Đức Maria được tiền định: Khi “Thiên Chúa sai Con mình tới” (Gl 4,4) nhưng để tạo một thân xác cho người, Thiên Chúa đã muốn có sự tự do cộng tác của một thụ tạo. Với mục đích ấy, từ muôn đời Thiên Chúa đã chọn Đức Maria làm Mẹ của Con mình, một người con gái Israel, một thiếu nữ Do Thái ở Nazareth miền Galilêa, “một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua Đavid, trinh nữ ấy tên là Maria” (Lc 1,26-27). Để làm Mẹ Đấng Cứu độ, Đức Maria “đã được Chúa ban cho các hồng ân xứng với nhiệm vụ cao cả ấy”[1]. “Lúc Truyền tin, thiên thần Gabriel đã chào Mẹ là “người đầy ân phúc”[2].
Qua các thế kỷ, Hội thánh đã ý thức rằng Đức Maria, vì được Thiên Chúa ban cho “đầy ơn phúc”, nên được cứu chuộc ngay từ lúc tượng thai. Tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội do Đức Giáo Hoàng Piô IX công bố năm 1854: “Rất Thánh Trinh Nữ Maria ngay từ lúc đầu tiên tượng thai, bởi ân sủng và đặc ân của Thiên Chúa toàn năng, trông vào công nghiệp của Đức Kitô Giêsu Đấng Cứu độ loài người, đã gìn giữ tinh tuyền khỏi mọi vết nhơ của nguyên tội”[3].
Năm 1858, khi hiện ra với cô Bernadette Soubirous ở Lộ Đức, Đức Maria giới thiệu mình là “Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội”. Câu này đã có hậu quả quan trọng trong lịch sử. – Reinold Schneider (1903–1958), văn sĩ Đức.
“Vô Nhiễm Nguyên Tội” nghĩa là gì ? “Từ muôn thuở và một cách hoàn toàn nhưng không, Thiên Chúa đã chọn Đức Maria làm Mẹ của Con mình. Để chu toàn sứ mạng này, Mẹ đã được ơn Vô Nhiễm ngay từ lúc được thụ thai. Điều này có nghĩa là, nhờ ân sủng của Thiên Chúa và đón nhận trước công nghiệp của Đức Giêsu Kitô, Đức Maria đã được gìn giữ khỏi tội nguyên tổ ngay từ lúc được thụ thai”[4].
“Gọi Đức Maria Vô nhiễm Nguyên tội nghĩa là gì? Hội thánh công giáo tin rằng “Thánh Nữ Đồng trinh Maria, từ lúc bắt đầu đậu thai, bởi ơn huệ và lòng quý mến đặc biệt của Thiên Chúa toàn năng, và bởi công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu chuộc, được gìn giữ khỏi lây nhiễm mọi vết nhơ của tội Tổ Tông, vì thế ta xưng tụng Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên Tội (Tín điều 1854). Trong lịch sử Hội Thánh, Kitô hữu đã sớm tuyên xưng Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội. Kiểu nói này ngày nay bị hiểu lầm. Nó có nghĩa là ngay từ lúc đầu, Thiên Chúa đã gìn giữ Đức trinh nữ Maria khỏi mắc tội tổ tông truyền. Kiểu nói đó không áp dụng cho việc thụ thai Chúa Giêsu trong lòng Đức Maria. Kiểu nói đó không phải là làm mất giá trị của tính dục Kitô giáo, coi như một người nam và một người nữ phạm tội với nhau để sinh con”[5].
“Đức Maria vô nhiễm nguyên tội là một tín điều dạy rằng Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa không hề bị nhiễm tội nguyên tổ (thuộc Tín điều). Người ta cũng tin rằng Mẹ không nhiễm tội cá nhân, và không vướng một ước muốn bất chính hay dục vọng nào (thuộc truyền thống và tính hợp lý). Tự bản tính, bà đã được giữ sạch khỏi tội nguyên tổ nhưng không có nghĩa là không phải chịu những khiếm khuyết do tội ấy gây ra. Cũng như Đức Giêsu, Đức Maria vẫn có những giới hạn của mình, nhưng những giới hạn này không hẳn là sự bất toàn về mặt luân lý”[6].
Các giáo phụ thuộc truyền thống Đông Phương gọi Mẹ Thiên Chúa là Đấng Toàn Thánh (Panaghia) và tôn vinh Mẹ là “Đấng không hề vương nhiễm một vết nhơ tội nào, như thể một tạo vật mới được Chúa Thánh Thần nắn đúc và tạo dựng”[7]. Nhờ ân sủng của Thiên Chúa, Đức Maria suốt đời tinh tuyền không hề phạm tội riêng nào. Nhờ ân sủng của Thiên Chúa, Mẹ phục vụ mầu nhiệm Cứu chuộc. Thánh Irênê nói: “Nhờ vâng phục, Đức Mẹ đã trở nên nguyên nhân ơn cứu độ cho chính mình và toàn thể nhân loại”.
“Đàng khác, nơi Người Nữ được tiên báo trong Tiền Tin mừng, nhiều giáo phụ và tiến sĩ Hội thánh nhận ra Đức Maria, Mẹ Đức Kitô, như là một “Evà mới”. Đức Maria là người đầu tiên và theo một cách thế độc nhất vô nhị, được thừa hưởng chiến thắng của Đức Kitô trên tội lỗi: Bà được gìn giữ khỏi mọi vết nhơ của tội tổ tông và trong suốt cuộc đời trần thế của mình, nhờ ân sủng đặc biệt của Thiên Chúa, Bà không hề phạm một tội nào”[8]. “Sự chết qua bà Evà, sự sống qua Đức Maria”[9].
[1] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 56: AAS 57 (1965) 60.
[2] X. Lc 1,28.
[3] ĐGH Piô IX, Tông sắc Ineffabilis Deus: DS 2803.
[4] Bản toát yếu – Sách giáo lý của hội thánh công giáo, Hội đồng giám mục Việt nam - Ủy ban giáo lý đức tin, NXB Tôn giáo, Tp. HCM 2013, tr. 65.
[5] Youcate, Giáo lý hội thánh công giáo cho người trẻ, NXB Văn Hóa - Văn Nghệ Tp.HCM, Tp. HCM 2016, tr. 85-86.
[6] Lm. Đặng Xuân Thành (Dịch Nhóm Chánh Hưng) (2008), Từ điển Công giáo phổ thông, NXB Phương Đông tr. 194-195.
[7] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 56: AAS 57 (1965) 60.
[8] Sách giáo lý của hội thánh công giáo, Hội đồng giám mục Việt nam - Ủy ban giáo lý đức tin, NXB Tôn giáo, Hà Nội 2010, tr. 131.
[9] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 56: AAS 57 (1965) 60-61.
Tác giả: Agape