cf. N. BERDYAEV, Thế giới quan của Dostoevsky, Nxb Tri Thức, Hà Nội năm 2017, tr. 72-73
[5] Cf. Christian Duquoc, Giêsu, Con người tự do, Lm Nguyễn Văn Hòa dịch, Nxb. Tôn Giáo, tr. 42
[6] Cf. Ibid., tr. 46-47
[7] Cf. Ibid., tr. 45
[8] Cf. Ibid., tr. 58-59
[9] Cf. Ibid., tr. 50
[10] Cf. Đức Thánh Cha Phan-Xi-cô, Tuyên ngôn về phẩm giá con người, Nxb. Tôn giáo, số 19

Tác giả: Thất Nguyễn

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập60
  • Máy chủ tìm kiếm11
  • Khách viếng thăm49
  • Hôm nay33,421
  • Tháng hiện tại688,629
  • Tổng lượt truy cập89,653,924
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây